“Révolution”: một cuộc cách mạng dân chủ

“Révolution”: một cuộc cách mạng dân chủ
Đồ hoạ: Tuỳ Phong/ Luật Khoa

Giữa bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên Quốc gia Gabriel Attal làm tân Thủ tướng vào ngày 09/01/2024, chúng ta có thể một lần nữa nhìn lại tổng thể quan điểm chính trị của nhà dân chủ Emmanuel Macron vào thời điểm tranh cử tổng thống cách đây hơn bảy năm, đồng thời cân nhắc diễn ngôn về chiến lược phát triển quốc gia của ông như một tham chiếu hữu ích cho Việt Nam.

Chủ trương theo đuổi đường lối ôn hòa của Macron càng đáng để xem xét hơn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra hiện nay; khi chủ nghĩa cá nhân và trường phái tân tự do trở nên lung lay trước sự trỗi dậy trở lại của chủ nghĩa tập thể và mầm mống của tư tưởng toàn trị bắt nguồn từ việc ủng hộ sự can thiệp mạnh của nhà nước vào các hoạt động kinh tế - xã hội; khi tầng lớp trí thức ở khắp nơi, dù vẫn ca ngợi chủ nghĩa cá nhân, đang có xu hướng ủng hộ chủ nghĩa tập thể — một cách trực tiếp hoặc gián tiếp — thông qua việc chỉ trích chủ nghĩa tư bản, lên án gay gắt những bất công xã hội và nạn sùng bái đồng tiền.

Cuốn sách “Révolution” được xuất bản vào ngày 24/11/2016 để hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử của Emmanuel Macron đã gây được tiếng vang lớn. Tiêu đề “Cách mạng” của cuốn sách ý muốn nói đến cái mà Macron gọi là những giải pháp mang tính cách mạng dân chủ sâu sắc. “Révolution” thể hiện rõ tinh thần dân chủ mà ông quyết tâm theo đuổi khi tham gia chính trường.

***

Trong hai chương đầu, Emmanuel Macron kể về tuổi thơ êm đềm, bình dị, gắn liền với văn chương, piano và kịch của ông ở thủ phủ vùng Picardie, cũng như những trải nghiệm hình thành nên con người và niềm tin của ông về cuộc sống.

Macron được sinh ra trong gia đình có ông bà là giáo viên, công nhân đường sắt, nhân viên xã hội và kỹ sư cầu đường. Lịch sử gia đình ông gắn liền với lịch sử phát triển của nền cộng hòa ở một tỉnh lẻ nước Pháp. Họ vươn lên tầng lớp trung lưu nhờ lao động và tài năng khi cha mẹ ông, sau này là em trai và em gái ông, trở thành bác sĩ. 

Macron cho rằng tài sản vô giá mà mình có được là việc gia đình luôn quan tâm đến chuyện học hành: họ coi giáo dục là một sự khám phá thế giới tự do, họ khuyến khích ông học tập và không áp đặt ông điều gì cả, họ cho phép ông được là chính mình.

Macron tự mình chọn lựa cuộc sống, và những năm tháng học hành chăm chỉ tạo cho ông niềm tin rằng không có gì quý hơn được tự do là chính mình, được theo đuổi mục tiêu riêng và thể hiện tài năng. Niềm tin sắt đá rằng ai cũng có một tài năng nào đó đã dẫn dắt ông vào con đường chính trị, khiến ông nhạy cảm với những bất công giai cấp, quyền lực, địa vị — vì một xã hội như vậy ngăn cản sự phát triển của mỗi cá nhân.

Emmanuel Macron từng theo học ngành triết học và sau đó là ngành quản lý công tại Pháp, có một sự nghiệp thành công trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trước khi giữ chức phó tổng thư ký cho văn phòng của Tổng thống François Hollande, và tiếp tục được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số trong nội các của Thủ tướng Valls.

Tháng 4/2016, ở tuổi 38, Macron từ chức bộ trưởng, thành lập Đảng Tiến bước! (En Marche!) — một đảng chính trị mà theo ông là có đường hướng ôn hòa, không thiên tả cũng không thiên hữu — từ đó vượt qua ứng viên cực hữu Marine Le Pen để đắc cử tổng thống vào tháng 5/2017.

