Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Những thông tin nổi bật về tôn giáo tại Việt Nam trong tháng Tư.
Theo RFA, ngày 1/4/2024, chính quyền tỉnh Vĩnh Long điều động nhiều công an, xe múc đến phá dỡ giảng đường của chùa Đại Thọ. Đây là ngôi chùa của Phật giáo Khmer độc lập với Giáo hội Phật giáo Việt Nam. [1] Chùa đã xây giảng đường này cách đây vài năm trước nhưng chưa được cấp phép.
Trước đó, tháng 3/2024, chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã bắt tám tín đồ theo Phật giáo Khmer, trong đó có trụ trì chùa Đại Thọ Thạch Chanh Đa Ra về các tội "Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" và “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật". [2]
Thời gian gần đây, chính quyền liên tục bắt giữ và đưa ra xét xử nhiều tín đồ theo Phật giáo Khmer độc lập.
Nhiều cơ sở Phật giáo Khmer không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoặc Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước luôn bị chính quyền đàn áp.
Ngày 16/4/2024, Bộ Nội vụ công nhận Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam là tổ chức tôn giáo sau hơn 23 năm hoạt động. [3]
Đây là tổ chức tôn giáo thứ hai (sau Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam) [4] được chính quyền Việt Nam công nhận trong hơn bốn năm qua. [5]
Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam là tổ chức thuộc tôn giáo Tin Lành. Theo một thống kê tới tháng 10/2018, tại Việt Nam, Hội thánh này có 6.000 tín đồ, 191 điểm nhóm tại 37 địa phương. [6]
Hiện nay, một tổ chức tôn giáo tại Việt Nam muốn được công nhận tư cách pháp nhân thì phải có thời gian hoạt động lâu dài, chấp nhận kiểm soát của chính quyền đối với nội bộ tổ chức cũng như các hoạt động tôn giáo.
Năm 2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng từng tuyên bố Việt Nam chào đón tất cả các tôn giáo, kể cả các tôn giáo mới. [7] Thế nhưng, còn rất nhiều tổ chức tôn giáo chẳng những bị chính quyền từ chối cấp phép hoạt động mà còn bị trấn áp.
Vào ngày 3/4/2024, chính quyền huyện Chợ Mới cản trợ Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy cử hành lễ tưởng niệm ngày mất của Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (còn gọi là ngày Đức Thầy vắng mặt hay ngày Đức Thầy thọ nạn).
Đây là lễ tưởng niệm hằng năm, ghi nhớ ngày giáo chủ Huỳnh Phú Sổ bị mất tích sau một cuộc họp với Việt Minh và là một trong ba ngày lễ lớn của tôn giáo này.
Tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo sau khi được chính quyền công nhận vào năm 1999, đã không tổ chức ngày lễ này.
Công an dựng chốt kiểm soát tại trụ sở của giáo hội này, nhằm ngăn cản tín đồ và các trị sự viên của giáo hội tham dự lễ tưởng niệm. Còn ông Hà Văn Duy Hồ, Hội trưởng Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy bị giam lỏng tại nhà từ ngày 18/3 tới ngày diễn ra lễ tưởng niệm. [8]
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng ngăn cấm các tín đồ dựng lễ đài và tổ chức lễ tại trụ sở của giáo hội.
Đây không phải lần đầu tiên chính quyền cản trở Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy cử hành lễ tưởng niệm ngày Đức Thầy vắng mặt. [9] Các tín đồ theo Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy hoặc các tín đồ độc lập thường tự tổ chức lễ tưởng niệm tại tư gia.
Ngày 19/4/2024, chính quyền tỉnh Long An tiếp tục khởi tố ông Lê Tùng Vân, người đứng đầu Tịnh Thất Bồng Lai về tội loạn luân. [10]
Cụ thể, chính quyền xác định ông Vân có quan hệ loạn luân với con ruột là bà Lê Thanh Kỳ Duyên, sau khi lấy mẫu giám định ADN. Ông Vân với bà Duyên có hai người con trai và cả hai đã từng tham gia cuộc thi hài. [11]
Bà Duyên hiện nay không có mặt tại Tịnh Thất Bồng Lai, chính quyền đã phát thông báo truy tìm bà.
Hồi đầu tháng 1/2022, chính quyền khởi tố vụ án và bắt giữ bốn thành viên ở Tịnh thất Bồng Lai, trong đó có ông Lê Tùng Vân. Báo chí lập tức đồng loạt đưa tin các thành viên này bị công an khởi tố vì tội loạn luân, lừa đảo. [12]
Đến tháng 9/2022 chính quyền cho biết đã lấy mẫu xét nghiệm ADN của 28 thành viên trong Tịnh Thất Bồng Lai nhưng không công bố kết quả nhằm “bảo vệ bí mật đời tư cá nhân”. [13]
Tháng 11/2022, chính quyền tỉnh Long An tuyên phạt ông Vân năm năm tù về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, chính quyền lại không đề cập đến tội loạn luân cũng như lừa đảo.
Chính quyền xác định ông Lê Tùng Vân là người chỉ đạo đăng tải các bài viết, clip trên mạng xã hội có chứa đựng những thông xúc phạm cơ quan Công an huyện Đức Hoà, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của Thượng toạ Thích Nhật Từ. Tuy nhiên ông Lê Tùng Vân được tạm hoãn thi hành án vì lý do tuổi cao và sức khỏe yếu.
Việc chính quyền tiến hành khởi tố ông Vân về tội loạn luân làm dấy lên những nghi ngờ về kết quả ADN không được công bố từ gần hai năm trước.
Ngày 9/4/2024, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị Bộ trưởng Ngoại giao của Tòa Thánh kể từ khi hai bên cắt đứt quan hệ ngoại giao. [14]
Cùng đi với ông Paul Richard Gallagher có Đức ông John David Putzer, Thư ký Bộ Ngoại giao. Chuyến thăm kéo dài từ ngày 9 - 14/4.
Tại Việt Nam, ông Paul Richard Gallagher đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Thanh Sơn.
Ngoài ra, ông Paul Richard Gallagher cũng đến thăm ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Sài Gòn.
Được biết, chuyến đi của ông nhằm tiếp tục thúc đẩy các cuộc tiếp xúc cấp cao, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Giáo hoàng Francis. [15]
Sau năm 1975, chính quyền cộng sản yêu cầu khâm sứ Tòa Thánh Vatican rời khỏi Sài Gòn, chấm dứt sự đại diện của Tòa Thánh tại Việt Nam.
Đến tháng 7/2023, hai bên lần đầu tiên thông qua "Thỏa thuận Quy chế hoạt động của đại diện thường trú và văn phòng Đại diện thường trú Tòa Thánh tại Việt Nam".
Ngày 5/4/2024, tổ chức Khmers Kampuchea-Krom Federation (KKF) gửi kiến nghị đến Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong đó, có nói về việc chính quyền Việt Nam đã đàn áp, bắt bớ và bỏ tù các tín đồ theo Phật giáo Khmer-Krom. [16]
KKF cho rằng Việt Nam bắt giữ tùy tiện và phạt tù các tín đồ hoạt động ôn hòa theo Phật giáo Khmer-Krom như ông Thạch Cường, ông Tô Hoàng Chương, ông Danh Minh Quang, bà Đinh Thị Huỳnh từ 2 - 4 năm tù vì tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Không những vậy, nhiều tu sĩ theo Phật giáo Khmer-Krom cũng bị bắt giữ như Thượng tọa Thạch Chanh Đa Ra, Thượng tọa Dương Khải, Thượng tọa Thạch Quí Lầy, Thượng tọa Kim Sa Rương, và Hòa thượng Thạch Chóp, Thạch Nha cùng tội danh nêu trên.
Theo KKF, những tu sĩ này bị chính quyền Việt Nam đàn áp vì đã không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam - một tổ chức Phật giáo được chính phủ thành lập và quản lý.
Đến nay, một số người Khmer tại Việt Nam và ở Campuchia thường biểu tình đòi lại đất và đấu tranh vì quyền của người bản địa.
Việt Nam có nhiều chính sách đặc biệt đối với cộng đồng người Khmer. Nhiều tín đồ Phật giáo Khmer vượt biên qua Campuchia vì cho rằng họ bị đàn áp và phân biệt đối xử. [17]
Ngày 18/4/2024, Hà Giang thông báo đã xóa bỏ hoàn toàn đạo San Sư Khẻ Tọ trên toàn huyện Đồng Văn. [18] Trước đó, tại huyện này, có 20 hộ tại ba xã Lũng Phìn, Vần Chải, Phố Cáo theo đạo San Sư Khẻ Tọ.
Để xóa bỏ đạo này, chính quyền lập năm tổ công tác để vận động, tuyên truyền các hộ dân trong hai tuần. Cuộc vận động này nằm trong khuôn khổ Đề án số 23 của Tỉnh ủy Hà Giang năm 2018 về việc “phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết tình hình hoạt động của các tà đạo, đạo lạ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025” [19] và Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc.