Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Tôi tin chúng ta cần đứng lên phản kháng.
Tôi từng bị quấy rối tình dục. Không rõ những nhân viên nữ làm ở các công ty khác có trải qua những trường hợp tương tự như tôi hay không. Nếu không, tôi mong bạn hãy lan tỏa thông tin về môi trường làm việc lành mạnh đó của mình. Nếu có, tôi tin chúng ta cần đứng lên phản kháng.
Tôi từng là thực tập sinh không lương. Lúc đó, sinh viên mới ra trường được khuyên là hãy kết nối, giao lưu nhiều nhất có thể. Vì lẽ đó, tôi không ngại tham gia một cuộc gặp gỡ nào đó do sếp, đồng nghiệp rủ rê với lý do “ra ngồi chút thôi” vì có “anh này”, “cô nọ” là đối tác của mình, “rất tốt cho công việc”.
Có lần, tôi nghe lời sếp đến dự một buổi gặp gỡ. Tôi mặc quần jeans, áo thun. Tôi cũng thấy ổn khi buổi gặp gỡ này có nữ tham gia. Tại đây, mọi người rôm rả, chia sẻ cho tôi về một số kỹ năng để làm việc tốt hơn. Đến đoạn, sếp tôi nói với tôi: “Con gái thì phải có mông, môi làm sao đó mới dễ làm việc, chứ em mặc quần áo này rồi ra đường như vậy là chưa được. Chắc phải đập hết xây lại quá”.
Cá tính tôi mạnh và thường có nhiều suy nghĩ hơi cực đoan về cái đẹp. Tôi không hay đánh phấn, tô son vì từng bị ám ảnh với câu chuyện phụ nữ bị đối xử tàn bạo, bị hiếp dâm, lạm dụng trong các mỏ dầu cọ liên quan đến các thương hiệu làm đẹp (trong đó có son môi) tại Indonesia hay Malaysia [1]. Vì vậy, tôi ít trang điểm. Tôi có xài son nhưng thường kiểm tra về thành phần và nguồn gốc của nó. Đó là quyền của tôi mà.
Khi nghe lời nói của vị sếp nọ, cách phản kháng của tôi là đứng dậy chào mọi người để ra về với lý do có việc riêng. Tôi nhìn sang những người phụ nữ khác ngồi cùng bàn, gương mặt họ cũng đầy ái ngại sau ý kiến của sếp tôi.
Nhưng tôi biết nhiều bạn bè đi thực tập của tôi bị ép phải vận đồ đẹp đi chiêu đãi đối tác. Câu chuyện nữ thực tập sinh, cộng tác viên bị tấn công tình dục không phải là hiếm. Bạn đọc có thể tìm hiểu về câu chuyện nhà báo Anh Thoa của Báo Tuổi Trẻ bị tố tấn công tình dục một cộng tác viên. [2]
Công việc của tôi đòi hỏi đi công tác, gặp gỡ nhiều người. Nhưng có một vấn đề mà tôi nghĩ hoài không thông, chính là vì sao ở các sự kiện, bàn tiệc người ta chỉ nói về vấn đề tình dục và lấy đó là thú vui để đem ra nói chuyện, trêu chọc.
Thói quen ăn nhậu ở Việt Nam, dễ thấy, là một người đàn ông thường đứng lên, đi chào hỏi từng bàn. Có lần, tôi dự một bàn tiệc. Một tướng quân đội đến chào hỏi, cụng ly, và rồi ra hiệu cho mọi người cùng thể hiện hành động tập thể đặt tay chồng lên nhau và hô vang “Lên”. Khi làm điều này, vị tướng lĩnh hỏi: “Các chị gái muốn (đặt tay) nằm ngửa, hay là nằm sấp? Nằm ngửa là truyền thống, nằm sấp thì đột phá”. Ai cũng im lặng trước lời nói này. Tôi lắc đầu, không tham dự.
Trên một chuyến xe nọ, tôi ngồi chung với rất nhiều đối tác. Mỗi người được khuyến khích kể một câu chuyện vui. Tôi nhớ có khoảng mười câu chuyện được kể, nhưng có đến bảy câu chuyện là gợi dục, nhiều nhất là nói về bộ phận sinh dục. Rất ngạc nhiên là phụ nữ cũng tham gia vào các cuộc hội thoại này. Tôi thắc mắc hoài, chẳng lẽ, người ta hết chuyện để kể rồi sao.
Tại những sự kiện mà tôi tham gia, vài lần, đồng nghiệp nhắc nhở tôi đứng dậy đi rót nước hoặc rót rượu cho các sếp là nam. Tôi đã từng làm vậy khi mới nhận việc. Nhưng tôi không thấy hài lòng hay vui vẻ.
Ở nhiều bàn tiệc, khi có khách đến dự là nữ, mặc nhiên có người trong bàn sẽ bảo qua ngồi cạnh “anh nào” để hầu hạ, “chăm sóc", rót rượu cho vui. Tôi từng rơi vào trường hợp như vậy. Tôi được chỉ định ngồi cạnh một người đàn ông. Rất lạ lùng, chỉ vài phút sau nhiều lần trò chuyện, anh này choàng vai tôi, thậm chí, đặt tay lên đùi tôi. Tôi đứng dậy đi về.
Không chỉ là “mông, môi”, tôi thấy ngạc nhiên khi nhiều người, bao gồm cả đàn ông lẫn phụ nữ, đều nói với các bạn nữ, trẻ mới vào làm, thậm chí là với tôi, rằng phải mặc váy nhiều hơn khi vào công ty. Để làm gì? “Để được các anh để ý” hay “con gái thì phải điệu đà”.
Nhiều bạn trẻ mới vào thử việc tâm tư với tôi rằng không hiểu vì sao ăn mặc lịch sự (như quần tây, áo sơ mi) vào công ty mà vẫn chưa đủ.
Không biết ở công ty của bạn có “toxic” - độc hại như một môi trường làm việc mà tôi từng trải qua hay không. Có một nhóm đàn ông tạo nhóm chat “gái đẹp công ty”. Khi thấy một nhân viên nữ nào đăng ảnh mới, những người này tải về, gửi vào nhóm và bắt đầu bình phẩm. Chuyện này do một anh bạn thân thiết với tôi, từng bị thêm vào nhóm này, kể lại.
Anh ta cho tôi xem một đoạn hội thoại của nhóm này. Tôi thấy họ nhận xét tấm ảnh một bạn trẻ mới vào làm bằng những từ ngữ rất thô tục như nhìn là “muốn ở tù”, “muốn bích đú”, “húp hàu”, v.v.
Nhóm này không chỉ bàn về phái nữ mà còn bình phẩm về trang phục, tọc mạch chuyện riêng tư hay nói về giới tính của người khác.
Bạn của tôi thoát khỏi nhóm. Anh ta nói với tôi: “Không phải đàn ông nào cũng như vậy. Hy vọng con cái những người này sau này không bị người ta nói như thế”.
Tôi chưa có chồng và nhiều đồng nghiệp nữ của tôi cũng vậy. Tôi và họ thường bị lấy ra làm trò cười.
Ví dụ, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, đàn ông trong công ty sẽ châm chọc chúng tôi rằng là “gái còn trinh thì không cần kỷ niệm ngày này vì chưa thành phụ nữ” hoặc “ế quá thì đừng kén cá chọn canh”, hay là “chưa biết mùi trai là gì”.
Thậm chí, có một đồng nghiệp của tôi tên T. đã 40 tuổi, chưa chồng, bị đặt hẳn một biệt danh “T. trinh” và nhiều đàn ông đã gọi chị như vậy trong thang máy.
Tại một bữa tiệc, tôi sững sờ khi một sếp lớn của công ty chào hỏi bàn của chúng tôi và nói: “Nhìn mấy em mặt đỏ, anh muốn đặt mỏ”.
Một đồng nghiệp kể tôi nghe chuyện cô từng bị sếp lớn trong công ty quấy rối tình dục. Sếp lớn này thường nhắn tin cho cô với nội dung như: “tan làm lên phòng anh”, “ăn trưa xong ghé phòng anh trao đổi”. Những lần như thế, cô đều từ chối. Có lần, sếp lớn gặp cô trong thang máy và kéo cô vào phòng rồi dồn cô vào tường, định hôn cô.
Lúc đó, theo lời cô kể, cô bình tĩnh và nói rằng mình không đồng ý những hành động của sếp rồi vùng vẫy rời đi. Sau này, cô chuyển chỗ làm.
Có vài lần chủ đề tấn công tình dục được đưa ra thảo luận trong công ty. Tôi có dự phần và đặt câu hỏi rằng làm sao để đối phó với việc bị lãnh đạo nam tấn công tình dục. Nhiều đồng nghiệp nam trong bàn lập tức nói rằng các bạn gái phải tự đặt ranh giới với họ. Lúc đó, tôi tự hỏi, ồ, thì ra lỗi lầm xuất phát từ phụ nữ à?
Đọc thêm: Luật Khoa 360: Nguyễn Nhật Anh, Nhã Nam và nghi vấn quấy rối tình dục.
Tôi biết một câu chuyện, hai vợ chồng làm chung phòng X. trong một công ty. Người chồng tấn công tình dục một cô gái khác - cũng là đồng nghiệp trong phòng X. đó.
Khi điều này diễn ra, trưởng phòng X. và những sếp lớn đề nghị chuyển người vợ sang một phòng khác để tránh xung đột, còn người đàn ông thì chễm chệ xách cặp đi làm mỗi ngày, không bị kỷ luật gì. Lãnh đạo công ty này nói ba người này gây ồn ào.
