‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Tại Việt Nam, khu vực công được xem là tương đối tiến bộ về quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới, với việc các cơ quan lập pháp đưa ra nhiều thay đổi tích cực cho quyền của cộng đồng này trong vài năm trở lại đây. Tuy vậy, người lao động là LGBT trong khu vực công vẫn phải đối mặt với nhiều hình thức phân biệt đối xử, ảnh hưởng xấu đến khả năng thu hút lao động cũng như năng lực sáng tạo của khối ngành này.
Vào mùa hè định mệnh năm 2018, Oải,* một giáo viên mầm non tại tỉnh Khánh Hòa, chứng kiến một tin đồn khiến cả sự nghiệp và đời sống cá nhân của cô sụp đổ.
Năm ấy, Oải vừa bước vào mối quan hệ đồng giới đầu tiên trong đời mình – một “tomboy” (chỉ một người nữ hợp giới hoặc nam chuyển giới có bề ngoài nam tính). Hai người cố gắng giữ bí mật mối quan hệ nhưng chẳng được bao lâu. Ngay trước kì nghỉ hè, một cô hàng xóm bắt gặp hai người đi chung, lập tức nghi ngờ giới tính của Oải và loan tin này cho gia đình cô biết.
Người hàng xóm này cũng là bạn đồng nghiệp tại trường mầm non nơi Oải đang công tác. “Chị đó cũng đi nói với mọi người trong trường. Lúc đó mọi người nghĩ mình là một cái gì đó khác người lắm”, cô nhớ lại. Chỉ vài ngày sau, Oải bắt đầu cảm thấy thái độ của đồng nghiệp quanh mình bắt đầu đổi khác. “Sau vài ngày thì một chị đồng nghiệp khác hỏi rằng mình quen tomboy hả. Lúc đó chỉ muốn vỡ òa ra khóc, dù không chia sẻ với ai nhưng mọi người cũng để ý, rồi họ bắt đầu dị nghị, dò xét mình…”, cô chia sẻ.
Áp lực từ cả gia đình và đồng nghiệp khiến cho quan hệ tình cảm của Oải bắt đầu rạn nứt. Ngay khi năm học vừa kết thúc, cô chạy khỏi thị xã đến trú nhờ nhà một người bạn ở tỉnh khác. Ở hoàn cảnh ấy, nhiều lúc cô trộm nghĩ “có lẽ phải bỏ nghề, bỏ quê đi vĩnh viễn”.
Việt Nam đang được biết đến như một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, với khối tư nhân mang lại vô số cơ hội cho người lao động. Mặc dù vậy, khu vực công vẫn được cho là một lựa chọn sáng giá vì sự an toàn, ổn định của lương nhà nước, cũng như hợp đồng công chức vĩnh viễn – nền tảng vững chắc để xây dựng cuộc sống lý tưởng của không ít người trẻ.
Mặc cho hàng loạt các quyết định tinh giản biên chế công chức, đồng thời hạn chế ký hợp đồng “biên chế suốt đời”, nhà nước vẫn là đơn vị có lực lượng lao động lớn nhất tại Việt Nam, với 8,4% lực lượng lao động (4,5 triệu người) ăn lương nhà nước tính đến năm 2021. Tỉ lệ này cao gấp ba lần con số của Singapore – nhà nước quản trị hiệu quả nhất thế giới theo thống kê năm 2022.
Trong vài năm gần đây, không ít người lao động trẻ đã chọn quay lưng với việc làm cho nhà nước, với hàng loạt nguyên nhân được dẫn ra: lương thấp, vấn đề con ông cháu cha, thiếu tập huấn chuyên môn, hay thiếu minh bạch trên con đường thăng tiến.
Đối với người lao động là LGBT, tình hình còn phức tạp hơn: định kiến ăn sâu bám rễ về cộng đồng LGBT vẫn đang nuôi dưỡng những thực hành đầy kỳ thị và độc hại, cản trở công việc và khiến người lao động rời ngành.
Cũng giống như Oải, Nguyễn,** một cây viết tại Hà Nội với bản dạng giới là người đồng tính nam, chia sẻ với The Vietnamese Magazine về trải nghiệm không tốt của mình trong môi trường nhà nước. Vài năm trước, giữa lúc còn là sinh viên năm thứ ba chuyên ngành báo chí, Nguyễn được nhận vào làm thực tập sinh tại một tòa báo nhà nước tại Hà Nội, nơi bố Nguyễn cũng đang công tác.