“Tôi không cam tâm bị giới hạn bởi sự chia rẽ của một thời đại khác. Mong muốn vượt ra khỏi xung đột của tôi đã bị cánh tả gán cho tội phản bội, trong khi cánh hữu coi tôi là kẻ đạo đức giả của cánh tả. Tôi không chấp nhận nhìn khát vọng công lý bị cản trở bởi những khuôn mẫu cũ kỹ đã kìm hãm ý tưởng, trách nhiệm, và tính sáng tạo cá nhân. Nếu theo chủ nghĩa tân tự do có nghĩa là tin vào con người, tôi đồng ý được coi là người theo chủ nghĩa tự do. […] Ngược lại, nếu cánh tả quan niệm rằng tiền không ban cho mọi quyền, rằng việc tích lũy tư bản không phải nguyện vọng tối thượng của cuộc đời mỗi cá nhân, rằng không thể hy sinh quyền tự do dân sự vì một nền an ninh tuyệt đối và không tưởng, rằng những người nghèo và yếu thế nhất phải được bảo vệ và không bị phân biệt đối xử, thì tôi sẵn lòng được coi là một người thuộc cánh tả.” 

Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong lĩnh vực hành chính công, Macron hiểu rõ tính đúng đắn của những chỉ trích và cả hiểu lầm của đa số dân chúng đối với thiểu số những người làm chính trị.

“Muốn trở thành trung tâm chú ý, muốn được phục vụ như thời xa xưa, muốn tận hưởng danh tiếng mà thường không xuất phát từ tài năng tự thân — tất cả điều đó không chỉ là những thú vui say sưa mà còn thật tầm thường. Chúng cũng nguy hiểm nữa, bởi người ta có thể hưởng lạc suốt ba mươi năm làm chính trị, rồi biến mất khỏi đời sống xã hội mà không làm được bất cứ điều gì có ý nghĩa. […] Chính niềm say mê hành động và đổi mới là phẩm chất cần có của những đại biểu dân cử, là động lực thúc đẩy cuộc sống của họ. Vì thế, thật không công bằng khi những người như vậy cũng trở thành mục tiêu trong sự phẫn nộ chung của toàn xã hội.” 

Ông bày tỏ lo lắng về việc những cá nhân có năng lực và sự tận tụy, những người tham gia hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công không phải vì đam mê địa vị mà vì mong muốn cống hiến cho đất nước, sẽ bất bình và thất vọng khi đối diện với sự lười biếng và nhụt chí của nền hành chính công không hiệu quả.

“Làm chính trị, đặc biệt ở cấp nhà nước, không phải là ra lệnh cho đất nước phải làm gì hay khuất phục đất nước. Mà là phục vụ. […] Vì vậy, việc nhà nước cần làm không phải là ra các quy định, cấm đoán, rồi kiểm soát và xử phạt. Nhà nước cũng không nên đóng vai trò là người giám hộ cho một thể chế xã hội bị đánh giá một cách tùy tiện là yếu kém và không có khả năng tự đạt được những điều tốt đẹp.”

Dựa trên niềm tin sâu sắc vào nền dân chủ và mong muốn mời mọi người dân tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước, Macron quyết liệt đưa ra tầm nhìn về một xã hội nơi mỗi cá nhân đều có tinh thần cách mạng, tự giải phóng bản thân khỏi sự trì trệ, yếu hèn khi đối mặt với các vấn đề, khỏi sự mất đoàn kết, thiếu niềm tin, khỏi sự phàn nàn, càu nhàu về những bi kịch vẫn cứ diễn ra, khỏi tình trạng muốn thay đổi nhưng chưa thực sự thiết tha.

Tinh thần cách mạng, sự nhiệt huyết và dấn thân ấy lại càng cần ở các chính trị gia.

“Làm chính trị không có nghĩa là giáo điều. Không gì trái ngược với quan niệm chính trị của tôi hơn hệ tư tưởng bảo thủ. Đồng bào tôi không muốn những người có trách nhiệm tiến hành những cuộc tranh luận chính trị trừu tượng. Họ mong đợi những người lãnh đạo mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ thông qua các giải pháp thiết thực và hiệu quả. […] Những chính sách lớn trong quá khứ, những chính sách hữu ích cho đất nước, luôn được xây dựng theo tinh thần này.”

Cũng phải nói rằng, quan điểm trên của Macron có thể là một trong những lý do khiến ông, sau này khi nhậm chức, phải chịu trách nhiệm cho những phản ứng dữ dội của người dân — phần nhiều là người làm việc trong lĩnh vực công — đối với thái độ mà họ cho là cứng rắn của ông và chính phủ Pháp khi từ chối xem xét lại cải cách hưu trí, mà không tỏ ra thận trọng cân nhắc đến sự đồng thuận và hài hòa xã hội.

