‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Phân tán quyền lực trung ương về mặt địa lý.
Tòa án tối cao của quốc gia nên nằm ở đâu?
Thường không ai lại đi hỏi một câu như vậy. Lẽ dĩ nhiên địa điểm phải là thủ đô. Không thể có nơi nào khác được.
Hà Nội. Số 43 Hai Bà Trưng. Chấm hết.
Nhìn sang Mỹ cũng thấy ngay tòa nhà Tối cao Pháp viện của họ tọa lạc ngay giữa thủ đô Washington D.C.
Nhưng Cộng hòa Séc không làm như vậy.
Ai đến thủ đô Praha cũng chỉ có thể tới thăm Hạ viện, Thượng viện, Lâu đài Praha nơi đặt Phủ Tổng thống, tòa nhà Văn phòng Chính phủ nơi thủ tướng làm việc. Tức là các cơ quan lập pháp, hành pháp và văn phòng của nguyên thủ quốc gia. Tuyệt không thấy trụ sở của ba tòa án cao nhất nước này ở đâu. Ba tòa án ấy là: Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao, Tòa án Hành chính Tối cao.
Họ nằm ở một thành phố khác, cách Praha tới vài giờ lái xe: Brno. [1]
Brno là thành phố lớn thứ hai của Cộng hòa Séc. Nếu Praha là thủ phủ của vùng Bohemia thì Brno là thủ phủ của vùng còn lại: Moravia. Tại đây, du khách có thể đăng ký vào tham quan hoặc dự khán các phiên tòa của ba tòa án kể trên.
Và cũng bởi vì lý do đó, Brno được mệnh danh là “thủ đô tư pháp” (judicial capital) của Cộng hòa Séc.
Lý do tại sao lại có chuyện các tòa án quyền lực nhất của quốc gia lại không nằm ở thủ đô Praha?
Website của Tòa án Hiến pháp giải thích đơn giản rằng phân tách về mặt địa lý các cơ quan tư pháp khỏi các cơ quan lập pháp và hành pháp giúp cho các tòa án này độc lập hơn. [2] Ý muốn nói rằng nhờ “xa mặt” mà cũng “cách lòng”, các chính trị gia ở Nghị viện lẫn chính phủ có muốn mua chuộc hay gây sức ép lên các thẩm phán thì cũng phải “lội ba quãng đồng” mới tới được.
Dĩ nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều yếu tố có thể giúp cho các tòa án độc lập một cách tương đối và giảm thiểu tính chính trị của nó để có thể ra được các phán quyết công bằng nhất có thể. Trong thời buổi đi lại và liên lạc dễ dàng như hiện nay, chuyện phân tách địa lý cũng không thực sự hiệu quả như cách đây 100 năm.
Nói tới đây thì cũng phải bàn thêm rằng không phải đến khi chế độ cộng sản sụp đổ năm 1989 thì Brno mới trở thành thủ đô tư pháp. Mọi chuyện đã bắt đầu từ cách đây cả trăm năm thật.
Đó là vào năm 1919, một năm sau khi Cộng hòa Tiệp Khắc ra đời với tư cách là một nền cộng hòa, Tòa án Tối cao của nước này đã được đặt ở Brno thay vì thủ đô Praha. [3] Khi đó, Tòa án Hành chính Tối cao và Tòa án Hiến pháp vẫn được đặt ở Praha. [4]
Đến thời cộng sản (1948-1989), Tòa án Hiến pháp không được tái lập, hai tòa còn lại đều chuyển về Praha, biến Praha thành trung tâm quyền lực duy nhất của chính quyền liên bang Tiệp Khắc.
Khi thiết lập lại chính quyền mới, Tiệp Khắc (cũ) và sau này là Cộng hòa Séc (từ 1993) đã tái lập Tòa án Hiến pháp, đặt cơ quan này ở Brno và chuyển cả hai tòa án tối cao còn lại về thành phố này. [5]
Tiệp Khắc không ngoại lệ trong chuyện có thủ đô tư pháp riêng. Nam Phi còn có tới ba “thủ đô”: lập pháp ở Cap Town, hành pháp ở Pretoria, và tư pháp ở Bloemfontein. [6] Đây là kết quả của quá trình đàm phán và giằng co quyền lực giữa Đế chế Anh với các thế lực địa phương vào năm 1910. Bloemfontein được mệnh danh là “thủ đô tư pháp”. Nhưng, đến năm 1995, khi Nam Phi mới bắt đầu dân chủ hóa, họ lập ra Tòa án Hiến pháp - có thẩm quyền cao nhất - và đặt cơ quan này ở một thành phố khác nữa: Johannesburg. Mặc dù ý định ban đầu là gì, việc phân tách địa lý các cơ quan này đã góp phần củng cố tính độc lập của các tòa án. [7]
Ý tưởng về việc một quốc gia chia tách các nhánh quyền lực ra nhiều thủ đô cũng đang được thảo luận ở Nigeria, nơi vùng South East đang được đề xuất trở thành thủ đô tư pháp. [8] Chuyện tòa án độc lập có vẻ không phải là lý do, mà là phân tán quyền lực trung ương ra các vùng khác nhau để củng cố tính đoàn kết quốc gia.
1. Brno | Czech Republic, Map, & History | Britannica. (2023). In Encyclopædia Britannica. https://www.britannica.com/place/Brno
2. Seat of the Court | The Constitutional Court. (2015). Usoud.cz. https://www.usoud.cz/en/about-the-court/seat-of-the-constitutional-court
3. Nejvyšší soud / About the Court/History. (2018). Nsoud.cz. https://nsoud.cz/Judikatura/ns_web.nsf/Edit/AbouttheCourt~History?Open&area=About%20the%20Court&grp=History&lng=EN
4. Constitutional court of the Czechoslovak republic and its fortunes in years 1920-1948 | The Constitutional Court. (2015). Usoud.cz. https://www.usoud.cz/en/constitutional-court-of-the-czechoslovak-republic-and-its-fortunes-in-years-1920-1948
5. History | The Constitutional Court. (2013). Usoud.cz. https://www.usoud.cz/en/history
6. South Africa’s Three Capitals. (2016). Council on Foreign Relations. https://www.cfr.org/blog/south-africas-three-capitals
7. Marais, L., & Twala, C. (2020). Bloemfontein: the rise and fall of South Africa’s judicial capital. African Geographical Review, 1–14. doi:10.1080/19376812.2020.1760901
8. Nwogu, N., & Nwogu, N. (2023, September 20). Designate South-east judicial capital, lawmaker urges FG. Tribune Online. https://tribuneonlineng.com/designate-south-east-judicial-capital-lawmaker-urges-fg