‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Một tài liệu tham khảo cho những người trẻ Việt.
Sử gia Philippe Papin và nhà báo Laurent Passicousset có nhiều năm sống ở Việt Nam. Philippe Papin có những công trình nghiên cứu xuất sắc về lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Hà Nội nói riêng. Laurent Passicousset từng làm báo tại Việt Nam trong gần một thập niên.
Họ cùng viết nên cuốn sách “Vivre avec les vietnamiens” (tạm dịch: Sống cùng người Việt), là một tài liệu tham khảo hữu ích cho những người trẻ Việt đi tìm tri thức lịch sử Việt. Bằng ngòi bút phân tích sắc sảo cùng lối kể chuyện hài hước, bạn đọc sẽ cùng hai tác giả khám phá những câu chuyện lịch sử của con người Việt Nam đằng sau những con số, sự kiện, và tài liệu tham khảo chính thống.
Cuốn sách ra đời năm 2011, là kết quả sau những chuyến đi xuyên Việt của hai tác giả. Họ đến tận nơi và nghe chính người Việt ở những ngành nghề khác nhau trải lòng, lý giải những quy luật ngầm, những “logic” mà phần đông người trong xã hội đều tuân thủ và thực hành. Cuốn sách kết hợp giữa ký sự và lịch sử quần chúng, không sắp xếp theo mốc thời gian mà theo chủ đề. Trong đó nổi bật là những quan sát của hai tác giả về sự bất bình đẳng trong xã hội, sự nhập nhằng giữa nhà nước và tư nhân, và nổi bật hơn cả đó là sự đa dạng của những tiếng nói phản biện trên Internet.
Hai tác giả mở đầu cuốn sách bằng việc định nghĩa khái niệm “cán bộ” trong xã hội Việt Nam, bởi đó là những người họ tiếp xúc đầu tiên để xin phép đi thực địa và tiếp xúc với người dân.
Sự bất công và bất hòa chủ yếu đến từ việc phân bổ ngân sách bất hợp lý. Nhiều khoản ngân sách được chi vào hội thảo xóa đói giảm nghèo hơn là việc xóa đói giảm nghèo thật sự. Tương tự, ngân sách được dùng rất nhiều để chi vào việc trao chứng nhận làng văn hóa, gia đình văn hóa, nhưng được dùng rất ít để nâng cao đời sống văn hóa thật sự.
Ở một nền giáo dục và y tế mà nhà nước tự hào vì dành nhiều ngân sách để đầu tư, thì chi phí dịch vụ trong hai lĩnh vực này không những miễn phí hay rẻ hơn mà còn đắt đỏ. Học phí có thể không đắt, nhưng gia đình của học sinh cấp phổ thông phải trả hàng loạt những khoản chi phí, trong đó có cả những khoản tiền tình nguyện nhưng không thể không đóng. Một nền giáo dục độc quyền bởi hàng chục năm qua chỉ có một nhà xuất bản duy nhất quyết định nội dung dạy và học. Nền giáo dục ấy sản sinh ra những người trẻ luôn có điểm thi cao, nhưng chỉ số phát triển con người thì luôn rất thấp.
Tham nhũng là một phần của đời sống, bởi lẽ người ta tin vào tham nhũng, rằng mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi đưa hối lộ. Như tác giả bình luận: “Nếu đủ quen một người Việt, họ sẽ thường kể cho bạn biết là họ tham nhũng như thế nào.”
Hai tác giả cũng khéo léo mô tả ranh giới mập mờ của nền kinh tế công và tư. Cách một bác sĩ dùng vị trí của mình ở bệnh viện công để kiếm tiền ở phòng khám tư. Người Việt phải “chân trong chân ngoài” để sống và làm giàu không chỉ riêng ở ngành y mà còn ở các lĩnh vực khác như giáo dục.
Đó là câu chuyện của một đất nước có một nền báo chí bị kiểm duyệt mà chuyện gì cũng có thể coi là nhạy cảm hay động chạm, tùy vào từng chủ đề và thời điểm. Từ năm 2009, đa số các cơ quan báo chí không còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, nhưng về mặt nội dung thì họ vẫn không có quyền làm chủ hoàn toàn.
Đó là những câu chuyện của những con người rất đỗi bình thường, buộc phải sống theo dòng lịch sử do nhiều thế lực chính trị điều hành hay lợi dụng lịch sử để làm lợi cho mình. Đó là sự thật về những năm trước Đổi mới, ở đó những người cấp trên hết sức kêu gọi quốc hữu hóa nhưng bản thân lại kiếm chác làm của riêng từ những người làm tư hữu. Đó cũng là câu chuyện đầu cơ làm giàu của một viên chức nhà nước, tận dụng thời điểm trước khi luật nhà đất ra đời để mua đất. Đầu tư vào nhà đất cũng đi kèm với những đầu tư về mối quan hệ, các mối quan hệ bằng tiền.
Đó là câu chuyện tôn giáo của nhà nước thế tục, với những vấn đề tôn giáo phức tạp, với những nhóm tôn giáo bị đàn áp chỉ vì không chịu đăng ký.
Đó là câu chuyện của một người phụ nữ vốn làm ở doanh nghiệp tư nhân, tự nguyện vào đảng để sống một cuộc đời an nhàn nhưng cũng không đoái hoài tới các lý thuyết chủ nghĩa Marx–Lenin hay lịch sử Đảng Cộng sản. Những nhân vật Papin và Passicousset phỏng vấn vào đảng vì vụ lợi, chứ không phải sẵn sàng “làm đầy tớ nhân dân” hay mang niềm tin tuyệt đối vào chủ nghĩa xã hội.
Những tệ nạn, bất công của xã hội không chỉ là lỗi của giới cầm quyền sẵn sàng đàn áp, mà còn bởi những người có học sẵn sàng duy trì thể chế miễn sao có lợi cho họ. Papin và Passicousset mô tả đất nước Việt Nam của những công dân bình thường với số phận được hình thành và ảnh hưởng bởi những bởi những hành động của giới tinh hoa.
Hai chương cuối được dành để mô tả tinh thần phản biện của người dân Việt trong thời đại số, bất chấp sự kiểm duyệt. Blog chính là công cụ đầu tiên trong kỷ nguyên số để thể hiện tinh thần đó. Nhưng hai tác giả cũng khẳng định, tinh thần phản biện ấy đã có mặt từ rất lâu, và những gương mặt nói thẳng nói thật, nặng thì bị tù đày, nhẹ thì đi ở ẩn. Rất nhiều cái tên đã chìm vào quên lãng, mà Trần Đức Thảo là một ví dụ điển hình.
Có thể nói, đây là một cuốn sách rất Việt. Hai tác giả người Pháp đi tìm sự thật không phải từ những số liệu, mà từ chính những cuộc trò chuyện của những người Việt. Họ có những câu chuyện chung và những câu chuyện riêng. Đó là những câu chuyện mà những du khách ngắn ngày khó có thể nhìn thấy được. Và đó cũng là những câu chuyện mà sử sách đã, đang, và về lâu dài có thể sẽ không viết. Đây không chỉ là một tài liệu có độ sâu về lịch sử mà còn giàu tính thời sự dù đã ra đời hơn một thập niên. Những câu chuyện cần niềm tin của người được phỏng vấn và lòng dũng cảm của những người muốn đi tìm sự thật.
Bạn có thể mua quyển “Vivre avec les vietnamiens” bản tiếng Pháp tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.