Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
“Angulimala đã rượt kịp Bụt và hiện đang đi ngang hàng với Bụt. Bụt nghe anh ta nói:
- Ta đã bảo ông dừng lại, tại sao ông cứ tiếp tục đi mà không chịu dừng?
Bụt vừa đi vừa đáp:
- Angulimala, ta đã dừng lại từ lâu rồi, chỉ có anh mới chưa chịu dừng lại mà thôi.
Angulimala giật mình. Angulimala nín thinh không nói thêm gì được bởi vì anh ta quá ngạc nhiên”.
Đây là đoạn hội thoại nổi tiếng giữa Angulimala và Đức Phật, được kể tại chương 53 trong quyển “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Angulimala là một kẻ giết người hàng loạt và cũng là một trong những nhân vật được dẫn chứng nhiều nhất trong các câu chuyện Phật giáo về khả năng chứng ngộ và thay đổi của con người (sám hối).
Trong “Đường xưa mây trắng", câu chuyện của Angulimala còn mang thông điệp “tương tức” (interbeing) - một trong những triết lý quan trọng nhất của Phật giáo, cho rằng mọi thứ trong đời đều có mặt trong nhau. Với trường hợp Angulimala, tương tức ám chỉ mối liên hệ trong xã hội đã tạo nên cái ác của hắn ta.
Cách tiếp cận dựa trên tương tức cho thấy góc nhìn rộng hơn khi phân tích tội phạm.
Thú vị thay, nhà xã hội học người Pháp, Émile Durkheim, cha đẻ của ngành tội phạm học hiện đại, cũng đề xuất hướng tiếp cận xã hội này qua cuốn sách “The Rules of Sociological Methods” (tạm dịch là “Các nguyên tắc nghiên cứu xã hội học”) vào năm 1895. Theo đó, ông cho rằng tội phạm cũng có chức năng của nó, đôi khi cũng cần thiết cho sự phát triển của xã hội.
Trong bài viết này, người viết sẽ phân tích hai góc nhìn về tội phạm của thiền sư Thích Nhất Hạnh và Émile Durkheim.
Tương tức (interbeing) là một trong những khái niệm quan trọng trong Phật giáo và được lặp lại trong các nội dung giảng dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Trong “Đường xưa mây trắng”, Thích Nhất Hạnh dùng toàn bộ chương 65 để giải thích ý nghĩa của khái niệm này:
“Sự có mặt của một pháp kéo theo sự có mặt của tất cả các pháp. Sự có mặt của các pháp có thể được chứng minh nhờ sự có mặt của một pháp. Ananda, đó là nguyên lý tương nhập và tương tức”, hoặc “tương tức nghĩa là cái này là cái kia, cái kia là cái này”.
Như vậy, tương tức nhấn mạnh vào mối quan hệ tương quan giữa mọi yếu tố trong trời đất. Ví dụ, để làm ra một cái bát thì nhờ nhiều yếu tố tụ họp lại với nhau như đất, nước, lửa, không khí, người thợ làm gốm… Nếu thiếu những yếu tố này thì cái bát không thành hình [1].
Khi áp dụng con mắt tương tức, thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng tội phạm phản ánh những vấn đề trong xã hội đã tạo nên bản thân y.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh mô tả kẻ giết người hàng loạt Angulimala “đã từng đau khổ, và những người làm đau khổ anh là những con người”, như một cách lý giải rằng đạo đức cá nhân của Angulimala còn chịu ảnh hưởng từ những người khác trong xã hội.
Đề cập thêm, trong một bài phỏng vấn về án tử hình, khi được hỏi hình phạt nào nên dành cho một kẻ giết chết chín đứa trẻ, thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: “Có những người khác tương tự như anh ta trong xã hội. Khi nhìn sâu vào anh ta, chúng ta nên nhận thấy những vấn đề của xã hội. Chính xã hội đã tạo ra con người như anh ta”. [2] Ông cũng cho rằng bằng việc thấu hiểu giữa người với nhau, “chúng ta có thể chấm dứt kỳ thị, định kiến và học cách khoan dung”. [3]
Trong khi đó, Durkheim cũng có nhiều góc nhìn tương đối khác biệt về tội phạm. Trong cuốn sách “The Rules of Sociological Methods”, tại chương 3, “Rules for the Distinction of the Normal from the Pathological” (tạm dịch là “Những quy tắc phân biệt trạng thái bình thường và bệnh lý”), Durkheim cho rằng tội phạm tồn tại trong hầu hết xã hội của loài người.
