Đảo Tri Tôn - căn cứ viễn thám của Trung Quốc ở Hoàng Sa
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Đảo Tri Tôn - căn cứ viễn thám của Trung Quốc ở
Ai cũng có quyền được tự do sống cuộc đời riêng mà không bị phán xét.
“Đoạn tuyệt” của Nhất Linh (1906 - 1963) được xuất bản năm 1934, cũng là năm ông thành lập nhóm Tự Lực văn đoàn – nhóm văn học độc lập đầu tiên tại Việt Nam. Một trong những tư tưởng chủ đạo của cuốn sách là nhấn mạnh về việc đạo Nho không còn phù hợp với xã hội bấy giờ. “Đoạn tuyệt” có thể coi là một tiếng nói lên án mạnh mẽ tư tưởng đạo Nho với những lễ giáo phong kiến bóp nghẹt tự do cá nhân và coi phụ nữ như nô lệ.
Nhân vật chính tên Loan tìm cách thoát khỏi hôn ước cha mẹ sắp đặt. Bố mẹ cô cho ăn học, nhưng lại khinh rẻ cách sống và trí tuệ của cô, thậm chí còn nguyền rủa việc học vấn vì đã khiến cô đi ngược với tập quán. Loan căm phẫn thứ gọi là chủ nghĩa gia đình nệ cổ, người ta phải tuân thủ gia đình bố mẹ đẻ và cả gia đình nhà chồng mà không được sống cho riêng mình. Chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân bất hạnh khiến những người phụ nữ phải quyên sinh, song Loan vẫn để những giá trị Nho giáo chiến thắng suy nghĩ của bản thân, để rồi chấp nhận “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.
Ngoài vấn đề ép duyên, tác giả đề cập tới một loạt những vấn đề của xã hội chà đạp lên phẩm giá con người, điển hình là vấn đề bạo lực gia đình, bao gồm bạo lực thể chất lẫn tinh thần, bạo lực tài chính (giam hãm để con dâu không có cơ hội được độc lập về tài chính mà phải phụ thuộc vào gia đình chồng). “Bổn phận đó, trong thâm tâm nàng, nàng không cho là bổn phận, chỉ là sự bó buộc gây nên bởi tập quán nó làm cho mọi người quanh quẩn ấy rầy nhau mà không có kết quả gì tốt,” nhân vật nói trong tác phẩm.
Tác giả lên án một loạt các hủ tục khác: chữa bệnh bằng bùa chú, lấy vợ lẽ cho chồng, bắt con dâu phải hầu hạ để bù vào số tiền mà gia đình bỏ ra mua về. Loan buộc phải chấp nhận sự cay nghiệt của mẹ chồng và em chồng, phải hầu hạ, làm “máy đẻ”, nhưng rồi cũng chính cô hả hê khi mẹ chồng bắt nạt vợ lẽ. Cái khổ vật chất và tinh thần còn có thể lưu manh hóa con người. Một câu nói trong cuốn sách: “Sống trong cái khổ người ta cũng không đủ can đảm để mơ đến cuộc sống tốt hơn, thậm chí còn ác với đồng loại, lấy cái khổ của người khác làm cái sướng của riêng mình.”
Người ta đổ lỗi cho phụ nữ vì không biết phụng sự gia đình và duy trì truyền thống. Người ta cho rằng phụ nữ không có vai trò trong cuộc cải cách xã hội.
Truyền thông lúc bấy giờ thậm chí chính là một trong những tác nhân chính góp phần truyền tải và nhân rộng định kiến giới, đặc biệt với những người phụ nữ có học. Trong xã hội luôn tồn tại những ác ý về “bọn gái mới”, ám chỉ người phụ nữ có học, không chịu tuân thủ vô điều kiện và luôn kháng cự.
Cuộc hôn nhân của Loan kết thúc bằng một vụ án mạng, là kết quả của nạn bạo lực gia đình, ở đó người phụ nữ không chịu khuất phục mà đã kháng cự quá tay. Báo chí không hề xác minh sự thật, ngay lập tức quy chụp Loan là kẻ ác giết người.
