‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
‘Ngành công an không thể có hai anh trong Bộ Chính trị’.
Đó là lời ông Lê Minh Hương, khi đó là thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ (tức là Bộ Công an bây giờ), nói với ông Lê Khả Phiêu trước Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ VIII (năm 1996).
Ông Lê Minh Hương sau đó “trúng" vào Bộ Chính trị và làm bộ trưởng Bộ Công an.
Vậy cái “anh” thứ hai mà ông Hương nói tới là ai?
Nguyễn Tấn Dũng.
Bạn có thể ngạc nhiên về điều này, bởi công chúng thường biết tới Nguyễn Tấn Dũng như một quan chức dân sự hơn là người của một lực lượng vũ trang nào.
Nhưng không. Nguyễn Tấn Dũng có một thời gian ngắn làm thứ trưởng công an, từ tháng 1/1995 tới tháng 5/1996.
Cũng theo lời ông Phiêu, trước Đại hội VIII, Nguyễn Tấn Dũng đã đến nói với ông: “Anh em miền Nam yêu cầu tôi phải tham gia Bộ Chính trị".
Kết quả là ông Dũng cũng “trúng" vào Bộ Chính trị cùng lúc với Lê Minh Hương, nhưng ở một cương vị khác: Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Sau này, Nguyễn Tấn Dũng làm đến chức thủ tướng (2006 - 2016) và sẽ đụng độ với người đàn ông quyền lực nhất của chính trị Việt Nam thời kỳ Đổi mới: Nguyễn Phú Trọng.
Làm sao bạn biết được những chuyện này? Chúng có đáng tin không?
Đáng tin không thì tùy bạn phán xét. Còn làm sao để biết thì bạn cần đọc hai tập “Bên thắng cuộc" của nhà báo Huy Đức - người còn được biết đến là Trương Huy San. (Tập 1: Giải phóng; Tập 2: Quyền bính)
Huy Đức là phóng viên kỳ cựu của Tuổi Trẻ và là người có cơ hội gần gũi với các thế hệ lãnh đạo khác nhau của Đảng Cộng sản. Hiện ông vẫn đang sống ở Việt Nam.
Cuốn “Bên thắng cuộc” của ông là một trong những hiện tượng xuất bản bất thường và đáng chú ý nhất của Việt Nam sau năm 1975, bất kể việc nó được xuất bản ở Mỹ chứ không phải ở trong nước.
Nó bất thường và đáng chú ý vì hai lý do.
Một, nó là sách kể chuyện “cung đình” chính trị Việt Nam, sự vận động đường lối và chính sách của nước ta qua bức tranh sinh động của cuộc vận động quyền lực bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Sách loại này thực hiếm có, bởi để viết được, tác giả không phải chỉ cần có mối quan hệ với giới lãnh đạo tinh hoa là đủ. Hơn thế, còn cần lòng can đảm để kể ra những chuyện vốn dĩ luôn luôn bị kiểm duyệt.
Nhưng nếu chỉ có vậy thôi thì vẫn chưa đủ đặc biệt.
Lý do thứ hai khiến nó bất thường và đáng chú ý là vì nó được viết theo thể loại báo chí.
Vốn dĩ, chuyện thâm cung bí sử ở nước ta thì không đến nỗi hiếm người kể, nhưng thường là qua dạng tiểu thuyết hoặc hồi ký. Tiểu thuyết thì nặng tính hư cấu, hồi ký thì chỉ đơn giản là lời kể của một người.
“Bên thắng cuộc” đi xa hơn một cuốn hồi ký rất nhiều. Huy Đức đào sâu vào tàng thư của Đảng Cộng sản, bên cạnh rất nhiều dữ liệu trích từ sách báo phát hành công khai. Ông cũng phỏng vấn hàng loạt nhà lãnh đạo cấp cao nhất của đảng (và những người gần gũi với họ), trích lời họ và để tên thật của họ.
“Bên thắng cuộc”, rất rõ ràng, được viết ra để trở thành sách lịch sử, nếu không muốn nói là để trở thành một trong những cuốn sách lịch sử quan trọng nhất.
Bạn có thể nghi ngờ những cuộc phỏng vấn trong cuốn sách này, cũng là lẽ chính đáng. Mặc dù vậy, cho đến nay, 12 năm sau khi cuốn sách ra đời, chưa thấy có nhân vật nào trong sách đăng đàn bác bỏ những lời họ được trích dẫn.
“Bên thắng cuộc” cho chúng ta những tư liệu đáng giá để hiểu chính trị Việt Nam. Và trong thời buổi bất ổn chính trị hiện nay, hiếm có cuốn sách nào đáng đọc, hay đáng đọc lại, hơn cuốn này.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.