Phục hồi tài sản bị chính quyền cộng sản tước đoạt: CH Séc đã làm thế nào?

Vì công lý và vì mục tiêu phát triển kinh tế.

Phục hồi tài sản bị chính quyền cộng sản tước đoạt: CH Séc đã làm thế nào?
Ảnh minh họa: Tama66, Pixabay, CC0 1.0 DEED.
💡
Bài viết này nằm trong số báo đặc biệt "Cảm hứng Cộng hòa Séc" của Luật Khoa tạp chí, phát hành ngày 26/12/2023. Toàn bộ kinh phí sản xuất số báo này do Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc tài trợ.

Bây giờ bạn hãy tưởng tượng thế này: con cháu của những địa chủ bị chính quyền cướp đất thời Cải cách Ruộng đất những năm 1950 được hoàn trả lại ruộng đất hoặc được bồi thường trong trường hợp không thể hoàn trả được.

Nghe quả là chuyện hoang đường?

Nhưng hãy tưởng tượng tiếp: con cháu của những gia đình có nhà cửa bị chính quyền “tiếp thu” sau ngày tiếp quản thủ đô năm 1954 và sau ngày 30/4/1975 ở miền Nam, hay các tổ chức tôn giáo có nhà thờ, tu viện, thánh đường bị chính quyền “mượn” từ sau năm 1954 được nhận lại các bất động sản này, hoặc được bồi thường theo những cơ chế định giá nhất định.

Hay thậm chí hãy tưởng tượng thế này: các hộ dân có ruộng đất bị thu hồi bất hợp pháp ở Văn Giang - mà ngày nay là khu đô thị EcoPark - được bồi thường cho tài sản bị cướp mất của họ và những thiệt hại họ phải chịu trong những năm sau đó.

Bây giờ ở nước ta, ai mà đề xuất những chuyện như thế này thì người ta sẽ bảo là điên, dở hơi, rảnh việc, hoặc thậm chí là phản động.

Nhưng những chuyện nghe hoang đường và điên rồ đó đã xảy ra ở nhiều nước sau khi chế độ độc tài sụp đổ: Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary, Romania, Slovenia, Croatia, Nam Phi, v.v.

Trong bài viết này, tôi sử dụng hai công trình nghiên cứu để tóm tắt quá trình phục hồi tài sản ở Tiệp Khắc (cũ) và Cộng hòa Séc sau khi chế độ cộng sản chấm dứt vào tháng Mười Hai năm 1989. Một là cuốn “Post-communist restitution and the rule of law” của Tiến sĩ Csongor Kuti, do Nhà xuất bản Đại học Trung Âu (CEU Press) phát hành năm 2009 ở Hungary; hai là luận văn thạc sĩ luật năm 1997 của Sophia von Rundstedt tại Đại học Georgia (Mỹ). [1][2]

***

Các nhà lãnh đạo ở các nước vừa mới thoát thai khỏi chế độ độc tài không những phải xây dựng một thể chế chính trị mới mà còn phải “làm lành” với quá khứ của quốc gia mình. Tại sao lại phải làm lành? Là vì có quá nhiều vết thương, xung đột trong quá khứ cần phải được khám xét, khâu vá, băng bó lại trước khi quốc gia đó có thể cất cánh.

Đó không chỉ là những người tù chính trị bị chính quyền cộng sản tước đoạt tự do, mà còn là những người bị chính quyền tước đoạt tài sản trong quá khứ. Họ là giới tư sản, giới địa chủ, hay các tổ chức tôn giáo, v.v. Cần nhấn mạnh rằng, mô hình xã hội chủ nghĩa xoay quanh khái niệm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, trong đó thủ tiêu hoàn toàn tư hữu và quốc hữu hóa mọi tư liệu sản xuất. Quốc hữu hóa, không có gì khác hơn, là tước đoạt một cách hợp pháp các tài sản thuộc sở hữu tư nhân và cộng đồng, chuyển các tài sản này vào tay nhà nước. Trong đó có đất đai, nhà xưởng, máy móc, v.v.

Với riêng trường hợp Tiệp Khắc, đó còn là cộng đồng người Do Thái có tài sản bị quốc hữu hóa trong thời kỳ Thế chiến II nhưng chưa bao giờ được các chính quyền kế tiếp giải quyết quyền lợi. Tức là chính quyền cộng sản từ năm 1948 đã phớt lờ quyền lợi của họ. Lý do cũng rất đơn giản, mô hình cộng sản cũng dựa trên việc quốc hữu hóa các tư liệu sản xuất như Đức Quốc xã đã làm.

Tình cảnh của Tiệp Khắc khi chế độ cộng sản sụp đổ năm 1989 là những tư liệu sản xuất này đang nằm trong tay chính quyền, nghĩa là sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể.

Tiến trình dân chủ hóa của nước này phải đi kèm, hay nói đúng hơn là phải bao gồm một tiến trình tự do hóa nền kinh tế và khôi phục quyền tư hữu. Mà muốn làm như vậy thì phải trả lại các tư liệu sản xuất về cho tư nhân, hay còn được gọi là tư nhân hóa (privatization). Cái từ này ở Việt Nam hay bị tránh né và gọi bằng một cái tên khác là “cổ phần hóa”.

Đến đây, một bài toán hóc búa được đặt ra: làm sao tư nhân hóa được một tài sản nhà nước nếu như có người nói rằng họ mới là chủ sở hữu đích thực của tài sản đó và chính quyền cộng sản cũ đã tước đoạt nó của họ? 

