‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Phong trào phát triển đất nước (và dân chủ hóa) do Phan Châu Trinh khởi xướng đầu thế kỷ XX (1905-1907) ở Việt Nam là hết sức toàn diện và đúng đắn. Không những thế, thật đáng ngạc nhiên rằng các tư tưởng chính của ông được thuyết hiện đại hóa mới do Christian Welzel (2013) đúc kết xác nhận về mặt lý thuyết và thực tiễn trên quy mô toàn cầu. Thuyết hiện đại hóa mới được xem như một trong những lý thuyết toàn diện nhất về dân chủ hóa cho đến nay.
Vậy vì sao phong trào của cụ Phan chưa thành công và công cuộc dân chủ hóa ở Việt Nam sau đó một trăm năm vẫn chưa có kết quả?
Bài này thử tìm hiểu một số nguyên nhân của sự chưa thành công đó dựa vào khung khổ của chính thuyết hiện đại hóa mới.
Tôi từng có hai tiểu luận, “Phan Châu Trinh và thuyết hiện đại hóa mới" (2017) và “Tiananmen Protests and Lessons for Democratization in Vietnam” (2019), tóm tắt tư tưởng chính của Phan Châu Trinh về sự phát triển đất nước và dân chủ hóa Việt Nam. Các điểm chính của tư tưởng Phan Châu Trinh có thể được tóm tắt như sau.
Phan Châu Trinh, với khẩu hiệu “hậu dân sinh” (mà chúng tôi ở Diễn đàn Xã hội Dân sự cập nhật thành “cải thiện dân sinh”) đã luôn luôn chú tâm để nhân dân Việt Nam phát triển kinh tế; tạo dựng doanh nghiệp; cổ vũ thương mại, du lịch và buôn bán ở trong nước và với nước ngoài. Không chỉ nêu tư tưởng, cụ Phan cũng tích cực vận động mọi người khởi nghiệp (mà điển hình là công ty Liên Thành 1906 tại Phan Thiết).
Phát triển giáo dục là một phần cốt lõi của chủ trương nâng cao dân trí (“Khai dân trí”) của cụ. Không chỉ khởi xướng chủ trương, cụ Phan còn tích cực vận động lập trường (Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 tại Hà Nội và đã giảng dạy ở đó; trường Dục Thanh Học Hiệu năm 1907 ở Phan Thiết). Tuy vậy, nâng cao dân trí không chỉ qua giáo dục chính thức mà còn được thực hiện qua thực hành (và chủ trương thực học của cụ là hết sức quan trọng), qua đọc sách, đọc báo, viết sách, viết báo, việc lập ra các hội đoàn, doanh nghiệp, phát triển kinh tế (như nêu ở điểm 1 ở trên).
“Chấn dân khí,” nuôi dưỡng, khơi dậy tinh thần giải phóng, tinh thần tự do của nhân dân là một chủ trương rất quan trọng của cụ Phan (mà Liên Thành Thư Xã được thành lập năm 1905 tại Phan Thiết để truyền bá sách báo có nội dung yêu nước là một ví dụ).
Tổ chức các phong trào xã hội để buộc nhà cầm quyền (Pháp) cải cách.
Tuyệt đối bất bạo động, chỉ dùng phương pháp ôn hòa để thúc đẩy tất cả các việc trên để đưa nước ta vào nền văn minh mới, đủ sức đương đầu với kẻ thù (cũng bằng phương pháp bất bạo động) để giành độc lập chính trị.
Không bài ngoại, không ỷ ngoại mà phải tự chủ.
Có thể thấy các chủ trương, tư tưởng của Phan Châu Trinh đã hình thành một cách hoàn chỉnh trong khoảng năm 1905-1907, và đã được bản thân cụ triển khai trên thực tế và cổ vũ, vận động nhân dân làm theo. Đây là cách tiếp cận hiện đại đối với ngay cả các học giả nghiên cứu về dân chủ hóa nếu xét theo các lý thuyết và thực tiễn dân chủ hóa hiện nay. Cũng hết sức đáng lưu ý rằng cụ Phan đã muốn nhân dân Việt Nam (hay số rất đông trong số họ) thực hiện các chủ trương trên chứ không chỉ một số ít người trở nên giàu có, hiểu biết rộng và có chí khí lớn.
Lý thuyết hiện đại hóa, do Seymour Martin Lipset (1959) đưa ra, cho rằng “dân chủ là kết quả trực tiếp của sự tăng trưởng kinh tế”, và rằng “một quốc gia càng giàu, thì cơ hội càng lớn là nó sẽ giữ vững nền dân chủ”. Thuyết hiện đại hóa đã có ảnh hưởng lớn đến dân chủ hóa trên thế giới (và vẫn được một số chính trị gia đi theo), tuy sau đó bị nhiều người chỉ trích và sửa đổi, bổ sung.
