‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Cuốn sách dành tặng dân tộc Việt Nam.
“Việt Nam Cộng hòa và dòng họ Ngô Đình” phát hành năm 2013, nhân dịp tưởng niệm 50 năm sự ra đi đầy bi kịch của hai anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu. Đây là một cuốn sách tư liệu gia đình với nhiều tư liệu và hình ảnh, do chính hai người con của ông Ngô Đình Nhu là Ngô Đình Quỳnh và Ngô Đình Lệ Quyên cùng nhà văn người Pháp Jacqueline Willemetz biên soạn, lời đề tặng dành cho dân tộc Việt Nam.
Cuốn sách có hai phần chính, gồm gia phả nhà Ngô Đình và hồi ký “Viên sỏi trắng” được viết bằng tiếng Pháp của bà Trần Lệ Xuân.
Chương một tóm lược lịch sử gia đình họ Ngô - Đình, mà đích thực bắt nguồn từ thời Ngô Quyền, vị vua có công giúp dân tộc Việt giành độc lập khỏi Trung Quốc. Đến thế kỷ 14, đây là một trong những dòng họ đầu tiên trở thành những tín đồ Công giáo. Gia đình họ Ngô đã phải đánh đổi cho đức tin của mình bằng xương máu. Năm 1870, nhiều thành viên dòng họ đã mất mạng trong vụ tấn công đốt nhà thờ giáo xứ Huế.
Có thể nói, người làm nên tên tuổi của dòng họ Ngô Đình trước hết là ông Ngô Đình Khả, một vị quan trung thành của vua Thành Thái và cũng là một tín đồ Công giáo yêu nước. Chính ông đã rời bỏ mọi vị trí của mình để chống lại thực dân khi Pháp truất ngôi của vua Thành Thái vào năm 1907. Ngô Đình Khả chú trọng giáo dục con cái, đặc biệt là tinh thần dân tộc và lòng đam mê tri thức. Là một tín đồ Công giáo nhưng Ngô Đình Khả không chịu thỏa hiệp với người Pháp, ông từ chối những đặc quyền mà chính quyền thuộc địa ưu ái cho những tín hữu Việt lại có học thức.
Tất cả những người con của ông đã đóng vai trò nhất định trong tiến trình độc lập của đất nước vào thế kỷ 20. Người con cả Ngô Đình Khôi từng giữ chức thống đốc tỉnh Quảng Nam, tham gia các buổi họp cùng Việt Minh nhưng cuối cùng đã quyết định không gia nhập. Tiếp đến là Ngô Đình Thục là Tổng giám mục Tổng Giáo phận Huế, ông là người đại diện cho Việt Nam Cộng hòa tại Hội nghị Công đồng Vatican II ở Roma. Người con thứ ba, Ngô Đình Diệm, là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, là một luật sư có đam mê với kinh tế và nông nghiệp.
Ngô Đình Nhu là chuyên gia văn khố và từng giữ chức quản lý cấp phó ở Thư viện Hà Nội, ông nổi tiếng với vai trò cố vấn chính trị cho chính quyền miền Nam của Tổng thống Diệm. Ngô Đình Cẩn làm cố vấn và phụ trách quản lý Trung phần. Trong khi đó, Ngô Đình Luyện là luật sư, Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Anh.
Chương hai giới thiệu lịch sử ra đời của nước Việt Nam Cộng hòa vào năm 1954. Tổng thống Diệm luôn trăn trở về trình độ dân trí của dân chúng, trong khi ông cố vấn Nhu đặt định hướng phát triển của nước Việt hiện đại gắn liền với Nho giáo, nhấn mạnh vào tôn ti trật tự và sự hài hòa trong xã hội. Đó cũng chính là nền tảng của chủ nghĩa nhân vị mà hai anh em họ Ngô muốn nhấn mạnh.
Tác giả nhấn mạnh bốn khía cạnh của chủ nghĩa nhân vị. Trước hết là khía cạnh tâm linh: con người không thể theo đuổi giá trị vật chất mà phải có niềm tin, xã hội không thể chỉ được vận hành bằng chủ nghĩa tư bản và phải được giáo dục lòng nhân ái và tinh thần đồng cảm. Tiếp đó là khía cạnh xã hội mà bắt đầu bằng tình yêu gia đình: không thể bắt con người hy sinh cho xã hội một cách vô lý, không thể xem con người là một sinh vật mà nhà nước sở hữu.
Chủ nghĩa nhân vị khẳng định giá trị gia đình, vì gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, là nơi nương tựa của mỗi cá nhân. Khía cạnh chính trị thể hiện ở việc các giá trị tư do cơ bản phải gắn liền với nhân văn. Cuối cùng là khía cạnh kinh tế: con người cần lao động, sản xuất, nhưng không thể lao động như nô lệ, và thành quả lao động của họ không thể bị tước đoạt bởi bất cứ thế lực thống trị nào.
