Từ những tin đồn trên Facebook, nghi án quấy rối tình dục ở Nhã Nam đang được chính người trong cuộc lên tiếng. Người bị tố cáo là Tổng Giám đốc Nguyễn Nhật Anh.
Ngọn nguồn
Ngày 15/4, cộng đồng quan tâm tới văn hóa đọc nước nhà bất ngờ khi Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thông báo trên trang Facebook cá nhân rằng ông đã dừng hợp tác với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam.
Trong bài viết, ông Giang khẳng định, quyết định này hoàn toàn không tới từ một bất đồng liên quan tới tài chính hay tới chất lượng của việc sản xuất và phát hành sách. Tác giả “Đại dương đen” cho hay, ông đã “xem xét và suy nghĩ kỹ, và là hệ quả của một tình huống mà tôi mới được biết tới gần đây”.
Để lại bình luận vào bài viết này, trang tích xanh của Nhã Nam xác nhận việc dừng hợp tác với ông Giang từ ngày 15/4/2024.
Ngay trước và sau động thái này, tin đồn đã lan rộng về việc vị tổng giám đốc Nhã Nam có hành vi “quấy rối tình dục” đối với nhân viên nữ.
Ngoài vai trò là nhà tâm lý, chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội, nghiên cứu và vận động chính sách, tác giả của nhiều cuốn sách ăn khách, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang còn được biết đến là người có nhiều hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em. Ngay trước thông báo này, ông đã có nhiều bài trên trang Facebook cá nhân về vấn đề quấy rối tình dục. Do đó, nhiều người “hiểu ngầm” ra lý do ông quyết định như vậy.
Phản ứng của Nhã Nam
Sau khi tin đồn lan rộng, fanpage Nhã Nam đã bình luận trong một số bài đề nghị công chúng thận trọng với tin đồn và đề cập tới khả năng sử dụng các biện pháp pháp lý. Fanpage này cũng đồng thời xóa nhiều bình luận của những độc giả yêu cầu làm rõ tin đồn này.
Đến rạng sáng ngày 18/4, fanpage của Nhã Nam đăng lời xin lỗi của ông Nguyễn Nhật Anh - tổng giám đốc công ty. Ông thừa nhận có một số hành động “thể hiện sự quan tâm, quý mến” nhân viên nữ, song “hành động này không vượt quá các giới hạn đạo đức giữa con người với con người”. Ông Nhật Anh cũng nói đã xin lỗi nữ nhân viên này vào cuối tháng Ba.
Lúc 19:30 ngày 18/4, fanpage Nhã Nam đăng thông báo chính thức của công ty, tuyên bố đã tạm ngừng vị trí công tác của ông Nhật Anh, đồng thời xin lỗi nữ nhân viên cũ: "Chúng tôi thành thật xin lỗi vì những sự việc không hay xảy đến với cựu nhân viên của công ty, gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần và tâm lý của chị. Chúng tôi đã sai trong việc tiếp nhận thông tin không kịp thời và xử lý chưa thỏa đáng. Chúng tôi xin lỗi về sự yếu kém này và sẵn lòng chịu hoàn toàn mọi phí tổn liên quan đến tổn thất về tinh thần và thể chất của chị."
Nhân vật chính chưa lên tiếng
Cho đến hiện tại, nhân viên nữ được vị tổng giám đốc Nhã Nam xin lỗi chưa lộ danh tính; chưa rõ người này có động thái tố cáo ông Nhật Anh hay không.
Mặc dù ở Việt Nam đã có luật quy định, điều chỉnh về hành vi quấy rối tình dục, tuy nhiên, vẫn có tới 87% phụ nữ Việt Nam nói mình từng là nạn nhân, theo một khảo sát của tổ chức Action Aid.
Trái với những vụ tấn công tình dục liên quan tới trẻ em vốn được xử lý khá triệt để, nhiều trường hợp phụ nữ lên tiếng tố cáo bị phớt lờ hoặc dấy lên một thời gian thì rơi vào quên lãng.
Phản ứng của công chúng
Trên fanpage công ty, trước khi có lời xin lỗi của ông Nhật Anh, nhiều người thả cảm xúc giận dữ và để lại bình luận trong các bài viết với nội dung sẽ tẩy chay thương hiệu nếu phía công ty không đưa ra thông báo, lời giải thích để độc giả hiểu đầu đuôi câu chuyện.
Tối 17/4, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng thông báo ngừng hợp tác với Nhã Nam, đề nghị công ty này phải lên tiếng về sự việc. Ông Đăng là dịch giả có nhiều đầu sách được in ở Nhã Nam.
Ngày 18/4, sau lời xin lỗi của ông Nhật Anh, nhà báo - tác giả Trần Thu Hà tuyên bố dừng hợp tác với Nhã Nam.
Sau khi ông Nhật Anh đăng lời xin lỗi, nhiều người bình luận rằng lời xin lỗi không chân thành, xin lỗi mà như không xin lỗi, cách xử lý khủng hoảng của Nhã Nam không đúng đắn dẫn đến việc đổ thêm dầu vào lửa.
Một luồng bình luận khác cho rằng cần phải có bằng chứng khi cáo buộc ông Nhật Anh và cần phải tách bạch giữa cá nhân ông Nhật Anh với công ty Nhã Nam.
Về Nhã Nam và ông Nguyễn Nhật Anh
Nhã Nam là công ty tư nhân, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa và xuất bản phẩm, hoạt động từ năm 2005 đến nay.
Một sự kiện đáng chú ý liên quan tới Nhã Nam diễn ra vào năm 2008 khi tập thơ “Trần Dần - thơ” (do công ty này phối hợp nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành) bị đình chỉ lưu hành. Sự việc này được giới văn nghệ sĩ đánh giá là liên quan đến chính trị và viết thư ngỏ phản đối, đề nghị chính quyền thu hồi lại quyết định. Sau đó, Nhã Nam bị phạt 15 triệu đồng vì đã xuất bản thơ Trần Dần mà không có quyết định của giám đốc nhà xuất bản.
Năm 2016, Nhã Nam được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành.
Nguyễn Nhật Anh được công chúng biết đến là một dịch giả. Ông cũng nổi tiếng vì được Pháp trao Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật năm 2018.
Ông Nhật Anh là con rể của cựu thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Việt Tiến. Hồi năm 2006, ông từng bị Bộ Công an triệu tập để làm rõ một số nội dung liên quan đến tài sản của bố vợ mình trong vụ án tham nhũng PMU18. Ông Tiến sau đó được miễn tố và khôi phục tư cách đảng viên.
Các vụ tố cáo thường bị chìm xuồng
Các cáo buộc quấy rối/ tấn công tình dục gần đây thu hút rất nhiều sự chú ý nhưng hầu hết đều bị chìm xuồng.
Năm 2018, nhà báo Anh Thoa (Đặng Anh Tuấn) của báo Tuổi Trẻ bị cáo buộc xâm hại tình dục một nữ cộng tác viên. Vụ việc sau đó được Công an quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) thụ lý nhưng quyết định không khởi tố vụ án với lý do không đủ chứng cứ để xác định dấu hiệu tội phạm.
Năm 2022, nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ Lương Ngọc An cưỡng hiếp cô vào năm 2000 tại trụ sở báo này. Ông An sau đó gửi đơn lên Công an Hà Nội nhưng không nói rõ nội dung đơn.
Cũng trong năm 2022, vị giảng viên trưởng khoa L.M.T của Đại học Luật Hà Nội bị tố cưỡng hiếp, hành hung một phụ nữ. Vụ việc rộ lên rồi chìm xuống mà không có thêm thông tin nào.
Bình luận của Luật Khoa
Lưu ý: Đây chỉ là một quan điểm trong vô số quan điểm khác nhau. Nếu bạn có ý kiến phản hồi hoặc phản bác, bạn có thể hồi âm vào email này cho Luật Khoa.
