‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Năm 2023 ghi nhận nhiều sự kiện tôn giáo nổi bật, cũng như chứng kiến việc chính quyền áp dụng nhiều chính sách trong việc quản lý tôn giáo.
Sau đây là 5 sự kiện tiêu biểu, khái quát nên bức tranh tôn giáo tại Việt Nam trong năm qua.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ qua đời ngày 24/11/2023 tại chùa Phật Ân, tỉnh Đồng Nai, hưởng thọ 81 tuổi. [1]
Ông giữ chức Chánh Thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), quyền lãnh đạo tạm thời của giáo hội. [2]
Ông cũng là một nhà bất đồng chính kiến và từng bị tuyên án tử hình vào tháng 9/1988 về tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Nhờ sự can thiệp của quốc tế, ông được giảm án còn 20 năm tù giam. [3]
Ông cũng được biết đến như một học giả trong ngành triết học, Phật học.
Tang lễ của ông đã diễn ra tốt đẹp dù ban đầu chính quyền địa phương ngăn cản việc treo băng rôn có dòng chữ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”. [4]
Theo GHPGVNTN, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ có tên thật là Phạm Văn Thương, sinh ngày 5/4/1945 tại tỉnh Paksé, Lào. [5]
Từ năm 1964 đến 1970, ông tốt nghiệp Viện Cao đẳng Phật Học và làm giáo sư tại Viện Ðại học Vạn Hạnh.
Năm 1973, ông làm Giám học tại Phật Học viện Trung phần. Sau ngày 30/4/1975, học viện bị chính quyền đóng cửa, ông chuyển đến sống tại một ngôi chùa gần thành phố Nha Trang.
Năm 1977, ông vào Sài Gòn lánh nạn tại chùa Tập Thành, và bị chính quyền bắt giam ba năm không thông qua xét xử về tội cư trú bất hợp pháp.
Cuối tháng 9/1988, chính quyền đã kết án tử hình ông vì tội âm mưu lật đổ chính quyền.
Đến năm 1998 ông được trả tự do nhờ sự can thiệp của quốc tế. Cùng năm, ông được tổ chức nhân quyền Human Rights Watch trao giải thưởng Hellman-Hammett cùng với bảy người khác.
Tháng 4/1999, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đề cử ông làm Tổng Thư ký Viện Hóa đạo GHPGVNTN.
Ngày 21/8/2022, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN cử ông nhận chức vụ Chánh Thư ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống. Ông giữ chức vụ này cho đến khi qua đời.
Đọc thêm: Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ: Tù nhân ngoài nhà lao và Tuệ Sỹ, niềm tin không cần thế chấp
Vào ngày 27/7/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp Giáo hoàng Francis tại Vatican. Hai bên đã ký kết “Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam” nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. [6]
Đây là kết quả của 10 vòng đàm phán từ năm 2009 đến tháng Ba năm 2023.
Trước năm 1975 tại miền Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chỉ cho phép Tòa Thánh bổ nhiệm khâm sứ tại Việt Nam, tức là người đại diện của Tòa Thánh nhưng không có tư cách ngoại giao chính thức.
Sau năm 1975, chính quyền cộng sản đã yêu cầu khâm sứ Tòa Thánh rời khỏi Sài Gòn, chấm dứt sự có mặt của đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam. [7]
Còn tại miền Bắc, hai bên cắt đứt quan hệ ngoại giao từ tháng 8/1959, khi chính quyền trục xuất linh mục Terenz O'Driscoll lúc đó đang tạm thời đảm nhiệm quyền khâm sứ và tịch thu tòa khâm sứ cho đến nay. [8]
Đến năm 2011, chính quyền mới cho phép Tòa Thánh bổ nhiệm một vị đại diện không thường trú đến Việt Nam là Tổng Giám mục Leopoldo Girelli.
Năm 2018, Tổng Giám mục Marek Zalewski, người Ba Lan, được cử đến Việt Nam thay thế Tổng Giám mục Girelli.
Đến tháng 12/2023 thì Toà Thánh tiếp tục bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm đại diện thường trú của Giáo hoàng đầu tiên tại Việt Nam. [9]
Đọc thêm: Trăm năm quan hệ Việt Nam - Vatican và những vấn đề bạn nên biết
Khoảng 0 giờ, ngày 11/6/2023, hai trụ sở ủy ban nhân dân (UBND) xã Ea Tiêu và Ea Ktur bị một nhóm người tấn công, giết chết chín người, trong đó có bốn công an viên, hai cán bộ lãnh đạo xã, và ba người dân. [10]
Đến ngày 23/6/2023, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 84 người, trong đó 75 người bị khởi tố vì tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Các video do chính quyền công bố cho thấy các nghi phạm hầu hết đều là người Thượng. [11]
Ngày 22/6/2023, Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an cho biết trong các nghi phạm bị bắt có một người được một tổ chức có trụ sở tại Mỹ cử về Việt Nam để “dàn dựng vụ tấn công”. [12]
Trước đó, vào ngày 18/6/2023, kênh YouTube của Công an tỉnh Đắk Lắk có đăng một phóng sự cáo buộc Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên là tổ chức phản động. [13]
Video này được đăng cùng lúc với các video về vụ tấn công tại hai UBND xã thuộc tỉnh Đắk Lắk làm nhiều người chết.
Dù cáo buộc như vậy nhưng video chỉ nói rằng các tín đồ đã được học về cách viết báo cáo vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo, đào tạo kỹ năng hoạt động xã hội dân sự, thu thập thông tin về vi phạm nhân quyền. Đây rõ ràng chỉ là những hoạt động vận động nhân quyền ôn hòa chứ không phải việc sử dụng vũ lực tấn công vào các cơ quan nhà nước. [14]
Cho đến nay, Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên vẫn chưa được chính quyền thừa nhận. Các thành viên bị cáo buộc là phản động, chống phá nhà nước. Trong khi những nhóm Tin Lành độc lập tại Tây Nguyên bị cấm hoạt động, báo chí nhà nước vẫn tuyên truyền rằng nhà nước đã đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho người Thượng.
Vào tháng 6/2023, báo điện tử VOV khẳng định đồng bào có đạo ở Tây Nguyên luôn được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. [15]
Bài viết khẳng định chính quyền các tỉnh Tây Nguyên luôn giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tôn giáo.
Hiện nay, Tây Nguyên là khu vực rất nhạy cảm về vấn đề tôn giáo, tranh chấp đất đai, phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc. Người Thượng ở khu vực này đã trải qua nhiều biến cố khiến họ mất mát đất đai, tín ngưỡng cổ truyền bị xóa bỏ, không được phép tự do sinh hoạt tôn giáo.
Đọc thêm: Vấn đề tôn giáo tại Tây Nguyên: Chính quyền càng can thiệp thô bạo càng không có lối thoát
Ngày 19/1/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho việc tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho các di tích và hoạt động lễ hội. [16]
Thông tư sẽ không điều chỉnh công tác quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ ở các cơ sở tôn giáo chưa là di tích được chính quyền công nhận hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản Văn hóa. Tiền tài trợ, tiền công đức để duy trì hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư trên.
Bộ Tài chính cũng cho biết chính quyền không quản lý tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội ở các cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo. [17]
Đến tháng 7/2023, Bộ Tài chính đã công bố báo cáo kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình, chùa tại tỉnh Quảng Ninh. [18] Theo báo cáo, có 50 chùa không có số liệu báo cáo, điển hình là chùa Ba Vàng ở thành phố Uông Bí.
Vài ngày sau, chùa Ba Vàng đã báo cáo số tiền công đức thu được từ ngày 19/3/2023 đến ngày 30/4/2023 là 4.164.500.000 đồng. Trong đó, tổng chi bằng tổng thu. [19]
Đến tháng 10/2023, Bộ Tài chính gửi công văn đến UBND các tỉnh, thành phố về việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử, văn hóa trên toàn quốc. [20]
Theo công văn, Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích nhưng mọi hoạt động thu, chi phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và minh bạch.
Chủ tịch UBND cấp huyện là người chỉ đạo việc kiểm tra, và chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ gửi báo cáo kết quả cho Bộ Tài chính.
Thông tư này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ khăng khít giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền. Hiện nay, Giáo hội có ít nhất 28 ngôi chùa được công nhận hoặc nằm trong di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 500 ngôi chùa khác được công nhận là di tích cấp quốc gia. [21] Trong số đó, nhiều ngôi chùa có doanh thu lớn của giáo hội được chính quyền tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch.
Đọc thêm: “Tiền công đức”: Vì sao nhà nước giằng co với nhà chùa
Vào ngày 22/3/2023, chính quyền xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đã ngăn cản thô bạo một linh mục chánh xứ đang làm thánh lễ cho các tín đồ.
Linh mục bị ngăn cản là ông Phanxicô Xaviê Lê Tiên, chánh xứ giáo xứ Đắk Giấc, đang dâng lễ tại nhà nguyện Giáo họ Phaolô của giáo xứ này.
Chính quyền cho biết nhà nguyện này chưa được công nhận, do đó việc sinh hoạt tôn giáo là trái pháp luật. Chính quyền tỉnh Kon Tum khẳng định sẽ xử lý những cán bộ có hành động quá đáng trong khi ngăn cản thánh lễ này. [22]
Ngay khi sự việc xảy ra, Tòa giám mục Kon Tum đã ra thông báo lên án hành vi xúc phạm tôn giáo của chính quyền xã Đắk Nông. Thông báo còn cho biết chính quyền chưa đồng ý công nhận nhà nguyện này, cũng như một số nhà nguyện khác trong tỉnh. [23]
Sau đó, để thuận lợi cho việc tổ chức thánh lễ, Linh mục Phanxicô Xaviê Lê Tiên đã gửi đơn xin cấp phép sinh hoạt tôn giáo tập trung tại nhà nguyện này. Tuy nhiên, chính quyền lại bác đơn với lý do: “Đơn xin đăng ký điểm sinh hoạt tạm thời của Linh mục Lê Tiên chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật…”. [24]
Các hoạt động của Công giáo tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên luôn gặp nhiều khó khăn do chính quyền không chịu công nhận những nhà thờ, nhà nguyện mới được thành lập. Tất cả các hoạt động tôn giáo phải được chính quyền đồng ý trước khi tổ chức, dù rằng nó chỉ mang tính tôn giáo thuần túy, được các linh mục trong nước cử hành.
Đọc thêm: Nhà nước vẫn giữ quyền ban phát đất đai như một công cụ kiểm soát tôn giáo