‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Ngày 16/4/1950 là một ngày đặc biệt của Hải quân Trung Quốc.
Đó là lần hiếm hoi trong lịch sử - kể cả cho tới tận ngày nay - họ thực sự tham chiến. Đối thủ của họ là tàn quân Quốc Dân Đảng ở đảo Hải Nam, nơi họ vẫn chưa chiếm được kể từ sau khi giành quyền kiểm soát đại lục và lập ra nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào tháng 10/1949.
Và để chiếm được hòn đảo này, họ phải vượt qua eo biển Hải Nam, hay còn được gọi là eo biển Quỳnh Châu (Qiongzhou). [1] Hạm đội thuyền gỗ của họ vượt 20 km (12 hải lý) qua eo biển và đổ bộ thành công lên đảo. Ngày 1/5, họ tuyên bố chiến thắng.
Ngày nay, eo biển Hải Nam là một trong những tuyến hàng hải tấp nập của thương mại thế giới. Nó cũng quan trọng với Việt Nam, nối các hải cảng lớn ở miền Bắc Việt Nam như Hải Phòng, Móng Cái đi các cảng ở Đông Bắc Á như Quảng Châu, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Và gần đây nhất, nó trở thành một tranh chấp vừa mới vừa cũ trên vùng biển vốn đã luôn căng thẳng: Trung Quốc tiến xa hơn trong việc biến eo biển này thành nội thủy - tức lãnh thổ mà quốc gia ven biển có thẩm quyền tuyệt đối.
Ngày 1/3/2024, Trung Quốc công bố đường cơ sở thẳng (đường thẳng nối các điểm cơ sở đã được xác định) trong Vịnh Bắc Bộ. [2] Đây là lần đầu tiên họ công bố đường cơ sở bên trong vịnh này.
Năm 1996, Trung Quốc đã công bố 49 điểm cơ sở để xác định đường cơ sở thẳng cho nước này. Các điểm cơ sở công bố năm 1996 chỉ kéo dài từ Thanh Đảo đến một phần đảo Hải Nam, không dùng để xác định đường cơ sở trong Vịnh Bắc Bộ.
Kết hợp hai đường cơ sở thẳng được công bố ở hai thời điểm khác nhau, lần một năm 1996 và lần hai năm 2024, chúng ta thấy Trung Quốc đã coi eo biển Hải Nam là nội thủy của họ.
Đó là vùng biển phía bên trong đường cơ sở thẳng, được tính là lãnh thổ quốc gia, theo Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS). [3]