‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Tất cả các đảng cộng sản trên thế giới đều giống nhau sau khi chiếm được chính quyền: họ làm đảo lộn trật tự xã hội theo một cách trái quy luật tự nhiên.
Họ đẩy tầng lớp tinh hoa, tư sản giàu có, được đào tạo bài bản xuống những cánh đồng và nâng tầng lớp ít học, lao động chân tay lên giảng đường đại học.
Không có gì sai khi tạo cơ hội cho người dân nghèo được tiếp cận giáo dục đại học, nhưng chủ trương này lại nhằm triệt tiêu quyền lực của giới tinh hoa trong xã hội cũ để tạo ra một tầng lớp trí thức mới đến từ giai cấp công nhân và nông dân. Những người này, vốn bỗng dưng được thay đổi địa vị xã hội, được kỳ vọng sẽ ủng hộ đảng cộng sản hơn bất cứ ai.
Đảng cộng sản ở một số nước đã thực hiện khéo léo chủ trương này, nhưng ở một số nước khác lại gây ra những vấn đề lớn cho xã hội và chính sự cầm quyền của họ.
Trước Chiến tranh Thế giới thứ II, Tiệp Khắc là nơi đáng mơ ước cho những ai theo đuổi con đường học thuật tại Trung và Đông Âu. Sau chiến tranh, việc Đảng Cộng sản Tiệp Khắc cố gắng đưa con em từ các gia đình nông dân, công nhân vào đại học không những ảnh hưởng xấu đến giáo dục đại học mà còn gây ra những vấn đề lớn cho xã hội.
Mặt khác, thất bại về giáo dục ở Tiệp Khắc cũng sẽ lý giải vì sao thành phần lớn nhất và mạnh mẽ nhất trong phong trào dân chủ nhằm lật đổ Đảng Cộng sản Tiệp Khắc lại là sinh viên.
Bạn không thể ép người khác làm những thứ mà bạn không muốn, càng không thể ép người khác làm những thứ mà họ không có năng lực.
Nghiên cứu năm 1997 của John Connelly trên tạp chí Slavic Review đã tổng hợp những chính sách thất bại của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc khi áp đặt mô hình giáo dục bao cấp lên xã hội. [2]
Tại Tiệp Khắc, thành phần sinh viên đến từ các gia đình nông dân, công nhân vốn luôn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong các trường đại học. Khác với các nước như Bulgaria, Slovakia, những gia đình lao động Tiệp Khắc không đánh giá cao giáo dục đại học. Họ muốn con cái mình kiếm ra tiền càng sớm càng tốt.
Do đó, dù Đảng Cộng sản ưu tiên con cái của tầng lớp lao động hoàn thành trung học để học tiếp đại học nhưng vẫn không đủ số lượng học sinh tốt nghiệp trung học. Chính quyền cộng sản kể cả cộng điểm ưu tiên cho những thành phần này vẫn không đạt được chỉ tiêu tuyển sinh đại học.
Năm học 1949-1950, có 8.188 đơn đăng ký cho 7.205 suất học đại học. Đến tháng 9/1950, chỉ có một phần tư số sinh viên là đến từ các gia đình công nhân. Ngành luật chỉ tuyển được một nửa số lượng sinh viên theo chỉ tiêu đặt ra.
Việc ưu tiên thành phần xuất thân từ tầng lớp lao động đã khiến những ngành như luật pháp, chính trị, nhân văn, kinh tế - vốn là truyền thống lâu đời của Tiệp Khắc - suy giảm số lượng sinh viên theo học. Những sinh viên từ tầng lớp lao động ưa những ngành kỹ thuật hơn.
Do không đủ số học sinh tốt nghiệp trung học từ tầng lớp lao động, chính quyền cộng sản Tiệp Khắc đã nhượng bộ trong việc tuyển sinh trung học.
Một đề xuất đã được thông qua vào năm 1952 đã giảm tính đấu tranh giai cấp trong tuyển sinh trung học xuống một bậc.
