‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Vào ngày 26/1/2024, chính quyền tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt ông Nay Y Blang, một tín đồ theo Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên mức án 4 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Theo chính quyền, ông Nay Y Blang đã thường xuyên tổ chức cho những tín đồ theo Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên tụ tập họp nhóm, cầu nguyện và xuyên tạc chính sách tôn giáo tại nhà riêng của mình từ cuối năm 2019 đến 2022.
Trước đó vào tháng 5/2023, chính quyền tỉnh Phú Yên đã bắt giữ và khởi tố ông Nay Y Blang tại xã Ea Lâm với tội danh trên. Sau hơn bảy tháng bị bắt giữ, đến nay chính quyền mới đưa ông ra xét xử.
Vào năm 2005, chính quyền tỉnh Phú Yên đã từng xử phạt ông Nay Y Blang với mức án 5 năm 6 tháng tù về tội "Phá hoại chính sách đoàn kết".
Được biết, ông Nay Y Blang cùng 29 tín đồ khác thuộc nhóm Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên đã tham gia sinh hoạt tại bốn xã Sông Hinh, Ea Lâm, Ea Trol và Ea Bia thuộc huyện Sông Hinh.
Do vậy, từ năm 2021 đến nay, chính quyền tại bốn xã trên đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, ngăn chặn các nhóm Tin Lành độc lập này. Vì thế, trong số đó đã có 24 người buộc phải chuyển sang sinh hoạt Tin Lành được chính quyền công nhận, năm người còn phải tiếp tục “cảm hóa giáo dục”.
Cho đến nay, Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên chưa được chính quyền thừa nhận. Đặc biệt, kể từ sau vụ tấn công vào trụ sở công an và chính quyền của huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, chính quyền thường xuyên cáo buộc họ là phản động, chống phá Nhà nước.
Vào ngày 16/1/2024, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã xét xử lưu động 100 người trong vụ tấn công trụ sở UBND ở hai xã thuộc tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6/2023.
Theo chính quyền, có 53 người bị xét xử tội "khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân", 39 người bị xét xử tội "khủng bố", một người bị xét xử tội "tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép" và một người bị xét xử tội "che giấu tội phạm". Ngoài ra còn sáu người ở nước ngoài bị chính quyền truy nã đặc biệt.
Ngoài ra, chính quyền lập luận rằng mục đích của nhóm khủng bố là lật đổ chính quyền nhân dân, thành lập Nhà nước Đề Ga độc lập.
Phiên tòa dự tính kéo dài 10 ngày, tuy nhiên đến chiều ngày 20/1 đã kết thúc.
Theo đó, tòa đã tuyên phạt 10 người án tù chung thân, số còn lại đều nhận mức án từ 9 tháng đến 20 năm tù.
Trước đó, vào khoảng 0 giờ ngày 11/6/2023, hai trụ sở ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu và Ea Ktur bị một nhóm người tấn công, giết chết chín người, trong đó có bốn công an, hai cán bộ lãnh đạo của xã, ba người dân.
Đây không phải lần đầu tiên người dân Tây Nguyên chống đối chính quyền. Đầu năm 2001, Tây Nguyên đã nổ ra những cuộc biểu tình rất lớn của người Thượng về tôn giáo, đất đai, tình trạng phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc. Những cuộc biểu tình này kéo dài cho đến năm 2008, rất nhiều người Thượng đã bị bắt và chịu án tù.
Xem thêm: Chính quyền thiếu cơ sở khi cáo buộc Hội thánh Tin Lành đấng Christ trong vụ việc Tây Nguyên.
Ngày 4/1/2024, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken tiếp tục đưa Việt Nam vào trong Danh sách Theo dõi Đặc biệt (Special Watch List - SWL) của Mỹ về tự do tôn giáo.
Danh sách Theo dõi Đặc biệt là danh sách mà Mỹ liệt kê các nước đang gây ra hoặc dung túng các vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo. Danh sách SWL năm nay gồm Algeria, Azerbaijan, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam.
Theo thống kê, kể từ năm 2022 đến nay, Việt Nam, Algeria, Cộng hòa Trung Phi và Comoros luôn bị liệt vào danh sách này.
Cũng như các lần trước, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam là bà Phạm Thu Hằng tiếp tục phản đối việc Mỹ tiếp tục đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo. Bà khẳng định việc Việt Nam bị đưa vào danh sách này là do Mỹ đã dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như các thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.
Việc Việt Nam nằm trong SWL là một bước tiến gần hơn đến việc bị đưa vào danh sách “Các quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt” (Country of Particular Concern – CPC) của Mỹ.
Trước đó Việt Nam đã từng nằm trong danh sách CPC vào các năm 2004 và 2005. Đến năm 2006, Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách CPC sau các cam kết của chính quyền Việt Nam về cải thiện quyền tự do tôn giáo.
Vào tháng 5/2023, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đã khuyến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt (CPC) vì tình trạng vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng, có hệ thống và đang tiếp diễn.
Vào ngày 11/1/2024, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human rights Watch - HRW) đã công bố bản báo cáo nhân quyền thường niên năm 2024. Báo cáo cho rằng Việt Nam đã giám sát, sách nhiễu và trấn áp các nhóm tôn giáo độc lập.
