‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Số phận phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc đầy định kiến.
Nữ nhà văn Cho Nam-joo được xem là một trong những nhà văn nữ quyền tiêu biểu không chỉ tại Hàn Quốc mà còn của cả thế giới. Tác phẩm “Kim Ji-young: Born 1982” đã đem đến cho cô sự thành công vang dội lẫn sự chỉ trích nặng nề vì những định kiến xã hội tại đây.
Hai năm sau khi giới thiệu cuốn sách đầu tiên, cô tiếp tục cho ra mắt “Her Name is” và được phát hành ở Việt Nam với tựa “Tên cô ấy là”.
Với “Tên cô ấy là”, Cho Nam-joo cho thấy rõ cô muốn trở thành một tiếng nói đại diện cho phái nữ, nói lên những bất công liên quan đến giới tính trong chính trị, xã hội, giáo dục, gia đình, v.v. Bên cạnh đó, với những lời chỉ trích cho rằng các vấn đề cô nói đến trong tác phẩm trước đó là phóng đại, hư cấu, và tiêu cực hoá; Cho Nam-joo muốn một lần nữa chứng minh phụ nữ đang cần được lên tiếng, cần được đối xử đúng hơn, và tất cả những câu chuyện này hoàn toàn là sự thật, được viết và được kể bởi phụ nữ.
“Tên cô ấy là” là tác phẩm tổng hợp từ 28 bài phỏng vấn được chọn lọc mà Cho Nam-joo thực hiện với 60 người phụ nữ tại Hàn Quốc. Họ đến từ mọi độ tuổi, nghề nghiệp, địa vị xã hội, trình độ học vấn.
Cuốn sách này làm người đọc nhớ đến các tác phẩm của Svetlana Alexievich - một cây bút nổi tiếng chuyên viết sách theo dạng phỏng vấn, song Cho Nam-joo khiến tác phẩm của mình có trải nghiệm đọc dễ dàng hơn, đó là đối tượng, bối cảnh, và cách cô để người đọc tìm kiếm câu chuyện chung qua các bài phỏng vấn.
Khác với Svetlana Alexievich khi bà vạch sẵn chủ đề rõ ràng, cụ thể và để người đọc khám phá sâu hơn, Cho Nam-joo sẽ không đưa một chủ đề khá chung chung mà cuốn sách sẽ là trải nghiệm mà người đọc sẽ thu thập các mảnh ghép rồi tạo nên bức tranh cho riêng mình với những từ khóa mà cô đưa cho.
Nơi đó, mọi mảnh ghép không có một quy luật về hình dáng hay màu sắc nhưng tất cả lại cùng tạo ra một tác phẩm cuối cùng mang đầy tính thống nhất, đó là bức chân dung của những điều mà phụ nữ Hàn Quốc chưa nói hay không thể nói.
Đó có thể là câu chuyện của một người mẹ tự hỏi về ý nghĩa của cuộc hôn nhân, khi chứng kiến một đứa con gái đang bước lên lễ đường trong khi một đứa con gái khác lại đang hoàn tất thủ tục ly hôn; của một người vợ trở nên khó xử trong một mối quan hệ nơi thành công của cô làm lu mờ sự xuất hiện của người chồng, và câu hỏi, liệu phụ nữ được quyền toả sáng hơn đàn ông không; hay của một người phụ nữ đồng tính gần 50 tuổi phải bắt đầu lo lắng cho tuổi già của mình vì pháp luật Hàn Quốc không hề bảo vệ cho một cuộc hôn nhân đồng giới.
Đó cũng có thể là câu chuyện của một cô bé lớp 6 chia sẻ về việc người lớn ác cảm quá nhiều với trẻ con rồi chính họ lại lo lắng cho việc tỷ lệ sinh nở chạm mức dưới đáy; của một thai phụ trở nên mệt nhoài với việc bị đối xử tệ khi sử dụng những quyền lợi mà cô xứng đáng được hưởng; hay của một cô con gái út trong gia đình phải từ bỏ sự nghiệp để chăm sóc mẹ vì ai cũng có gia đình riêng của mình.
Hoặc đó là câu chuyện về một người bà 72 tuổi tham gia đình công không phải vì giành quyền lợi cho bản thân mà cho những thế hệ sau này; về một người phụ nữ nhìn lại hành trình mười năm tham gia đình công của mình, một gia đình khác mà cô thuộc về, và chiến thắng muộn màng dành cho tất cả những người như cô; về người phụ nữ bị quấy rối tình dục nơi công sở và cách xã hội Hàn Quốc khiến nạn nhân càng trở nên im lặng hơn; hay về một cô giáo kể lại câu chuyện của một nữ sinh phải ở nhà cả tuần liền vì không có tiền mua băng vệ sinh.
Những gì Cho Nam-joo đem đến trong “Tên cô ấy là” chắc chắn không mới lạ đối với đại đa số độc giả dẫu bạn ở nơi nào trên thế giới. Có lẽ ai cũng được nghe những câu chuyện kiểu này từ người quen, tận mắt chứng kiến, hay thậm chí là trải qua. Ở Hàn Quốc hay ở nhiều quốc gia khác, phụ nữ vẫn đang chịu đủ loại bất công, mà đôi khi chúng ta nghĩ rằng, nó không đáng để quan tâm, để bàn luận, hay để thay đổi.
Có thể nói, giờ đây, các nhà hoạt động nữ quyền tại Hàn Quốc đang phải đối mặt với làn sóng chống nữ quyền ngày càng dữ dội, nhất là khi Yoon Suk-yeol - một người có tư tưởng bài trừ nữ quyền, cấm phá thai, phản đối LGBT trực tiếp, và chạy chiến dịch bầu cử với thông điệp như vậy - hiện đã trở thành tổng thống Hàn Quốc.
Chiến thắng của Yoon Suk-yeol đến từ phần lớn cử tri là nam giới ở độ tuổi từ 20 tới 30, họ có tư tưởng chống nữ quyền và cho rằng chính phong trào nữ quyền nổi lên mạnh mẽ từ giai đoạn năm 2017 đến năm 2022 đã khiến tỷ lệ sinh nở và kết hôn của Hàn Quốc đạt mức thấp nhất thế giới.
Bất chấp những điều đó, phụ nữ và những nhà hoạt động nữ quyền tại Hàn Quốc sẽ không bao giờ chùn bước. Minh chứng là phong trào 4B tại Hàn Quốc đang được truyền bá rộng rãi và trở thành kim chỉ nam để phụ nữ nơi đây chống lại và xoá bỏ chế độ gia trưởng độc hại; hay những cuộc đình công đòi quyền sinh nở của một người phụ nữ, đem đến thông điệp rằng họ không phải những cái máy đẻ, đã diễn ra suốt từ đầu năm 2023 đến nay.
Qua nhiều khoảnh khắc vô cùng đáng giá của “Tên cô ấy là” như “Mẹ nói, mẹ đình công là để sau này các con không phải sống cuộc đời như mẹ”, “Tôi mạnh mẽ. Càng đoàn kết thì chúng ta càng mạnh mẽ hơn”, “Tôi vẫn còn trẻ, cuộc chiến vẫn còn chưa kết thúc”, hay “Cô phải dũng cảm đứng lên thì mới không xuất hiện nạn nhân thứ ba, thứ tư, thứ năm”, v.v.; cho thấy rằng, những người phụ nữ Hàn Quốc sẽ không ngừng đấu tranh mặc cho đất nước của họ có trở nên tàn nhẫn và khó khăn với họ như thế nào.
Bạn có thể mua quyển “Tên cô ấy là” bản tiếng Việt tại đây.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.