Tóm lại, hiện đại hóa, theo lý thuyết của Lipset, không dẫn đến dân chủ, nó tạo ra một số điều kiện cần nhưng không đủ cho dân chủ hóa (chẳng hạn các nước rất giàu ở Vùng Vịnh hay Trung Quốc minh chứng rằng sự phát triển kinh tế, sự phát triển khoa học công nghệ, hiện đại hóa không trực tiếp dẫn đến dân chủ). Dù sao đi nữa, lý thuyết hiện đại hóa của Lipset là một đóng góp lớn.
Christian Welzel (2013) tổng kết những nghiên cứu của bản thân ông và nghiên cứu của ông với Ronald Inglehart để phát triển lý thuyết hiện đại hóa mới, mà nội dung chính có thể được tóm tắt như dưới đây.
Theo Welzel, có ba nguồn lực hành động quan trọng nhất là: nguồn lực vật chất, nguồn lực trí tuệ, và nguồn lực kết nối.
Nguồn lực vật chất là các thiết bị, công cụ, tiền bạc... cần cho hành động.
Nguồn lực trí tuệ là sự hiểu biết, kiến thức, thông tin, kỹ năng... cần cho hành động.
Nguồn lực kết nối là các hoạt động, cơ chế tạo ra khả năng liên kết, tiếp xúc, hợp tác, tổ chức để hoạt động. Ví dụ: đô thị hóa, làm việc trong các nhà máy công sở giúp những người lao động liên kết với nhau, phối hợp với nhau, tổ chức lại để hành động; mạng lưới giao thông tốt tạo thuận tiện cho sự đi lại, tập hợp, cũng làm tăng nguồn lực kết nối; sự phát triển của các mạng truyền thông cũng thế. Nguồn lực kết nối có cả khía cạnh thể chế của nó, chẳng hạn, quyền tự do lập hội tăng cường nguồn lực kết nối, ngược lại sự cấm đoán làm giảm các nguồn lực kết nối.
Hiện đại hóa, sự phát triển của công nghệ tạo ra các nguồn lực hành động cho các chủ tư bản, cũng có thể (nhưng không nhất thiết) tạo ra các nguồn lực đó cho quảng đại nhân dân. Nó chỉ tạo ra các nguồn lực hành động cho quảng đại quần chúng khi hiện đại hóa và sự phát triển công nghệ nhắm tới phục vụ con người, bổ sung cho các năng lực con người, hơn là tự động hóa chỉ nhằm để thay thế lao động con người và giám sát con người (xem Daron Acemoglu and Simon Johnson [2023]).
Cần lưu ý rằng các nguồn lực hành động của nhân dân (số đông người) cũng là kết quả của những cuộc đấu tranh chứ không phải do hiện đại hóa tự động mang lại. Đấy là một sự khác biệt quan trọng của thuyết hiện đại hóa mới so với thuyết hiện đại hóa ban đầu. Cả ba nguồn lực hành động đều quan trọng nhưng các nguồn lực trí tuệ và kết nối quan trọng hơn nguồn lực vật chất.
Chính trên nền của các nguồn lực hành động này của số đông người dân, công cuộc chấn dân khí mới có thể thành công. Đó là nơi các giá trị giải phóng bước vào và đóng vai trò lớn trên tầng văn hóa, và đây là điểm khác biệt thứ hai.
Các giá trị giải phóng là các giá trị thúc đẩy các quyền tự do của con người.
Các giá trị giải phóng nhấn mạnh bốn khía cạnh về sự tự trị cá nhân, lựa chọn, bình đẳng, và sự lên tiếng, và có thể đo được bằng các cuộc khảo sát.
World Values Surveys đã đo các giá trị này trong khoảng 100 nước chiếm hơn 90% dân số thế giới. Từ năm 1981 đến nay (2024), họ đã khảo sát bảy đợt. Trên cơ sở đó, Welzel đã phát triển Chỉ số các Giá trị Giải phóng (EVI-Emancipative Values Index). Việt Nam đã tham gia vào ba trong bảy đợt khảo sát này trong các năm 2001 (đợt 4), 2006 (đợt 5) và 2020 (đợt 7). Nguyễn Quang A (2017) đã chỉ ra rằng EVI có thể được dùng như một chỉ số về dân khí. Nói cách khác, dân khí có thể đo được cho tất cả các nước trên thế giới và tạo cơ sở để tiến hành những nghiên cứu so sánh.
Trên bình diện tâm lý, các giá trị giải phóng trao quyền cho con người. Chúng thúc đẩy người dân thực hiện các quyền tự do phổ quát, tham gia tích cực vào các hoạt động phong trào xã hội, đòi nhà nước phải đáp ứng các quyền và lợi ích chính đáng của họ bằng cách bảo đảm về mặt pháp lý để người dân thực hiện các quyền tự do.
Không có các phong trào xã hội sẽ không có dân chủ hóa. Chính các phong trào xã hội truyền đạt khát vọng của người dân (các giá trị giải phóng của họ), nhưng bản thân các giá trị giải phóng là động cơ thúc đẩy mạnh nhất trong những động cơ thúc đẩy nhân dân tham gia vào các phong trào xã hội, đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ. Chính áp lực mạnh của nhân dân buộc các nhà chức trách phải ban hành luật pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện các quyền của mình.