Mặc dù vậy, ở xã hội thực dân thời đó, người ta vẫn có đủ tự do để người đọc được tiếp cận với những ý kiến trái chiều. Nhân vật nhà báo Hoạch đã góp phần bênh vực Loan, bảo vệ quyền con người và phân tích rằng Loan chưa thể bị coi là thủ phạm khi chưa có phán quyết của tòa án, rằng không ai có quyền kết luận Loan lộng quyền hay chính gia đình mới là người lạm quyền.
Khi báo chí đưa tin Loan giết chồng, người ta không suy nghĩ mà tin ngay lập tức, đổ lỗi ngay rằng Loan thật sự là kẻ giết người. Thậm chí mẹ đẻ chỉ biết trách móc: “Nó làm khổ tôi. Nó làm dơ riếu cả nhà tôi”. Chính người mẹ mà cô đã tự nguyện làm Thúy Kiều, lại là người thóa mạ Loan ngay tức thì.
Gay cấn nhất chính là màn tranh tụng của ông chưởng lý (người kết tội Loan) và trạng sư (người bào chữa cho Loan). Ông chưởng lý đổ tội cho cô không tuân thủ luân lý đạo đức và đòi trị tội, còn trạng sư không những dựa vào bằng chứng để kết luận vô tội cho Loan mà còn kết án cả những giá trị cũ: “Nếu vượt lên trên, và nghĩ rộng ra, không kể đến cá nhân nữa, thì bao nhiêu những việc xảy ra không phải ở lỗi của người nào cả, mà là lỗi ở sự xung đột hiện đương thời khốc liệt của hai cái mới cũ. Giữ lấy gia đình. Nhưng xin đừng lầm giữ gia đình và giữ lại nô lệ.”
“Cho họ học cái mới mà không tạo ra cho họ một hoàn cảnh hợp với quan niệm của họ. [...] Tha cho Loan tức là tha cho một người đau khổ đã bị phí cả một đời thanh xuân, đã đem thân ký sinh cho cái xã hội mới cũ khắt khe này.”
Tòa đã xử Loan trắng án, và đó cũng là ngày Loan được sống một cuộc đời thực sự của chính mình.
Loan không hề đơn độc trong hành trình đoạn tuyệt với cái cũ. Những người nam giới có học chính là những đồng minh để giúp họ thoát ly cuộc sống nô lệ. Đó là nhân vật Dũng, người dám chấp nhận bị ba mẹ từ mặt còn hơn phải sống một cuộc đời tù túng. Đó là nhà báo Hoạch dùng truyền thông để tìm công lý cho Loan. Đó là nhân vật trạng sư, người đã dùng trí tuệ để bênh vực nhân vật nữ chính trước những cáo buộc oan trái và sự đả kích tàn nhẫn của xã hội.
Nhưng xã hội ấy vẫn không thôi đánh giá quá khứ và lối sống của cô. Khi Loan trở thành một giáo viên và mở trường học riêng, cha mẹ học sinh đã không cho con mình theo học vì họ không chấp nhận cá tính của cô. Dù gì, phần đông của xã hội vẫn không đoạt tuyệt với những giá trị cũ.
Cay đắng hơn là có những người âm thầm chịu đựng bằng cách kết liễu cuộc đời. Đó lại chính là những cái thoát ly thông thường của những người con gái không cam chịu số phận. Nhưng khi cả khi chết rồi, họ vẫn bị người trong gia đình và láng giềng mai mỉa, chê bai. Những người sống nhẫn nại phục tùng hoặc những người quyên sinh, vì tìm cách thoát ly là quá khó.
Dù đã phát hành từ gần 90 năm trước, tác phẩm vẫn còn nguyên tính thời sự. Văn hoá đổ lỗi cho người bị nghi là thủ phạm, coi người bị tình nghi là thủ phạm, hay thậm chí là chỉ trích nạn nhân, vẫn còn đó trong xã hội bây giờ. Đây là cuốn tiểu thuyết lên án chế độ đa thê, bạo lực gia đình, và cũng là áng văn bảo về quyền được tự do quyết định và sống cuộc đời riêng của mỗi người mà không bị phán xét. Nhất Linh cổ vũ giải phóng dân tộc khỏi những lễ giáo bất nhân, mà trước hết cần có sự khởi đầu là giải phóng cho các cá nhân trong xã hội ấy.
Bạn có thể mua quyển “Đoạn tuyệt” bản tiếng Việt tại đây.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.