‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Gãy lưng vì thủ tục xin miễn thuế.
Ở các kỳ trước, tôi đã chứng minh tính chất phi lợi nhuận của các tổ chức khoa học - công nghệ (trong đó có CHANGE) và cách nhà nước đánh thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên tiền viện trợ. Ở kỳ này, tôi sẽ chỉ ra cách nhà nước miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các tổ chức nhưng cũng như không.
Trước hết, thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế đánh vào lợi nhuận phát sinh từ hoạt động của doanh nghiệp. Công thức cơ bản là lấy doanh thu trừ đi chi phí sẽ ra thu nhập chịu thuế, từ đó nhân với thuế suất sẽ ra khoản thuế TNDN phải nộp.
Bạn sẽ thắc mắc: tổ chức phi lợi nhuận thì lấy đâu ra… lợi nhuận để mà phải chịu thuế TNDN? Vấn đề phức tạp hơn thế một chút, vì quả thực pháp luật có miễn rất nhiều loại thuế thu nhập doanh nghiệp cho các tổ chức phi lợi nhuận thật.
Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, các tổ chức phi lợi nhuận cũng là đối tượng chịu thuế TNDN. [1] Tuy nhiên, luật này có quy định một số loại thu nhập mà các tổ chức được miễn thuế. Trong đó, có các khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và các hoạt động xã hội khác tại Việt Nam. [2]
Vấn đề nằm ở chỗ, để được hưởng cơ chế miễn thuế này, các tổ chức phi lợi nhuận phải… trèo lên đỉnh Olympia, mà trèo không có nổi.
Tương tự như thủ tục hoàn thuế GTGT đã đề cập ở kỳ trước, các tổ chức phi lợi nhuận phải có giấy phép hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan thì mới được miễn thuế TNDN đối với các khoản tài trợ kể trên.
Ví dụ, một tổ chức thành lập theo Luật Khoa học và Công nghệ hoặc một doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp phải có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ do Bộ/sở khoa học và công nghệ cấp. Đối với hợp đồng nghiên cứu khoa học thì phải được chính quyền xác nhận là hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Nếu các tổ chức phi lợi nhuận sử dụng khoản tài trợ không đúng mục đích thì phải nộp thuế TNDN tính trên phần sử dụng sai mục đích. Đồng thời, tổ chức nhận tài trợ theo quy định này phải được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán thống kê. [3]
Để được miễn thuế TNDN đối với các khoản viện trợ nước ngoài, trước hết, các tổ chức phi lợi nhuận phải lựa chọn một trong ba chế độ kế toán để lập báo cáo thuế, gồm chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, chế độ kế toán dành cho các hoạt động xã hội và từ thiện, và chế độ kế toán doanh nghiệp.
Họ cũng phải đăng ký phương pháp tính thuế với cơ quan nhà nước: phương pháp khấu trừ hoặc phương pháp trực tiếp. Định kỳ, họ phải kê khai hoá đơn GTGT cùng báo cáo thuế GTGT (theo quý) và thu nhập doanh nghiệp (theo năm).
Đến đây thì mọi thứ chưa có gì gian truân cho lắm, vì hầu hết những thứ kể trên đây vốn chỉ là những thủ tục thông thường với bất kỳ pháp nhân nào. Đường lên đỉnh Olympia bắt đầu thực sự gập ghềnh từ một núi các thủ tục phê duyệt… không thể hoàn thành.
Các tổ chức phải chịu gánh nặng hành chính đối với các thủ tục phê duyệt dự án, [4] xác nhận viện trợ, [5] thì mới được xem xét miễn thuế TNDN và hoàn thuế GTGT.
Theo đó, cơ quan chủ quản[6] sẽ phê duyệt dự án sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của ít nhất bốn bộ và các cơ quan chuyên môn liên quan, gồm Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Nếu nhà tài trợ là tổ chức phi chính phủ nước ngoài thì phải có thêm ý kiến của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO).
