Dập tắt lửa giận, hóa giải nỗi đau

Những quan điểm ôn hòa đến mức gây tranh cãi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Dập tắt lửa giận, hóa giải nỗi đau
Ảnh bìa sách: Phương Nam Books, Nhà xuất bản Thế giới. Đồ họa: Luật Khoa.

Ngày 10/9/2001, cuốn sách “Anger: Wisdom for Cooling the Flames” (tựa tiếng Việt: “Giận”) của thiền sư Thích Nhất Hạnh được xuất bản tại Hoa Kỳ. Một ngày sau, cuộc tấn công khủng bố vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới khiến 2.977 dân thường thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương. [1] Biến cố đau lòng này khiến toàn thể nước Mỹ chìm trong bi ai và phẫn uất. “Giận” lọt vào danh mục sách bán chạy nhất Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới thời điểm đó. [2]

Sự việc đáng tiếc đã xảy ra, nhiều nạn nhân đã vĩnh viễn ra đi, nhưng thân nhân của họ và những người may mắn thoát nạn vẫn còn phải sống tiếp. Đời sống tinh thần của người ở lại sẽ ra sao, và cơn giận của xã hội có thể được xử lý như thế nào?

Phương pháp thực hành chánh niệm (mindfulness) được trình bày trong cuốn sách “Giận” đã giúp rất nhiều độc giả vượt qua nỗi đau, chuyển hóa được nội tâm của chính mình và tìm lại hy vọng. Mong rằng chỉ dẫn trong cuốn sách có thể là giải pháp ứng cứu tạm thời cho những ai đang cần đến giữa bối cảnh điều kiện y tế liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần - mà cụ thể là rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (post-traumatic stress disorder, hay PTSD) tại Việt Nam còn nhiều điểm hạn chế như hiện nay. [3]

***

Ở phần mở đầu, thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng:

“Theo lời Bụt dạy, điều kiện căn bản của hạnh phúc là tự do. Tự do đây không phải là tự do trong lĩnh vực chính trị mà là tự do khi không còn bị sân hận, kiêu căng, ghen ghét, tuyệt vọng, si mê ràng buộc. […] Bụt gọi (đó) là những chất độc. Khi tâm còn bị những chất độc đó chế ngự thì không thể nào có được hạnh phúc.”

Nhận định trên được thiền sư sử dụng làm tiền đề cho việc khuyến khích tu tập, “cho dù bạn là tín đồ Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo hay Do Thái giáo”. Nếu thực tập đúng phương pháp, chúng ta không chỉ tự chuyển hóa được đau khổ của chính mình mà còn giúp được những người xung quanh chuyển hóa đau khổ của họ.

Thiền sư cho rằng một người nói những lời đầy sân hận, căm hờn là vì người ấy đang vô cùng đau khổ. Nếu hai người vô cùng đau khổ ở cạnh nhau thì giữa họ sẽ hoặc không có sự truyền thông, hoặc sự truyền thông không mang ái ngữ.

Mấu chốt của việc thấu hiểu và chuyển hóa cơn giận nằm ở ba điểm: nuôi dưỡng tâm từ bi, thực tập lắng nghe sâu, và sử dụng ái ngữ. Nếu có pháp môn đúng và thực tập tốt thì không cần đợi đến 5 hay 10 năm, mà chỉ cần vài giờ đồng hồ ta đã có thể giúp người gặp đau khổ chuyển hóa và chữa trị.

Nhưng nếu ngọn lửa giận đang thiêu đốt chính tâm ta thì sao?

Thường khi tức giận và đau khổ, ta muốn ngay lập tức nói hay làm gì đó để trừng phạt người khác – đặc biệt là người làm cho ta giận, ta khổ. Khi ta làm họ khổ, họ sẽ trả đũa làm ta khổ thêm. Đau khổ sẽ leo thang cho cả hai bên, dù cả hai bên đều cần tình thương và sự giúp đỡ.

Khi một căn nhà bị cháy, điều đầu tiên ta cần làm là dập lửa, không phải chạy theo bắt kẻ mà ta nghi là đã đốt nhà. Vậy thì khi giận, ta cần quay về thân tâm chăm sóc cơn giận của mình, không nói hay làm gì hết để tránh gây ra đổ vỡ.

Theo thiền sư, Bụt đã chỉ cho ta nhiều công cụ hữu hiệu để dập lửa như hơi thở chánh niệm, bước đi chánh niệm, thực tập ôm ấp sân hận, quán chiếu tri giác, v.v. Sau khi được ôm ấp bằng năng lượng của tia nắng chánh niệm (khoảng 10 đến 20 phút), cơn giận sẽ từ từ khai mở – như một bông hoa. Nhờ đó ta có thể thấy bản chất của cơn giận. Nhìn sâu vào người làm ta giận, ta nhận ra họ cũng đang đau khổ và cần được giúp đỡ.

***

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng tất cả chúng ta đều có sẵn hạt giống giận trong chiều sâu tâm thức. Nếu không tu tập, hạt giống giận sẽ mạnh hơn hạt giống hiểu biết, thương yêu. Nếu tu tập, ta sẽ có tuệ giác để nhận ra rằng nguyên nhân chính của khổ đau nằm ở hạt giống giận trong tâm ta, người làm ta giận chỉ là nguyên nhân thứ yếu.

Nhờ đó mà ta bớt khổ rất nhiều.

Một người không biết xử lý hạt giống giận của mình sẽ làm vương vãi đau khổ ra xung quanh. Bởi vậy, nỗi đau khổ thường lây lan trong gia đình, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Chỉ có tu tập chánh niệm mới giải thoát một người khỏi khổ đau, cũng như chỉ có thương yêu và tha thứ mới cắt đứt được vòng luân hồi sân hận.

“Hòa bình, hòa giải và hạnh phúc bắt đầu từ chính bạn.” Hiệp ước sống chung an lạc cần được xây dựng không chỉ giữa người với người mà còn giữa quốc gia với quốc gia.

Để chuyển hóa đau khổ, thiền sư khuyến khích chúng ta khai mở và tái lập truyền thông với những người xung quanh. Đối thoại được nhấn mạnh là điều cực kỳ cần thiết, khi đó là những lời nói xuất phát từ thương yêu, hiểu biết, và giác ngộ.

***

Thiền sư nhấn mạnh rằng: “Bụt không bao giờ khuyên ta đè nén cơn giận. Bụt dạy chúng ta trở về với tự thân và chăm sóc cơn giận.” Cơn giận của ta cũng như một bộ phận trong cơ thể; khi bị đau bao tử ta không nói: “Này bao tử, mày hãy cút đi!”; vậy nên ta không thể đuổi cơn giận biến mất.

Ông cũng viện dẫn một bài báo trên tờ The New York Times số ngày 9/3/1999 có nhan đề “Letting Out Aggression is Called Bad Advice”. [4] Theo đó, nhiều nghiên cứu mới nhất của các nhà tâm lý học xã hội (social psychologists) đưa đến kết luận rằng biểu lộ sân hận bằng cách “xả hơi” (venting) như đấm vào gối, đánh bao cát, v.v. theo lời khuyên của các nhà tâm thần học (psychiatrists) thực ra không giúp ích được gì, thậm chí có thể làm tình hình tồi tệ hơn. 

Hậu quả của phương pháp “xả hơi” rất nguy hại vì cơn giận cần có năng lượng để được phát hiện. Khi chúng ta giải trừ năng lượng giận dữ bằng cách trút giận vào đâu đó khiến cơ thể mệt nhoài, ta nghĩ rằng cơn giận đã tiêu tan nhưng thực ra không phải: gốc rễ vô minh và thiếu thương yêu của nó vẫn còn.

Đặc biệt, khi tưởng tượng ra cái gối mình đấm là đối tượng của sự ghét bỏ, chúng ta đang tập dượt cho sự sân hận của mình, làm cho mầm mống bạo động càng lớn thêm.

***

Hiểu biết và từ bi – ngược lại với u mê và thụ động – là hai nguồn năng lượng rất mạnh. Theo thiền sư, cho rằng từ bi là thụ động, yếu đuối hay hèn nhát tức là không hiểu gì hết về ý nghĩa đích thực của hiểu biết và từ bi. Sẽ là sai lầm khi cho rằng những người có tâm từ bi không bao giờ chống đối hay phản ứng với bất công. Người có tâm từ bi hành động trên căn bản của quan điểm bất nhị, với rất nhiều dũng lực; họ không hành động vì sân hận, trừng phạt hay chê trách.

Kẻ thù không phải con người, mà là bạo động, u mê, bất công trong mỗi người. Tranh đấu bằng lòng từ bi và hiểu biết là tranh đấu không phải với kẻ khác mà với ý hướng chiếm đoạt, đàn áp và bóc lột.

“Từ bi không có nghĩa là chịu đau khổ vô ích hoặc đánh mất khôn ngoan […] không có nghĩa là để cho người khác giày đạp, tiêu diệt mình. Phải tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác.”

Theo thiền sư, người cảnh sát luôn trong tình trạng sợ hãi, giận dữ và căng thẳng vì họ đã bị tấn công nhiều lần. Vì vậy những ai thù ghét hay miệt thị cảnh sát là đang không hiểu họ. Họ không vui gì khi đánh đập, bắn chết người khác. Người cảnh sát và cả gia đình họ đều đau khổ. Nhưng vì họ không biết cách xử lý sợ hãi, đau khổ, bạo động, nên họ cũng là nạn nhân của xã hội.

Trong xã hội, không cần phải là thầy tu thì mới từ bi. Bất cứ một công dân nào cũng có thể từ bi. Chính phủ cũng là công dân, cũng cần thực tập nếp sống chánh niệm để hành động với sự hiểu biết và tâm từ bi.

Sư ông Làng Mai đã đưa ra một quan điểm ôn hòa tới mức có thể gây tranh cãi (xét theo bối cảnh Việt Nam, dù ông đề cập tới chính phủ Pháp): “Ngay cả khi không thuộc đảng phái đương quyền, ta cũng phải thực tập. Giúp đảng cầm quyền là giúp tổ quốc. Ta phụng sự tổ quốc chứ không phải giúp đảng chính trị. Nếu bây giờ đương kim thủ tướng nước Pháp có một cơ hội để cải thiện tình trạng của thanh niên nước Pháp thì cách hay nhất để phụng sự quốc gia là đóng góp tuệ giác và sự hỗ trợ của bạn. Điều này không có nghĩa là bạn phản bội nhân dân hay đảng của bạn. Sự có mặt của một đảng chính trị là để phục vụ quốc gia chứ không phải để gây khó dễ cho một đảng khác hay đảng cầm quyền. Vậy thì, là một chính trị gia, bạn phải thực tập nhận thức bất nhị. Bạn phải ý thức rằng thương yêu và từ bi cao cả hơn lập trường chính trị. Chính trị ở đây là chính trị thông minh chứ không phải chính trị phe phái. Chính trị phải có tính chất nhân đạo, mà mục đích là tạo an vui và chuyển hóa cho xã hội, chứ không phải chỉ để có quyền lực.”

Sau một vài liên hệ đến chiến tranh và tuệ giác cộng đồng (collective insight), thiền sư lại tiếp tục trình bày chi tiết các phương pháp thực tập chánh niệm hết sức dễ hiểu, dễ thực hiện, giúp mỗi người trong chúng ta ôm ấp cơn giận và chuyển hóa khổ đau.

***

Tự do nội tâm là điều chỉ có thể đạt được thông qua con đường tu tập, bởi “chúng ta không thể cầu xin Bụt, Jesus, Thượng đế hay Mohammad lấy sân hận ra khỏi tâm thay cho ta được”.

Tuy nhiên, thế giới con người chúng ta đang sống là một thế giới vật chất, vì thế ta vẫn phải thông qua các hành động vật lý cụ thể để vun đắp nên cuộc đời với những giá trị mà mình mong muốn.

Do vậy, dập tắt lửa giận mới là bước đầu tiên trên con đường của các giải pháp có tính ứng dụng cao giúp chúng ta thay đổi hiệu quả nhiều điểm chưa tốt ở thực tại quanh mình.



Đi tìm mục đích đời mình cùng với Viktor E. Frankl
Quyền tự do lựa chọn thái độ sống là điều không ai có thể chiếm đoạt được.
Tìm kiếm tự do trong căn phòng của riêng ta
Ba sự tự do nền tảng đem lại cơ hội phát triển bình đẳng cho phụ nữ.
“Thấy giới” để học cách chấp nhận sự khác biệt của nhau
Nhìn thấy nhau qua những lăng kính xã hội để hiểu nhu cầu tối thiểu của các nhóm thiểu số.

Bạn có thể mua quyển “Giận” bản tiếng Việt tại đây.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Chú thích

1. The Washington Post, Nine facts about terrorism in the United States since 9/11, September 11, 2013.

https://www.washingtonpost.com/news/wonk/wp/2013/09/11/nine-facts-about-terrorism-in-the-united-states-since-911/

2. Publishers Weekly, Buddhist Balm, October 08, 2001.

https://www.publishersweekly.com/pw/print/20011008/20081-buddhist-balm.html

3. Báo Nhân dân, Lĩnh vực sức khỏe tâm thần vẫn ít được quan tâm, August 03, 2023.

https://nhandan.vn/linh-vuc-suc-khoe-tam-than-van-it-duoc-quan-tam-post765627.html

4. The New York Times, Letting Out Aggression Is Called Bad Advice, March 09, 1999.

https://www.nytimes.com/1999/03/09/health/letting-out-aggression-is-called-bad-advice.html

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.