‘Một chỗ trong đời’ - Cha bạn có xuất thân là gì?

‘Một chỗ trong đời’ - Cha bạn có xuất thân là gì?
"Một chỗ trong đời" của Annie Ernaux. Đồ họa: Tùy Phong / Luật Khoa.

Đây là chuyên mục “Đọc sách cùng Đoan Trang” tối thứ Ba hằng tuần của Luật Khoa tạp chí. Hôm nay, Luật Khoa xin được giới thiệu quyển sách “Một chỗ trong đời” (tên tiếng Pháp: La Place, đạt giải thưởng Renaudot năm 1984) [1] của nhà văn Annie Ernaux.

Tác giả được trao giải Nobel Văn chương năm 2022 này không chỉ nổi tiếng vì những quyển tự truyện và tiểu luận sắc sảo dưới góc nhìn xã hội học, mà còn vì bà đấu tranh không ngừng nghỉ để thúc đẩy công bằng trong xã hội, nhất là cho bình đẳng giới. [2]

Nếu mới đọc quyển “Một chỗ trong đời”, thì chắc chắn khi bắt đầu vào mạch truyện, độc giả sẽ thấy hơi lấn cấn vì sự lãnh đạm toát ra trong từng câu chữ. 

Annie Ernaux viết dễ hiểu, khách quan như cung cách của một nhà báo, nhưng lại cực đoan hơn nhiều khi dùng câu rút gọn và lạnh lùng. Sự tối giản này khiến người đọc đôi khi chần chừ tự hỏi liệu tác giả - người con gái trong truyện - đang yêu thương hay thù ghét cha mình. Bà đề cập trong quyển sách: “Trong ký ức của tôi, tất cả những gì liên quan đến ngôn ngữ đều là nguyên nhân của sự oán hận, của những cuộc cãi vã đau lòng, còn hơn cả vấn đề tiền bạc”.

Nhưng cũng chính lối hành văn trong sách sẽ lấy được cái nhìn thiện cảm và tin tưởng của độc giả, rằng Annie Ernaux chân thành với tất cả những gì mình viết. Rằng bà đã đau buồn tột cùng sau cái chết của cha. Bởi, có ai đó từng nói, nỗi đau chỉ thật sự diễn ra khi con người cảm thấy trống rỗng với mọi thứ trên đời. Ngôn từ cũng vì lẽ đó mà thành ra phẳng lặng, vô tâm.

Đi tìm một vị trí mới

Cuốn “Một chỗ trong đời” mở đầu bằng hồi ức của Annie Ernaux khi cha mất. Bà kể cha bà qua đời sau hai tháng biết tin bà đậu chứng chỉ sư phạm ở trường trung học, chính thức trở thành giáo viên có biên chế.

Cả cuộc đời của cha Annie Ernaux chỉ phấn đấu vì một mục tiêu là rũ bỏ xuất thân công nông mà ông tự cho là thấp kém. Từ mong ước đó, ông làm mọi cách để đổi thay cuộc sống. Ông chuyển nghề, từ nông dân đến công nhân. Ông lao đầu vào kiếm tiền để cải thiện số phận của gia đình và con cái, mong một ngày con gái trở thành trí thức có thanh danh.

Cuối cùng, cuộc đời của ông và gia đình bước sang chương mới khi ông thành chủ quán cà phê bán kèm tạp phẩm. Ông cũng cố gắng thay đổi ngôn ngữ quê mùa để minh chứng rằng mình đã bước sang một vị trí mới.

Mặc dù độc giả có thể xem quyển sách như một bức tranh ghi lại sự thay đổi của vùng nông thôn Normandie, nhưng câu chuyện lại chứa trong nó ý thức đấu tranh giai cấp trong xã hội Pháp. Nỗi ám ảnh về thân phận, xuất thân đã phủ lấy cuộc đời gia đình và chính Annie Ernaux. Họ không ngừng tự hỏi: “Người ta nghĩ gì về mình?”

Cha của Annie Ernaux - một người đàn ông lao động chân tay - là người ít học và chỉ có những thú vui đơn giản như xem phim khiêu dâm, tán gái. Ông ăn nói thô lỗ, cộc cằn, chửi vợ là “đồ đĩ già”. Ông chửi con là “đồ phá hoại” và thỉnh thoảng mắng nhiếc con khi thấy con chúi đầu đọc sách: “Sách vở, nhạc nhẽo, tốt cho mày. Tao thì không cần những thứ đó mới sống được”.

Nhưng ở khía cạnh khác, ông luôn phấn đấu. Thời trẻ, ông luôn tận dụng mọi cơ hội, như đi nghĩa vụ quân sự, để thấy rõ thế giới hơn. Ông nỗ lực với vợ để xây dựng gia đình. Ông tự hào nói với Annie Ernaux: “Tao chưa bao giờ làm mày phải xấu hổ nhé”. Ông cũng biết dịu dàng với con những khi ông ngồi đọc báo, thư thả sau những áp lực đời thường. 

