‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
6 điểm nổi bật.
Chuyện vốn đã hiển nhiên đến nhàm: hiến pháp là luật gốc của một quốc gia, đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xác lập luật chơi của hệ thống chính trị. Nó không chỉ là một tài liệu pháp lý mà còn là một văn bản định hình văn hóa và giá trị của quốc gia đó.
Trong thời gian tồn tại của mình, Việt Nam Cộng hòa đã để lại hai bản hiến pháp mang nhiều giá trị lịch sử và nghiên cứu. Nếu như Hiến pháp 1956 được nhiều người xem là cơ sở hợp thức hóa sự cai trị độc đoán của chế độ Ngô Đình Diệm do tập trung quá nhiều quyền lực vào vị trí tổng thống, Hiến pháp 1967 được xem là bản hiến pháp dân chủ và tiến bộ bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.
Ngày 1/11/1963, chính quyền miền Nam Việt Nam do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo bị lật đổ thông qua một cuộc đảo chính quân sự. Cuộc đảo chính đánh dấu sự kết thúc của nền Đệ Nhất Cộng hòa và dẫn đến một giai đoạn bất ổn kéo dài bốn năm với các chính quyền quân sự và dân sự được lập ra rồi sụp xuống liên tục.
Tình trạng bất ổn chính trị chỉ kết thúc khi Quốc hội Lập hiến gồm 117 đại biểu được thành lập và nhóm họp để soạn thảo hiến pháp mới. Hiến pháp 1967 là kết quả của quá trình tranh luận và thương thảo sôi nổi của nhiều nhóm khác nhau trong Quốc hội Lập hiến. Bản Hiến pháp 1967 là viên đá đầu tiên, đặt nền tảng cho nỗ lực xây dựng một quốc gia dân chủ của nền Đệ Nhị Cộng hòa.
Tôi may mắn có trong tay những tài liệu quý từ thời lập hiến 1967 để hiểu rõ hơn những trăn trở và suy tư của các nhà lập hiến khi đó. Chẳng hạn như tài liệu “Thuyết trình về hiến pháp" của Ban nghiên cứu Hiến pháp Quốc hội Lập hiến Việt Nam Cộng hòa, hay cuốn “Hiến pháp chú thích" của luật sư Trương Tiến Đạt, xuất bản năm 1967 ở Sài Gòn. Dựa trên những tài liệu quý vốn không còn được lưu hành rộng rãi này, tôi xin giới thiệu đến bạn đọc sáu đặc điểm nổi bật của bản Hiến pháp 1967. [1]
Hình: So sánh sơ lược Hiến pháp 1956 và 1967 của Việt Nam Cộng hòa.
Một trong những vấn đề gây tranh luận gay gắt nhất ở Quốc hội Lập hiến là lựa chọn mô hình cộng hòa tổng thống hay cộng hòa đại nghị. Bị ám ảnh với những hậu quả của việc tập trung quyền hành vào vị trí tổng thống dưới thời Ngô Đình Diệm, nhiều đại biểu ủng hộ chế độ đại nghị. Tuy nhiên, bác sĩ Phan Quang Đán cùng các lãnh tụ của Đại Việt Quốc dân Đảng là Nguyễn Ngọc Huy và Đặng Văn Sung ủng hộ chế độ cộng hòa tổng thống. Các ông cho rằng trong một xã hội nhiều chia rẽ, bất đồng và luôn bị cộng sản Bắc Việt đe dọa, Việt Nam Cộng hòa cần một tổng thống mạnh do toàn thể quốc dân bầu lên nhằm ổn định chính trị và đoàn kết các lực lượng quốc gia dưới ngọn cờ chính nghĩa chống cộng. [2]
Bản hiến pháp cuối cùng là một sự thỏa hiệp giữa hai phe.