‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Đánh đổi bản thân để bản thân được tự do.
Hiếm khi một người trẻ viết tự truyện ở tuổi 20, vậy mà nhà hoạt động nhân quyền Yeonmi Park, sinh năm 1993 tại Triều Tiên, đã vượt biên hai lần tìm tự do trước khi bước sang tuổi 20.
Cuốn sách “In Order to Live: A North Korean Girl's Journey to Freedom” (tạm dịch: Để sống: Hành trình đến tự do của một cô gái Triều Tiên) xuất bản năm 2016 như một cuốn phim quay chậm về cuộc đời đầy bi kịch, sự dũng cảm phi thường của cô gái cùng gia đình. Họ là nạn nhân của nạn buôn người và trên hết, của một nền chính trị độc tài khiến chính những công dân tử tế nhất cũng không thể làm người.
“Tôi biết ơn vì được sinh ra ở Triều Tiên, và cũng biết ơn vì tôi đã thoát khỏi Triều Tiên.”
Sinh ra ở quốc gia không sử dụng Internet và cách biệt hoàn toàn với thế giới, Yeonmi đã trải nghiệm sự kìm kẹp về thể xác lẫn tinh thần. Ngay từ nhỏ, Yeonmi đã thấm nhuần lời dạy của mẹ: luôn giữ yên lặng, chỉ được vâng lời mà không thắc mắc, chỉ biết học thuộc mà không đặt câu hỏi.
“Ở Triều Tiên, chính phủ không chỉ kiểm soát những nơi bạn đi, những gì bạn học, nơi bạn làm việc, và những gì bạn nói; họ cần kiểm soát bạn qua cảm xúc. Nhà nước biến bạn thành nô lệ của họ bằng cách phá hủy bản sắc cá nhân, khả năng phản ứng với tình huống dựa trên kinh nghiệm riêng của từng người.”
Ảnh hưởng của tuyên truyền đến đầu óc và trái tim thanh thiếu niên vô cùng ghê gớm. Ngay cả khi người dân bí mật xem các chương trình giải trí, như điện ảnh Hollywood hay phim bộ Hàn Quốc, ao ước cuộc sống trên màn hình thì lý trí vẫn phải ghi nhớ rằng những dân tộc ấy thực tế vô cùng khốn khổ, và Triều Tiên mới thực sự vĩ đại bởi vì được những nhà lãnh đạo vĩ đại dẫn đường. Họ được dạy phải tôn thờ những người lãnh đạo ấy vô điều kiện.
Dù sao đi nữa, có một thực tế không thể chối bỏ: cô và gia đình bị đói. Cái đói ấy lại càng mạnh hơn khi ở bên kia sông là mùi thức ăn thơm tho từ Trung Quốc. Cái đói triền miên của thập niên 1990 cướp đi tuổi thơ của tác giả. Đói thì đầu gối cũng phải bò. Hoạt động chợ đen bùng nổ vào những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ, những khoản trợ cấp trở nên ít ỏi hơn bao giờ hết. Một bộ phận cảnh sát cũng nhắm mắt làm ngơ vì chính họ cũng là nạn nhân của cái đói. Trong xã hội ấy, người ta vẫn mặc nhiên cho rằng đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện chấp nhận được. Người phụ nữ bị buộc phải chấp nhận tình cảnh chồng ngoại tình như một lẽ đương nhiên.
Xã hội Triều Tiên có ba giai cấp (songbun), gồm songbun cao cấp là lãnh đạo, cựu chiến binh, nông dân; tầng lớp những người có lý lịch bình thường; và “thù địch” gồm tư sản, địa chủ, người theo Thiên Chúa giáo. Bố mẹ Yeonmi Park đều có “lý lịch xấu”. Bên ngoại của cô có gốc làm tư sản, còn bố Yeonmi là một công chức nhà nước vì tham gia buôn bán để cứu đói cho gia đình và người thân mà bị bỏ tù. Vì chồng bị tù tội, mẹ Yeonmi cũng phải ngày ngày đi tự kiểm điểm.
Trong bối cảnh ấy, Yeonmi muốn thoát thân với một giấc mơ Trung Hoa ấp ủ. Từ những người bạn cùng lớp vượt biên, Yeonmi, chị gái và mẹ cũng bắt đầu chuẩn bị chuyến đi đổi đời.
Khi bị chính quyền tẩy não và thiếu thông tin về thế giới, tư duy của con người trở nên yếu ớt và dễ trở thành miếng mồi cho cái ác. Yeonmi và mẹ cô không hề hoài nghi những người bán cô vì họ chưa từng biết đến khái niệm buôn người. Ở đất nước nơi cô lớn lên, chỉ có đúng một kênh truyền hình chuyên kể về các thế hệ gia đình Kim. Người lớn và trẻ con chỉ khao khát sang Trung Quốc để tự cứu mình khỏi cái đói. Họ không biết mại dâm, buôn người, và cả bệnh ung thư.
Yeonmi giằng xé bởi nỗi sợ bị trả về quê hương và nỗi nhục bị bán làm vợ người, bị người ta “kỳ kèo bớt một thêm hay” ngay trước mặt. Hai mẹ con bị bán đi sang Trung Quốc, chấp nhận chịu nhục vì không thể chịu đói mãi. Chính quyền Trung Quốc không nhận người Triều Tiên, cũng không muốn làm phật ý các lãnh đạo ở Bình Nhưỡng. Chính phủ không cần, nhưng nam giới ở nông thôn cần. Nhiều bào thai bị nạo bỏ, những đứa con chào đời từ các cuộc hôn nhân mua bán, những nô lệ không được nhà nước thừa nhận.
Cái đói triền miên khiến cô cảm thấy được ăn no ở Trung Quốc đã là tuyệt vời nhất. Khi ở đó, họ nhìn thấy máy tính lần đầu tiên trong đời. Người mẹ chấp nhận bị hiếp dâm để cứu con gái khỏi bị xâm hại tình dục. Mẹ và cô, cho dù bị hãm hiếp, vẫn tìm cách để những kẻ buôn người “đưa” bố cô sang Trung Quốc để tránh đói. Họ chấp nhận làm vợ hờ cho những người đàn ông Trung Hoa vì đó là cách họ thoát khỏi nguy cơ bị bán vào các nhà chứa. Bản thân Yeomi, sau những lần chống đối không thành cũng chấp nhận trở thành một nô lệ tình dục của một người đàn ông Trung Quốc để có được một cuộc sống “tạm ổn”, chờ đợi thời cơ chạy trốn.
Nhờ kết bạn với một phụ nữ Triều Tiên bị bán sang Trung Quốc, Yeonmi và mẹ cô đã tìm được một công việc tạo ra thu nhập. Họ làm việc ở phòng chat, tâm sự với những người đàn ông cô đơn trên mạng, tuy thu nhập ổn nhưng cuộc sống giống ở tù. Họ dời địa điểm thường xuyên để trốn chạy cảnh sát. Cuối cùng, họ đã tìm đến sự trợ giúp của các nhà truyền giáo Kitô tại Trung quốc để đến được Hàn Quốc.
Những suy nghĩ về việc bỏ lại gia đình và quê hương gặm nhấm tâm hồn Yeonmi. Những năm 1990, người tị nạn Triều Tiên chủ yếu là nam giới có tay nghề cao được chào đón như người hùng. Nhưng sau nạn đói khi ấy, người tị nạn đa dạng hơn, có nhiều phụ nữ và trẻ em hơn.
Ngày tự do tại Hàn Quốc cũng mở đầu bằng sự tù túng khác. Yeonmi cảm thấy nhục nhã khi bị khám xét khắp người, bị tra khảo như một tù nhân. Lòng tự trọng bị tổn thương ghê gớm. Cô phải chờ đến khi được ra trại rồi học để trở thành Hàn. Điều đầu tiên là học một quốc ca mới, làm một học sinh tiểu học ở tuổi 16. Học tư duy tự do và độc lập đối với những người mà các thứ cơ bản có sẵn là điều khó khăn nhất.
Chấn thương tinh thần và học cách tin một nền giáo dục mới là vô cùng khó. Ngay cả những câu hỏi đơn giản nhất về bản thân cũng là một chướng ngại với cô, bởi lẽ tại Triều Tiên, người dân không có khái niệm sở thích hay ước mơ vì lẽ con người sinh ra là để phục vụ và hy sinh. Cô đã học cách yêu thương bản thân thay vì chỉ biết học kính yêu lãnh đạo.
Tự do càng không phải là trái ngọt. Nạn kỳ thị giọng nói miền Bắc tại đây khiến cô phải tập nói, rồi đánh mất giọng nói của bản thân. Yeonmi không ngừng đấu tranh với bản thân, hoặc cố làm một người Hàn chính hiệu, hoặc phải giữ bản sắc của mình. Ở bầu trời tự do, cô vẫn là nạn nhân của giới cầm quyền miền Nam. Tại đây, nhiều thế lực luôn tung tin giả về cô để hạ thấp uy tín, đặc biệt là kể từ khi Yeonmi trở thành một nhà hoạt động xã hội.
Cô nhận ra ở Hàn Quốc cô không đói ăn mà chỉ đói tri thức. Yeonmi cố nhồi nhét kiến thức để quên đi ký ức cũ nhanh nhất có thể. Ngay khi học những sự thật mới ở một đất nước mới, nơi cô có thể tự do tìm kiếm thậm chí thách thức những thông tin có sẵn, Yeonmi vẫn không thể tin rằng đó là những thứ đối lập hoàn toàn với nền giáo dục cũ ở Triều Tiên.
Ở quê hương mới, Yeonmi đã được đối xử như một con người. Cô tin vào cuộc sống, tin vào những người tốt, trong đó có những ân nhân cô không thể tiết lộ cho độc giả. Cuốn sách là tự truyện của một cô gái đã đánh đổi bản thân mình để được cập bến tự do, qua đó gửi thông điệp cho những người vẫn còn bị cầm tù dù là về thể chất hay tinh thần, rằng ngày mai trời lại sáng nếu chúng ta nỗ lực hành động.
Bạn có thể mua quyển “In Order To Live: A North Korean Girl's Journey to Freedom” tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.