‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Vào những lúc tăm tối nhất, giá trị nhân bản vẫn rực sáng.
Tháng 1 năm 1979, Việt Nam tấn công và đánh chiếm thủ đô Phnom Penh, lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Chỉ trong vài năm cầm quyền, chế độ cộng sản do Pol Pot làm lãnh đạo đã giết chết hơn 2 triệu người, tức là khoảng 25% dân số Campuchia, bằng nhiều hình thức hành hình tàn bạo khác nhau.
Cuốn sách “Music Through the Dark” (tạm dịch: Âm nhạc xuyên màn đêm) của Bree Lafreniere và Daran Kravanh xuất bản lần đầu tại Mỹ vào năm 2000, chứa đựng những trang viết rùng rợn, đau thương về một thời kỳ tang tóc của dân tộc Campuchia qua những trải nghiệm thực tế của chính các tác giả. Tác phẩm cũng cho thấy tinh thần và nghị lực phi thường của những người sống sót khỏi nạn diệt chủng, họ phải vượt qua và tiếp tục sống trong tình cảnh mất người thân.
Theo hai tác giả, thế kỷ 20 ở Campuchia có đến hai thời kỳ đen tối. Ở thời kỳ đầu, Campuchia gặp nạn hạn hán. Lúa chết, mùa màng thất bát, con người cũng không sống nổi vì đói, dân chúng bất mãn. Thời kỳ sau là khi Khmer Đỏ xuất hiện, chưa đầy một thập niên kể từ khi Campuchia giành độc lập khỏi Pháp vào năm 1953. Lúc bấy giờ ở Campuchia có nhiều đảng phái chính trị, mỗi đảng lại tồn tại những phe cánh nhỏ hơn. Xã hội đầy rẫy bất công, bất hòa, chia rẽ. Các lực lượng chính trị và Khmer Đỏ dùng bạo lực để tranh giành quyền lực, dẫn tới cuộc nội chiến nhân danh lý tưởng.
Lúc đó, sự chia rẽ không chỉ có ở ngoài xã hội mà còn hiển hiện trong từng gia đình. Người ta giết nhau vì theo hoặc không theo Khmer Đỏ. Đó là quãng thời gian mà người dân bị nỗi sợ bao vây, đến mức “ngay cả linh hồn phù hộ cho tôi cũng phải trốn chạy vì khiếp sợ”.
Khmer Đỏ ở sâu trong rừng và cô lập với thế giới bên ngoài. Lực lượng này thiết lập mạng lưới dày đặc, chiêu mộ cả trẻ em và phụ nữ. Phần lớn những người tham gia là nông dân nghèo, những người có học vấn không cao. Họ hô hào tham vọng biến Campuchia thành quốc gia tự cung tự cấp, xóa bỏ giai cấp, bài trừ tôn giáo và sở hữu cá nhân.
Khmer Đỏ bắt đầu tiến hành du kích bằng việc xử tử lãnh đạo địa phương và trung ương một cách công khai, dã man. Sau cuộc nổi dậy của nông dân vào năm 1968, nhóm này càng hành động tàn bạo hơn. Năm 1973, Khmer Đỏ lập các hợp tác xã, xóa bỏ tư hữu, bắt dân thường mặc áo đen (màu áo nông dân) và cấm Phật tử đi tu vì coi đó là phản cách mạng.
Khmer Đỏ xem Phnom Penh là nơi nuôi dưỡng tư sản và các thế lực nước ngoài, vì thành phố này được chọn làm thủ đô dưới thời Pháp thuộc. Khmer Đỏ hứa hẹn Angkar (chính phủ) sẽ lo hết cho người dân, nhiều người đã tin tưởng vào điều đó. Khmer Đỏ bắt người dân từ thành phố về nông thôn, bắt sinh viên từ trường học vào rừng học.
Chế độ này cho mọi người học tập không cần sách vở, rèn luyện các kỹ năng giết chóc bằng cách giết chết súc vật, sẵn sàng để tấn công những người bị coi là kẻ thù của chế độ, v.v. Người dân được dạy rằng thành phố là “cội nguồn của lòng tham và sự ích kỷ”, và bởi vậy tất cả đều phải bị đi về nông thôn để giáo dục lại về lao động chân tay, tách biệt khỏi ảnh hưởng văn hóa phương Tây.
