‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Lời tòa soạn: Hôm qua (27/5) là sinh nhật của Phạm Đoan Trang, đồng sáng lập viên của Luật Khoa tạp chí. Đoan Trang bị chính quyền bắt giam ngày 6/10/2020 và sau đó kết án chín năm tù. Sau hai tuần kể từ thời điểm Trang bị bắt, ngày 20/10/2020, Luật Khoa xuất bản bài điểm sách đầu tiên trong chuyên mục mang tên cô.
Đến nay, gần bốn năm, đều đặn mỗi tuần, Luật Khoa đều đăng tải các bài điểm sách. Các tác giả của Luật Khoa đã đóng góp 185 bài viết cho chuyên mục này, với hàng loạt đầu sách hay. Bài viết hôm nay gửi đến bạn đọc là bài thứ 186.
Trang bị bắt vì tội dám viết. Cô có một ước mơ lớn là truyền tải tri thức qua các bài báo và sách vở. Tạm thời Trang không thể viết, nhưng chúng ta thì có.
Nếu bạn là một người thích viết, dám viết và có sách hay muốn chia sẻ, chúng tôi mong nhận được bài cộng tác của bạn cho chuyên mục đặc biệt này. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chuyện những cô gái Việt Nam lấy chồng ngoại quốc không phải mới mẻ. Trong báo giới và văn chương, người ta đã viết nhiều. Có những ngôi làng trên đất nước Việt Nam này được mệnh danh là làng lấy chồng ngoại quốc [1], xã xuất khẩu cô dâu [2]. Có vài quốc gia như Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Malaysia, trong tâm tưởng của nhiều bậc gia đình, là một chân trời mới để đổi đời, nếu con gái của họ bỏ học lấy chồng nơi ấy.
Và với những người con gái chấp nhận bỏ lại sau lưng vườn tược, sông dài để bước chân vào con đường nghẹt thở ở chốn đất khách quê người, thì phần đông trong số họ không hề có ý niệm gì về hôn nhân và hạnh phúc. Họ chỉ biết đi lấy chồng là cách tốt nhất để thoát nghèo. Số tiền mà chú rể ngoại quốc gửi về trước cuộc hôn nhân sẽ giúp gia đình họ xây mới ngôi nhà, mua sắm đồ đạc trong gia đình. Sau này, khi đến đất nước mới, họ có thể lao động, và có thể bảo lãnh cha mẹ, anh chị em qua làm ăn.
Trên con đường ngỡ là hồng tươi đó, có người sống an vui thật. Nhưng cũng đã biết bao câu chuyện bất tất được nói ra, rằng những cô gái Việt Nam bị biến thành nạn nhân của nạn mua bán người, bị bạo lực, trở thành nô lệ tình dục… [3]
Không phải đợi tới ngày nay thì người ta mới nói và viết nhiều về chủ đề này. Một trong những phóng sự xuất sắc nhất của Vũ Trọng Phụng là “Kỹ nghệ lấy Tây" xuất bản năm 1934, cách đây 90 năm, đến giờ vẫn đủ sức để làm khóe mắt con người ta đỏ lên hoặc là khiến vị độc giả rơi vào trạng thái suy tư với những cảm xúc lẫn lộn về thân phận của con người, của người con gái - cái thân phận nhiều khi chẳng có tên tuổi gì giữa dòng chảy đời sống chuyển tiếp lúc giao thời Tây ta.
Mở đầu tác phẩm là nội dung về một phiên tòa. Khi nhà chức trách hỏi một người phụ nữ về nghề nghiệp thì cô trả lời rằng mình làm nghề “lấy Tây”.
Từ lời khai có phần ngộ nghĩnh, bất ngờ ấy cộng thêm cái cách mỉm cười của hai quan tòa đã thôi thúc chàng phóng viên 22 tuổi lặn lội đến xóm Thị Cầu (thuộc Bắc Ninh ngày nay) - nơi đóng đồn của hàng trăm lính lê dương Pháp, để trả lời cho một câu hỏi: “Gái Việt lấy chồng Tây vì điều gì. Vì ái tình hay đó là một nghề, một kỹ nghệ để kiếm sống?”.
Với khả năng khai thác như một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đem những tư liệu sống của mình kết hợp với tài văn chương để cho ra mười kỳ phóng sự.
Xuất phát từ nhu cầu sinh lý, cô đơn nơi xứ lạ, những người lính lê dương Pháp tìm những bà mai vốn là những bà đầm hết thời, rồi bỏ một chút ít hoa hồng để được kết nối những cuộc hôn nhân dị chủng. Đối tượng kết hôn với lính Tây là những cô gái quê khốn khó, mong lên chốn đô thành để kiếm sống rồi bị đẩy đưa vào kiếp me Tây.
Hạnh phúc đời người là những cuộc ngã giá chóng vánh. Hai bên đến với nhau có những cái sòng phẳng, chỉ duy nhất trước hết chưa có là tình yêu. Những gã chồng coi vợ là món hàng họ mới mua về. Còn nhiều cô gái lại xem đức lang quân là một cái mỏ, chỗ dựa nhất thời.
Với những câu chuyện thân phận mà Vũ Trọng Phụng nêu ra trong tác phẩm, có lẽ, người ta sẽ thấy lấy chồng Tây thực chất là một cái nghề của dân tỉnh lẻ. Để rồi, mất những ý niệm trong sáng thuở hàn vi, những cô gái đa cảm khi xưa sau một thời gian bước vào cuộc hôn nhân đổi chác bỗng sống cùng một “quả tim đã già cằn”, “không còn thổn thức được nữa”. Các cô thiếu nữ ấy bỗng “hóa ra một con quái vật trên đời”.
Trên những chiếc giường của một me Tây, Vũ Trọng Phụng ví “cũng như cái dùi cui của một thầy cảnh sát, cũng như cái búa của bác thợ rèn, cũng như cái cổ của một ông nghị viện Việt Nam. Trong cái kỹ nghệ lấy Tây, thợ chỉ làm việc trên giường”. [4]
Về phía những người lính lê dương Pháp, cũng có những người đáng thương, như trường hợp của Đi-mi-tốp: lấy 14 đời vợ tất cả. Mỗi người lừa ông theo một cách khác nhau, làm ông trở nên oán hận đàn bà.
Trong “Kỹ nghệ lấy Tây”, đôi khi nguồn cung không đủ cầu, từ đó phát sinh ra xung đột. Những người lính muốn có vợ phải dùng nhiều cách hèn hạ, nẫng tay trên nhau, phá giá nhau. Ai nhiều tiền hơn người đó thắng.
Trong tác phẩm, tác giả còn nêu ra câu hỏi về số phận của những người con lai, điển hình là qua lời kể của cô thiếu nữ Suzanne mang hai dòng máu Pháp - Việt mới 17 tuổi mà tỏ ra rất thạo đời: “Ở cái xã hội quý phái Âu Tây, một ít máu An-nam trong huyết quản là một cái nhục. Ở cái xã hội quý phái người Nam, một ít máu Pháp trong huyết quản cũng chẳng là sự vinh. Giời ơi! Thì ra tôi không có Tổ quốc!”. [5]
Khi gõ tìm bài nhận xét sách “Kỹ nghệ lấy Tây" của Vũ Trọng Phụng trên các công cụ tìm kiếm, dễ thấy có không ít bài viết xỏ xiên nghề me Tây hay việc lấy chồng ngoại quốc của phụ nữ Việt Nam là hèn kém, đáng chê trách, đáng xấu hổ, đúng như cái tư duy “thuần phong mỹ tục" mà giới cầm quyền vẫn đang rêu rao, tròng vào đầu nữ giới. Chẳng bài viết nào thật sự đủ kiên nhẫn để khai thác vì sao có xu hướng lấy chồng ngoại quốc và cho người ta biết xuân xanh của các cô gái trở nên sáng sủa hay là rơi vào song sắt. Me Tây là một cái nghề, vậy thì người làm nghề đó có đáng chịu nỗi xấu hổ, hay là họ có quyền chọn lựa như thế?
Với mười kỳ của phóng sự “Kỹ nghệ lấy Tây", độc giả sẽ thấy Vũ Trọng Phụng không thật sự đứng hẳn về phe nào, không ai là thủ phạm, không ai là nạn nhân cả. Tiếp cận vấn đề với tư cách nhà báo, Vũ Trọng Phụng chỉ nói lên sự thật. Thứ người đọc có thể tin rằng mình đang biết tới, là những thân phận. Những phận đời ở đó, trong xã hội nhiễu nhương, đói nghèo làm họ trở nên ngạt thở và bất chấp. Họ ở đó, vô danh, hy sinh. Họ đang ở đó, và đôi khi rất cô độc.
Đọc xong quyển sách này, có lẽ độc giả sẽ thấy đau đáu hơn, có lẽ sẽ muốn dìu một hoặc rất nhiều mảnh đời bước ra ánh sáng, không phải vì thương hại và cũng chưa hẳn vì họ - những cô gái lấy chồng ngoại - đã đau khổ quá nhiều. Chỉ là vì chúng ta nhận ra rằng mình muốn và sẽ nhìn họ một cách bình đẳng và trân trọng hơn.
[1] Tú Anh, Ngôi làng miền Tây cứ 10 nhà thì 8 nhà cho con lấy chồng nước ngoài, Vietnamnet (25/06/2019). https://vietnamnet.vn/ngoi-lang-mien-tay-cu-10-nha-thi-8-nha-cho-con-lay-chong-nuoc-ngoai-544452.html
[2] Phạm Nga, Xã 'xuất khẩu' cô dâu, VnExpress (26/1/2020). https://vnexpress.net/xa-xuat-khau-co-dau-4045733.html
[3] https://www.facebook.com/bbcnews. (2024, May 28). Mai mối cô dâu Việt ở Singapore: Đổi đời hay vỡ mộng? BBC News Tiếng Việt; BBC News Tiếng Việt. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cljdz6r1j3no
[4] Trang 156, trong cuốn Phóng sự Cạm bẫy người - Kỹ nghệ lấy Tây - Cơm thầy cơm cô - Lục xì, nhà xuất bản Văn học.
[5] Trang 151, trong cuốn Phóng sự Cạm bẫy người - Kỹ nghệ lấy Tây - Cơm thầy cơm cô - Lục xì, nhà xuất bản Văn học.