‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Chuyện tưởng như hiển nhiên nhưng lại rất phức tạp.
Lật đổ chế độ cộng sản xong thì phải cấm đảng cộng sản hoạt động chứ. Nhiều người nghĩ như vậy.
Người Ba Lan cấm các biểu tượng cộng sản. [1] Người Ukraine cũng đã cấm một đảng cộng sản. [2] Đảng cộng sản, học thuyết cộng sản và các biểu tượng cộng sản bị cấm ở một số nước khác. Một phần rất lớn người Cộng hòa Séc cũng nghĩ nên như vậy. [3]
Nhưng kể từ Cách mạng Nhung năm 1989 tới nay, Tiệp Khắc (cũ) và Cộng hòa Séc gần như chưa bao giờ có bất kỳ hành động pháp lý nào để cấm đảng cộng sản.
Năm 1990, ở cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở cấp liên bang sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc vẫn được ghi danh tranh cử và giành được tới 13-14% số phiếu, nghiễm nhiên có chân trong Quốc hội.
Cùng năm đó, trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở cấp địa phương, họ cũng về thứ hai với 17% số phiếu. Diễn đàn Dân sự dẫn đầu với 36% số phiếu.
Sau khi Tiệp Khắc giải thể, ở Cộng hòa Séc chỉ còn lại Đảng Cộng sản Bohemia và Moravia, tức là một trong hai nhánh của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc cũ (nhánh còn lại là Đảng Cộng sản Slovakia). Đảng này tiếp tục tranh cử và liên tục giành được hơn 5% số phiếu để có mặt trong Hạ viện.
Tháng Tư năm 1990, Công tố viên Tomáš Sokol của thủ đô Praha đề nghị đặt Đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. [4] Ông là người của Diễn đàn Dân sự (Civic Forum) do Tổng thống Václav Havel lãnh đạo, là đảng chính trị lớn nhất vào thời điểm đó. Những yêu cầu cấm Đảng Cộng sản dễ dàng giành được sự ủng hộ rộng rãi trong nội bộ Diễn đàn Dân sự, đặc biệt là ở các đảng bộ địa phương. Ngay cả các đảng nằm trong Mặt trận Quốc gia từng hợp tác với Đảng Cộng sản trong quá khứ cũng ra mặt đòi cấm.
Điều này mâu thuẫn với phe còn lại của Diễn đàn Dân sự, do Havel đứng đầu, chủ trương tôn trọng sự tồn tại của Đảng Cộng sản và coi họ là một phần của nền chính trị. Vấn đề cấm hay không cấm Đảng Cộng sản trở thành một vấn đề trung tâm gây chia rẽ trong nội bộ Diễn đàn Dân sự.
Năm 1993, Quốc hội thông qua một nghị quyết lên án chủ nghĩa cộng sản, tuyên bố Đảng Cộng sản Tiệp Khắc là một tổ chức tội phạm và phải chịu trách nhiệm cho những tội ác mà nó đã gây ra từ năm 1948 tới năm 1989. Tuy nhiên, nghị quyết này chỉ mang tính tuyên ngôn. Đảng Cộng sản vẫn không bị cấm.
“Chúng tôi là một đảng hợp pháp và luôn luôn hoạt động theo Hiến pháp", lãnh đạo Đảng Cộng sản Vojtech Filip nói. Ông là nghị viên Hạ viện từ năm 1996 đến năm 2021, thậm chí còn từng hai lần làm tới chức phó chủ tịch Hạ viện.
Tuy vậy, làn sóng bài cộng sản vẫn có sức sống mạnh mẽ trong công chúng Séc. Nhiều nhóm chính trị gia và nhà hoạt động vẫn vận động cấm Đảng Cộng sản, với lý do họ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, cổ súy - hoặc ít nhất là không lên án - tư tưởng đấu tranh giai cấp bằng vũ lực của chủ nghĩa cộng sản, đi ngược lại các giá trị căn bản của nền dân chủ.