Phần lớn những người tham gia lực lượng Khmer Đỏ không biết chữ, cảm thấy bất mãn vì phải sống nghèo đói dưới thời vua Norodom Sihanouk và chế độ cộng hòa của Lon Nol. Họ ghen tị với tầng lớp thượng lưu ở thủ đô. Những người mà Khmer Đỏ xem là kẻ thù gồm quan chức, sĩ quan quân đội của chính quyền cũ, nhưng về sau bao gồm bất cứ ai có học thức và gia đình của họ.
Hai tác giả Bree Lafreniere và Daran Kravanh là nạn nhân của chế độ diệt chủng đó, nhưng họ đã may mắn thoát chết. Họ xuất thân trong một gia đình khá giả có truyền thống học thuật, văn nghệ, do đó bị Khmer Đỏ cưỡng bức đưa về nông thôn. Tại đó, họ tìm cách chạy trốn, lẩn trong những cánh rừng, ăn lá và trái cây để sống sót qua ngày. Cái đói ập tới nhưng không dám đốt lửa nấu ăn vì sợ Khmer Đỏ chú ý. Họ ra đi với hai bàn tay trắng, không hề được chuẩn bị gì.
Những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có nền tảng giáo dục tốt, được yêu thương bởi cha mẹ là người có trình độ cao, giờ đây cũng phải chịu sự kiểm soát của những binh lính Khmer Đỏ ít học, mù chữ. Chính quyền đó chia rẽ mọi gia đình, dạy trẻ con không được yêu thương hay nhớ về cha mẹ, mà chỉ được yêu nước, yêu chế độ. Họ cai trị bằng bạo lực, thay thế đời sống tâm linh phong phú của con người Campuchia bằng chủ nghĩa duy vật, vô thần.
Mặc dù vậy, những giá trị nhân bản nằm sâu trong mỗi con người vẫn không hề mất đi. Daran Kravanh trong một lần vô tình huýt sáo đã bị lính Khmer Đỏ bắt gặp. Daran phải nói dối rằng mình đang huýt sáo một bài hát cộng sản để tránh phạm tội nghe nhạc của tư bản. Không ngờ chính những người lính ấy cũng muốn được nghe Daran chơi nhạc giữa đêm rừng vắng lặng. Những người lính Khmer Đỏ xa lạ ấy đã tặng Daran cây phong cầm nhỏ để anh có thể chơi nhạc cho họ nghe.
Sau khi Quân đội Việt Nam tiến vào lật đổ chính quyền Khmer Đỏ. Pol Pot trốn khỏi Phnom Penh bằng trực thăng và ẩn náu tại Trung Quốc. Daran ở lại Campuchia cho đến năm 1984 thì đến Thái Lan tị nạn, sau bốn năm ông được nhập cảnh vào Mỹ theo diện trợ giúp nhân đạo.
Đây là một cuốn sách viết về sức bật tinh thần và sức sống của con người. Không có sự thù hận trong những trang sách. Âm nhạc là một thứ ánh sáng kỳ diệu, và là sức mạnh để người nghệ sĩ vượt lên hoàn cảnh. Khi phải sống trong những ngày tháng kinh khủng đó, con người bị kiệt sức đến nỗi họ sẵn sàng chấp nhận cái chết để chấm dứt những khổ đau.
Daran Kravanh là lãnh đạo của Đảng Khmer Chống đói nghèo từ năm 2008, lãnh đạo tổ chức phi chính phủ Ủy ban Công lý Campuchia từ năm 2016. Vào năm 2017, ông đã vận động thành công Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua một nghị quyết về tình hình nhân quyền ở Campuchia, trước bối cảnh các đảng đối lập Campuchia liên tục bị đàn áp và phong tỏa tài sản.
Bạn có thể mua quyển “Music Through the Dark: A Tale of Survival in Cambodia” bản tiếng Anh tại đây, bản tiếng Việt tại đây.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.