‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Một quyển sách của một người chuyển giới. Một hành trình chấp nhận và dám đấu tranh.
Trong tiếng Trung, chữ “thượng đài” (上台) vừa dùng để chỉ hành động lên sân khấu, vừa dùng để mô tả việc lên bàn mổ. Cả hai điều đó đều đúng với Kim Tinh - nhân vật chính và cũng là tác giả cuốn sách “Tự truyện của Kim Tinh” (半梦: 金星自传) được xuất bản năm 2005. [1]
Quyển sách có bốn chương, mở đầu bằng cảnh Kim Tinh chia tay mẹ để đi xa trong một thời gian. Thời điểm này, Kim Tinh 28 tuổi và đang là một diễn viên múa xuất chúng. Phía trước cuộc chia xa của Kim Tinh là ca phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ. Đây cũng là lần đầu tiên một nhân vật của công chúng tại Trung Quốc làm điều này.
Lớn lên trong thời điểm cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc bùng nổ và xã hội bấy giờ còn quá nhiều định kiến, Kim Tinh nhiều lần khổ tâm khi nhận thức mong muốn cơ thể bản thân. Kim Tinh thấy vui nếu có ai nói mình nữ tính. Nhưng đối với gia đình thì không, cả nhà Kim Tinh lo ngại. Họ cảm thấy bị miệt thị khi người đời châm chọc con trai họ giống con gái.
Nhờ năng khiếu hát múa bẩm sinh nên từ nhỏ Kim Tinh được chính quyền địa phương chú ý và đề nghị nhà cho đi học múa ở trường quân sự. Ban đầu gia đình nhất quyết phản đối vì cho rằng nghề múa là của nữ giới, nhưng sau đó cũng xiêu lòng vì thấy Kim Tinh tha thiết muốn đi học, chưa kể, còn mang được "tiếng thơm" của quân đội về cho gia đình. Dù vậy, chỉ bản thân Kim Tinh hiểu rõ mình muốn gì khi được trao cơ hội ấy.
Vào môi trường quân sự, Kim Tinh phải sống theo khuôn khổ của một người lính. Những vũ điệu múa quân đội đậm chất tuyên truyền, khô cứng, khác xa những gì Kim Tinh muốn. Chưa kể, Kim Tinh còn bị cấp trên tấn công tình dục và chịu phẫn uất vì không tố cáo được.
Tác giả quyển tự truyện còn mô tả xã hội thời này “trọng nam khinh nữ” đến mức rợn người. Khi mẹ Kim Tinh bị ung thư, cả nhà chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm vợ mới cho cha.
Là một ngôi sao xuất chúng, đi chu du, công diễn nhiều nước trên thế giới, Kim Tinh cũng là người ủng hộ những tư tưởng tiến bộ trong xã hội. Kim Tinh đấu tranh cho bình đẳng giới, cụ thể là trong gia đình; bất mãn với sự giả dối của các lãnh đạo xã hội chủ nghĩa, nhất là ở Triều Tiên.
Kim Tinh khao khát một môi trường sống tự do, cụ thể là Mỹ.
Ước mơ Mỹ với Kim Tinh không thuận buồm xuôi gió. Trước khi sang đến đất nước này, Kim Tinh gặp vô vàn khó khăn, từ chuyện bị gây khó dễ khi chuyển trường múa, đến những éo le phải chịu khi đứng lên tố cáo cấp trên quấy rối tình dục.
Đến Mỹ, Kim Tinh phải bươn chải nhiều ngành nghề để có thể tiếp tục học múa. Kinh nghiệm tình trường với những người yêu đồng tính cũng giúp Kim Tinh hiểu rõ hơn về mong muốn của bản thân.
Đến một ngày, tài năng trong lĩnh vực múa đã giúp Kim Tinh tỏa sáng ở châu Âu. Có cơ hội tiếp xúc với những ngôi sao chuyển giới nước Ý, Kim Tinh ngày càng nhận thức rõ mong muốn của bản thân: chuyển giới.
Thế nên trở về Trung Quốc năm 1993, việc đầu tiên mà Kim Tinh quyết tâm làm là phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ.
Thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Trung Quốc, Kim Tinh lên bàn mổ. Người thực hiện ca phẫu thuật chuyển giới của Kim Tinh là một nữ bác sĩ chưa có kinh nghiệm về lĩnh vực này và luôn hoài nghi quyết định của Kim Tinh. Chưa kể, những người xung quanh không ủng hộ và còn phán xét rằng Kim Tinh đã bị “Tây hóa”. Nhiều người khuyên nhủ vũ công yêu đồng tính cũng được, nhưng hãy giữ cơ thể nam.
Để rồi một lần nữa, chỉ có Kim Tinh hiểu mình thật sự muốn gì. Kim Tinh chấp nhận những biến chứng mà cuộc phẫu thuật có thể để lại, bao gồm cả việc mất khả năng biểu diễn. Trải qua ba lần phẫu thuật với biết bao nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, cuối cùng, Kim Tinh đã đủ điều kiện để thay đổi giấy tờ, chính thức trở thành một người phụ nữ hợp pháp.
Cuộc đời của bà bước sang một trang mới khi bà nhận ba người con nuôi, lập một công ty dạy múa của riêng mình và tìm được người bạn đời yêu thương và chấp nhận bà.
Truyền tải thông điệp trong quyển sách, bà cho rằng mỗi cá nhân hãy tự định nghĩa về tính nữ và tính nam, hãy hiểu mình và hãy can đảm sống một cuộc đời mình mong muốn.
Có được cơ thể phụ nữ không có nghĩa là phải sống thùy mị, nhẫn nhịn, bị động - những định kiến mà người ta vẫn thường gắn với phái nữ.
Kim Tinh vững bước con đường của mình. Bà tiếp tục thành công ở vai trò một biên đạo múa xuất sắc và sau này là một người dẫn chương trình nổi tiếng.
Cầm trên tay quyển sách này, độc giả sẽ có cơ hội biết nhiều thêm về xã hội Trung Quốc thời Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, thấu hiểu thêm những khó khăn của một hành trình sống thật với chính mình: một người chuyển giới, một cuộc đời dám đấu tranh.
[1] Tên gốc của quyển sách là "半梦: 金星自传" (tạm dịch: Bán mộng - Tự truyện của Kim Tinh, NXB Trung Tín, 2005). Ngoài ra, cuốn sách có bản tiếng Anh tên "Shanghai Tango: A memoir" được Atlantic Books xuất bản năm 2007.