Đề xuất này thừa nhận rằng chính sách ưu tiên con em của tầng lớp lao động vào các trường trung học cạnh tranh (để chuyển tiếp lên đại học) đã được thực thi không hiệu quả. Một số ban tuyển sinh trung học đã thực hiện chủ trương này một cách máy móc, hình thức. Mục tiêu tuyển sinh trung học sẽ được sửa đổi lại sao cho tuyển được những học sinh có đủ phẩm chất cho việc học tập và sẽ trở thành trí thức để liên kết với giai cấp lao động.
Sự nhượng bộ này là chưa từng có trong công cuộc đấu tranh giai cấp ở các nước cộng sản. Đây là một phần lý do tầng lớp trung lưu ở Tiệp Khắc vẫn chiếm đa số trong các trường đại học.
Tuy nhiên, sự nhượng bộ này vẫn không đảm bảo được chỉ tiêu tuyển sinh đại học vì sự mâu thuẫn trong nhiều chính sách khác, trong đó có chính sách cào bằng về tiền lương. Năm học 1954-1955 có gần 4.000 suất học đại học không tuyển được sinh viên.
Tiệp Khắc dưới thời kỳ cộng sản là nước có khoảng cách chênh lệch thu nhập thấp so với bất kỳ nước nào khác. Việc này có thể mang đến sự bình đẳng trong xã hội nhưng cũng góp phần tầm thường hóa tri thức.
Trong những năm 1950, chính quyền đã tăng tiền lương cho mọi lĩnh vực trừ ngành giáo dục và văn hóa.
Thu nhập của một thợ sửa khóa nhiều hơn thu nhập của một luật sư. Thu nhập của một bác sĩ phải học hành vất vả thấp hơn lương của một người thợ tiện.
Việc bình đẳng thu nhập này đã làm giảm động lực theo đuổi giảng đường đại học của tầng lớp lao động. Trong khi đó, xã hội vẫn cần cử nhân đại học cho rất nhiều công việc.
Năm 1962, có đến nửa triệu vị trí cần trình độ đại học lại do những người không đủ bằng cấp nắm giữ, phần lớn là những “cán bộ lao động” không được học hành, đào tạo đầy đủ. Đây cũng là năm nền kinh tế Tiệp Khắc có tốc độ tăng trưởng âm - điều hiếm khi xảy ra ở một nước cộng sản.
Dù nỗ lực thế nào, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc vẫn chưa bao giờ đưa được thành phần lao động (vốn chiếm tỷ lệ 70% dân số) vượt qua con số 43% số sinh viên trong các trường đại học.
Năm 1989, chế độ cộng sản sụp đổ ở Tiệp Khắc. Một đạo luật về giáo dục đại học đã được ban hành vào năm sau đó, tạo điều kiện cho các trường đại học quay trở lại cơ chế kiểm soát tự chủ trước đây. [2]
Các trường đại học được tự quyết về chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình đào tạo, và mục tiêu nghiên cứu. Đạo luật này đã giảm đáng kể vai trò can thiệp của chính quyền trong việc đào tạo đại học. Một số nghị sĩ được khôi phục lại quyền đại diện cho giảng viên, sinh viên. Đạo luật đã nhấn mạnh rằng tự do học thuật là nguyên tắc quan trọng của một thể chế dân chủ.
Trong những năm tiếp theo, Cộng hòa Séc tiếp tục nỗ lực cải cách cơ chế tự chủ của các trường đại học nhằm sửa chữa những tổn thất lớn lao mà những người cộng sản đã gây ra trong hơn 40 năm cầm quyền. Số sinh viên đã tăng từ 132 nghìn vào năm 1994 lên 211 nghìn vào năm 2001. Ngân sách dành cho giáo dục đại học tăng từ 7,1 tỷ koruna năm 1994 lên 11,9 tỷ koruna năm 2001.
1. Students, Workers, and Social Change: The Limits of Czech Stalinism on JSTOR. (n.d.). www.jstor.org. https://www.jstor.org/stable/2500787?read-now=1&seq=26
2. Simonova, N. (2003). Czech higher education still at the crossroads. https://www.ssoar.info/ssoar/handle/document/5644