Khi các quyền dân sự và chính trị được pháp luật bảo đảm, được thực thi trong thực tế thì chúng ta có nền dân chủ. Nhưng dân chủ chỉ được củng cố và phát triển nếu nhân dân liên tục đấu tranh để tiếp tục cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, tham gia vào các phong trào xã hội, liên tục gây áp lực để buộc những người cầm quyền phải duy trì, nâng cao những quyền đã đạt được, mở rộng các quyền khác của nhân dân. Nói cách khác, dân chủ hóa là một quá trình không bao giờ chấm dứt.
Chúng ta có thể tóm tắt tư tưởng của Phan Châu Trinh được thuyết hiện đại hóa mới đúc kết thành lý thuyết với hình sau đây:
Chúng ta có thể thấy lý thuyết dân chủ hóa toàn diện nhất hiện nay - được công bố năm 2013 - minh họa rất rõ ràng các tư tưởng chính mà Phan Châu Trinh đưa ra hơn một trăm năm trước. Như thế, có thể xem Phan Châu Trinh là nhà cải cách sáng suốt nhất, nhà cách mạng triệt để nhất, người có tầm nhìn xa trông rộng nhất ở Việt Nam trong đầu thế kỷ thứ hai mươi, nếu không muốn nói là đạt tầm vóc của nhiều nhà cải cách có ảnh hưởng lớn trên thế giới thời kỳ đó. Vậy vì sao cụ Phan chưa thành công và cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có dân chủ?
Có nhiều nguyên nhân cho sự nghiệp chưa thành công của Phan Châu Trinh.
Cụ Phan Châu Trinh đã vượt quá xa tầm hiểu biết của các trí thức, những người yêu nước, và của nhân dân ta cũng như trình độ phát triển, hoàn cảnh chính trị và xã hội thời đó. Chính phải hiểu rõ những khó khăn đó chúng ta mới hiểu tầm vóc vĩ đại của Phan Châu Trinh. Cũng nên lưu ý rằng Phan Châu Trinh trẻ hơn Mahatma Gandhi ba tuổi và hai vị đưa ra phương pháp đấu tranh bất bạo động gần như đồng thời, Phan Châu Trinh năm 1905 và Mahatma Gandhi năm 1906. Tuy vậy, thế giới hình như biết đến Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Dalai Lama, Václav Havel, Thích Nhất Hạnh và Aung San Suu Kyi nhiều hơn Phan Châu Trinh khi nói đến phương pháp đấu tranh bất bạo động.
Hầu như phần lớn những người yêu nước và trí thức thời đó đã không hiểu cụ và chủ trương các đường lối gần như ngược với đường lối của cụ (từ Phan Bội Châu chủ trương dùng bạo lực và nhờ nước ngoài, đến Hồ Chí Minh sau đó).
Nhân dân cũng vậy. Cụ chủ trương tuyệt đối bất bạo động, nhưng nhân dân chính quê cụ không kiên trì thực hiện. Phong trào chống sưu cao thuế nặng tháng Ba năm 1908 ban đầu diễn ra một cách ôn hòa nhưng sau đó đã trở nên hết sức bạo lực, vượt ngoài tầm kiểm soát của những người tổ chức (không có Phan Châu Trinh trong số những người tổ chức). Và phong trào đã bị dập tắt trong sự đàn áp dã man của chính quyền thuộc địa Pháp. Dù không tham gia tổ chức, cụ Phan, cùng nhiều nhân sĩ khác, đã bị bắt và nhiều người bị kết án tử hình, rồi cụ bị đày ra Côn Đảo. May nhờ sự can thiệp của Hội Nhân quyền Pháp, cụ thoát án nặng và bị quản thúc tại Mỹ Tho rồi đi Pháp (1/4/1911); xem Chu Hảo (2023).
Chính quyền thuộc địa Pháp và triều đình đã đàn áp rất quyết liệt, bắt, bỏ tù, xử tử hình hoặc lưu đày các trí thức yêu nước, kể cả Phan Châu Trinh.
Ngoài những nguyên nhân trên, có lẽ cũng bổ ích để xem xét các nguyên nhân, mà tôi cho là cốt lõi hơn, của sự chưa thành công theo khung khổ của chính tư tưởng của Phan Châu Trinh được lý thuyết hóa trong thuyết hiện đại hóa mới. Đầu tiên, hãy xem xét các điều kiện cần là các nguồn lực hành động, rồi đến dân khí khi đó.
Đáng tiếc, chưa có những nghiên cứu lịch sử về vấn đề này ở Việt Nam, chí ít từ thế kỷ XIX cho đến giữa thế kỷ XX (các nhà nghiên cứu trẻ có thể dựa vào các tài liệu lưu trữ của Pháp may ra có thể dựng lại lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn này). Vì thế chúng tôi phải chọn một biến đại diện (proxy variable) là GDP/đầu người tính theo sức mua (PPP) với giá trị đô-la một năm cố định nào đó (để tiện so sánh). Theo Madisson Project, dữ liệu về GDP/đầu người (PPP, theo đô-la 2011) của Việt Nam từ 1820 đến 2018 diễn biến như sau.
