Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Khi mở cửa thị trường cũng là lúc bùng nổ “buôn thần, bán thánh”.
Đồ vật được sản xuất cho mục đích tôn giáo hay thờ phụng đã tồn tại từ nhiều thế kỷ ở Đông Á. Mặc dù vậy, phải đến gần đây các học giả mới chuyển hướng chú ý đến, xem việc đặt những bức tượng thần ở nơi thờ là thực hiện tôn giáo có ý nghĩa, cũng như tính chất lịch sử của việc này.
Bàn về vấn đề này, người viết xin giới thiệu đến bạn đọc nghiên cứu “Beautiful and efficacious statues: magic, commodities, agency and the production of sacred objects in popular religion in Vietnam” (tạm dịch: Những bức tượng đẹp và thiêng: phép màu, hàng hóa, tác năng và việc sản xuất thánh vật trong các tôn giáo phổ biến tại Việt Nam) từ nhóm tác giả Laurel Kendall, Vũ Thị Thanh Tâm và Nguyễn Thị Thu Hương, đăng trên The Journal of Objects, Art and Belief.
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả tìm hiểu sự vận hành của mối quan hệ giữa con người và những thánh vật, tượng thần ở các cơ sở tôn giáo trong nền kinh tế thị trường đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam.
Theo đó, chúng ta có bối cảnh đặc biệt của một quốc gia đang phát triển, nơi các nhà xưởng cố gắng sản xuất thánh vật như thể chúng là hàng hóa thương mại thông thường. Ngoài ra, cũng có thể nhắc đến mối quan tâm cao độ của thị trường quốc tế thường dẫn đến tình trạng cổ vật châu Á dễ bị đánh cắp.
Cho đến hiện nay, hầu hết các nghiên cứu về tác năng (agency) và vật chất (materiality) của thánh vật thường bị cho là còn nhiều thiếu sót. Ví dụ, nhóm tác giả chỉ ra quan điểm của học giả Tim Ingold, cho rằng các nghiên cứu này thường phớt lờ đi những vật liệu hữu hình và phương pháp sản xuất thương mại để tạo ra các vật phẩm linh thiêng.
Nhóm tác giả thừa nhận tầm quan trọng của phương pháp sản xuất và nguyên vật liệu trong bất kỳ cuộc thảo luận có ý nghĩa nào liên quan đến tượng thần Việt Nam. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng trong thị trường mua bán thánh vật, cả tác năng của thánh vật và quy trình sản xuất ra chúng có thể giúp cách tiếp cận nghiên cứu trở nên phong phú hơn. Nói cách khác, một thị trường mở sẽ tạo ra sự phân cấp giá trị và đa dạng lựa chọn của người tiêu dùng đối với tượng thần.
***
Các tác giả đã ghi nhận rằng hầu hết các tôn giáo phổ biến ở Việt Nam đều có xu hướng biến các bức tượng thần, thánh tự thân trở nên linh thiêng hơn và gần gũi hơn với con người. Ý tưởng về mối quan hệ giữa con người và các bức tượng thần khiến tôn giáo mà họ theo đuổi có tính cá nhân hóa cao, hàm chứa ý nghĩa sâu sắc, gần gũi với trải nghiệm của từng tín đồ.
Tại Việt Nam, tồn tại một số nghi lễ như hô thần nhập tượng được cho là giúp đưa thánh ý vào bức tượng. Một người có uy tín về tín ngưỡng, tôn giáo sẽ làm công việc đánh thức các giác quan của tượng. Quy trình hóa phép này giúp tượng thần trở nên uy nghiêm hơn so với những vật phẩm tín ngưỡng khác trên bàn thờ như lư hương, tranh ảnh, hình tổ tiên, bài vị, và bục thờ thần.
Các bức tượng sau khi hóa phép được xem chính là hiện thân của các vị thần. Ngôi đền nào càng có nhiều tượng thần được hóa phép thì được cho là càng linh thiêng.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa người và tượng thần cũng có nhiều nguyên tắc, nếu không thực hiện đúng sẽ xảy ra những xui xẻo, rủi ro nhất định. Ví dụ, khi thực hiện nghi lễ hô thần nhập tượng, người chủ trì buổi lễ phải giữ mình ở tình trạng thanh khiết, phải kiêng khem nhiều thứ. Nếu thực hiện nghi lễ thiếu cẩn thận khiến bức tượng vẫn còn “vấy bẩn”, các vị thần sẽ không đến trú ngụ bên trong.
