‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Việt Nam có lẽ là một trong những đất nước có nhiều tượng đài nhất trên thế giới.
Năm 2020, một kiến trúc sư đã ước tính Việt Nam có khoảng 400 tượng đài, mỗi tượng đài tiêu tốn từ vài tỷ để vài nghìn tỷ đồng. Những tượng đài này chủ yếu là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, những anh hùng lịch sử và anh hùng cách mạng.
Có thể bạn cũng thắc mắc: Vì sao Việt Nam xây dựng nhiều tượng đài nhiều đến như vậy?
Câu hỏi này sẽ được trả lời trong Cuốn sách “Héros et révolution” (Anh hùng và cách mạng) của sử gia người Pháp Benoît de Tréglodé. Cuốn sách tập trung giải thích về khái niệm “anh hùng mới” của Việt Nam.
Đây là một cuốn sách lý giải một cách hệ thống về cách thức ra đời của các danh hiệu anh hùng, phong trào thi đua yêu nước xuất phát ở miền Bắc, rồi trở nên phổ biến khắp cả nước.
Tác giả không những tiến hành nghiên cứu trên các tài liệu đa dạng, bao gồm nhiều văn kiện lịch sử, mà còn phỏng vấn trực tiếp những anh hùng “sống” của Việt Nam. Cuốn sách đã được dịch sang tiếng Anh với tựa đề “Heroes and Revolution in Vietnam”.
Tại chương 1 của cuốn sách, tác giả cho rằng Việt Nam giống với Trung Quốc về truyền thống sùng bái những cá nhân anh dũng. Đây là một trong những giá trị được thừa nhận trong tam cương (đạo vua tôi, đạo vợ chồng, đạo làm con), ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) của Nho giáo.
Dưới thời phong kiến, một trong những nhiệm vụ của Bộ Lễ là tìm cách tôn thờ, quảng bá những anh hùng lịch sử. Những anh hùng này chỉ được tôn thờ khi có sự đồng ý nhà nước. Đồng thời, câu chuyện của vị anh hùng đó phải hoà hợp với hệ tư tưởng của nhà nước ấy.
Các tác phẩm tôn vinh anh hùng dưới triều đại phong kiến Việt Nam nổi bật là “Việt điện U linh tập” (nhà Lý), “Lĩnh Nam chích quái” (nhà Trần) là những cuốn sách vừa ngợi ca anh hùng, vừa vinh danh các triều đại của những vị anh hùng đó.
Dựa vào truyền thống này, chính quyền miền Bắc đã nhào nặn ra hình tượng anh hùng cách mạng của mình.
Những lãnh đạo cộng sản luôn nhấn mạnh tinh thần dân tộc cao cả, và mô tả bản thân họ như hậu duệ của những anh hùng dân tộc. Mục đích của việc này là nhằm chính danh hóa việc cầm quyền của người cộng sản, và thu hút nhân lực cho phong trào đấu tranh của họ.
Tuy nhiên, những người cộng sản không hẳn là người đầu tiên nhìn thấy tầm quan trọng của sự “bình dân hóa” danh hiệu anh hùng.
Vào đầu thế kỷ 20, Phan Bội Châu, một trí thức tiên phong trong phong trào yêu nước, đã giới thiệu hình ảnh “anh hùng tập thể”.
Ông đã lấy cuộc đời Nguyễn Trãi và Lê Lợi để phân tích ba yếu tố của một người anh hùng: có lý tưởng chính trị, có lòng căm thù ngoại xâm và thể hiện điều này bằng hành động cụ thể, và còn có nhân cách cao thượng.
Trong các phẩm của Phan Bội Châu như “Đề tỉnh quốc dân hồn”, “Trùng Quang tâm sử” và “Chân tướng quân”, ông đã phát đi thông điệp rằng bất cứ ai, nông dân hay công nhân, những người dân khốn khổ và cả phụ nữ, cũng có thể trở thành anh hùng.
Ông cũng lấy câu chuyện về Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo để thấy rằng nguồn gốc xuất thân không tác động đến lòng quả cảm của họ.
Phan Bội Châu đã đề nghị cần định nghĩa lại khái niệm anh hùng. Với ông, điều kiện quan trọng của một anh hùng là không sợ chết, nhất là khi cái chết mang lại sự độc lập cho dân tộc.
Trong khi đó, nhằm kiểm soát và huy động toàn dân vào công cuộc hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội, những nước cộng sản đã chế biến ra khái niệm anh hùng của mình.
Tại Liên Xô, anh hùng là những người lao động trung thành với sự nghiệp công nghiệp hóa. Tại Trung Quốc, hàng loạt các giải thưởng nhỏ và danh hiệu hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang được trao rộng rãi đến những cá nhân, tập thể.
Tại Việt Nam, khái niệm anh hùng mới có mặt vào những năm 1950, sau sự trao đổi với một loạt cố vấn Trung Quốc.
Anh hùng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, mà phần đông là giai cấp công nhân và nông dân, phải có những phẩm chất như trung thành với Đảng, có tay nghề, thành tích nổi bật trong lao động, có tính cách thân thiện, gần gũi với quần chúng, và nhất là có xuất thân từ quần chúng.
Sự ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đánh dấu một bước phát triển trong việc hình thành chủ nghĩa anh hùng mới, và việc xã hội hoá danh hiệu anh hùng.
Theo tác giả cuốn sách, phong trào thi đua yêu nước là sáng kiến do Việt Minh phát động nhằm xây dựng lại tình đoàn kết giữa những bộ phận người dân đã bị chính quyền thực dân Pháp chia rẽ.
Phong trào này vừa nhằm chống pháp, vừa nhằm củng cố địa vị Việt Minh ở các vùng nông thôn, đánh thức tinh thần dân tộc của người dân.
Năm 1948, các ban thi đua yêu nước được thành lập khi Việt Nam gặp khó khăn trong việc huy động quần chúng tham gia phong trào kháng chiến.
Để phổ biến phong trào thi đua yêu nước, Việt Minh được cho là đã thay thế những ngày lễ ở một số địa phương bằng những ngày vinh danh những anh hùng yêu nước.
Đến cuối thập niên 40, những diễn ngôn về “cuộc sống mới” bắt đầu hình thành. Những cụm từ như “thống nhất và đoàn kết dân tộc” được phổ biến rộng rãi. Ở khía cạnh tích cực, những cuộc thi đua này đã góp phần tạo nên tinh thần tập thể tốt hơn.
Việc xây dựng hình tượng người anh hùng mới, mẫu mực bắt nguồn từ nhu cầu khẳng định tính chính danh và bản sắc của giới cầm quyền. Khi việc xây dựng hình tượng anh hùng hoàn tất, việc tiếp theo có lẽ là khuếch đại chúng hết mức có thể, trong đó đương nhiên phải kể đến phong trào dựng tượng đài xuất hiện tràn lan như hiện nay.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.