Hãy xem so sánh quốc tế với vài nước lân cận trên hình sau:
Chúng ta thấy Nhật Bản vượt hẳn các nước khác trong khu vực trong thế kỷ XIX cho đến hết thế kỷ XX. Hàn Quốc và Đài Loan bắt kịp (và thậm chí vượt Nhật Bản) một cách ngoạn mục trong các thập niên đầu của thế kỷ XXI.
Cũng nên lưu ý rằng, mức nghèo tuyệt đối (đủ để tồn tại theo sức mua PPP) là 694 đô-la năm 2011. Theo Hình 2 và Hình 3, trong suốt một thế kỷ rưỡi, nguồn lực vật chất của người Việt Nam chỉ hơn mức sinh tồn một chút: mức năm 1975 là $1.132, cho đến đầu thời kỳ Đổi mới năm 1986 đều dưới mức $1.500 (là mức của năm 1987); cho đến năm 1993, mức này vẫn dưới 2.000 đô-la và vào năm 1994 chỉ đạt 2.018 đô-la. Có thể nói cho đến năm 1994, nguồn lực vật chất của người Việt Nam là rất eo hẹp, lo cái ăn là chính chứ lấy đâu thời gian để nghĩ đến chuyện gì khác.
Hình 3 cho thấy nguồn lực vật chất của người Việt Nam thấp thế nào so với các nước trong khu vực. Vào năm 1986, khi Philippines chuyển sang dân chủ, mức của họ là $3.161/đầu người, gấp hơn 2,1 lần của Việt Nam; Hàn Quốc khi chuyển đổi năm 1987 đạt $9.756/đầu người, còn hơn mức năm 2018 của Việt Nam.
Với trường hợp Đài Loan, khi Tưởng Giới Thạch mất năm 1975, GDP đầu người của họ đạt $5.614. Sau đó, Quốc Dân Đảng độc tài, một đảng Leninist đúng nghĩa, bắt đầu nới lỏng dần chính sách cai trị với việc đưa Lý Đăng Huy - người sinh ra ở Đài Loan - lên làm lãnh đạo cấp cao của đảng. Năm 1986, khi phong trào đối lập “Đảng ngoại” - khi đó vẫn bất hợp pháp - lập ra Dân Tiến Đảng và được chính quyền để yên cho hoạt động, GDP/đầu người của Đài Loan đạt $11.918. Và 14 năm sau, khi ứng cử viên Trần Thủy Biển của Dân Tiến Đảng được bầu làm tổng thống, chấm dứt sự độc quyền của Quốc Dân Đảng, GDP đầu người của Đài Loan đã là $26.787.
Cũng thật đáng lưu ý từ Hình 3 rằng xuất phát điểm của tất cả các nước này vào năm 1820 là gần như nhau: Nhật - $1.321, Đài Loan - $966; Malaysia - $960; Philippines - $931; Thái Lan - $909 và Việt Nam $840. Đến đầu thế kỷ XX vẫn đại thể như vậy (trừ Nhật Bản) với GDP/đầu người năm 1913 là $1.159 ở Việt Nam, $1.171 ở Hàn Quốc, $1.286 ở Đài Loan; $1.289 ở Malaysia; $1.341 ở Thái Lan; $1.575 ở Philippines, và $2.431 ở Nhật Bản. Nhưng, từ những năm 1950-1960 trở đi, sự phân kỳ là hết sức rõ rệt do những lựa chọn khác nhau của mỗi nước.
Cũng tương tự như nguồn lực vật chất, chúng ta không có dữ liệu lịch sử chi tiết về nguồn lực trí tuệ, mà có thể dựa vào tỷ lệ biết chữ, số người đi học các cấp, thời gian học, số các trường học các loại, chương trình học, số sách báo, số sách báo người dân đọc, số sáng chế, v.v.
Trong hệ thống giáo dục truyền thống (trước khi Pháp xâm chiếm các vùng lãnh thổ Việt Nam), ngoài các trường công như Quốc Tử Giám (chủ yếu để dạy con cháu nhà vua), có nhiều thầy đồ ở các làng chủ yếu dạy chữ Nho, Khổng giáo. Hệ thống nhà chùa cũng là nơi việc học phật pháp diễn ra.
Tôi cố gắng tìm hiểu xem ngoài chữ Nho, Khổng giáo, Phật giáo và thơ văn ra các trường công, tư và cộng đồng này còn dạy gì khác không, chẳng hạn như toán, thiên văn học, các môn khoa học và kỹ thuật theo cách nhìn hiện nay. Rất ít tư liệu nói về các nội dung đào tạo này.
Theo Dân Việt, ba kỳ tài toán học Việt Nam là Vũ Hữu (1437-1530) có để lại tác phẩm Lập Thành Toán Pháp (立成算法) - cuốn sách toán học cổ nhất Việt Nam; Lương Thế Vinh (1441-1496) là trạng nguyên giỏi toán nhất; và Nguyễn Hữu Thận (1757-1831) nghiên cứu việc làm lịch và dịch các tác phẩm toán Trung Quốc, ông để lại tập sách “Ý Trai toán pháp”. Cả ba vị kỳ tài toán học này đều làm quan to trong các triều đình thời các cụ. Giá mà các cụ không làm quan mà chỉ chăm chú nghiên cứu toán, dạy toán, viết sách toán thì chắc nền toán học Việt Nam đã có thể khác đi, nhưng đáng tiếc mục tiêu học chỉ để làm quan (hay được vua phát hiện ra tài năng và bị bắt làm quan).
Gail Paradise Kelly (2000) cho rằng trong hệ thống giáo dục truyền thống của Việt Nam, các thầy đồ không chỉ đóng vai trò công cụ của chính quyền – dạy chữ Nho và Khổng giáo cho học sinh và chuẩn bị cho những người trẻ xuất sắc nhất để tiến những bước tiếp trên đường làm quan. Họ còn tạo thành các mạng lưới riêng của mình qua các mối quan hệ học hành để tập hợp phản kháng chính quyền khi cần thiết. Nói cách khác, thầy đồ đã là xương sống của một mạng lưới chính trị.
Hiểu vai trò này của hệ thống giáo dục truyền thống Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp bắt đầu tổ chức hệ thống giáo dục của mình. Việc các trí thức Việt Nam xây dựng hệ thống giáo dục riêng, mà điển hình là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị coi là nguy hiểm. Vì thế, Đông Kinh Nghĩa Thục bị Pháp giải tán sau chỉ tám tháng tồn tại. Mặc dù vậy, đó vẫn là một áp lực quan trọng buộc chính quyền thực dân phải cải tổ giáo dục, nhất là bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ tại trường, cải cách chế độ thi cử.
Gail Paradise Kelly (2000) cho chúng ta một phân tích khá toàn diện và khá nhiều dữ liệu về hệ thống giáo dục Việt Nam thời kỳ 1906-1939.
Hệ thống giáo dục quốc gia thống nhất chỉ bắt đầu hình thành sau năm 1917 với các nghị định cải cách của Toàn quyền Albert Sarraut. Hệ thống tiểu học 5 năm và sau đó là 5 năm trung học cơ sở và bậc đại học với một trường duy nhất ở Hà Nội (được thành lập từ 1906).
Chỉ xin trích vài dữ liệu năm 1926, năm cụ Phan mất, từ trang 84-85 của Gail Paradise Kelly (2000), Việt Nam có tổng cộng 3.053 trường tiểu học (3 năm) với 153.737 học sinh; 244 trường tiểu học đầy đủ (5 năm) với 65.329 học sinh; 17 trường trung học cơ sở (dạy 10 năm) với 3.656 học sinh, 2 trường cấp hai (secondary school, lycée) với 56 học sinh (năm 1923 lại có 83 học sinh).
Tuy nhiên, đây là vài số liệu rời rạc được trích ở trên và tóm tắt của World Bank 2010 Report (trang 2): “Vào thời kỳ thịnh vượng nhất của Đông Dương bị Pháp xâm chiếm, Việt Nam chỉ có 2.322 trường tiểu học (ba năm) và số học sinh chiếm 2% tổng dân số; 638 trường tiểu học cho 2 năm cuối của giáo dục tiểu học với số học sinh chiếm 0,4% tổng dân số; 16 trường trung học cơ sở (primary colleges cho 4 năm sau bậc tiểu học) chiếm 0,05% tổng dân số và 6 trường trung học phổ thông trong đó có 3 trường nhà nước với số học sinh học trường công chỉ chiếm 0,019% dân số. Toàn bộ Đông Dương thuộc Pháp chỉ có ba đại học (Luật, Y Dược, Khoa học) tại Hà Nội với 834 sinh viên, trong số đó có 628 sinh viên Việt Nam… Với một hệ thống giáo dục như vậy 95% dân Việt Nam đã mù chữ.”
Hãy so sánh với Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Theo ước lượng của Giáo sư Tsujimoto Masashi (2000), tỷ lệ biết chữ của các thành phố lớn của Nhật vào đầu thế kỷ XIX là trên 70%, mức ở vùng nông thôn là khoảng 10 hay 20% hay thấp hơn. Tuy vậy, vào năm 1909 tỷ lệ dự học bắt buộc (6 năm lúc đó) là trên 98%. Sự khác biệt giữa Nhật Bản và Việt Nam thật sự khủng khiếp.
Nói cách khác, hoàn cảnh kinh tế, xã hội và chính trị ở Việt Nam đầu thế kỷ XX hoàn toàn không thuận lợi ngay cả cho việc khai dân trí của Phan Châu Trinh, và chính biết rõ điều đó nên cụ đã chủ trương khai dân trí.
Nguồn lực kết nối có thể được phản ánh khá tốt bằng tỷ lệ dân cư đô thị, số người làm trong các nhà máy, công sở (nơi có đông người tụ tập và sự kết nối dễ dàng hơn những người sống ở nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa), mạng lưới giao thông, số người dùng Internet (và cả các chính sách kiểm duyệt Internet), v.v. Hãy xét tỷ lệ dân cư đô thị.
Có thể thấy nguồn lực kết nối của Việt Nam trong giai đoạn từ 1960 cho đến nay luôn luôn thấp hơn các nước trong khu vực. Lưu ý rằng vào năm 1986, khi chuyển đổi sang dân chủ, tỷ lệ dân cư đô thị của Philippines đạt 43,2%, còn tương tự tại Hàn Quốc trong năm 1987 là 68,56%, trong khi đó tỷ lệ hiện nay của Việt Nam cũng chỉ là 38,77%. Đó là chưa kể đến việc tự do tư tưởng và sự kết nối khác và tổ chức kết nối (như các tổ chức xã hội dân sự, các hội thảo, hội họp) mà ở nước ta là thấp hơn các nước được nhắc đến, và hiện nay có thể còn kém thời cụ Phan Châu Trinh.
Đáng tiếc chúng ta không có những số đo lịch sử về dân khí (mà có quan hệ mật thiết với chỉ số các giá trị giải phóng (EVI), xem Nguyễn Quang A (2017), vì các giá trị này mới chỉ được đo từ năm 1981 đến nay trong bảy đợt.
Hãy xem xét EVI của vài nước trong khu vực để chúng ta có thể có chút cơ sở nào đó để mường tượng. Do các giá trị thường được thiết lập trong các năm hình thành (formative years, 0-8 tuổi; và môi trường kinh tế xã hội và nhất là môi trường gia đình, giáo dục ở tuổi trước khi đến trường và trong thời vị thành niên là hết sức quan trọng) và các giá trị của toàn xã hội (tức mức trung bình phổ biến của giá trị nào đó) thay đổi chủ yếu qua sự thay thế các nhóm tuổi, cho nên các giá trị, kể cả dân khí (EVI), thường thay đổi rất chậm.
Có thể thấy xu hướng tăng dài hạn của EVI trong tất cả các nước (chủ yếu do những thay đổi giá trị của các nhóm lứa tuổi [age cohort] trẻ bước vào tuổi trưởng thành và của các nhóm lứa tuổi già chết đi, hay nói cách khác sự thay đổi giá trị giữa các nhóm lứa tuổi). Nhưng, EVI cũng tăng hay giảm trong ngắn hạn do những thay đổi giá trị bên trong nhóm lứa tuổi phản ánh những biến động về những thay đổi về các nguồn lực hoạt động. Do EVI được chuẩn hóa (0 ≤EVI ≤ 1) nên sự thay đổi không nhiều trong thời gian ngắn, và sự chênh lệch 0,05 là rất lớn và thường xảy ra do sự thay thế nhóm lứa tuổi.
Với số điểm dữ liệu ít ỏi (Việt Nam 3 điểm, và Hàn Quốc 7 điểm trong 40 năm qua), khó có thể có những ước lượng lùi về quá khứ, thí dụ lùi lại khoảng một thế hệ quay lại các năm 1960. Nhưng dùng nhiều điểm dữ liệu hơn của các vùng văn hóa (với số điểm dữ liệu của mỗi vùng lên đến hàng trăm), Christian Welzel (2021) và các cộng sự của ông có thể làm việc này và cho chúng ta các ước lượng đáng tin cậy về EVI cho giai đoạn 1960-1980 cùng với EVI thực đo cho giai đoạn 1981-2020, cho chúng ta thấy rõ xu hướng tăng toàn cầu của các giá trị giải phóng trên Hình 6.
Việt Nam, dù có thuộc về vùng văn hóa Sinic East (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) hay không, chắc nó nằm giữa vùng Indic East và Sinic East, có thể suy đoán rằng EVI là thấp cỡ 0,3 trong suốt giai đoạn đầu thế kỷ XX của cụ Phan và lên 0,34 năm 2001, 0,36 năm 2006, và 0,41 năm 2020.
Động cơ mạnh nhất, lâu bền nhất để tham gia các hoạt động phong trào xã hội là các giá trị giải phóng, hay dân khí. Ngoài ra, có các động cơ khác như lợi ích, sự bất bình, hận thù và chúng không mạnh như dân khí. Nếu hoạt động phong trào xã hội có động cơ chính là các giá trị giải phóng thì hoạt động đó chủ yếu là bất bạo động và kinh nghiệm thực tế chứng minh nó là phương pháp đấu tranh hiệu quả nhất.
Khi các nguồn lực hành động thấp, dân khí thấp thì quần chúng có thể dễ bị (các nhà hoạt động dân túy và/hay chủ trương bạo lực hoặc những kẻ khiêu khích do chính quyền cài vào) kích động tham gia vào các phong trào xã hội, với các động cơ khác với các giá trị giải phóng. Điều này dễ khiến các phong trào xã hội trở nên bạo động và/hay vượt khỏi tầm kiểm soát của những người chủ trương bất bạo động, và như thế tạo cớ cho nhà cầm quyền đàn áp thẳng tay.
Chiến lược chính của các nhà cầm quyền độc tài để bẻ gãy liên kết giữa các giá trị giải phóng và các hoạt động phong trào xã hội là tuyên truyền và đàn áp, xem Welzel (2013, tr.219). Dân khí càng cao thì tác dụng của sự tuyên truyền và đàn áp càng ít có hiệu quả, trong khi nếu dân trí thấp, kinh tế không phát triển và dân khí thấp thì hiệu quả của tuyên truyền và đàn áp rất cao.
Tóm lại, cho đến khi cụ Phan Châu Trinh mất năm 1926, các nguồn lực hành động của nhân dân tất cả các nước trong khu vực, kể cả dân khí đã rất thấp và chẳng nước nào đã dân chủ hóa thành công trong vòng 60 năm sau đó cả, nói chi đến Việt Nam.
Về phương pháp, ngược với chủ trương bất bạo động của Phan Châu Trinh các nhà cầm quyền ở Việt Nam trong suốt thế kỷ hai mươi đã sử dụng phương pháp bạo động.
Ngược với chủ trương chống bài ngoại và chống ỷ lại vào nước ngoài của Phan Châu Trinh, đáng tiếc tư tưởng bài ngoại và đôi khi ỷ ngoại đã phổ biến theo những thái cực khác nhau và các tàn dư của nó vẫn còn đến ngày nay.
Như thế, có thể dễ hiểu là cụ Phan Châu Trinh đã chưa thành công (nhưng dứt khoát không thất bại vì sự nghiệp đó đang và sẽ còn tiếp tục). Và suốt từ đó đến nay, nhất là từ thập niên 1990 khi Đổi mới thực sự bắt đầu, Việt Nam đã ngày càng đi theo các tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh dù nhiều người không muốn thú nhận như thế.
Về nguồn lực vật chất, như Hình 3 cho thấy Việt Nam luôn luôn ở mức thấp nhất cho đến tận ngày nay, so với các nước trong khu vực. Dù ở miền Nam nền kinh tế thị trường được khuyến khích cho đến tận năm 1975 nhưng sau đó chính quyền đã tìm mọi cách hủy diệt nền kinh tế thị trường. Mãi đến năm 1986, do không “đổi mới” thì chết nên chính quyền đã buộc phải trả lại cho dân một phần các quyền kinh doanh của mình. Cuộc Đổi mới thực sự chỉ bắt đầu từ thập niên 1990: cởi trói kinh doanh, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, chú trọng thương mại, coi trọng doanh nhân, hợp tác kinh tế với nước ngoài, v.v. Xét cho cùng là chúng ta làm theo các tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh đề ra gần 100 năm trước và đã mang lại sự phát triển kinh tế ngoạn mục cho Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, xét về tất cả các nguồn lực vật chất, chúng ta vẫn còn yếu khi so sánh với các nước trong khu vực như được phân tích sơ bộ ở trên.
Về nguồn lực trí tuệ, kể từ phong trào xóa mù chữ năm 1945, tỷ lệ biết chữ được cải thiện đáng kể. Ngày nay, tỷ lệ biết chữ của Việt Nam đạt mức 98,85%. Tuy nhiên, nếu tính đến chất lượng giáo dục (đo bằng số năm học ở trường chẳng hạn và tính đến kết quả như số sách được viết, số bằng sáng chế) cũng như đóng góp thực cho trí tuệ nhân loại, cho phát triển kinh tế thì dân trí của chúng ta ngày nay vẫn rất thấp. Chẳng hạn, theo Wikipedia, tính trung bình thì một người ở Việt Nam đọc 0,8 cuốn sách/năm (không tính sách giáo khoa). So với Malaysia thì trung bình một người đọc 10-20 cuốn/năm (2012) và Thái Lan là 5 cuốn/năm.
Hiện nay và mãi mãi trong tương lai chúng ta vẫn phải tiếp tục thực hiện chủ trương khai dân trí của cụ Phan.
Về nguồn lực kết nối, như Hình 4 cho thấy, tỷ lệ đô thị hóa của chúng ta vẫn thấp nhất cho đến tận ngày nay so với các nước được so sánh. Đó là chưa nói đến các thành tố khác của nguồn lực kết nối như sự lập hội, các tổ chức công đoàn độc lập, các tổ chức xã hội dân sự không được khuyến khích, các cuộc hội họp cũng bị kiểm soát nên có lẽ lĩnh vực này hiện nay còn kém thời của Phan Châu Trinh.
Về phương pháp bất bạo động của cụ Phan Châu Trinh, có lẽ do người Việt Nam luôn sống trong văn hóa chống ngoại xâm từ hàng ngàn năm nay nên quá quen với từ ngữ mang tính chiến đấu (chiến sĩ, tấn công, mặt trận, chiến dịch, xung kích, ra quân, tiêu diệt, truy quét, báo thù…) cho đến tận ngày nay. Thậm chí, nhiều nhà lãnh đạo còn “sáng tạo” ra các từ ngữ mới sặc mùi chiến tranh như “tư lệnh ngành”. Các từ ngữ này được báo chí tuyên truyền rộng rãi nên việc chấp nhận phương pháp bất bạo động có thể không dễ. Việc giáo dục cho dân ta về tinh thần và phương pháp bất bạo động vẫn là một nhiệm vụ cam go và phải tích cực làm liên tục.