Bản báo cáo cũng cho biết, các thành viên của các nhóm tôn giáo độc lập bị chính quyền tố cáo trước công chúng, bị buộc phải từ bỏ đức tin của mình, bị bắt giữ một cách tùy tiện, bị thẩm vấn một cách ngược đãi và bị bỏ tù sau những phiên tòa bất công.
Trước đó, vào tháng 3/2023, HRW cũng cho biết chính quyền Việt Nam thường coi các nhóm tôn giáo độc lập như Tin Lành Dega, Hà Mòn, Pháp Luân Công là tà đạo. Vì vậy, chính quyền thường xuyên sách nhiễu những tín đồ theo các nhóm tôn giáo này.
Tính đến tháng 1/2022, chính quyền đã không công nhận khoảng 140 nhóm tôn giáo với xấp xỉ một triệu tín đồ. Điều này trái ngược với tuyên bố trước đó của chính Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng rằng Việt Nam sẽ chào đón tất cả các tôn giáo, kể cả các tôn giáo mới.
Xem thêm: Vì sao chính quyền Việt Nam không chấp nhận các tôn giáo mới?
Vào ngày 11/1/2024, chính quyền tỉnh Điện Biên cho biết đã xóa bỏ được hoàn toàn đạo Giê Sùa trên toàn tỉnh.
Trước đó, vào tháng 1/2023, chính quyền tỉnh Điện Biên đã ngăn chặn được hoạt động của đạo Giê Sùa trên toàn tỉnh và đồng thời vận động được 3 hộ, 20 tín đồ từ bỏ đạo này.
Theo chính quyền tỉnh Điện Biên, đạo Giê Sùa bắt đầu hiện diện vào năm 2015 và đã có gần 200 hộ với khoảng 1.230 tín đồ trên khắp tỉnh.
Ngoài đạo Giê Sùa, chính quyền tỉnh Điện Biên cũng đã ngăn chặn được hoạt động của đạo Bà Cô Dợ trên toàn tỉnh.
Đạo Giê Sùa là một trong những tôn giáo bị chính quyền truy bức nặng nề nhất ở khu vực Bắc Bộ. Chính quyền các tỉnh trong khu vực này cho rằng hoạt động của đạo Giê Sùa mang yếu tố chính trị, phản động nhưng không đưa ra dẫn chứng cụ thể nào.
Báo Công An Nhân Dân cho biết, chính quyền tỉnh Lào Cai đã xoá bỏ hoàn toàn đạo Bà Cô Dợ trên toàn tỉnh.
Cụ thể, chính quyền đã vận động, tuyên truyền, ngăn chặn bằng các nghiệp vụ như thành lập các tổ công tác, lắp camera an ninh tại những nơi có hộ dân theo đạo Bà Cô Dợ.
Ngoài ra, chính quyền còn đến tận nhà đe doạ, ngăn cấm người dân tham gia sinh hoạt đạo Bà Cô Dợ qua Internet. Vì vậy, đến nay toàn bộ 7 hộ với 47 tín đồ đã từ bỏ đạo này.
Chính quyền cũng cáo buộc đạo Bà Cô Dợ đã lợi dụng niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng của các tín đồ để phát triển lực lượng, tuyên truyền các nội dung chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, kêu gọi thành lập nhà nước riêng.
Ngoài đạo Bà Cô Dợ, trên toàn tỉnh Lào Cai còn có 11 hộ với 55 tín đồ theo đạo Dương Văn Mình và có 19 hộ với 96 tín đồ theo tổ chức tôn giáo Yeshua.
Bà Cô Dợ còn có tên gọi là Hội thánh Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta, do Vừ Thị Dợ lập ra từ cuối năm 2016. Cũng giống như các tổ chức tôn giáo không được chính quyền công nhận khác, Bà Cô Dợ bị coi là một tà đạo và các tín đồ luôn bị sách nhiễu và đàn áp.
Vào ngày 28/12/2023, chính quyền huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện sáu tín đồ tại thôn Sông Chò, xã Cư San tham gia Hội thánh Đức Chúa Trời Toàn Năng.
Chính quyền đã yêu cầu sáu tín đồ này ký cam kết từ bỏ, không tuyên truyền và tham gia sinh hoạt Hội thánh Đức Chúa Trời Toàn Năng. Ngoài ra, chính quyền còn thu giữ bốn cuốn Kinh thánh và năm cuốn sổ ghi chép Kinh thánh liên quan đến hội thánh này.
Theo chính quyền, các tín đồ này đã sử dụng các ứng dụng trên mạng xã hội như YouTube, Facebook, Messenger, v.v. để truyền đạo, sinh hoạt tôn giáo, học Kinh thánh và cầu nguyện.
Chính quyền cũng cáo buộc hội thánh này xuyên tạc giáo lý, lừa đảo người dân, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục.
Hội thánh Đức Chúa Trời Toàn Năng hay có tên gọi khác là “Tia chớp phương Đông”. Hội thánh này ra đời năm 1991 ở Trung Quốc do Dương Hướng Bân và Triệu Duy Sơn Sơn sáng lập. Năm 1995, Trung Quốc liên tục đàn áp các tôn giáo mới nên tổ chức này chuyển sang hoạt động tại Mỹ. Ước tính có hơn một triệu tín đồ ở 21 quốc gia trên thế giới.