Timeline: Lịch sử đổi thẻ căn cước ở Việt Nam

Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đổi căn cước ba lần.

Timeline: Lịch sử đổi thẻ căn cước ở Việt Nam
Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

Nhưng tên gọi sắp tới đây - Thẻ căn cước - không khác gì so với tên gọi cũ. Luật Khoa tổng hợp các mốc thời gian, chính sách và ý kiến liên quan tới những thay đổi này.

Thời Pháp thuộc (trước năm 1945), thẻ căn cước được sử dụng như giấy thông hành toàn Đông Dương.

Từ năm 1946, thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Sắc lệnh 175B/NC-PC ngày 6/9/1946 của Chủ tịch nước quy định thẻ công dân thay cho thẻ căn cước.

Từ năm 1957, thẻ công dân được thay bằng giấy chứng minh và năm 1964 bổ sung giấy chứng nhận căn cước cho người từ 14 - 17 tuổi bên cạnh giấy chứng minh.

Trong khi đó, thẻ căn cước được sử dụng từ thời Pháp thuộc tới thời Việt Nam Cộng hòa.

Từ năm 1976, Giấy chứng minh nhân dân được sử dụng thống nhất trong cả nước.

Từ năm 1999, giấy chứng minh nhân dân được thay bằng chứng minh nhân dân thẻ giấy 9 số.

Từ năm 2012, có mẫu chứng minh nhân dân mới bằng nhựa, gồm 12 số.

Năm 2014, Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Căn cước công dân (CCCD), có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016.

Năm 2016

Năm 2016, Bộ Công an lần đầu cấp thẻ CCCD thay cho chứng minh nhân dân. thẻ CCCD được in mã số định danh cá nhân (12 số) thay thế cho các chứng minh nhân dân cũ 9 số và 12 số.

Tháng 10/2018, Bộ Công an sửa đổi một số thông tin trên mặt thẻ CCCD có mã vạch.

Tháng 9/2020, Thủ tướng thông qua đề án của Bộ Công an về sản xuất, cấp đổi thẻ CCCD gắn chip điện tử.

Từ 1/1/2021, thẻ CCCD gắn chip điện tử ra đời. Thẻ này có kích thước, hình dáng được giữ nguyên so với thẻ mã vạch. Bộ Công an đã đề ra mục tiêu cấp 50 triệu thẻ CCCD có gắn chip trước tháng 7/2021. [1]

Năm 2022

Ngày 13/6/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 50/2022/QH15 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Nghị quyết này không nhắc đến việc sửa đổi Luật CCCD. [2]

Ngày 22/6/2022, Bộ Công an đề nghị xây dựng Luật CCCD (sửa đổi) [3]. Lý do được đưa ra, theo quan điểm của Bộ Công an (nêu ra trên Báo điện tử Chính phủ ngày 16/1/2023) là vì việc thi hành Luật CCCD năm 2014 xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải xem xét bổ sung. Do đó, Bộ Công an xây dựng dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) [4]. Các quy định mới nhằm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính. [5]

Năm 2023

Ngày 17/1/2023, trả lời trên Báo Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06) Bộ Công an, nói các điều chỉnh nhằm tạo tính tiện ích cho thẻ CCCD, đồng thời phù hợp các nội dung khác được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật. [6]

Ngày 19/1/2023, Bộ Công an đề xuất sửa đổi một số thông tin trên thẻ CCCD, trong đó có việc lược bỏ dữ liệu sinh trắc học vân tay tại mặt sau của thẻ. [7]

Ngày 15/3/2023, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Anh chủ trì phiên họp thẩm định dự thảo Luật CCCD (sửa đổi). [8]

Ngày 17/3/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết 33/2023/UBTVQH15 về Điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Nghị quyết này đề cập bổ sung việc sửa đổi Luật CCCD. Dự luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (diễn ra vào tháng 5/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (10/2023). [9]

Ngày 14/4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật CCCD (sửa đổi). Đa số ý kiến nhất trí với việc sửa đổi Luật CCCD để khắc phục bất cập, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý và bước đột phá về chuyển đổi số ở Việt Nam. [10]

Ngày 26/4/2023, Chính phủ báo cáo giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Quốc phòng và An ninh (cơ quan thẩm tra sơ bộ) về dự án Luật CCCD (sửa đổi).