***

Trong ba chương tiếp theo, Macron gợi nhắc về lịch sử nước Pháp gắn liền với lý tưởng của nền cộng hòa — nơi chính quyền không làm được mọi việc, không chịu trách nhiệm cho mọi sai lầm, và vì thế cũng không đáng bị xóa bỏ, chính quyền chỉ là những nỗ lực tập thể để giải phóng người dân thông qua việc tăng cường quyền tự do cá nhân; ông cũng nêu lên thực trạng xã hội hiện tại và phác thảo tầm nhìn về một nước Pháp như người dân mong muốn.

Nền dân chủ vốn được xây dựng nhờ vào tầng lớp trung lưu, do đó, Macron bày tỏ mối lo ngại về việc kỹ thuật công nghệ — robot và các thuật toán — đang dần thay thế công việc trong nhiều ngành nghề, cho thấy nguy cơ từ 10% đến 40% số việc làm có thể được tự động hóa trong vòng 20 năm tới, khiến cuộc sống của tầng lớp trung lưu và con cái họ trở nên bấp bênh.

Ngày nay, Internet kết nối những người có cùng đam mê, mở ra nhiều cơ hội cho tự do, ước mơ, và cả nền dân chủ. Nhưng kèm với đó là mặt trái tồi tệ: Internet cũng tạo áp lực và gây nên chứng rối loạn thần kinh khi phơi bày một cách tàn nhẫn những bất công xã hội, sự chênh lệch đáng kinh ngạc về mức sống, khiến người nghèo nhìn thấy đủ mọi khía cạnh trong cuộc sống của người giàu, từ đó nuôi dưỡng mầm mống của sự thất vọng, chán nản, thậm chí là nổi loạn.

Giải pháp Macron đưa ra để giải quyết sự chia rẽ bị gây nên bởi những bất công sâu sắc và không thể khoan dung là khôi phục niềm đam mê thực sự và chân thành về sự bình đẳng.

Ông không tin vào chủ nghĩa bình quyền, vì nó làm thành công của người này trở thành mối đe dọa với người khác. Bình đẳng không phải là tạo ra mô hình xã hội đồng đều, mà cho mỗi người cơ hội như nhau trong những giai đoạn khác nhau của cuộc sống.

Macron tin sự bình đẳng thật sự không nằm ở luật pháp, ở việc soạn thảo bộ luật hay nghị định, mà nằm ở những hành động thực tế cho phép mọi người có xuất phát điểm như nhau, có điều kiện để thành công ở trường học và nơi làm việc, được bảo đảm về mặt y tế và an ninh. Đó là ý nghĩa của chính trị, là điều mà hệ thống chính trị nợ người dân.

Là người làm việc trực tiếp trong hệ thống, Macron thẳng thắn phê phán nền hành chính công không hiệu quả của nước Pháp, khi hàng trăm bộ phận công quyền cồng kềnh và phức tạp còn tồn tại dù đáng ra phải biến mất từ lâu, và việc người dân cũng như những người làm việc trong lĩnh vực công có sức ì quá lớn khi đã quen với “một nền giáo dục quốc gia lỗi thời, một cấu trúc quy hoạch lãnh thổ không thỏa đáng, một hệ thống pháp luật và quy định từ thế kỷ 19 […]”.

“Hệ thống được sắp xếp để bảo vệ trật tự đang tồn tại. […] Tình hình hiện giờ — dù không có sự phân tích kỹ lưỡng và không làm ai hài lòng — vẫn được coi là tốt nhất. […] Đất nước này thuộc về những người theo quan điểm cố thủ, dù liên quan đến vấn đề tài chính, đặc quyền địa vị, hay hệ tư tưởng. Đó là những người vừa mong muốn duy trì hệ thống bất công này, vừa ghét bỏ và phàn nàn về nó. Để ngăn chặn phàn nàn, nhà nước chỉ cần tiêu nhiều hơn các khoản thuế của dân một cách không hợp lý và tạo thêm nợ.” 

***

Trong 11 chương còn lại, Macron đưa ra nhận định và giải pháp xoay quanh mọi mặt của đời sống xã hội bao gồm kinh tế, môi trường, giáo dục, việc làm, y tế, an sinh xã hội, quân sự, ngoại giao, cơ cấu hành chính. 