Chúng ta nên tỉnh táo chú ý đến các dấu ấn văn hóa và lịch sử không hay đó và từ từ thay đổi chúng một cách có chủ ý chứ không phải ngược lại dù vô tình hay cố ý.
Chúng ta còn chưa xét đến các yếu tố ảnh hưởng của quốc tế và địa chính trị mà có thể thuận lợi hay bất lợi cho sự phát triển và dân chủ hóa của Việt Nam. Và liên quan đến vấn đề này là câu hỏi được một số người đưa ra: dựa vào ai? Tất nhiên chúng ta nên tận dụng sự giúp đỡ và sự ủng hộ của tất cả các nước khác, tận dụng tất cả các cơ hội mà thế giới và khu vực tạo ra cho chúng ta, nhưng chúng ta phải dựa vào chính chúng ta. Đấy cũng là một tư tưởng chủ đạo của cụ Phan: “vọng ngoại tắc ngu, bạo động tắc tử”.
Nói cách khác, nội lực vẫn là chính, chúng ta phải dựa vào chính mình. Nếu các nguồn lực hành động thấp, dân khí không cao thì dù ai đó (một nhà độc tài nhân từ hay một lực lượng quốc tế) có đưa cho chúng ta nền dân chủ thì nền dân chủ đó cũng chỉ là phù du, sớm nở tối tàn. Dân chủ chỉ có thể hình thành qua cuộc đấu tranh liên tục, không biết mệt mỏi của chính người Việt Nam chúng ta để phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí và tích cực tham gia vào các phong trào xã hội, tức là liên tục làm theo các tư tưởng của Phan Châu Trinh.
Tóm lại, Phan Châu Trinh chưa thành công bởi vì người Việt chưa hiểu các ý tưởng của cụ. Thậm chí, các nhà cầm quyền ở Việt Nam đã làm ngược lại tư tưởng của cụ, dùng phương pháp bạo động, vọng ngoại, không chú ý đến việc xây dựng các nguồn lực hành động của nhân dân, thậm chí có những lúc đã hủy hoại chúng (cải tạo công thương, tiêu diệt khu vực kinh tế tư nhân, ngăn sông cấm chợ gây khó khăn cho phát triển kinh tế, cho các nguồn lực vật chất; ngăn cản sự phát triển lành mạnh của xã hội dân sự gây hại cho nguồn lực kết nối; đàn áp các phong trào xã hội). Muốn phát triển đất nước, chúng ta cần tiếp tục bổ sung, phát triển thêm, làm phong phú các tư tưởng của Phan Châu Trinh và thực hiện chúng ngay trong hiện nay và tương lai. Chúng ta đang tiếp tục con đường của Phan Châu Trinh. Lịch sử không lặp lại và không có chữ nếu, nhưng lịch sử có cho chúng ta những bài học quý giá nếu chúng ta muốn học và phát triển.
Tác giả cảm ơn nhà thơ Hoàng Hưng, cựu đại sứ Nguyễn Trung và một số bạn trẻ đã góp ý cho vài bản thảo của bài viết này.
Daron Acemoglu and Simon Johnson (2023), POWER and PROGRESS, our Thousand-Year Struggle over Technology and Prosperity (TIẾN BỘ và QUYỀN LỰC, cuộc Chiến đấu Ngàn Năm của chúng ta về Công nghệ và sự Thịnh Vượng), PublicAfaire, New York
Chu Hảo (2023), Phan Châu Trinh trước khi sang Pháp, Viện Phan Châu Trinh.
Gail Paradise Kelly (2000), Frech Colonial Education: Essays on Vietnam and West Africa, AMS Press, Inc. 2000
Seymour Martin Lipset (1959), Some Social Requisites of Democracy: Economic Development and Political Legitimacy, The American Political Science Review, Volume 53, Issue 1 (1959): 69-105.
Nguyen Quang A (2019), Tiananmen Protests and Lessons for Democratization in Vietnam, Contemporary Chinese Political Economy and Strategic Relations: An International Journal, Vol.5. No.2, June/Aug. 2019, pp.745-763.
Nguyễn Quang A (2017), Phan Châu Trinh và Thuyết Hiện đại hóa Mới, Tạp chí Dân trí
Tsujimoto Masashi (2000), Maturing of a Lierate Society, Journal of Japanese Trade & Industies, March-April 2000, pp. 44-48. Truy cập online
Christian Welzel (2013), Freedom Rising, Oxford University Press 2013 (Bản tiếng Việt 2017)
Christian Welzel (2021), Why The Future is Democratic, Journal of Democracy, Volume 32, No. 2, April, 2021, pp. 132-144
World Bank (2010), 2010 World Report: “Education in Vietnam”