Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Diễn ra từ năm 1963 - 1973, chính sách Chiêu hồi do Mỹ và Việt Nam Cộng hòa thực hiện nhằm kêu gọi lính Việt Cộng hay những người ủng hộ chế độ cộng sản đầu hàng, đào ngũ để về phe Việt Nam Cộng hòa.
Để hiểu rõ hơn về chính sách này và quá trình thực thi, người viết xin giới thiệu hai bài nghiên cứu của Ami-Jacques Rapin (chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Lausanne, Thụy Sĩ) [1], gồm “Chiêu hồi - Chiến dịch hòa bình trong cuộc chiến tranh Việt Nam" [2] và “Lấp đầy tâm lý Việt Cộng bằng tuyên truyền, kích động đào ngũ trong chương trình Chiêu hồi". [3]
Theo Ami-Jacques Rapin, đối với chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Mỹ, chiến thắng bằng con đường chính trị cũng quan trọng không kém gì so với con đường quân sự. Họ tính toán về việc có thể giảm quân số của đối phương mà không cần tốn quá nhiều chi phí. Khi lực lượng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam giảm đi, tính chính danh của Việt Nam Cộng hòa cũng được gia tăng.
Chưa kể, khi đề ra chính sách Chiêu hồi, Mỹ và chính quyền miền Nam tin rằng họ có thể làm nội bộ quân đội của đối phương bất động; thu thập những thông tin quan trọng để chuẩn bị cho kế hoạch quân sự. Từ đó, bảo toàn được nhân sự cho chính quyền miền Nam và lực lượng đồng minh.
Chương trình Chiêu hồi có tên đầy đủ là "Phong trào Chiêu tập kháng chiến lầm đường", ngoài ra, nó còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, trong đó có tên “Mở rộng vòng tay” theo góc nhìn của người Mỹ. Các khẩu hiệu của phong trào có biểu tượng con chim trắng bay trên ngọn lửa.
Vận động chiêu hồi chỉ là bước đầu của quá trình thúc đẩy hòa bình và tái hòa nhập vào xã hội miền Nam của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Những người được chiêu hồi thành công gọi là hồi chánh viên hay là “returnee” (người trở về, theo cách người Mỹ gọi). Cách gọi này cũng nhằm tuyên truyền, vận động những người lính Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam “lạc lối” hồi chánh và gia nhập chính quyền Sài Gòn.
Mặc dù ban đầu không thật sự sát sao với chương trình cho tới khi can thiệp sâu hơn vào miền Nam, người Mỹ vẫn có vai trò kiểm soát đáng kể. Văn phòng các vấn đề nông thôn (Rural Affairs Office) trực thuộc Ban vận hành Mỹ (United States Operation Mission) điều hành dự án và tập trung chủ yếu vào việc xây dựng trung tâm tiếp nhận các hồi chánh viên. Theo Ami-Jacques Rapin, có thể xem chương trình Chiêu hồi được vận hành bởi hai bộ máy hành chính kép (une double structure bureaucratique).