Báo Người Lao Động dẫn nhiều nội dung quan trọng từ báo cáo này. Trong đó, có một số thông tin đáng lưu ý về lợi ích của việc cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi. Một bài toán Chính phủ nêu ra chính là với 19 triệu công dân dưới 14 tuổi, ước tính số tiền mà nhà nước và xã hội phải chi cho một số ít loại giấy tờ như sổ tiêm chủng, khám chữa bệnh, thẻ bảo hiểm y tế… của các em là khoảng 2.000 tỷ đồng. Việc làm thẻ căn cước cho các em sẽ tiết kiệm được chi phí này. Chưa kể, còn có thể cắt giảm các chi phí sao y, chứng thực, công chứng giấy tờ.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị quy định cụ thể thông tin được lưu trữ mã hóa; đánh giá chi phí phát sinh khi thay đổi mẫu thẻ căn cước; thuyết minh rõ quy định về ghi nơi cư trú trên thẻ. [11]

Ngày 2/6/2023, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày Tờ trình về dự án Luật CCCD (sửa đổi). [12]

Sau đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu kỹ 22 nhóm thông tin được tích hợp vào cơ sở dữ liệu căn cước để đảm bảo khả thi tránh lãng phí. Đồng thời, đề nghị bỏ một số thông tin thiếu tính ổn định như nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, tình trạng khai báo tạm vắng, mối quan hệ với chủ hộ, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.

Để đảm bảo tính chính xác, thông tin này phải được cập nhật thường xuyên khi công dân thay đổi. Các quy định về nhóm máu và mống mắt, ADN, giọng nói chỉ nên được thu thập, cập nhật khi công dân có yêu cầu; thông tin về nghề nghiệp nên quy định “trừ công an, quân đội và cơ yếu”. [13]

Ngày 10/6/2023, thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội về dự án Luật CCCD (sửa đổi), Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu quan điểm gọi thẻ CCCD là không chính xác. Cụ thể, theo ông Lâm, thẻ căn cước không phải giấy chứng nhận công dân, nhiều người mất một số quyền công dân nhưng vẫn cần căn cước, nhất là cho các trường hợp có liên quan sở hữu tài sản.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội, đồng tình việc gọi Luật Căn cước giúp mở rộng phạm vi điều chỉnh (ngoài công dân Việt Nam còn là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch).

Một ý kiến được chú ý khác của đại biểu Vương Thị Hương (tổ Hà Giang) là thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có quy định về nhóm máu nhưng không phải ai cũng biết về nhóm máu của mình, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. [14]

Nếu quy định thông tin nhóm máu là bắt buộc, sẽ khiến người dân tốn thời gian, chi phí xét nghiệm và không phải ai cũng có điều kiện thực hiện. Vì vậy, nên quy định linh hoạt về thông tin sinh trắc học ADN theo hướng tùy theo nhu cầu của công dân chứ đừng bắt buộc.

Chiều 22/6/2023, tham gia thảo luận về dự thảo Luật CCCD (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) băn khoăn khi dự thảo đề xuất bỏ thông tin về quê quán của công dân trên căn cước. Điều này không phù hợp và mâu thuẫn với chính nội dung trong Điều 3 của dự thảo, nêu định nghĩa CCCD là “là thông tin về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhận dạng và sinh trắc học của một người”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương) cho rằng có nhiều ý kiến khác nhau về quê quán của công dân. Ông đặt nghi vấn: Quê quán thường là ghi quê của cha, nhưng cha đã đi xa quê gốc, thậm chí ra nước ngoài sinh sống từ nhiều đời thì ghi thế nào?

Quan điểm của đại biểu này cho rằng không thay đổi tên luật [Luật CCCD thành Luật Căn cước] bởi tên hiện tại đã đầy đủ, rõ nghĩa và trong sáng. Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh đồng tình việc đổi tên nhằm bổ sung đối tượng điều chỉnh là người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam chưa có quốc tịch. [15]

Sáng 10/08/2023, nghị trường Quốc hội tiến hành phiên họp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật CCCD (sửa đổi). Trong đó nổi bật lên nội dung đề xuất người gốc Việt, không có quốc tịch đang sinh sống trong nước được cấp số định danh và được cấp Giấy chứng nhận căn cước. Hầu hết các đại biểu quốc hội đều đồng ý đề xuất này. [16]

Ngày 23/8/2023, RFA tiếng Việt đăng bài viết xoay quanh việc đề xuất thu thập ADN, giọng nói làm cơ sở dữ liệu CCCD của Bộ Công an. Luật sư Đặng Đình Mạnh bày tỏ sự ngạc nhiên và lo ngại về vấn đề pháp lý và bảo mật cá nhân. [17]

Ngày 28/8/2023, hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến dự Luật CCCD (sửa đổi). Sau nhiều lần góp ý, dự thảo mới nhất bổ sung vào dữ liệu CCCD thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.