Thủ tướng là người phê duyệt các khoản viện trợ có nội dung liên quan đến an ninh, quốc phòng, tôn giáo và trực tiếp hỗ trợ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Dự án thực hiện ở địa phương nào thì còn phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh tại địa phương đó. Quy trình để UBND có văn bản đồng ý cũng tương tự quy trình thực hiện ở cấp trung ương.
Bộ Tài chính sẽ thực hiện các thủ tục xác nhận viện trợ sau khi các tổ chức phi lợi nhuận (gọi là chủ các khoản viện trợ) nộp hồ sơ xin xác nhận viện trợ theo quy định, bao gồm quyết định phê duyệt thực hiện dự án. Từ năm 2020, chủ các khoản viện trợ lại là hội chủ quản của các tổ chức phi lợi nhuận.[7]
Khi mỗi kết thúc dự án, chủ khoản viện trợ phải nộp quyết định phê duyệt dự án, xác nhận viện trợ cùng với bảng tổng hợp các khoản thuế, phí, lệ phí đã nộp cho nhà nước. Theo quy định, họ phải chờ trong vòng 30 ngày để được xem xét miễn thuế TNDN và hoàn thuế GTGT. [8]
Thỏa thuận tài trợ dù có quy mô to hay nhỏ đều phải đi hết quy trình này.
Và đây là chốt chặn sau cùng, khiến cho không “thí sinh” nào lên được đỉnh Olympia: Bộ Tài chính.
Kể từ năm 2016 tới nay, Bộ Tài chính không xác nhận các khoản viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước. Lý do vì không có cơ sở pháp lý liên quan đến chế độ kế toán phù hợp để Bộ Tài chính xác nhận các khoản viện trợ không đi qua kho bạc nhà nước.
Không có giấy xác nhận viện trợ của Bộ Tài chính, các tổ chức phi lợi nhuận không có đủ hồ sơ để xin miễn thuế TNDN và hoàn thuế GTGT.
Và đó là một cơ chế miễn thuế kiểu… đố mày xin được. CHANGE là nạn nhân.
Theo kết luận điều tra, cáo trạng và bản án đối với bà Hoàng Thị Minh Hồng, toàn bộ doanh thu 68 tỷ đồng của CHANGE là thu nhập doanh nghiệp và phải chịu 5% thuế TNDN. Báo chí nhà nước cũng đưa tin “bà Hồng thừa nhận số tiền này phát sinh từ các dịch vụ của CHANGE chứ không phải tiền nhận được của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài chuyển về”. [9]
Tuy nhiên, Kết luận kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, ít nhất có hai thỏa thuận với giá trị hơn 1,2 triệu đô-la Mỹ của tổ chức WildAid (Cứu trợ động vật hoang dã) tài trợ cho CHANGE. [10] Số tiền này tương đương gần 30 tỷ đồng, tức chiếm tới 44% của tổng số tiền 68 tỷ đồng.
Bản kết luận cũng cho thấy, cả hai thỏa thuận đã được hội chủ quản là VUSTA phê duyệt theo thủ tục tiếp nhận viện trợ không hoàn lại (non-refundable aids) vào năm 2018 và 2021, và đều thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ.
Số tiền tài trợ này nhẽ ra phải được miễn thuế, nhưng cơ quan chức năng vẫn đánh thuế và ép bà Hồng phải nộp. Dĩ nhiên, để được miễn thuế với hai khoản tài trợ này, CHANGE cũng phải đi qua đủ các cửa như đã kể trên, và sau cùng vẫn phải dừng lại ở cửa Bộ Tài chính.
Và đây là lý do khiến các tổ chức phi lợi nhuận thường không đi theo con đường xin phê duyệt viện trợ để được miễn thuế, mà chọn cách ký hợp đồng dịch vụ với các nhà tài trợ, miễn cưỡng chấp nhận trả thuế.
Loạt bài “CHANGE và án trốn thuế”: