Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Cuộc thanh trừng mở rộng của Tập Cận Bình làm suy yếu mạng lưới thân hữu ở địa phương.
Càng có nhiều vụ bắt bớ và xét xử tham nhũng ở địa phương thì các bí thư thành ủy càng ít bổ nhiệm người thuộc phe cánh của mình hơn.
Đó là kết quả nghiên cứu trong bài báo có tên “The Decline of Factions: The Impact of a Broad Purge on Political Decision Making in China” của học giả Zeren Li (Đại học Yale, Mỹ) và Melanie Manion (Đại học Duke, Mỹ). [1] Bài báo khoa học này được đăng năm 2023 trên tạp chí British Journal of Political Science của Nhà xuất bản Đại học Cambridge (Anh).
Ngay sau khi nắm giữ chức vụ đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) năm 2012, Tập Cận Bình bắt đầu cuộc đại thanh trừng trên toàn quốc vào đầu năm 2013.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra mấy đặc điểm nổi trội của cuộc thanh trừng của ĐCSTQ diễn ra dưới thời Tập Cận Bình.
Thứ nhất, cuộc thanh trừng này diễn ra trên quy mô rộng lớn nhất trong lịch sử ĐCSTQ. Tính đến năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã điều tra và xử phạt đến 1,5 triệu đảng viên. Đây là con số lớn nhất trong mọi cuộc thanh trừng trong lịch sử đảng này.
Thứ hai, ĐCSTQ đã tập trung hoạt động chống tham nhũng vào một cơ quan là Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trước đó, các đảng bộ cấp thành ủy vẫn có quyền hạn nhất định trong ủy ban chống tham nhũng tại địa phương mình. Bí thư thành ủy có quyền điều tra cấp dưới hay ấn định hình phạt.
Với mô hình tập trung hóa, các lãnh đạo đảng địa phương hầu như không có nhiều quyền hạn để bảo vệ được “quân” của mình.