Riêng ADN và giọng nói chỉ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ việc liên quan đến tố tụng.

Ủy ban Quốc phòng An ninh nhất trí với tên gọi Luật Căn cước vì sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng hơn (tức gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt đang sinh sống trong nước nhưng chưa xác định được quốc tịch). Dự Luật CCCD sửa đổi được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 cuối năm 2023. [18]

Đại biểu Nguyễn Tạo (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho rằng các trường thông tin bổ sung vào cơ sở dữ liệu căn cước trong dự thảo “quá nhiều”. Việc bổ sung ADN, giọng nói vào cơ sở dữ liệu là không khả thi vì ADN là thông tin bí mật của mỗi người. Nhiều ý kiến đồng tình với đại biểu này.

Về vấn đề an ninh thông tin, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nhấn mạnh Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được kiểm soát an ninh mạng và bảo vệ ở mức cao nhất.

Ngày 15/9/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Căn cước. Nhiều đại biểu tham gia không đồng ý việc đưa thông tin cư trú lên thẻ CCCD. [19]

Ngày 19/10/2023, trả lời báo chí, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết đến thời điểm này đa phần các ý kiến đồng tình với quan điểm của Chính phủ lấy tên là Luật Căn cước. [20]

Sáng 25/10/2023, dự thảo Luật Căn cước trình Quốc hội cho ý kiến. So với Luật CCCD 2014, trường thông tin về quê quán, vân tay đã được bỏ ra khỏi nội dung cần thể hiện căn cước. Thay vào đó, quê quán của công dân sẽ được tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các đại biểu đề nghị bỏ luôn thông tin cư trú trên thẻ căn cước phòng trường hợp sắp xếp lại các đơn vị hành chính. [21]

Ngày 30/10/2023, trong một bài viết thể hiện​ quan điểm cá nhân về dự luật CCCD (sửa đổi), luật sư Lê Quốc Quân nêu vấn đề bảo mật dữ liệu khi Bộ Công an đang giành quyền quản lý tập trung, trong khi không có chuyên môn về thông tin. Điều này dễ dẫn đến hệ lụy quản lý bao trùm và khả năng cao bị mất dữ liệu. [22]

Ngày 15/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.

Ngày 22/11/2023, Báo Quân đội nhân dân đăng bài phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Công Nguyên - Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an - xoay quanh dự luật mới. [23]

Ngày 27/11/2023, Quốc hội thông qua Luật Căn cước. Một điểm mới trong luật này là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Điều 18 của luật quy định các thông tin sẽ thể hiện trên thẻ căn cước gồm: ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng.

Mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp sẽ được thu thập và tích hợp trong cơ sở dữ liệu căn cước. Dữ liệu này sẽ được chia sẻ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác do Bộ Công an quản lý.

Điều 46 của luật này cũng quy định: “Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước” và “Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024”.

Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. [24]

Ngày 1/12/2023, trong một bài viết, BBC tiếng Việt dẫn ý kiến đáng chú ý của luật sư Lê Quốc Quân: “Luật Căn cước do Bộ Công an chủ trì biên soạn nên tư duy quản lý và giám sát luôn in đậm từng câu chữ, cái gì cũng muốn thu thập, gom vào để dễ bề quản lý, thay vì ban cho công dân sự tự do lựa chọn.Tôi cho rằng như một công cụ phục vụ lợi ích vội vàng và ngắn hạn mà ngăn cản sự sáng tạo lâu dài của đất nước”. [25]

Cùng ngày, trang Blog của VOA tiếng Việt có bài “Căn cước - một kiểu trở về vạch xuất phát!” tổng hợp nhiều nhận định của các chuyên gia về dự luật Căn cước mới được thông qua.

Nhà giáo Mạc Văn Trang cho rằng: Từ ngày “cách mạng” đến nay, mọi thứ vận động theo quy luật “đèn cù”, chạy tít mù nhưng sau khi quay vòng thì quay về lại chỗ ban đầu. [26]

Năm 2024

Ngày 23/2/2024, dự thảo Thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu Giấy chứng nhận căn cước đang được lấy ý kiến đóng góp trong hai tháng, từ ngày 7/2. Nếu thông tư được thông qua, thẻ căn cước mới sẽ được triển khai cấp từ 1/7, đúng với thời điểm Luật Căn cước có hiệu lực.

Theo dự thảo, Bộ Công an đề xuất 6 thay đổi về các trường thông tin trên bề mặt trước và sau của thẻ CCCD gắn chip. [27]

Ngày 8/4/2024, Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo đó, nếu Chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng trong nửa đầu năm 2024, sẽ có giá trị đến hết ngày 30/6; Chứng minh nhân dân còn thời hạn thì được sử dụng hết năm nay 2024. [28]

Ngày 15/4/2024, theo thông tin được phát ra, từ ngày 1/7 sắp tới, công an sẽ thu thập mống mắt, vân tay, hình ảnh khuôn mặt của người dân làm thẻ căn cước. [29]

Một số cột mốc thay đổi căn cước ở Việt Nam. Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa.
💡
24/5/2024: Bài viết này đã được cập nhật nhiều lần vì phát hiện lỗi đạo văn. Xin xem chi tiết tại đây.

Đọc thêm:

3 vấn đề lớn về thẻ căn cước gắn chip và dữ liệu cá nhân mà Bộ Công an còn nợ câu trả lời
Hệ thống mà Bộ Công an cho là hiện đại nhất thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Chú thích

[1] https://www.facebook.com/bbcnews. (2023, December). Hành trình “lòng vòng” của thẻ căn cước công dân Việt Nam cho thấy điều gì? - BBC News Tiếng Việt. BBC News Tiếng Việt. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ceqpejy52vdo

[2] Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Thuvienphapluat.vn. https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thong-bao-van-ban-moi/email/37026/chuong-trinh-xay-dung-luat-phap-lenh-nam-2022

[3] baochinhphu.vn. (2022, June 22). Đề nghị sửa Luật CCCD hướng đến mục tiêu phục vụ công dân số. https://baochinhphu.vn/de-nghi-sua-luat-can-cuoc-cong-dan-huong-den-muc-tieu-phuc-vu-cong-dan-so-102220622163457433.htm

[4] (2023, January 16). TOÀN VĂN: Dự thảo Luật CCCD. Xaydungchinhsach.chinhphu.vn;https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-luat-can-cuoc-cong-dan-11923011618023322.htm

[5] Dự thảo Luật CCCD (sửa đổi). Baochinhphu.vn. https://baochinhphu.vn/du-thao-luat-can-cuoc-cong-dan-sua-doi-102230116142923569.htm

[6] Phan, T. (2023, January 17). Bộ Công an đề xuất sửa đổi nhiều thông tin trên mặt thẻ CCCD. Thanhnien.vn

https://thanhnien.vn/bo-cong-an-de-xuat-sua-doi-nhieu-thong-tin-tren-mat-the-cccd-1851542977.htm

[7] Bộ Công an đề xuất bỏ dấu vân tay trên CCCD. (2023). Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-public-security-proposes-to-amend-information-on-citizen-identity-card-01192023070352.html

[8] Thẩm định dự thảo Luật CCCD (sửa đổi). (2023). Nghean.gov.vn. https://tuphap.nghean.gov.vn/trang-chu/tham-dinh-du-thao-luat-can-cuoc-cong-dan-sua-doi-551151

[9] thuvienphapluat.vn. (2023). https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-33-2023-UBTVQH15-dieu-chinh-Chuong-trinh-xay-dung-luat-phap-lenh-560205.aspx

[10] Cần thiết sửa đổi Luật CCCD tạo cơ sở pháp lý và bước đột phá về chuyển đổi số. Baochinhphu.vn https://baochinhphu.vn/can-thiet-sua-doi-luat-can-cuoc-cong-dan-tao-buoc-dot-pha-ve-chuyen-doi-so-102230414153342993.htm

[11] Viết Tuân. (2023, April 27). Cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng. https://vnexpress.net/cap-can-cuoc-cho-tre-duoi-14-tuoi-tiet-kiem-hang-tram-ty-dong-4598753.html

[12] Sơn Hà. (2023, June). Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật CCCD sửa đổi. https://vnexpress.net/chinh-phu-trinh-quoc-hoi-du-an-luat-can-cuoc-cong-dan-sua-doi-4612535.html