Theo ông, không có nhà nước nào thống nhất toàn vẹn, không ở đâu mà tất cả mọi người đều đồng ý với nhau về một chuẩn mực đạo đức riêng biệt.
Do đó, những người có những tiêu chuẩn khác biệt về đạo đức này sẽ dễ dàng bị xem như những nhóm lệch chuẩn (deviance), từ đó được cho là thành tố cấu thành hành vi phạm tội. [4]
Theo Durkheim, “không có gì là tốt một cách vô cực mà không có giới hạn”, do đó, tội phạm không nên bị loại trừ mà nên được xem như yếu tố giúp xã hội phát triển. Tội phạm giúp thách thức lại những gì được xã hội xem là tốt đẹp và đóng góp vào các tranh luận xã hội về đạo đức.
Từ đó, Durkheim ủng hộ thay đổi các hình thức trừng phạt đối với tội phạm và tù nhân thông qua việc thay đổi góc nhìn về đóng góp của tội phạm trong xã hội. [5]
Dù đều là hai cách tiếp cận mới mẻ về tội phạm, nhưng thiền sư Thích Nhất Hạnh và Émile Durkheim tập trung quan điểm của mình vào hai giai đoạn khác nhau.
Trong khi thiền sư Thích Nhất Hạnh nhấn mạnh vào nguyên nhân và khởi nguyên dẫn đến tội phạm thì Durkheim tập trung vào kết quả và tác động sau khi xảy ra hành vi phạm tội.
Bằng việc khai thác khía cạnh chức năng của tội phạm khi mang lại lợi ích cho số đông, Durkheim khuyến khích con người cân nhắc lại quan điểm về cái ác và sự trừng phạt.
Nhưng quan niệm này cũng gây tranh cãi, bởi suy cho cùng thì lập luận của Durkheim tập trung vào lợi ích, chứ không phải bản thân những người phạm tội (như quyền hay nhân phẩm) hoặc đạo đức xã hội dành cho nhóm người lệch chuẩn.
Trong khi đó, cách tiếp cận của thiền sư Thích Nhất Hạnh lấp đầy khoảng trống về khái niệm tội phạm do Durkheim đề xuất, khi cho thấy sự cân nhắc một cách thấu đáo về các yếu tố cá nhân.
Nói theo ý niệm, chúng ta cũng có mặt trong tội phạm và tội phạm cũng có mặt trong ta. Nó cho thấy sự kết nối quan trọng giữa các hành vi được cho là sai trái và trách nhiệm tập thể của toàn xã hội.
Nhưng tương tức vẫn là ý niệm tôn giáo, rất khó để áp dụng trong tư pháp hình sự, nhất là khi nó cho thấy nhiều vấn đề về tự chủ và trách nhiệm.
Câu hỏi được đặt ra là nếu chúng ta đều dự phần trong cái ác, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi có hành vi phạm tội? Cá nhân người thực hiện hành vi hay tất cả chúng ta?
Độc giả có thể tìm đọc hai quyển sách này và thử đối chiếu các cách tiếp cận mà người viết vừa phân tích trên đây. Cả hai quan điểm đều thú vị và mang tính gợi mở. Nó giúp cho chúng ta có cái nhìn mới hơn về tội phạm và trong nhiều trường hợp, chúng ta biết cách khoan dung hơn.
[1] Thích Nhất Hạnh, 1992, Đường xưa mây trắng, Làng Mai. https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/thien-tap/duong-xua-may-trang/
[2] Thich Nhat Hanh on Capital Punishment, 2023, Katinka Hesselink. https://www.katinkahesselink.net/tibet/thich-capital-punish.html
[3] Thich Nhat Hanh, 2020, Interbeing, 4th Edition: The 14 Mindfulness Trainings of Engaged Buddhism, Sister A. Laity, Parallax Press.
[4] [5] Émile Durkheim, 2013, Durkheim: The Rules of Sociological Method: And Selected Texts on Sociology and Its Method, Edited by Steven Lukes, Translated by W. D. Halls, Macmillan Education UK.