Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
"Thôi" cũng năm bảy đường "xin".
Được Quốc hội bầu giữ chức vụ chủ tịch nước khi mới 53 tuổi, ông Võ Văn Thưởng từng nắm giữ kỷ lục trong chính trị đương đại Việt Nam khi trở thành người trẻ tuổi nhất ở cương vị này. [1]
Giờ đây, với quyết định “xin thôi chức” đầy bất ngờ, ông Thưởng lại nắm giữ một kỷ lục khác, dù không lấy gì làm tự hào, khi trở thành người ngồi ghế chủ tịch nước trong thời gian ngắn nhất - chỉ hơn một năm. [2]
Nhiều người đã nói về cái dớp của chiếc ghế chủ tịch nước khi mà những quan chức tiền nhiệm của ông Thưởng đều không có một cái kết nào tốt đẹp. Nếu như ông Trần Đại Quang qua đời bị bạo bệnh thì người kiêm nhiệm vị trí này sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng đã đột quỵ trong một chuyến công tác về phương Nam. [3][4]
Gần hơn, người ta so sánh việc ông Thưởng bị buộc thôi chức với sự việc diễn ra tương tự cho nhân vật tiền nhiệm trực tiếp của ông là Nguyễn Xuân Phúc. [5]
Tuy có nhiều điểm tương đồng, vụ việc của ông Thưởng vẫn có những điểm khác biệt căn bản với những gì đã xảy ra với ông Phúc.
Cả ông Thưởng và ông Phúc đều được lãnh đạo đảng cho phép hạ cánh an toàn theo nghĩa đã không có bất kỳ biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự nào nhắm vào hai ông. Đặc biệt hơn, chi tiết những sai phạm của hai ông cũng đã được giấu kín, như một phần của giao kèo, đổi lại cho sự ra đi êm thấm của cả hai.
Quy trình hạ cánh an toàn, hay còn gọi là “xin thôi”, được áp dụng vài năm trở lại đây như một cách thức để Đảng Cộng sản kiểm soát những bất hòa nội bộ khi tiến hành “đốt lò”, tránh để chúng bùng phát thành mâu thuẫn lớn. [6]
Lần đầu tiên được quy định trong Quy định 41 năm 2021 của Bộ Chính trị, quy trình này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn giải trong một cuộc tiếp xúc cử tri vào tháng 5/2023: “Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất xin thôi. Thực tế ta đã xử lý rồi… Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất. Gần đây rất nhiều trường hợp và còn nữa, các đồng chí cứ chờ xem.". [7][8]
Ông Phúc và hai cấp phó thời ông đương chức thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam có lẽ là những người đầu tiên được áp dụng quy trình “xin thôi”. [9] Chẳng những không bị truy tố hình sự, các quan chức này còn không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật đảng chính thức nào bao gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức, và khai trừ, và vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo cấp bậc của một cán bộ cao cấp về hưu.