Ông không muốn con phải mất mặt, nên khi Annie Ernaux dắt người yêu về ra mắt, ông đã diện bộ đồ trang trọng nhất, dẫn chàng rể đi thăm vườn, nhà để xe và tự hào tất cả cơ đồ đều được ông tạo nên từ tay trắng. Ông muốn lấy tiền tiết kiệm của mình giúp hai vợ chồng trẻ như là khoản “bù đắp khoảng cách về văn hóa và quyền chức vốn ngăn cách ông với con rể”.

Nhưng Annie Ernaux đã cảm thấy ra sao?

Khoảng cách giai cấp

Annie Ernaux đã tự ti, hổ thẹn. Bà tự nhủ phải học hành, như một nỗi đau khổ bắt buộc phải có, “để có được một công việc tốt và để khỏi phải lấy một tay công nhân” như cha mình hay cánh thợ rượu chè, kệch cỡm trong xóm.

Nỗi mặc cảm của Annie Ernaux hiện ra đứt quãng và độc giả cần đọc nhiều lần quyển sách mới có thể xâu chuỗi lại hết cảm xúc của bà.

Một mặt, Annie Ernaux tự hào về những gì mình đạt được, về sự nghiệp và trong cuộc sống. Bà tận hưởng cảnh uống rượu whisky, nghe nhạc cổ điển… khi sống cùng chồng ở thành phố du lịch Alpes. Bước chân vào thế giới tư sản, bà bắt đầu khó chấp nhận các hành động nhà quê của cha mẹ. Bà nói với cha về căn hộ, bàn giấy cổ thời Louis-Philippe, ghế bành nhung đỏ - những thứ mà cha bà chưa bao giờ biết đến. Bà biết những điều đó chứng minh cho sự thành đạt của bà.

Nhưng mặt khác, sự tự hào đó đi kèm sự tự vấn. Bà nghi ngờ mình đã tha hóa, chối bỏ bản thân. Bà hiểu rõ việc được nuôi dạy trong một gia đình “chuyển tiếp” giai cấp đã làm mình e dè.

Không phải tư sản là tốt.

Chồng bà lúc nào cũng “giễu cợt” không biết đâu là thật giả. Cha mẹ bà lúc nào cũng trung hậu và tốt bụng. Chồng bà thờ ơ với gia đình vợ vì khác biệt giai tầng. Cha mẹ bà luôn cố gắng hòa nhập, khoan dung.

Thế là, bà nhớ đến ký ức tuổi thơ khắc nghiệt nhưng cũng rất đỗi êm đềm: “Cha tôi chở tôi đi học bằng xe đạp. Qua lại giữa hai bờ sông, dù trời mưa hay nắng. Có lẽ niềm tự hào lớn nhất đối với ông, hay thậm chí là lời biện minh cho cuộc đời ông: là tôi đang thuộc về thế giới từng khinh miệt ông. Ông thường hát: Mái chèo xoay vần chúng ta…”. 

Rồi bà phát hiện ra bà đã kính trọng và yêu thương cha mình đến nhường nào. Bà ghi nhớ hết tất cả những thói quen sinh hoạt, cử chỉ nhỏ nhất của ông, từ húp súp, dùng dao Opinel đến cách vận trang phục, chỉnh sửa giọng nói.

Xuất thân mà Annie Ernaux chối bỏ, nay trở thành sự cứu chuộc của cuộc đời bà.

Bà có bật khóc không, khi viết: “Ông đã nuôi tôi khôn lớn để tôi đi tận hưởng một thứ xa xỉ mà bản thân ông không hề biết đến, ông hạnh phúc…” ?

Câu chuyện gia đình của văn sĩ Annie Ernaux không phải chỉ nằm trong đường biên giới của Pháp. Độc giả cũng sẽ thấy hình ảnh người cha nông thôn quê mùa, thô lỗ đó ở Việt Nam. Thấy trong đời thường và thấy trong văn chương, điển hình trong các sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. 

Những nỗi đau câm lặng, cách ăn nói thô bạo, cục súc, sự nỗ lực để cải thiện số phận, tình yêu vô bờ bến dành cho con cái… được lồng ghép hết trong vỏn vẹn 100 trang sách “Một chỗ trong đời”. Cuốn sách gợi mở cho chúng ta liệu có nên ứng xử khác đi, bằng một cách thấu hiểu và tôn trọng phẩm giá của nhau hơn.

Cầm quyển sách này trên tay, người đọc sẽ không còn phải đặt câu hỏi đứa con gái này bất hiếu hay là yêu thương cha nữa. Thay vào đó, độc giả sẽ liên tưởng tới chính người cha của mình.

Cha bạn có xuất thân là gì? Ông cầm bút hay cầm cuốc? Ông mặc vest, thắt cà vạt hay mặc độc một chiếc áo sơ mi sờn màu, thâm kim? Bạn yêu thương hay ghét bỏ cha mình? Bạn đã nhớ, và, thấu hiểu cha mình tới đâu?


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Chú thích

[1] Một chỗ trong đời (La Place), Annie Ernaux, Nguyễn Thị Thúy An dịch, Nhã Nam & NXB HNV, 2015.

[2] Xem thêm tại đây.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.