Tác giả cũng lý giải rằng những giá trị tốt của xã hội Nho giáo cần phải được gìn giữ và phát huy. Chẳng hạn, hệ thống thi cử Nho giáo chọn ra những người tài làm quan cũng chính là cho phép dân thường được tham gia chính trị. Việc tuyển người bằng năng lực cần phải được giữ gìn và phát huy.
Hai anh em Diệm và Nhu chú trọng đầu tư giáo dục và cải cách ruộng đất. Là một người học chuyên về văn khố, Ngô Đình Nhu vô cùng tức giận về việc đốt kho lưu trữ năm 1946 của phe cộng sản.
Bà Trần Lệ Xuân, vợ của ông Ngô Đình Nhu, thường được gọi là Đệ nhất phu nhân vì tổng thống Diệm không lập gia đình. Dù vậy, chính bản thân bà Nhu cũng là một chính khách có vai trò lớn trong việc điều hành đất nước. Bà là người cổ vũ cho quyền phụ nữ và có đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng Luật Gia đình.
Trong chương tiếp theo của cuốn sách, hai anh em Diệm và Nhu hoàn toàn biết một âm mưu đảo chính và việc Mỹ kích động tướng lĩnh tiến hành điều đó, do hai anh em chủ trương chính sách độc lập với Mỹ. Cuốn sách chỉ ra những bằng chứng cho thấy Mỹ đã câu kết với chính quyền miền Bắc để chống lại Việt Nam Cộng hòa. Thậm chí vào trước khi đảo chính, Mỹ đã triệu hồi đại sứ, người được cho là rất thân thiết với tổng thống Diệm.
Ngô Đình Nhu đưa các con đi chỗ khác để gia đình được an toàn. Hai anh em Diệm và Nhu được quyền đi nơi khác để bảo toàn tính mạng nhưng họ đã quyết tâm ở lại quê hương đến khi trút hơi thở cuối cùng. Họ không muốn có một cuộc đổ máu giữa những người Việt với nhau.
Sau cuộc đảo chính, trong số các anh em nhà họ Ngô Đình chỉ có duy nhất Ngô Đình Thục và Ngô Đình Luyện còn sống sót vì sống ở nước ngoài. Mỹ từ chối quyền tị nạn chính trị của ông Ngô Đình Cẩn ở Mỹ, và cũng không bảo vệ ông khỏi bị hành quyết vào năm 1964. Người anh của ông Nhu là Ngô Đình Thục đã hỗ trợ mẹ con bà Trần Lệ Xuân định cư tại Ý khi sau đảo chính.
Ở chương bốn, tác giả tìm cách đối thoại với độc giả về những cáo buộc thường gặp đối với chính phủ Ngô Đình Diệm. Trước hết, có ý kiến cho rằng Tổng thống Diệm không tôn trọng Hiệp định Geneve, song thực chất các bên của Hiệp định còn bao gồm đại diện Pháp và phái đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc Việt Nam. Cả hai bên đều không đồng thuận về cuộc tổng tuyển cử năm 1956 dự kiến diễn ra trên toàn quốc.
Các tác giả đưa ra những bình luận về vấn đề tôn giáo, đặc biệt không né tránh biến cố Phật giáo dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau sự kiện gây chấn động khắp thế giới vào năm 1963, người ta chỉ dùng hình ảnh Thích Quảng Đức tự thiêu như một bằng chứng để lên án Diệm.
Phần hai của cuốn sách là những trang viết hiếm hoi của bà Nhu mà mãi sau này gia đình mới tiết lộ cho công chúng. Cuốn hồi ký được viết trong những ngày bà sống tại Ý. Bà Lệ Xuân tự nhận mình sống nửa thế kỷ trong im lặng.
Bà tị nạn ở Ý cùng bốn người con, rồi qua đời tại đất nước này. Phần hồi ký được bà Nhu viết hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Bà mô tả cuộc sống của mình, sinh ra trong gia đình quyền quý nhưng “sự tiện nghi xa hoa không khiến tôi thấy hạnh phúc”.
Cho dù không tránh khỏi những nhìn nhận chủ quan, phiến diện, nhưng rõ ràng đây là một tài liệu quý giá khi công chúng có thể xem lịch sử qua góc nhìn của những người trong cuộc, người thân của một gia đình đã xây dựng đất nước dân chủ ở Việt Nam trong chín năm ngắn ngủi.
Bạn có thể mua quyển “La République du Viêt-Nam et les Ngô-Ðình: Suivi des mémoires posthumes de Madame Ngô-Ðình Nhu” bản tiếng Pháp tại đây, bản tiếng Việt tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.