‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Hoa Kỳ là một trong số ít các quốc gia phát triển vẫn còn duy trì án tử hình, trong khi hầu hết các quốc gia tương đồng về kinh tế và xã hội đã gần như hoàn toàn bãi bỏ hình phạt này. [1]
Khác với tưởng tượng của nhiều người về một hệ thống tư pháp cấp tiến đôi khi đến mức cực đoan (như đốt quốc kỳ là hành động tự do cần được bảo vệ), nước Mỹ không có quá nhiều thay đổi trong cách nhìn về án tử hình.
Vậy lý do gì khiến nền tư pháp Hoa Kỳ tiếp tục duy trì quan điểm của họ về án tử hình? Bài viết này có thể giúp độc giả phần nào hiểu được cách tiếp cận án tử ở Hoa Kỳ cũng như những lý luận tư pháp khiến cho quốc gia này tiếp tục duy trì án tử.
Án tử hình tại Hoa Kỳ không có nhiều biến chuyển từ thời kỳ lập quốc cho đến tận thập niên 1960. Lúc này, không gian năng động và giàu cảm hứng của phong trào quyền dân sự người da màu đã thúc đẩy nhiều nỗ lực thay đổi hay thậm chí thách thức tính hợp lý, hợp hiến của án tử hình thông qua hệ thống án lệ.
Nhìn chung, lý luận chủ yếu chống án tử hình trong không gian pháp luật Mỹ dựa vào Tu chính án thứ tám của Hiến pháp Hoa Kỳ. Theo đó, các nhóm phản đối án tử hình cho rằng Tu chính án thứ tám cấm những hình phạt, đối xử có tính chất tàn độc và bất thường (cruel and unusual). Tử hình - việc tước đoạt một tính mạng con người - nên được xem là một trong số đó.
Lý luận này có thể được tìm trong án lệ Trop v. Dulles (1958) của Tối cao Pháp viện, án lệ đầu tiên cho rằng Tu chính án thứ tám có hàm chứa “những chuẩn mực xã hội phù hợp với sự phát triển của một xã hội trưởng thành.” [2] [3] Dù Trop v. Dulles không phải là một án lệ liên quan trực tiếp đến án tử hình, các nhóm phản đối án tử tại Hoa Kỳ nhanh chóng vận dụng những lý luận được ghi nhận trong đó, dần dần hình thành luận điểm rằng “một xã hội trưởng thành” với những “chuẩn mực” tiến hóa mới không thể nào còn tiếp tục chấp nhận án tử hình.