‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Một nữ chính khách bị dòng chảy lịch sử cuốn trôi.
Cuốn sách “Nam Phuong – La dernière impératrice du Vietnam” (tạm dịch: Nam Phương – Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam) của nhà sử học người Pháp François Joyaux chuyên nghiên cứu về Viễn Đông, là một nỗ lực mô tả chân dung người “quốc mẫu” Việt Nam mang quốc tịch Pháp trong những ngã rẽ lịch sử. Nam Phương hoàng hậu không chỉ là một nội tướng cai quản hậu cung, mà bà còn đóng vai trò quan trọng trong các quyết định của vua Bảo Đại.
Tác phẩm được phát hành vào năm 2019, có lời đề tựa của hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Sao. Cuốn sách này nổi bật hơn cả khi mà hầu hết các công trình nghiên cứu lịch sử khác chỉ tập trung vào đàn ông với những câu chuyện kẻ thắng và người thua.
Phần đầu cuốn sách mô tả lịch sử lãnh thổ Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, mà ở đó người dân Nam Kỳ được hưởng quốc tịch Pháp.
Jeanne Mariette Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, còn được biết đến với tên thân mật Mariette, xuất thân từ một trong những dòng tộc Công giáo có ảnh hưởng nhất ở Nam Kỳ, một nơi vốn đã có sự giao lưu văn hóa của các thương nhân châu Âu. Bà sinh ra vào thời điểm Công giáo không ngừng được mở rộng tại Việt Nam nhưng cũng liên tục bị chính quyền nhà Nguyễn đàn áp.
Trong khi những phong trào chủ nghĩa dân tộc đầu tiên bùng nổ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, thì ở miền Nam lại hình thành tầng lớp tiểu tư sản Tây hóa, đi cùng với đó là một nền kinh tế phát triển. Theo lời của tác giả, gia đình Mariette không ngần ngại chào đón những nhà thực dân. Sự giàu có của gia đình hoàng hậu đến từ ba yếu tố: người Pháp, Công giáo, và việc thực dân hóa An Nam ở vùng đồng bằng.
Gia đình của hoàng hậu được du học từ sớm, không chỉ ở Pháp mà còn ở các nước Đông Nam Á. Từ khi sinh ra, bà đã mang quốc tịch Pháp do đặc thù lịch sử. Cha của bà Nam Phương thành thạo tiếng Pháp, một lòng với Công giáo, và có năng lực xuất chúng, nên đã trở thành cánh tay phải của một địa chủ lớn và rồi trở thành con rể của ông ấy. Ông ngoại bà là người có công xây dựng nhiều nhà thờ cũng như tài trợ cho các trại trẻ mồ côi, trường học, các công trình từ thiện, v.v.
Bà lớn lên cùng vú em người Senegal trong một môi trường giáo dục kiểu Pháp, bà ăn mặc và sống trong ngôi nhà mang phong cách châu Âu.
Năm 1925, vua Khải Định băng hà. Điều này chẳng ảnh hưởng gì lắm đến Sài Gòn, nhưng rồi sẽ tác động rất lớn tới cuộc đời bà Nam Phương trong tương lai. Thời điểm này, phu quân tương lai của bà là thái tử Vĩnh Thụy chính thức lên ngôi vua.
Năm 1927, bà sang Paris theo học tại tu viện Oiseaux, nơi người chị gái ruột Agnes từng theo học. Gia đình mong muốn bà học ở môi trường thành thị và phải nói được tiếng Pháp hoàn hảo. Tu viện này là một ngôi trường của giới tinh anh, đòi hỏi học viên phải có tính kỷ luật cao. Gia đình người chú Lê Phát Vĩnh góp phần chăm sóc Mariette trong khoảng thời gian này.
Mariette say mê lịch sử, hội họa, và âm nhạc. Tuy vậy thính giác của bà không được tốt. Điều này dẫn tới việc bà gặp khó khăn khi kết giao bạn bè. Bà là một người có phần rụt rè, song lại hiếu thuận, thông minh, và sống tình cảm. Cho dù là một con chiên của Thiên Chúa giáo, bà vẫn thấm nhuần những giá trị Nho giáo. Khi ở Roma, bà mặc trang phục Việt, giữ gìn những nét Việt nhiều nhất có thể.
Thời điểm đó, thái tử Vĩnh Thụy cũng đang theo học ở Paris. Ông được vua cha cử cho một giáo viên dạy Hán Nôm riêng. Bà Mariette và ông Vĩnh Thụy cùng rời Pháp vào năm 1932 sau khi kết thúc chương trình học, lúc này bà 19 tuổi.
Ngay cả khi được sinh ra và được giáo dưỡng trong một gia đình Tây hóa giàu có, có kết quả học tập rất xuất sắc, và vô cùng quyến luyến với Paris, thì người phụ nữ ấy cũng không có cơ hội theo đuổi giáo dục bậc cao mà buộc phải về nước.
Khi Mariette trở về nước, Đông Dương đã có nhiều sự đổi thay. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 đã gây ra những hậu quả trầm trọng, cuộc nổi dậy ở Yên Bái năm 1930 đã khiến mảnh đất thuộc địa đảo điên. Bất chấp như vậy, Sài Gòn vẫn chẳng hề có biến động gì. Hầu như chẳng có sự kết nối giữa Sài Gòn và kinh thành Huế.
Người Pháp kiểm soát việc thành thân của Bảo Đại. Lịch sử trước đó đã khiến người Pháp cảnh giác với những ông vua Nguyễn “nổi loạn” như Hàm Nghi, Duy Tân. Việc chọn hoàng hậu vì thế mà vô cùng quan trọng.
Người chị của Mariette kết hôn với một thuyền trưởng người Pháp. Gia đình trông mong Mariette cũng sẽ cưới được một doanh nhân hay một người Pháp, nhưng rồi bà trở thành hoàng hậu.
Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier cho rằng kết hôn sẽ khiến hoàng tử ổn định. Theo tác giả, việc người Pháp chọn Mariette cũng là để phần nào hiện thực hóa công cuộc “Thiên Chúa hóa” mảnh đất Đông Dương của người Pháp.
Bà gặp Bảo Đại tại một bữa tiệc ở Đà Lạt, một khung cảnh hào nhoáng không phù hợp với tính cách của bà, nhưng do người chú một mực yêu cầu có mặt nên Mariette không thể nào từ chối.
Mariette và thái tử Vĩnh Thụy nói chuyện bằng tiếng Pháp. Bà cũng không ngại ngần nói với vị thiên tử, rằng bà có vấn đề về thính giác. Họ không chỉ môn đăng hộ đối, mà còn tâm đầu ý hợp. Đặc biệt, vị toàn quyền Đông Dương Pasquier hài lòng với việc lựa chọn Mariette bởi gia đình bà trung thành với chính quyền Pháp. Hoàng gia thì không hoàn toàn hài lòng vì người con gái ấy mang tôn giáo khác với gia đình.
Cuộc hôn nhân này phải hỏi ý kiến từ phía Vatican. Tòa Thánh chỉ chấp thuận với hai điều kiện: vua phải tôn trọng tự do tôn giáo của hoàng hậu, và con cái của họ phải được nuôi dạy theo cách Công giáo. Phía Vatican đặt nặng yêu cầu tôn giáo do họ từng mất nước Anh cũng vì lý do hôn nhân tôn giáo vào thế kỷ 16.
Hoàng gia ở Huế không thể nào chấp nhận việc cải đạo của nhà vua. Hoàng thái hậu Từ Cung kịch liệt phản đối. Bà không chỉ khó chịu vì vấn đề tôn giáo, mà đó còn là vì một người nữ Tây học, mang quốc tịch Pháp, giàu có và không biết gì tới những lễ tắc hoàng cung. Sự thiếu thiện cảm của gia đình đi theo hoàng hậu suốt cuộc đời.
Các quan lớn trong triều đình cũng tỏ ý phản đối, trong đó có thể kể đến Thượng thư Bộ Lễ Tôn Thất Hân. Ông cảnh báo về sự can thiệp của tôn giáo vào chính trị sẽ khiến hoàng gia không trụ vững.
Vua Bảo Đại cuối cùng tuyên bố phá bỏ những rào cản truyền thống để tiến hành hôn lễ với Mariette vào năm 1934. Cái tên Nam Phương mang ý nghĩa hương thơm của xứ Nam, là do vua Bảo Đại đặt cho. Với việc sắc phong Mariette Nguyễn Hữu Thị Lan là hoàng hậu, vua còn phá bỏ quy định từ thời Gia Long: chỉ phong hoàng hậu cho người mẹ của vị vua kế tiếp. Trước đó, chỉ khi người vợ của vua có con trai nối dõi mới được phong. Minh Mạng có 142 người con từ 30 phi tần. Nam Phương là người vợ chính tắc duy nhất của vua. Như vậy Bảo Đại dám phá bỏ chế độ đa thê của hoàng gia. Điều đó cũng có nghĩa là con của Mariette sẽ lên ngôi. Năm 1936, thái tử Bảo Long ra đời.
Chính vua đã gửi thư tới Giáo hoàng, cho rằng cần phải xóa bỏ những rào cản Đông – Tây. Cuối cùng thì đôi vợ chồng hoàng gia cũng nhận được lời chúc phúc của Giáo hoàng. Qua mô tả và phân tích của tác giả, người phụ nữ thuộc dòng họ thế phiệt Mariette Nguyễn Hữu Thị Lan không hề có tiếng nói trong cuộc hôn nhân này.
Là người yêu thiên nhiên, hoàng hậu gắn bó với Đà Lạt. Quan chức phong kiến không quen với việc nhìn thấy một bà hậu chơi tennis, chơi golf, và bắn súng Tây.
Hoàng hậu hạn chế lễ nghi Phật giáo, lại thường xuyên trò chuyện với thái tử bằng tiếng Pháp, rồi còn cùng cầu nguyện mỗi ngày. Hoàng hậu nỗ lực để Bảo Long sớm chính thức thành thái tử, danh hiệu ấy giúp củng cố vị thế của chính bà.
Hoàng hậu không chỉ tham gia các hoạt động vốn được xem là dành cho nữ giới như y tế, giáo dục, mà còn tích cực tham vấn cho chồng về các chính sách dân sinh. Tuy nhiên, vai trò và ảnh hưởng của bà thường khá lu mờ.
Bà muốn thoát khỏi cái bóng cai quản hậu cung, khao khát được vi hành. Theo tác giả, bà có vai trò lớn trong việc xây dựng những trung tâm Công giáo tại Đà Lạt.
Việc bà cùng vua Bảo Đại tiếp đón vua Norodom Sihanouk của Campuchia hay vua Sisavang Vong của Lào ở Huế là những điều chưa từng có trong tiền lệ ở An Nam – vốn chưa bao giờ cho phép phụ nữ diện kiến cùng nhà vua trong những dịp như vậy.
Tác giả mô tả hoàng hậu qua cái nhìn của những chính khách và nhà báo Pháp. Các con của họ vừa được hưởng giáo dục truyền thống của hoàng gia, vừa được Nam Phương chỉ dạy theo lối Pháp.
Trong những thời khắc gian truân nhất, hoàng hậu vẫn luôn ưu tiên che chở cho những người con của mình. Bảo Đại tuyên bố độc lập khỏi Pháp và lấp đầy bộ máy bằng những nhân vật theo Nhật. Điều khiến hoàng hậu lo ngại có lẽ đó là một thứ rượu cũ bình mới: chỉ là thay tên gọi “bảo hộ” bằng “độc lập”.
Hoàng hậu không do dự chấp nhận mình là phu nhân của cố vấn chính phủ cách mạng Vĩnh Thụy, tự nguyện đóng góp trang sức của mình cứu trợ đồng bào nạn đói theo tiếng gọi của Việt Minh, nhưng đâu ngờ rằng của cải ấy được dùng để mua vũ khí. Và nhanh chóng sau khi nắm quyền, những người mà cựu hoàng hậu ủng hộ đã bắt giữ mục sư Công giáo. Ở cung An Định, bà sống trong sự kiểm soát của những người mà bà hết lòng ủng hộ. Và khi ngay cả không phải là đất bảo hộ của Pháp, hay đất độc lập theo cách của Nhật, thì tự do hay an toàn vẫn chưa thực sự đến.
Kể từ năm 1946, cựu hoàng hậu tự mình đạp xe trên những con đường Huế, trở nên thân cô thế cô hơn bao giờ hết. Người phụ nữ đã sống những năm gian truân nhất của cuộc đời vào cuối năm 1945, nhất là khi vua Bảo Đại đã tị nạn tại Trung Quốc năm 1946, để lại bà và năm người con ở Huế. Gia đình lớn của hoàng hậu, cũng giống như biết bao gia đình khác trên đất Việt, cũng tan đàn xẻ nghé vì những lý tưởng chính trị khác nhau, mà cụ thể là theo hay không theo Việt Minh. Những người bạn của bà, cũng bị Việt Minh bỏ tù hoặc biến mất.
Là một tín đồ Công giáo, bất kể tình huống gì bà cũng nghĩ tới và tìm đến nhà thờ. Bà chấp nhận trở thành cố vấn cấp cao của Liên bang Công giáo miền Trung.
Trái với nhiều tài liệu của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này, vị hoàng hậu cuối cùng và người thân không hề cảm thấy an tâm và an toàn trước sự có mặt của Việt Minh.
Cựu hoàng hậu là linh hồn của kế hoạch Công giáo nhằm cứu vãn tình thế. Tuy thất bại, nhưng Nam Phương muốn phục hồi lại nền quân chủ với sự hậu thuẫn của giới Công giáo và với con trai bà là hoàng đế kế nhiệm.
Bất chấp sự phản đối của thái hậu về việc đi tị nạn ở nước ngoài, hoàng hậu đã tự cứu mình. Những người truyền giáo Quebec nói tiếng Pháp tại Huế đã cứu giúp gia đình Nam Phương. Thái tử Bảo Long đi trước, hoàng hậu và bốn người con còn lại đi sau. Sáu mẹ con đã an toàn rời khỏi Huế khi cuộc chiến Việt Minh và Pháp nổ ra.
Tháng 4 năm 1947, quân đội Pháp hộ tống bà tại Đà Nẵng, bà được đưa tới Đà Lạt bằng máy bay quân sự. Bốn tháng sau, bà được đưa tới Hồng Kông, bà gặp Vĩnh Thụy rồi qua Pháp sống lưu vong.
Từ năm 1948, Bảo Đại và người Pháp thương lượng rất nhiều về tương lai của Việt Nam. Bà đồng hành với chồng ở Geneve. Dù không thể về lại Việt Nam, bà vẫn hàng ngày cầu nguyện cho nền hòa bình của nước nhà, theo dõi sát sao tình hình chính trị Đông Dương. Bà vẫn là người chịu trách nhiệm cho việc nuôi dạy các con, đồng thời bắt đầu đầu tư tại châu Phi.
Khi Bảo Đại trở thành quốc trưởng sau hiệp ước Vịnh Hạ Long năm 1948 và trở về Đông Dương năm 1948, bà Nam Phương vẫn ở lại Pháp cùng các con. Trong những tháng ngày tại Pháp, bạn bè của cựu hoàng hậu chủ yếu người Pháp và rất hiếm có người Việt.
Bà sống cô đơn, nhất là khi cuộc sống đa thê cũng theo Bảo Đại sang Pháp. Khi Thái tử Bảo Long tham chiến ở Algeria, cựu hoàng Bảo Đại sống ở vùng Alsace, còn Nam Phương sống tương đối ẩn dật ở vùng Chabrignac, Corrèze, cách thủ đô Paris khoảng 500 km.
Nhưng bà vẫn không xa rời chính trị Việt Nam và thường xuyên gặp gỡ các chính khách trong và ngoài nước khi họ tìm gặp bà ở Pháp. Theo lời tác giả, tài trí và nhân cách của có được sự nể trọng của những chính khách mày râu, như anh em Ngô Đình Diệm hay Cường Để. Nguyện ước của bà là một ngày nào đó sẽ lại thấy An Nam phục hồi và phục sinh (Annam ressuscité et rajeuni). Do đó, cựu hoàng hậu kịch liệt phản đối sự dựa dẫm vào Mỹ của nhà Ngô.
Tác giả kết luận rằng lịch sử cần phải có cái nhìn công bằng với cựu hoàng hậu tài sắc vẹn toàn và yêu nước. Bản thân bà cũng là một người lãnh đạo thực thụ, một chính khách nữ đáng khâm phục. Bà nên phải được phong là một người hùng của đất nước Việt Nam đương đại. Những người viết sử ngày nay cũng cần nỗ lực đòi lại công bằng cho những người phụ nữ bị lép vế trong lịch sử.
Bạn có thể mua quyển “Nam Phuong - La dernière impératrice du Vietnam” bản tiếng Pháp tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.