‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Người phụ nữ đi kiện chồng lên đến Đại hội Đảng.
Nhà văn Lưu Chấn Vân (Liu Zhenyun) người Hà Nam, Trung Quốc, trở thành nhà báo trước khi viết văn, nổi tiếng với những tác phẩm phê bình và vận động cho công bằng xã hội. Cuốn tiểu thuyết “Tôi không phải Phan Kim Liên” ra đời năm 2012 khắc họa một cách khôi hài, châm biếm hệ thống tư pháp thoái hóa, những bất công xã hội chồng chất, cũng như Chính sách một con của đất nước tỷ dân.
Cuốn tiểu thuyết mở đầu với hình ảnh người phụ nữ nông thôn tên Lý Tuyết Liên (Li Xuelian) tất tưởi mang vừng và gà mái đến nhà ông Thẩm phán Vương Công Đạo (Wang Gongdao) vào ban đêm. Bà thực sự muốn ly dị người chồng là Tần Ngọc Hà (Qin Yuhe). Thẩm phán Vương quá đỗi ngạc nhiên khi bà đòi ly dị. Hoá ra, hồ sơ là thật, nhưng vụ ly dị là giả.
Câu chuyện dở khóc cười này xuất phát từ việc bà lỡ mang bầu đứa con thứ hai. Theo quy định chính sách một con của nhà nước Trung Quốc bấy giờ, mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một con, trừ trường hợp đặc biệt. Ông Tần là công chức nhà nước, nên nếu họ sinh đứa con gái thì sẽ chịu phạt nặng. Bởi vậy, họ ly dị trên giấy tờ, để rồi người chồng nuôi con trai đầu lòng còn bà Lý sẽ nuôi con gái mới sinh. Sau đó, họ sẽ cưới lại, vì nhà nước không cấm hai người đã có con được tái hôn. Trớ trêu thay, người chồng họ Tần làm đám cưới với một thai phụ khác chỉ vài tháng sau khi có chứng nhận ly dị.
Lý Tuyết Liên không hề đòi tiền hay quyền. Bà chỉ muốn chứng minh rằng chồng bà đã sai vì không giữ lời hứa, đã bội bạc với vợ con. Nhưng người chồng phụ bạc ấy rủa bà là một Phan Kim Liên. [1] Bấy giờ Lý Tuyết Liên mới vỡ lẽ: cho dù đêm tân hôn chồng phát hiện bà không còn trinh tiết và tiếp tục chung sống với bà, thì sâu thẳm vẫn coi thường và đánh giá bà là một người lăng loàn. Kể từ đó, bà muốn minh oan cho bản thân và quyết định kiện chồng tội phỉ báng, vu oan.
Sau khi thẩm phán Vương Công Đạo ở địa phương không đếm xỉa đến vụ kiện của bà Lý, bà tìm cách gặp vị quan chức cấp huyện tên là Đổng Hiến Pháp. Ông là một người không mặn mà với pháp lý và tự cho rằng mình ngồi nhầm chỗ vì ông nghĩ mình hợp với công việc buôn gia súc hơn. Nhưng cả thế giới sẽ bảo ông bị điên nếu ông từ bỏ một vị trí viên chức cao quý. Đổng Hiến Pháp không quan tâm đến việc cấp dưới của mình tắc trách. Trái lại, ông nói bà là kẻ gây rối, đuổi bà không thương tiếc để nhanh chóng đi ăn tiệc. Nhưng Lý Tuyết Liên đã cao tay hơn. Trước đó bà đã kịp tìm gặp vợ của Đổng, bà này đã nhận quà và hứa sẽ giải quyết cho bà Lý thay mặt chồng mình.
Không dừng lại ở đó, Lý Tuyết Liên gặp Chánh án Chính Nghĩa để kiện chồng, kiện cả Công Đạo và Hiến Pháp. Nhưng không may, Lý Tuyết Liên gặp ông đúng vào lúc ông say khướt vì tiệc chiêu đãi. Và ngay cả lúc say, ông cũng cảnh báo bà không được kiện Hiến Pháp tội nhận hối lộ, và tiếp tục cho rằng bà là kẻ gây rối.
Rút kinh nghiệm không tìm gặp quan ở giờ ăn tối, Lý Tuyết Liên tìm gặp ông Vì Dân, giữ chức chủ tịch huyện vào buổi sáng sớm, lúc này ông ta ngồi trên xe ô tô tranh thủ ăn bát cháo vì phần lớn thời gian khác ông đều bị đầy bụng do quá tải tiệc chiêu đãi với các quan chức khác. Bà chặn đường và giơ tấm biển kêu oan. Nhưng vị này cũng để bà chờ trong vô vọng.
Rồi Lý Tuyết Liên kêu oan ở ngay tòa thị chính, làm kinh động Thị trưởng Thái Phú. Ông tức giận vì cấp dưới của mình để người phụ nữ kêu oan ba ngày làm mất hình ảnh của ông đúng lúc ông chuẩn bị dự đại hội ở Bắc Kinh. Lý Tuyết Liên bị bắt giam vì gây mất trật tự công cộng.
Người phụ nữ ấy không đầu hàng. Sau khi được thả, bà quyết định lên Bắc Kinh, đúng dịp Đại hội Đảng để kiện tất cả quan chức bà đã từng tiếp xúc và xúc phạm bà. Nhờ trí thông minh và sự khôn khéo, người phụ nữ nông dân lần đầu tiên đến thủ đô lọt được vào hội trường lớn nơi hội nghị lớn nhất Trung Quốc diễn ra và kêu oan trước một loạt quan chức ở khắp mọi miền đất nước.
Ngay cả khi việc Tuyết Liên kêu oan chấn động giới chóp bu, vấn đề của bà vẫn chưa một lần được giải quyết. Việc một người phụ nữ cả gan gây kinh động quan chức cấp cao không phải là dấu hiệu báo động của một nền tư pháp xuống cấp cần phải điều tra xem xét, mà đơn giản chỉ là việc cả địa phương kia sẽ bị lọt vào danh sách đen. Và rất nhanh chóng, dưới lệnh của ông chủ tịch tỉnh, Thị trưởng Thái Phú, Huyện trưởng Vì Dân, Chánh án Chính Nghĩa, ông Hiến Pháp bị mất chức, còn Công Đạo bị giáng chức. Chủ tịch tỉnh phạt nặng để chính mình được yên vị, sau đó chính ông được thăng chức và cuối cùng là “hạ cánh an toàn”.
Chẳng ai quan tâm đến vụ án oan đấy được giải quyết thế nào, chẳng ai đoái hoài kẻ đúng người sai, chỉ có kết cục duy nhất là những chức vụ cốt yếu trong bộ máy nhà nước đã bị để trống.
Hai mươi năm sau, thời thế thay đổi. Công Đạo mang vừng và gà đến nhà Lý Tuyết Liên chỉ để gặng hỏi liệu bà có biểu tình hay không. Các vị cấp trên của Công Đạo sốt sắng khi Đại hội chuẩn bị diễn ra. Bao nhiêu kịch bản đê hèn để nịnh nọt người đàn bà biểu tình ở Bắc Kinh suốt 20 năm đều không qua được mắt bà.
Công an và quân đội ở khắp nơi được huy động đến để chặn người đàn bà nông dân lên Bắc Kinh biểu tình, vì chỉ một chữ oan (冤) bà giương cao giữa thanh thiên bạch nhật, giữa hội trường hào nhoáng nơi diễn ra Đại hội Đảng đã khiến một loạt người mất chức, phá tan hòa khí của sự kiện vĩ đại hàng năm.
Nhưng lý do khiến bà không biểu tình năm thứ 21 chẳng phải sức cùng lực kiệt. Mà đó là do người chồng qua đời bất thình lình, vậy thì biểu tình chỉ là vô nghĩa. Người bà cần trả thù sẽ không bao giờ bị trừng phạt. Và nỗi oan danh dự bị coi là Phan Kim Liên sẽ vĩnh viễn không được hóa giải.
Dù vậy, nỗi đau lớn hơn đó là mất lòng tin. Trên hành trình 20 năm tìm công lý, người phụ nữ đơn thương độc mã Lý Tuyết Liên chỉ thêm thù bớt bạn, gặp những người không muốn bảo vệ công lý và những người không tin vào công lý. Bất công nhiều và vô vọng đến mức người ta phát quen, người ta học cách chấp nhận sống chung với nó vô điều kiện, thậm chí đồng lõa với những kẻ có quyền và có tiền để hại bạn bè và người thân. Chấp nhận công lý không tồn tại, giành được công lý là phi lý, đành nhắm mắt và đổ lỗi cho người kiện cáo.
Mặc dù thế, suốt 20 năm đó với không ít lần bị bỏ tù cũng không phải hoàn toàn vô ích. Câu chuyện biểu tình của Lý Tuyết Liên luôn khiến nhiều người đứng ngồi không yên. Trong cuộc săn lùng người đàn bà đáng sợ ấy, không phải tất cả quan chức to nhỏ đều đồng tâm hiệp lực. Họ đều muốn được tranh công hưởng lợi, muốn là người được vinh danh vì nỗ lực ngăn chặn bà Lý biểu tình.
Như chính nhà văn Lưu Chấn Vân đã viết ở lời đề tựa cuốn này: “Một người rắc gạo, cả ngàn người xung quanh có nhặt cũng không thể nhặt sạch.” Viết như vậy có thể hiểu rằng, một khi ai đó đã bôi nhọ người vô tội thì có cố đến mấy cũng không thể hoàn toàn lấy lại tiếng tăm trong sạch cho họ. Cũng có thể hiểu rằng, ngay cả khi chúng ta có một Lý Tuyết Liên cần công lý và muốn đòi công lý nhưng bên cạnh bà lại là những người không đoái hoài đến công lý thì công lý sẽ mãi không thể có được. Câu chuyện kết thúc như vậy, nhưng dẫu sao thì trong xã hội nào, chúng ta vẫn luôn cần có một Lý Tuyết Liên tiên phong và kiên trì như thế.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.