Hay đối với những bức tượng chưa hóa phép, nếu không cẩn thận trong quá trình di chuyển từ cơ sở tạc tượng đến bàn thờ, thì việc ma quỷ xâm nhập hay những vong hồn xấu bị mời gọi vào trú ngụ bên trong vẫn có thể xảy ra. Khoảng trống trong thân tượng cũng là nơi mà người ta dễ đưa những thứ đồ không phù hợp vào. Chẳng hạn, nếu ai đó lén đặt một tấm bùa ếm hoặc lén đóng đinh vào trong, tượng có thể bị mất đi tính thiêng.
Tượng đặt trên bàn thờ thế nào, cách tắm tượng ra sao, hay quét dọn phòng đặt tượng kiểu gì, cũng cần tuân theo những nguyên tắc nhất định, nếu không thì nhiều chuyện bất trắc có thể ập tới.
Khi hạ những bức tượng khỏi bàn thờ, người ta cũng phải làm nghi lễ giải phóng thần ra khỏi tượng và đưa tượng trở lại trạng thái trước đó, nhưng nghi thức này sẽ ít công phu hơn so với lúc nhập tượng.
Có thể thấy một loạt các nguyên tắc được đặt ra trong quan hệ giữa con người và tượng thần, cho thấy sự thỏa thuận không chính thức của các tín đồ đối với các vị thần hóa thân trong tượng. Người dân xem tượng thần như một thực thể có sức mạnh, đầy quyền năng, có thể ban phước nhưng cũng có thể phạt tội nếu phạm vào các quy ước trong mối quan hệ nói trên.
***
Trong dân gian, người ta hay kể cho nhau nghe những câu chuyện về việc thần thánh phạt tội khi chính quyền cho phá hủy tượng trong các chiến dịch chống mê tín dị đoan. Theo đó vào thập niên 1970 ở một địa phương phía Nam của Hà Nội, chính quyền cho thu gom tượng thần từ nhiều ngôi đền, miếu dọc theo sông Hồng rồi tiêu hủy hoặc ném xuống sông. Từ đó, xuất hiện nhiều câu chuyện truyền miệng về việc người thân trong gia đình của những người ném tượng bị phát điên hay bị chết trôi một cách bí ẩn.
Những câu chuyện như vậy đem đến nỗi sợ hãi cho dân chúng, qua đó giúp ngăn ngừa tình trạng đánh cắp tượng thần. Tuy nhiên, thị trường đồ cổ sôi động như hiện nay lại khuyến khích, tiếp tay cho hành vi đánh cắp.
Có những bức tượng với nguồn gốc không rõ ràng, khoang bên trong thân tượng vẫn còn y nguyên, xác tượng chưa được làm phép đúng nghi thức vẫn được mua bán hay trao đổi trên thị trường. Có nhiều nhà sưu tập cá nhân hay những người mua bán cổ vật không mảy may lo ngại về việc bị thần thánh trừng phạt, hay về khả năng những bức tượng bị đánh cắp từ đền, chùa rồi tuồn ra ngoài. Thậm chí đôi khi họ còn không quan tâm những bức tượng vẫn còn nguyên bùa chú bên trong khoang.
Nhìn chung, cách người ta mua bán những bức tượng thần vì món lợi thu được và vì sở thích sưu tầm có thể vượt qua nỗi sợ về quyền năng trừng phạt của thần thánh. Chuyện kể về quả báo hay trừng phạt không làm những người này phải băn khoăn.
***
Với sự kiện chính thức chấp nhận mở cửa thị trường vào năm 1986 và nới lỏng dần các hạn chế đối với việc thực hành tôn giáo phổ biến, thị trường hàng hóa liên quan đến tôn giáo ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng. Lúc này, các làng thủ công đã hồi sinh, mở rộng hoặc có đổi mới trong việc sản xuất hàng hóa tâm linh. Điều này cũng dẫn đến một hệ quả ngoài dự tính đó là làm cho thị trường đồ cổ bị đánh cắp trở nên sôi động hơn.