Qua lời "xin lỗi" của ông Nguyễn Nhật Anh, công chúng biết chắc chắn đã có hành vi "quan tâm, quý mến" của ông Nhật Anh đối với nữ nhân viên dưới quyền. Nếu không ai lên tiếng thì chắc không bao giờ ông thừa nhận điều này, nạn nhân mãi mãi bị tra hỏi bằng chứng cùng ánh nhìn dò xét, nghi ngờ.
Dò xét, nghi ngờ là việc chính đáng với cả hai bên. Một mặt, rất ít có khả năng một người phụ nữ dựng chuyện tố cáo sếp (cũ) của mình quấy rối tình dục. Cái giá của việc tố cáo là rất lớn, nhất là khi người bị tố cáo lại là người có vai vế trong xã hội. Ông Nhật Anh, như đã nói ở trên, không những là một người có quyền lực lớn trong ngành xuất bản, mà còn là con rể của một cựu thứ trưởng. Đó là chưa kể khả năng thắng trong các vụ việc này là rất thấp, một phần rất lớn do những rào cản pháp lý và văn hóa. Mặt khác, mọi lời tố cáo cần phải được kiểm chứng thông qua những tiêu chuẩn khắt khe và ông Nhật Anh luôn được hưởng quyền suy đoán vô tội cho tới khi có đầy đủ bằng chứng kết tội. Luôn tồn tại một khả năng ông Nhật Anh thực lòng tin rằng hành động của ông là phù hợp trong bối cảnh cụ thể đó và nạn nhân có thể có những trải nghiệm tồi tệ trước đây nên sẽ phản ứng gay gắt trên mức cần thiết. Dò xét, nghi ngờ người tố cáo ở mức độ lành mạnh, hợp lý là việc cần thiết.
Trong điều kiện cán cân quyền lực giữa hai bên chênh lệch nhau rõ rệt, bên cạnh việc nghi ngờ, dò xét cả hai bên một cách bình đẳng, thì việc bảo vệ người yếu thế cũng quan trọng không kém. Bảo vệ ở đây là tạo ra môi trường pháp lý và văn hóa đủ an toàn để họ được kể câu chuyện của mình và được lắng nghe. Chỉ khi nào nghe xong người ta mới nên phân tích và phán xét đúng sai. Không làm được việc đó thì câu chuyện không được kể ra, và tội ác tiềm tàng không những không bao giờ bị vạch mặt mà còn có thể lặp lại trong tương lai. Nạn nhân tiếp theo có thể chính là ai đó trong chúng ta hoặc người thân của của chúng ta.
Những lời tố cáo và những người đứng về phía những người tố cáo có thể có những biểu hiện thái quá cả về cảm xúc lẫn lý trí. Đó là chuyện bình thường với bất kỳ ai đi tố cáo chứ không chỉ riêng những người phụ nữ tố cáo quấy rối tình dục. Một người đàn ông đi tố cáo cũng có thể có những biểu hiện tương tự. Trong khi có thể phê phán những biểu hiện thái quá, có hai điều những người quan sát có thể cân nhắc: (1) thông cảm cho những biểu hiện thái quá đó và (2) phê phán những biểu hiện thái quá nhưng không vì thế mà phủ nhận những lời tố cáo của họ.
Có ý kiến cho rằng cần tách bạch cá nhân Nguyễn Nhật Anh và công ty Nhã Nam. Điều này e rằng không thực sự thỏa đáng nếu xem xét đến một số yếu tố khác. Chẳng hạn, nếu vụ việc diễn ra ở công ty và nếu ông Nhật Anh lợi dụng địa vị cấp trên của mình để quấy rối nữ nhiên viên thì rất khó có thể tách bạch công ty ra khỏi con người. Bên cạnh đó, luôn tồn tại một khả năng cơ chế và văn hóa công ty tác động tới cách công ty phản ứng trước các hành vi quấy rối tình dục và các cáo buộc quấy rối tình dục diễn ra trong tổ chức mình.
💡
24/5/2024: Bài viết này đã được cập nhật nhiều lần vì phát hiện lỗi đạo văn. Xin xem chi tiết tại đây.