[13] Sơn Hà. (2023, June 2). Thông tin tích hợp trong dữ liệu căn cước “phải thực sự cần thiết”. https://vnexpress.net/thong-tin-tich-hop-trong-du-lieu-can-cuoc-phai-thuc-su-can-thiet-4612822.html

[14] VnExpress. (2023, June 10). Đại tướng Tô Lâm: Không ai được giữ căn cước của người dân. https://vnexpress.net/dai-tuong-to-lam-khong-ai-duoc-giu-can-cuoc-cua-nguoi-dan-4615941.html

[15] Sơn Hà. (2023, June 22). Đại biểu Quốc hội kiến nghị giữ quê quán trên CCCD. https://vnexpress.net/dai-bieu-quoc-hoi-kien-nghi-giu-que-quan-tren-can-cuoc-cong-dan-4620565.html

[16] Sơn Hà. (2023, August 10). Đề xuất cấp căn cước cho người gốc Việt không quốc tịch trong nước. https://vnexpress.net/de-xuat-cap-can-cuoc-cho-nguoi-goc-viet-khong-quoc-tich-trong-nuoc-4640179.html

[17] Lưu trữ ADN, giọng nói của công dân có vi hiến hay không? (2022). Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/storing-dna-citizen-s-voice-is-unconstitutional-or-not-dt-08232022130233.html

[18] Sơn Hà. (2023, August 28). “Chỉ bổ sung ADN vào dữ liệu căn cước khi người dân tự nguyện cung cấp”. https://vnexpress.net/chi-bo-sung-adn-vao-du-lieu-can-cuoc-khi-nguoi-dan-tu-nguyen-cung-cap-4646752.html

[19] ÁI NHÂN. (2023, September 15). Đề xuất không in thông tin cư trú lên thẻ CCCD. https://tuoitre.vn/de-xuat-khong-in-thong-tin-cu-tru-len-the-can-cuoc-cong-dan-20230915131259545.htm

[20] Thông tin mới nhất về sửa Luật CCCD. https://tuoitre.vn/thong-tin-moi-nhat-ve-sua-luat-can-cuoc-cong-dan-20231019175708353.htm

[21] Sơn Hà. (2023, October 25). Dự kiến không thể hiện quê quán trên CCCD. https://vnexpress.net/du-kien-khong-the-hien-que-quan-tren-can-cuoc-cong-dan-4668861.html

[22] Lê Quốc Quân. (2023, October 30). Dự thảo Luật Căn Cước: Chiếc lồng mới nguy hiểm. Voice of America; VOA Tiếng Việt. https://www.voatiengviet.com/a/du-thao-luat-can-cuoc-chiec-long-moi-nguy-hiem/7332446.html

[23] IN. (2023, November 21). Xây dựng Luật Căn cước là xu hướng tất yếu, mang lại nhiều tiện ích. https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xay-dung-luat-can-cuoc-la-xu-huong-tat-yeu-mang-lai-nhieu-tien-ich-752405

[24] Sơn Hà. (2023, November 27). Bỏ quê quán và vân tay trên thẻ căn cước. VnExpress. https://vnexpress.net/bo-que-quan-va-van-tay-tren-the-can-cuoc-4681517.html

[25] https://www.facebook.com/bbcnews. (2023, December). Hành trình “lòng vòng” của thẻ CCCD Việt Nam cho thấy điều gì?. BBC News Tiếng Việt https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ceqpejy52vdo

[26] Trân Văn. (2023, December). Căn cước - một kiểu “trở về” vạch xuất phát! Voice of America; VOA Tiếng Việt. https://www.voatiengviet.com/a/can-cuoc-mot-kieu-tro-ve-vach-xuat-phat-/7380290.html

[27] Phạm Dự. (2024, February 23). Bộ Công an đề xuất 6 thay đổi tại thẻ căn cước mới. Vnexpress. https://vnexpress.net/bo-cong-an-de-xuat-6-thay-doi-tai-the-can-cuoc-moi-4714446.html

[28] Viết Tuân. (2024, April 8). 8 tháng nữa chứng minh nhân dân hết giá trị sử dụng. Vnexpress. https://vnexpress.net/8-thang-nua-chung-minh-nhan-dan-het-gia-tri-su-dung-4731713.html

[29] Viết Tuân. (2024, April 15). Công an sẽ thu thập dữ liệu mống mắt khi làm thẻ căn cước. Vnexpress. https://vnexpress.net/cong-an-se-thu-thap-du-lieu-mong-mat-khi-lam-the-can-cuoc-4734352.html

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.