Năm 2012, dưới sức ép của nhiều nhóm vận động, chính phủ Séc từng cân nhắc đệ đơn lên Tòa án Hành chính Tối cao để yêu cầu tòa cấm Đảng Cộng sản hoạt động. Đây là cơ quan duy nhất ở Cộng hòa Séc có thẩm quyền này. Tuy nhiên, sau cùng, chính phủ quyết định không đệ đơn, với lý do không có căn cứ pháp lý. [5]
Để lý giải tại sao Đảng Cộng sản không bị cấm sau Cách mạng Nhung, một trong những người tổ chức biểu tình vào tháng 11/1989, Pavel Žáček, hồi tưởng lại: “Tình thế ngay sau tháng 11/1989 rất đặc biệt. Có một sự đồng thuận chung là Đảng Cộng sản không nên bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Vào đầu những năm 1990, Václav Havel là một trong những người tin rằng sau một vài kỳ bầu cử, đảng này sẽ tự nhiên biến mất…”. [6]
Có ý kiến cho rằng vào thời điểm đó, chính quyền mới không muốn ban hành những chính sách quá mạnh tay với Đảng Cộng sản và các đảng viên của họ vì nó có thể gây chia rẽ xã hội một cách sâu sắc hơn. Nói gì thì nói, vào thời điểm Cách mạng Nhung thành công, có đến 10% dân số Tiệp Khắc là đảng viên cộng sản, chưa kể gia đình và người thân của họ.
Lại có ý kiến khác cho rằng, không thể cấm Đảng Cộng sản vì các lực lượng cách mạng phải hợp tác với Đảng Cộng sản để tránh đổ máu và chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa. Ít nhất thì nguyên chánh văn phòng tổng thống thời Havel nghĩ như vậy.
Nhưng ông cũng thừa nhận rằng rất nhiều người, bao gồm cả ông, đã quá ngây thơ khi nghĩ rằng Đảng Cộng sản sẽ bị triệt tiêu trong tương lai gần.
Trên thực tế, họ phải đợi tới năm 2021.
Năm 2021 đáng ra phải là một năm đầy hân hoan của Đảng Cộng sản Bohemia và Moravia. Đó là thời điểm họ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Nhưng cử tri Cộng hòa Séc đã không cho họ một lý do nào để ăn mừng: lần đầu tiên trong lịch sử từ năm 1948, họ không giành được đủ số phiếu để được góp mặt trong Hạ viện. [7]
Theo luật, một đảng chính trị phải giành được ít nhất 5% số phiếu thì mới được tham gia Hạ viện. Lần này, họ chỉ được 3,62%.
“Tôi vui, tôi vui lắm", một cựu tù nhân chính trị thời cộng sản nói.
“Nhưng nó tới quá muộn”. Năm đó, ông đã 69 tuổi.
Vào thời điểm năm 2021, Đảng Cộng sản chỉ còn khoảng hơn 26.000 đảng viên, giảm sâu so với con số 100.000 đảng viên vào năm 2003. [8]
Nhưng thất bại này không đồng nghĩa với việc số phận của Đảng Cộng sản tới đây là hết. Họ có thể sẽ trở lại. Lý do vì họ vẫn được tồn tại một cách bình đẳng với các đảng khác trong một thể chế chính trị dân chủ đa nguyên.
Đọc thêm:
1. Lefteris NIKOLAOU-ALAVANOS. (2023). Parliamentary question | New anti-communist law in Poland | E-000260/2023 | European Parliament. Europa.eu. https://www.europarl.europa.eu/doceo/document/E-9-2023-000260_EN.html
2. PAPADAKIS, K. (2022). Parliamentary question | Inadmissible ban on the Communist Party of Ukraine | E-002322/2022 | European Parliament. Europa.eu. https://www.europarl.europa.eu/doceo/document/E-9-2022-002322_EN.html
3. Czech Activists Seek to Outlaw Communist Party (Published 2009). (2023). The New York Times. https://www.nytimes.com/2009/12/23/world/europe/23iht-czech.html
4. Pavel Žáček. (2006). Coming to Terms with the Past – the Czech Middle Way. In Transformation: The Czech Experience (pp. 181–192). essay, People in Need.
5. The Associated Press. (2012, February 29). Czech govt won’t seek to ban the Communist Party. San Diego Union-Tribune; San Diego Union-Tribune. https://www.sandiegouniontribune.com/sdut-czech-govt-wont-seek-to-ban-the-communist-party-2012feb29-story.html
6. Twenty-six years after Velvet Revolution, Czech Communists say history’s still in their favour. (2015, November 17). Radio Prague International. https://english.radio.cz/twenty-six-years-after-velvet-revolution-czech-communists-say-historys-still-8242250
7. Kahn, M., & Muller, R. (2021, October 9). Czech voters oust communists from parliament for first time since 1948. Reuters. https://www.reuters.com/world/europe/czech-voters-oust-communists-parliament-first-time-since-1948-2021-10-09
8. Twilight of the Communist Party in Czechia? (2021, November 16). Radio Prague International. https://english.radio.cz/twilight-communist-party-czechia-8734144