Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Năm 1959, Đài Loan đưa phái đoàn phát triển nông nghiệp quốc tế đầu tiên tới miền Nam Việt Nam.
Ngày 13/11/1963, nhà kỹ thuật canh nông Đài Loan Trương Đốc Sanh (Zhang Dusheng) lên một chiếc jeep hướng về Sài Gòn sau khi thăm một trạm thử nghiệm lúa giống cách đô thành khoảng 70 km. Đoàn xe của ông này bị lực lượng Việt cộng mai phục, và Trương Đốc Sanh chết trong lúc hai bên giao tranh. [1]
Trong những tháng sau đó, báo chí Đài Loan xây dựng hình ảnh của Trương Đốc Sanh như một người người hy sinh vì lý tưởng, song không phải vì chiến tranh hay tôn giáo, mà vì sự phát triển. Một số tờ báo, tân văn (như Cheng Hsin Daily News - Zhengxin xinwenbao 徵信新聞報) ca ngợi:
“Chuyên gia Trương là một trong số rất nhiều chuyên gia của chúng ta rời quê hương để giúp đỡ các quốc gia chưa phát triển như chúng ta. Họ đã giúp cho những quốc gia hiểu được đúng tinh thần công thương chuyên cần cũng như tri thức khoa học chuyên sâu của quốc dân ta. Đóng góp của các chuyên gia như Trương cho các quốc gia này cũng to lớn như cho nước ta”. [2]
Câu chuyện của Trương Đốc Sanh là một lát cắt rất nhỏ trong nỗ lực tương trợ quốc tế và quảng bá hình ảnh Đài Loan từ thập niên 1960 - 1970 - thời điểm mà chính quyền miền Nam Việt Nam cũng đang kỳ vọng tìm kiếm một hướng phát triển phù hợp với nền tảng văn hóa của mình thay vì lệ thuộc vào Hoa Kỳ.
Tương tác ngắn ngủi giữa Đài Loan và Việt Nam Cộng hòa ít được giới nghiên cứu nhắc tới, độc giả Việt Nam gần như không hề biết đến nó. Bài viết này hy vọng đóng góp thêm một góc nhìn tổng quan về câu chuyện đó.
Kể từ thập niên 1950, Trung Hoa Dân Quốc (tên gọi chính thức của Đài Loan) mong tương tác với thế giới nhiều hơn thông qua các chương trình phát triển quốc tế.