Bên cạnh đó, sự nở rộ của thị trường cúng bái dẫn đến việc những bức tượng chất lượng kém sản xuất đại trà được bán rộng khắp. Ở làng nghề điêu khắc truyền thống Sơn Đồng, những bức tượng được sản xuất với giá rẻ ngày càng nhiều; chất lượng giảm rõ rệt; sử dụng nguyên vật liệu rẻ tiền và được chạm trổ qua loa, thiếu chú trọng đến hình thức và vẻ đẹp của sản phẩm.
Một số đồng cốt hay người giữ đền cho rằng tượng làm theo phương pháp truyền thống sẽ linh nghiệm hơn so với các bức tượng được sản xuất hàng loạt.
Yếu tố linh nghiệm cũng đến từ chính nguyên vật liệu sản xuất ra sản phẩm. Tượng đồng được cho là sẽ linh nghiệm hơn tượng gỗ bởi vì kim là nguyên tố ở bậc cao hơn so với mộc trong Ngũ hành, do đó sẽ làm trung gian hiệu quả hơn cho việc gọi thần vào tượng và chuyển lời thỉnh cầu của bá tánh khi đến thờ cúng. Trong khi đó, người ta lại cho rằng những bức tượng bằng sứ kém linh nghiệm hơn. Đồ sứ được sản xuất hàng loạt qua một quy trình công nghiệp phức tạp. Do được nung ở nhiệt độ cao nên người ta nhìn vào và thấy hình ảnh thánh thần bị đốt cháy, năng lượng linh thiêng bị phá hủy, giống như cách đốt để hủy tượng sau khi làm lễ xuất thần. Mặc dù đồ sứ là một trong những mặt hàng sản xuất hàng loạt lâu đời nhất trên thế giới, nhưng chúng vẫn bị xem là đồ công nghệ hiện đại, do đó không phù hợp với việc thực hành tâm linh và tất nhiên không thể là món thánh vật linh nghiệm.
Đối với giới nghệ nhân, các nghi lễ, những điều kiêng kỵ, cùng với nguyên vật liệu, kỹ thuật tỉ mỉ, v.v. là những điều cần phải có, là một phần tạo nên “hào quang” cho bức tượng.
Nhìn chung, những người buôn tượng, nghệ nhân, hay những đồng cốt sẽ nhận biết được sự khác biệt rõ ràng giữa tượng sản xuất hàng loạt với chất lượng kém (hay còn được gọi là hàng chợ), tượng làm theo đơn đặt hàng với chất lượng tốt hơn (hàng đặt), và tượng được sản xuất theo quy trình sản xuất truyền thống với giá thành cao ngất ngưởng. Các đặc tính làm cho một bức tượng trở nên linh nghiệm hơn sẽ giúp nâng cao giá trị của chúng hơn trong mắt các đồng cốt và người giữ đền.
***
Thị trường hàng hóa tâm linh hồi sinh tạo ra sự phân cấp về giá trị và đa dạng lựa chọn của người tiêu dùng. Việc sản xuất được chuyên môn hóa làm cho các bức tượng trở nên rẻ hơn, và được sử dụng trong nhiều đền thờ, gia đình trung lưu hơn, từ đó giúp phổ biến sự hiện diện của thánh thần trong đời sống.
Trong khi đó, những bức tượng được sản xuất tỉ mỉ về hình thức và kỹ thuật sẽ có giá trị cao hơn. Các bức tượng được chế tác tinh xảo còn cho thấy đồng cốt, người gác đền có kiến thức và kinh nghiệm dồi dào, có khả năng tài chính, và qua đó hoàn toàn đảm đương được công việc của mình tại các điểm thờ phụng. Những ngôi đền trở nên linh thiêng hơn nhờ những bức tượng và việc cầu nguyện vì vậy cũng sẽ càng linh nghiệm hơn.
Trong một thị trường mở và phức tạp, các tôn giáo vừa đồng thời chống lại nhưng cũng vừa chịu khuất phục trước mối quan hệ giữa con người và vật phẩm thờ phụng, mối quan hệ mà giờ đây đã được thương mại hóa.