Sẽ không thể nào cải cách được nếu không “làm lành” được với những vết thương trong quá khứ này. Chính quyền mới tin rằng “việc phục hồi tài sản không những cần thiết để thực thi công lý mà còn giúp tạo ra một tầng lớp doanh nhân có khả năng củng cố khu vực tư nhân…”.

Một tiến trình phục hồi tài sản bắt đầu gần như ngay sau khi chính quyền mới ra đời.

***

Tháng 10/1990, tức là chưa đầy một năm kể từ Cách mạng Nhung, Quốc hội Tiệp Khắc ban hành đạo luật phục hồi tài sản thứ nhất. Đạo luật này tập trung vào việc hoàn trả lại các cơ sở kinh doanh nhỏ và các khu nhà ở bị chính quyền cộng sản tước đoạt từ năm 1955.

Ai muốn được hoàn trả tài sản thì phải nộp đơn trong vòng sáu tháng kể từ khi đạo luật trên có hiệu lực, và có nghĩa vụ chứng minh mình là chủ sở hữu thật sự của tài sản nêu trong đơn.

Ngày 21/2/1991, đạo luật thứ hai ra đời, mở rộng thời gian áp dụng đạo luật ra toàn bộ thời kỳ cộng sản, tức là từ năm 1948 đến hết năm 1989. Luật này chỉ hoàn trả tài sản cho cá nhân, còn pháp nhân thì không. Hạn nộp đơn là ngày 1/10/1991, nếu không đạt được thỏa thuận phục hồi tài sản với đơn vị đang chiếm hữu tài sản trên thực tế thì đương đơn có thể đưa vụ việc ra tòa trước ngày 1/4/1992.

Trong một số trường hợp, đương đơn cũng có thể yêu cầu được bồi thường bằng tiền mặt hoặc trái phiếu chính phủ. 

Dĩ nhiên, một tài sản nhà nước nếu đang có đương đơn đòi hoàn trả thì không được rao bán cho ai khác.

Luật Đất đai năm 1991 của Tiệp Khắc cũng phục hồi quyền sở hữu tư nhân của những chủ sở hữu có ruộng đất bị quốc hữu hóa trong thời kỳ cộng sản, bao gồm cả đất bị cưỡng chế thu hồi.

Tháng 4/1994, Quốc hội lại sửa luật để hoàn trả lại tài sản cho các cộng đồng người Do Thái bị tước đoạt tài sản trong thời kỳ Thế chiến II, bao gồm nhà thờ, tu viện, thư viện, v.v.

Đi vào chi tiết thì còn nhiều chuyện để nói. Mặc dù trong những năm 1990, chính quyền Séc đã xử lý một lượng đơn từ liên quan tới khoảng 1,7 triệu hecta đất, đến năm 2018 vẫn còn hơn 300 đơn chưa được giải quyết xong. [3]

***

Chính quyền Cộng hòa Séc đã rất thành công với chương trình phục hồi tài sản của họ và đạt được mục đích thực thi công lý lẫn kích hoạt một tiến trình tự do hóa nền kinh tế.

Chuyện này liên quan thế nào tới Việt Nam trong tương lai thì còn phải bàn, vì trên thực tế Việt Nam đã trải qua một tiến trình tư nhân hóa tài sản nhà nước từ năm 1986 với công cuộc Đổi Mới. Nhưng cốt lõi của chương trình phục hồi tài sản của Cộng hòa Séc là trả lại cho chủ sở hữu đích thực, hoặc người thừa kế, tài sản của họ, bằng cách hoàn trả nguyên trạng tài sản hoặc là bồi thường tương xứng. 

Đây là điều đáng tham khảo cho Việt Nam sau này trong bối cảnh thu hồi đất, thậm chí cưỡng chế thu hồi đất diễn ra khắp nơi nhưng áp giá bồi thường cho người dân một cách rẻ mạt, dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai phổ biến ở khắp các cấp chính quyền.

Đọc thêm:

Cộng hòa Séc đã cải cách hiến pháp như thế nào
Nhìn người, ngẫm ta.
Dòng lịch sử: Cộng hòa Séc - Từ độc tài tới dân chủ
💡Bài viết này nằm trong số báo đặc biệt “Cảm hứng Cộng hòa Séc” của Luật Khoa tạp chí, phát hành ngày 26/12/2023. Toàn bộ kinh phí sản xuất số báo này do Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc tài trợ.Tải báo - Miễn phí Trước 1918
Vì sao pháp luật Cộng hòa Séc không cấm đảng cộng sản?
Chuyện tưởng như hiển nhiên nhưng lại rất phức tạp.
Tài sản của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc sau Cách mạng Nhung: Chuyện gì đã xảy ra?
💡Bài viết này nằm trong số báo đặc biệt “Cảm hứng Cộng hòa Séc” của Luật Khoa tạp chí, phát hành ngày 26/12/2023. Toàn bộ kinh phí sản xuất số báo này do Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc tài trợ.Tải báo - Miễn phí Ngày 29/

Chú thích

  1. Post-Communist Restitution and the Rule of Law. (2017, May 15). CEUPress. https://ceupress.com/book/post-communist-restitution-and-rule-law
  2.  Rundstedt, Sophia von, "Restitution Regimes in Post-Communist Eastern Europe: A Legal Analysis" (1997). LLM Theses and Essays. 245. https://digitalcommons.law.uga.edu/stu_llm/245
  3. Return of property seized by Communists | Ombudsman. (2018). Ochrance.cz. https://www.ochrance.cz/en/aktualne/return-of-property-seized-by-communists

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.