Đọc ‘Chốn vắng’ của Dương Thu Hương
Dương Thu Hương là một trong những nhà văn nổi tiếng viết về chủ đề chiến tranh, đặc biệt là
Sự đan xen của những lý tưởng mâu thuẫn.
Tính toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển toàn diện của quốc gia. Nhà báo phải vào tù chỉ vì họ viết lách. Những người có tài nhưng trái ngược quan điểm chính trị với chính quyền phải rời bỏ đất nước. Hay những người dân có xung đột về đất đai với chính quyền phải chịu đàn áp, thiệt thòi. Tất cả đều tạo nên một không gian đè nén và bất công cho bất kỳ ai không đồng tình với bất kỳ khía cạnh quản trị nào của chính quyền.
Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa rằng chấm dứt chế độ cộng sản là lời giải cho mọi vấn đề. Tương lai của một quốc gia phức tạp hơn là câu chuyện dân chủ hay không dân chủ, cộng sản hay không cộng sản.
Một vài lát cắt của quá trình dân chủ hóa của Cộng hòa Séc có thể giúp người viết gửi gắm vài thông điệp về vấn đề này tới bạn đọc.
Quá trình dân chủ hóa chính thức của Cộng hòa Séc bắt đầu năm 1989, khi nước này vẫn còn là một phần của Tiệp Khắc. Dù phong trào Mùa xuân Praha năm 1968 gây được một số ảnh hưởng nhất định, sự đàn áp tàn bạo của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa đã đặt dấu chấm hết cho ý tưởng “chủ nghĩa xã hội mang gương mặt người" và những tham vọng cải cách thời kỳ đó. Người biểu tình và các nhà cải cách bị đẩy ra khỏi không gian công cộng.
Ngay cả phong trào phản kháng lừng danh Hiến chương 77 (Chapter 77), vốn được biết đến rộng rãi trên thế giới nhờ vào biện pháp xuất bản tự thân (samizdat publications), cũng chỉ nhận được sự chú ý hạn chế từ quần chúng. [1] Một số nhà quan sát khác thậm chí cho rằng trong giai đoạn hình thành, Hiến chương 77 gần như bị đại đa số quần chúng cô lập và làm ngơ. [2]
Tại một số quốc gia Đông Âu như Ba Lan, các phong trào đối lập xã hội đã được bắt đầu với phong trào Công đoàn Đoàn Kết (Solidarność), cũng như sự chuẩn bị về mặt ý thức, vận động của các nhà thờ Công giáo từ đầu thập niên 1980. Tại Tiệp Khắc, quá trình chuẩn bị này chỉ xuất hiện trong giai đoạn 1988-1989. [3]
Điều này có thể đã tạo ra vấn đề lớn cho quá trình chuyển đổi.
***
Giai đoạn 2019-2021, chỉ khoảng ba thập niên sau khi giấc mơ dân chủ thành hình, hình ảnh của Cộng hòa Séc trên các phương tiện truyền thông đại chúng ngập tràn các chính trị gia dân túy, võ biền, mở miệng ra không nói gì khác ngoài việc xóa bỏ nền dân chủ. [4]
Nghe có vẻ tệ, nhưng đây chỉ là phần nổi của vấn đề kiến quốc của người dân Cộng hòa Séc.
Václav Havel - tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc (1989-1992) và Cộng hòa Séc (1993-2003) - là một nhà lãnh đạo thuộc trường phái lý tưởng của phong trào dân chủ. Ông là bộ mặt trước quốc tế của một nhà nước Séc tự do. Ông tin tưởng vào vai trò quan trọng của xã hội dân sự đối với tiến trình dân chủ. Ông đặt nhiều kỳ vọng vào tự do và đạo đức cá nhân, và một hệ thống chính trị phi chính phủ - ngược lại với đặc trưng của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa trước đó. Nói cách khác, Havel tin vào một chính phủ nhỏ, đồng thời cũng tin vào việc xây dựng một hệ thống chính trị dân chủ nền tự thân, có tính cơ sở, và lành mạnh.
Đây là hình ảnh phản chính trị (anti-politics) đã giúp cho Diễn đàn Dân sự (Civic Forum) - đảng chính trị do Havel lãnh đạo - trỗi dậy như một thế lực chính trị mạnh nhất thời kỳ hậu cộng sản, nhưng nó cũng nhanh chóng khiến cho Diễn đàn Dân sự gặp nhiều vấn đề trong việc quản lý. [5] Trong một thời gian nhất định, họ lúng túng với câu hỏi về kinh tế, câu hỏi về quản lý nhà nước, câu hỏi về hiệu quả hình ảnh để trình bày trước quốc dân.
Tranh chấp về diễn ngôn và định hướng chính trị này nhanh chóng dẫn đến sự hình thành của một tổ chức mới xoay quanh Václav Klaus - kinh tế gia, bộ trưởng tài chính (1989-1992), thủ tướng (1992 - 1998), và là tổng thống thứ hai (2003-2013). Họ tự nhận mình là những chính trị gia hiện thực (realist) và thành lập ra Đảng Dân sự Dân chủ (Civic Democratic Party - Obcˇanská demokratická strana, ODS). ODS đặt ra mục tiêu kinh tế và tham vọng quyền lực rõ ràng hơn, với trọng tâm là chủ nghĩa thị trường tự do (market liberalism) cùng niềm tin cho rằng thị trường tự do và quá trình phân phối của cải sẽ giúp Cộng hòa Séc giải quyết các vấn đề của họ trong thập niên 1990. [6]
Tuy nhiên, người dân Cộng hòa Séc dần nhận ra rằng đẩy mạnh tư hữu hóa (privatization) và xây dựng một nền kinh tế phi quan liêu không phải là lời giải cho mọi vấn đề của quốc gia. Sự thất bại của chính quyền Václav Klaus cho thấy sự chuẩn bị cho các đối thoại và phong trào nền của Cộng hòa Séc trước đó đã không đủ cho việc tưởng tượng ra một nhà nước phù hợp với kỳ vọng của quần chúng lẫn thực tế chính trị của đất nước.
Vì lý do này, các nghiên cứu định lượng cho thấy quan điểm chính trị của công chúng Cộng hòa Séc vừa hợp lý nhưng cũng vừa mâu thuẫn.
Ví dụ, quần chúng ủng hộ mạnh mẽ chính sách an sinh và một nhà nước phúc lợi. Sự ủng hộ này lớn đến mức những người bỏ phiếu cho đảng tự do ODS vào năm 1996 có xu hướng ủng hộ nhà nước phúc lợi còn hơn cả người dân Thụy Điển vốn đang sống trong mô hình dân chủ xã hội hoàn thiện. [7]
Tuy nhiên, trong các nghiên cứu chính trị ở châu Âu như Khảo sát Eurobarometer, người dân Cộng hòa Séc thể hiện sự bất mãn và bất tín nhiệm rất lớn đối với chính quyền, và tỷ lệ này nằm trong nhóm cao nhất ở châu Âu. [8]
Điều này tạo nên hiện tượng gọi là lý tưởng mỏng (thin ideology) trong các đảng phái chính trị lẫn quần chúng Séc nói chung, giúp cho các đảng phái trung lập (centrist parties) được ưa chuộng, nhưng cũng khiến cho cách tiếp cận về dân chủ và quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn. [9]
Và đây là một điều dễ hiểu.
Làm thế nào để thỏa mãn được nhu cầu tự do và tâm lý phản chính trị vốn không quá tin tưởng vào chính quyền, đặt kỳ vọng ở thị trường và mô hình chính phủ hạn chế, đồng thời lại ủng hộ việc mở rộng quyền lực và cánh tay nối dài của chính phủ để thỏa mãn yêu cầu về phúc lợi xã hội?
Như một số nghiên cứu đặt ra, điều này dẫn đến các kỳ vọng chính trị khá kỳ lạ, như việc người dân ủng hộ chính sách an sinh, nhưng đồng thời muốn nhận tiền mặt thay vì dịch vụ an sinh công cộng do chính phủ cung cấp. Sự mâu thuẫn này có thể được xem là nền tảng cho quá trình phát triển của các chính đảng và phong trào dân túy gần đây.
***
Bài viết này chắc chắn không phải nhằm để phủ nhận các thành tựu dân chủ của Cộng hòa Séc suốt mấy thập niên qua. Chỉ tính đến việc quan điểm chính trị đa dạng được công nhận; người bất đồng không bị bắt bớ, lưu đày; các hoạt động dân chủ như biểu tình được thừa nhận và vận hành một cách tự nhiên, v.v… Cộng hòa Séc đã là một hình mẫu cho Việt Nam.
Tuy nhiên, sự lúng túng của quần chúng Séc kể từ khi bắt đầu dân chủ hóa và các tranh cãi liên quan đến câu chuyện chính phủ lớn - chính phủ nhỏ, tự do thị trường, lẫn phúc lợi xã hội… cho thấy tự thân dân chủ và đa đảng không phải là lời giải đáp cho mọi vấn đề. Những yếu tố này chỉ tạo nên nền tảng và công cụ. Văn hóa chính trị có tính xây dựng, thực hành chính trị lành mạnh, những kỳ vọng chính trị được xây dựng một cách khoa học là hàng loạt những yếu tố khác cần có cho một tương lai hậu cộng sản.
1. Pullmann, Michal. 2012. Gewalt in der Umbruchzeit der ČSSR. In 1989 und die Rolle der Gewalt, ed. Martin Sabrow, 337–356. Göttingen: Wallstein.
3. Otáhal, Milan. 2011. Opoziční proudy v české společnosti 1969–1989. Prague: Ústav pro soudobé dějiny.
5. Myant, Martin. 2005. Klaus, Havel and the Debate over Civil Society in the Czech Republic. Journal of Communist Studies and Transition Politics 21 (2): 248–267.
6. Kopeček, Michal. 2011. The Rise and Fall of Czech Post-Dissident Liberalism After 1989. East European Politics and Societies 25 (2): 244–271.
7. Saxonberg, S. (2003) The Séc Republic Before the New Millennium: Politics, Parties and Gender (Boulder, CO, East European Monographs).
8. tandard Eurobarometer 94, Winter 2020–2021, available at: https://europa.eu/eurobarometer/surveys/detail/2355