Người bị tấn công tình dục vẫn chịu đựng mà công ty không có hướng xử lý thỏa đáng, thậm chí là nói cô này “đồng thuận”. Sau này, người đàn ông nói trên vẫn được thăng tiến lên cấp cao.
Đó là những trải nghiệm của tôi. Tôi cho rằng quấy rối tình dục còn thật sự đáng sợ khi nó thể hiện qua lời nói.
Hãy tưởng tượng, bạn chưa có chồng, mỗi ngày, mỗi sự kiện có mặt bạn, bạn trở thành tâm điểm trêu chọc. Hãy tưởng tượng, bạn đi tham dự một cuộc gặp gỡ và trong bàn lúc nào cũng có người đàn ông chuyên làm các động tác hoặc lời nói khiêu dâm.
Bạn có thể hỏi thêm về con số phụ nữ bị quấy rối tình dục. Theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ mười phụ nữ thì có một người (11,4%) từng bị một hoặc nhiều hình thức quấy rối tình dục trong đời. [3]
Tôi đã chọn phản ứng, đôi khi gay gắt và thẳng thắn trong hầu hết các trường hợp. Bởi tôi nhận thấy việc im lặng sẽ khiến cho những người thực hiện hành vi ngày càng quá khích vì cho rằng những câu nói, hành động của họ được người khác đồng ý.
Tôi muốn những người vô tình nói ra hay có hành vi quấy rối tình dục tự vấn lại bản thân mình và biết cách xin lỗi. Văn hóa hình thành có quá trình. Nếu không phản kháng, người ta rất dễ mặc nhiên đàn ông có “máu dê”, phụ nữ phải “hầu hạ đàn ông” là “văn hóa” và người ta sẽ lấy đó ra làm chuyện đùa bỡn mọi lúc.
Nhưng không phải người nào cũng đủ can đảm để phản kháng. Vấn đề tình dục luôn nhạy cảm ở Việt Nam, và điều này là di sản từ hàng ngàn năm lịch sử. Người ta thường đánh giá nhân phẩm, danh dự của một con người rất nặng nề qua vấn đề tình dục, nhất là đối với phụ nữ. Nạn nhân chọn cách im lặng vì thấy nói ra sẽ xấu hổ, sợ hãi, sợ sẽ khơi dậy một vết thương chưa lành.
Chưa kể, cách ứng xử của một bộ phận cộng đồng ngày nay càng khiến cho nạn nhân muốn im lặng hơn. Họ săm soi nạn nhân mặc quần áo gì trước khi bị cưỡng hiếp. Họ nói đàn ông nào chẳng có “máu dê” (nhưng nhiều người đàn ông tôi quen biết lại rất đàng hoàng), và mặc nhiên phụ nữ là một công cụ tình dục.
Họ (bao gồm công an) hỏi người bị cưỡng hiếp rằng “cô có đồng thuận không”, “cô có phản kháng không”. Hãy đọc thêm báo cáo "Xét xử tội hiếp dâm: Hiểu cách ứng phó của hệ thống tư pháp hình sự đối với bạo lực tình dục ở Thái Lan và Việt Nam". [4]
Báo cáo trên nói phụ nữ gặp nhiều rào cản khi mưu cầu công lý vì chính sách và thông lệ xã hội, pháp luật. Đang tồn tại một quan điểm rất sai trái: “Phụ nữ bị hiếp dâm và tấn công tình dục vì đó là lỗi của họ”.
Báo cáo có đoạn: “Quan niệm không đúng này cho rằng nạn nhân bạo lực tình dục ‘khêu gợi’ (ví dụ quần áo hở hang kích động nam giới gây bạo lực tình dục), ‘muốn điều đó’, hoặc tự đặt mình vào hoàn cảnh nguy hiểm (ví dụ bán dâm hoặc bị chuốc say). […] phụ nữ thường bị đổ lỗi khi bị bạo lực tình dục vì những lý do khác nhau, từ việc họ làm gái mại dâm, đến ăn mặc khiêu khích, đi chơi khuya với đàn ông, hoặc thậm chí chỉ là đi xe buýt một mình vào ban đêm”.
Báo cáo cũng phân tích kỹ vì sao hệ thống tư pháp đang khiến nạn nhân nản lòng và bỏ cuộc.
Tôi quan niệm bản thân phải đứng đắn trong mọi trường hợp. Định nghĩa thế nào là một con người đứng đắn với tôi cũng đơn giản. Đó là những người tôn trọng người khác. Đó là những người chấp nhận rằng cuộc đời có nhiều cách sống và mỗi cách sống đều có giá trị như nhau.
Một con người đứng đắn sẽ không bao giờ bình phẩm về phụ nữ, đàn ông hay những người có bản dạng giới khác. Chỉ vì họ hiểu ai cũng có phẩm giá, chúng ta tôn trọng họ như là tôn trọng bản thân mình. Và nếu họ có lỡ miệng bình phẩm, họ sẽ không ngừng tự vấn về hành vi đó của mình.
Đọc thêm: