Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Đạo Hồi có phải là đạo của chiến tranh và khủng bố?
Hành động khủng bố của một số nhóm Hồi giáo cực đoan như Al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS), Boko Haram, và gần đây là Hamas đã gây ra sự kỳ thị đạo Hồi và người theo đạo Hồi (Islamophobia) ở nhiều khu vực trên thế giới.
Những người kỳ thị đạo Hồi thường đánh đồng người Hồi giáo nói chung với hành động khủng bố và bạo lực của một số nhóm Hồi giáo cực đoan. Trong các tương tác xã hội, Islamophobia có thể dẫn đến việc người theo đạo Hồi bị kỳ thị và đối xử bất công khi tìm việc, thuê nhà, hoặc thậm chí trong các mối quan hệ tình cảm. Ngoài ra, sau sự kiện khủng bố ngày 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ, người theo đạo Hồi có thể bị kỳ thị trong quá trình kiểm tra an ninh tại sân bay dựa trên ngoại hình hoặc tên gọi của họ.
Câu hỏi đặt ra ở đây là Kinh Quran, sách thánh của Hồi giáo, có những tín điều gì? Liệu đây có phải là đạo của chiến tranh và khủng bố không?
Trong tổng số khoảng 1,8 tỷ người theo đạo Hồi trên khắp thế giới, khoảng 85% là người Hồi giáo Sunni và 15% là người Shia. Sự chia rẽ giữa hai nhóm này bắt nguồn từ cuộc tranh chấp người kế vị sau khi nhà tiên tri Muhammad, người sáng lập Hồi giáo, qua đời vào năm 632. Người Sunni cho rằng người kế vị phải là một người có đủ phẩm chất và tài năng. Họ ủng hộ Abu Bakr, người bạn đồng hành của nhà tiên tri Muhammad, trở thành người kế thừa và lãnh đạo tối cao của Hồi giáo. Trong khi đó, người Shia tin rằng chỉ những người có liên quan huyết thống với nhà tiên tri Muhammad mới đủ tư cách kế vị. Họ ủng hộ Ali ibn Abi Talib, người em họ và cũng là con rể của Muhammad lên nắm quyền lãnh đạo. [1]
Sự chia rẽ giữa Sunni và Shia kéo dài hàng thế kỷ dẫn đến sự khác biệt trong cách hiểu và thực hành đạo Hồi, từ đó tạo ra lịch sử và văn hóa riêng cho mỗi nhánh. Ngày nay, người Shia chiếm đa số ở Iran, Iraq, Azerbaijan, và Bahrain. Trong khi đó, người Sunni chiếm đa số ở hơn 40 quốc gia, bao gồm Ai Cập, Indonesia, Bangladesh, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan, Morocco, và Tunisia.