Trong chương 6, Macron khẳng định: một nền kinh tế phát triển thịnh vượng trước hết phải dựa vào sản xuất và phân phối. Để đạt được điều này, điều tiên quyết là lựa chọn chính sách kinh tế đúng đắn. “Tuy vậy, suốt 30 năm qua cho đến gần đây, chúng ta vẫn chọn tăng chi tiêu công thay vì phát triển kinh tế.” 

Macron ủng hộ cắt giảm mà không gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế hay những khoản bảo trợ xã hội cần thiết, xem trọng cân đối ngân sách trên cơ sở xác định rõ mục đích của các khoản chi tiêu công, đẩy mạnh đầu tư cho trường học, y tế, và chuyển đổi năng lượng — những lĩnh vực mà hoạt động chính trị có thể phát huy vai trò không thể thay thế. 

Để doanh nghiệp phát triển thành công tại Pháp, ông đề xuất hai điều: thứ nhất, thiết lập hệ thống thuế khuyến khích mạo hiểm, làm giàu dựa trên tài năng và sự đổi mới, thay vì cho thuê và đầu tư bất động sản; thứ hai, cần một nguồn tài chính cho phép các công ty huy động vốn nhanh chóng với số lượng lớn.

Trong chương 7, Macron đề cập đến những hậu quả nặng nề về mặt môi trường lẫn xã hội của tình trạng biến đổi khí hậu. Không chỉ tác động tới tính bền vững của nền văn minh nhân loại, thách thức về vấn đề sinh thái đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống của những người nghèo nhất, yếu thế nhất, và hàng loạt thế hệ mai sau.

Trong chương 8, Macron bàn về nền tảng của việc đầu tư cho tương lai và sản xuất, đó là giáo dục trong nhà trường. Sự bất bình đẳng là điều đáng quan tâm, và xã hội cần đấu tranh để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với tri thức và văn hóa. Cuộc cách mạng trong nhà trường có ba nhiệm vụ chính cần tiến hành bao gồm: 

(1) cải cách bậc tiểu học — nơi khởi nguồn của sự bất bình đẳng; 

(2) cải cách việc định hướng trước và sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học: cần minh bạch và cung cấp thông tin tốt hơn, cũng như chú trọng đào tạo nghề;

(3) cải cách bậc đại học: trao cho trường đại học nhiều quyền tự chủ hơn để trả lương tốt hơn nhằm thu hút giáo viên giỏi, cho phép họ đưa ra sáng kiến và thử nghiệm nhiều phương pháp mới — vì sự đồng nhất không đồng nghĩa với bình đẳng; đồng thời bảo vệ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bằng chính sách hỗ trợ xã hội thực sự hiệu quả.

Thách thức của thị trường lao động bao gồm vấn đề việc làm, tình trạng thất nghiệp, nhu cầu cấp thiết bảo vệ mức sống — cũng là bảo vệ phẩm giá của người lao động, hệ thống an sinh xã hội, chế độ hưu trí và y tế, v.v. được Macron phân tích và đề xuất giải pháp một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ trong chương 9, 10.

Từ chương 11 đến chương 15, Macron thảo luận sâu hơn về các vấn đề nội bộ và đối ngoại của nước Pháp. Trong chương 16, ông đưa ra kiến giải và đề xuất giải pháp cho vấn đề hiện tại của hệ thống chính trị — từ chính quyền trung ương tới địa phương, đồng thời yêu cầu những thay đổi thực tiễn và mang tính cách mạng để xây dựng nền dân chủ lành mạnh.

***

Các chính trị gia thường có một khả năng đặc biệt hơn người, đó là tài hùng biện. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên nếu những lời họ nói (hoặc viết) dễ dàng khiến nhiều người gật gù tâm đắc (hoặc tranh cãi gay gắt). Nhưng, một cách công tâm, bên cạnh việc lắng nghe những gì họ nói, chúng ta cũng cần quan sát những điều họ làm — để phục vụ đất nước; từ đó đưa ra nhận định và phản biện phù hợp, như một cách thực thi quyền và nghĩa vụ công dân, theo đúng tinh thần dân chủ mà Emmanuel Macron hết lòng ủng hộ thông qua cuốn “Révolution” và cả sự nghiệp chính trị của ông.

Sách đã được dịch sang tiếng Việt, do Đàm Minh Thủy dịch, Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành.


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.