Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Nhật tìm cách đối phó với tham vọng “trật tự Trung Hoa mới”.
Nhật Bản và Việt Nam đi qua thế kỷ 20 theo hai cung đường khác nhau. Một bên là cung đường của một đại cường châu Á, một bên là cung đường của một quốc gia nhược tiểu.
Trong thế kỷ 20, Nhật Bản coi Trung Quốc là đối tượng để chinh phục và có chính sách khá nhất quán.
Trong khi đó, cách nhìn của Việt Nam với người láng giềng phía Bắc khá phức tạp: đôi khi coi Trung Quốc là thầy (miền Bắc, thập niên 1950 đến đầu thập niên 1970), đôi khi coi là thù (Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 và cả Việt Nam cuối thập niên 1970 và 1980).
Sang thế kỷ 21, trước sự lớn mạnh bất ngờ và chiến lược bành trướng không giấu giếm của Trung Quốc, cả Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu chia sẻ một cái nhìn giống nhau về quốc gia láng giềng khổng lồ: vừa hợp tác, vừa đấu tranh.
Vào tháng Tư năm 2023, Nhật Bản công bố chương trình Viện trợ An ninh Chính thức (Official Security Assistance - OSA), đánh dấu một xu hướng mới trong quan hệ giữa Nhật Bản với các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Bộ Ngoại giao Nhật cho biết quy mô OSA năm 2023 chỉ khoảng hai tỷ Yên (hơn 14 triệu USD), cấp cho quốc đảo Fiji ở Nam Thái Bình Dương, Bangladesh, Malaysia và Philippines. [1]
Trong khi đó, Viện trợ Phát triển Chính thức (Official Development Assistance - ODA) của Nhật bắt đầu từ năm 1954, đến nay đã kéo dài hơn bảy thập niên. Riêng năm 2023, Nhật cấp viện trợ ODA cho các nước đang phát triển là 15,28 tỷ USD. [22]
Để cấp các khoản viện trợ phát triển ODA cho các nước nghèo, Nhật Bản đã thành lập Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Japan International Cooperation Agency - JICA). [3] Đối với OSA, mới chỉ có cơ quan liên bộ cấp tổng cục. [4]
Tuy OSA còn mới mẻ và có quy mô nhỏ so với ODA, nhưng với diễn tiến phức tạp trong tình hình an ninh khu vực, có thể dự đoán Nhật sẽ đẩy mạnh chương trình OSA.
Các phát ngôn của lãnh đạo Nhật Bản về chương trình Viện trợ An ninh không đề cập trực diện đến Trung Quốc. Nhưng có thể nói quan ngại về sự “trỗi dậy không hòa bình” của Trung Quốc là một nguyên nhân cho sự ra đời của OSA.
Chính học giả Trung Quốc đã lên tiếng về điều này.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Nhật Bản của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc Lu Yaodong chỉ ra, chương trình OSA hỗ trợ an ninh cho nhiều nước Đông Nam Á chỉ là một mắt xích trong các bước đi của Nhật Bản.
Chuỗi mắt xích đó bao gồm tăng cường quan hệ với Đông Nam Á ở cấp độ an ninh, tìm kiếm cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD) Mỹ - Nhật - Ấn - Úc, và công bố chương trình "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở".
Mục tiêu cuối cùng của chương trình OSA của Nhật Bản, theo ông Lu, là nhắm vào Trung Quốc. [5]
Ngoài vấn đề Trung Quốc, còn có các vấn đề an ninh căng thẳng trên thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung. Đó là cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine, cuộc chiến Israel-Hamas ở Trung Đông, cuộc nội chiến ở Miến Điện giữa chính quyền quân phiệt độc tài và lực lượng thanh niên ủng hộ dân chủ tản mát ở các địa phương.
Năm 2009, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ rằng một tướng Trung Quốc đã đề nghị hai nước chia đôi Thái Bình Dương: phía Đông đảo Hawaii sẽ thuộc Mỹ, còn phía Tây Hawaii sẽ là của Trung Quốc. [6]
Theo ý ông này, phía Tây Hawaii là toàn bộ phần phía Tây Thái Bình Dương, vùng Ấn Độ Dương, bao gồm cả Đông Nam Á và Nam Á.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam và Nhật Bản đối phó với Trung Quốc theo hai tầm nhìn khác nhau. Nhật Bản có một bàn cờ châu Á của riêng họ.
Trên bàn cờ châu Á của Nhật Bản, cả Đài Loan và Việt Nam đều quan trọng. Nếu Đài Loan rơi vào tay Trung Quốc thì “trật tự Trung Hoa mới” của Bắc Kinh sẽ trở nên rõ rệt. Nhật Bản bị uy hiếp sát sườn.
Việt Nam quan trọng vì lý do tương tự: vị trí địa chiến lược của nước này có thể trở thành cánh cửa để mở ra hoặc khép lại những cục diện mới. Một “trật tự Trung Hoa mới” ở Đông Nam Á không thể thiếu Việt Nam.
Dĩ nhiên, Việt Nam không chấp nhận là một quân cờ thụ động. Các chuyến thăm cấp tập của các cường quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản rồi Trung Quốc tới Việt Nam trong năm 2023 cho thấy Hà Nội thực sự muốn là một tay chơi chủ động.
Vậy thì Việt Nam sẽ được lợi gì từ chương trình viện trợ an ninh này của Nhật Bản? Bài tới sẽ giải đáp câu hỏi này.