‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Lời tòa soạn: Bài điểm sách này của Giáo sư Vũ Tường đã được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Việt - Mỹ (Đại học Oregon) ngày 5/12/2022. [1] Luật Khoa tạp chí đăng lại với sự đồng ý của Tạp chí Nghiên cứu Việt - Mỹ, có sửa tựa đề và biên tập lại theo tiêu chí trình bày của Luật Khoa.
Quyển sách “UNITED FRONT: Projecting Solidarity through Deliberation in Vietnam’s Single-Party Legislature” (tạm dịch là Mặt trận thống nhất: Quốc hội Việt Nam làm công cụ tuyên truyền về vỏ ngoài đoàn kết trong thể chế độc đảng) của Paul Schuler, Phó Giáo sư Khoa Chính trị tại Đại học University of Arizona, là một công trình nghiên cứu có hệ thống về Quốc hội Việt Nam với tư cách là một tổ chức chính trị trong chế độ độc đảng. [2]
Schuler xem xét quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, tổ chức nội bộ của Quốc hội, việc lựa chọn thành viên, đại biểu Quốc hội và quan hệ của họ với cử tri.
Ông chứng minh một cách thuyết phục rằng vai trò chính của Quốc hội Việt Nam trong hệ thống chính trị là công cụ tuyên truyền cho người dân về sức mạnh của Đảng Cộng sản.
Việc ép buộc tất cả cử tri bỏ phiếu và thể hiện sự thống nhất cao trong hoạt động lập pháp đã cho thấy mục đích xây dựng hình ảnh về tính hợp pháp dưới sự thống trị vững chắc của Đảng Cộng sản. Rất khôn khéo, hình ảnh đó khiến hầu hết người Việt Nam tin rằng đảng này có sức mạnh vô địch, cũng như làm những ai muốn chống lại chế độ phải e ngại.
Theo Schuler, trong vai trò là công cụ tuyên truyền, Quốc hội Việt Nam là hình ảnh trái ngược với các cơ quan lập pháp trong các hệ thống dân chủ với chức năng chính là lập pháp và đại diện.
Với một số ngoại lệ nhỏ trong suốt lịch sử, Quốc hội Việt Nam không xây dựng luật mà chủ yếu ban hành luật do các cơ quan chính phủ soạn thảo và được đảng thông qua. Các nhà lập pháp cũng không đại diện cho khu vực bầu cử của họ, vì họ được lựa chọn bởi đảng và chỉ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo đảng, không phải trước nhân dân.
Schuler cũng chứng minh rằng Quốc hội Việt Nam, với tư cách là một công cụ tuyên truyền phục vụ đảng cầm quyền, tác động rất ít đến sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hoặc đến phúc lợi của người Việt Nam.
Schuler cho rằng Quốc hội Việt Nam chỉ là bù nhìn (nguyên văn: “rubber stamp” nghĩa là con dấu bằng cao su), xác nhận những công trình nghiên cứu đã có từ lâu về cơ quan lập pháp trong các chế độ cộng sản.
Điểm mới mẻ trong lập luận của ông là cơ quan lập pháp này không đơn giản là vỏ bọc hợp pháp hóa cho các chế độ độc tài, mà còn đóng vai trò công cụ truyền đi tín hiệu trong xã hội về sức mạnh của Đảng Cộng sản.
Một điểm khác biệt nữa là Schuler kết hợp kỹ thuật định lượng với tư liệu từ Việt Nam. Phân tích của ông xóa đi những tư tưởng sai lầm là Việt Nam đã trở nên dân chủ hơn với các phiên họp lập pháp được truyền hình công khai, trong đó người dân có thể theo dõi đại biểu Quốc hội chất vấn các bộ trưởng của Chính phủ.
Tất cả chỉ đơn thuần là diễn kịch. Các đại biểu Quốc hội đôi khi đặt ra những câu hỏi khó, nhưng như Schuler chỉ ra, trong những trường hợp hiếm hoi đó, họ được các lãnh đạo cấp cao của đảng sử dụng như một phương tiện để kiềm chế khuynh hướng cải cách của một số bộ trưởng hay để đổ lỗi cho các viên chức về những chính sách sai lầm của đảng hoặc các vụ bê bối tham nhũng.
Nói chung, “chế độ có thể điều chỉnh nhiệt độ của cuộc tranh luận trong Quốc hội giống như người ta vặn một vòi nước,” ông so sánh trong sách.
Là một nhà nghiên cứu về khoa học chính trị, Schuler có đóng góp quan trọng khi thách thức quan điểm thống trị trong học thuật thường xếp cơ quan lập pháp trong các chế độ độc đảng chung với các hình thức chế độ độc tài khác. Tuy nhiên, quốc hội ở Trung Quốc và Việt Nam cộng sản khác với các quốc hội trong chế độ độc tài quân đội và cá nhân chuyên chế.
Trong các chế độ đó, đảng đối lập thường hoạt động hợp pháp, còn quốc hội được tổ chức ra để chia sẻ một vài lợi ích cho phe đối lập nhằm lôi kéo họ, và cũng để cung cấp thông tin về phe đối lập cho nhà độc tài. Ở nơi đảng đối lập bị đặt ngoài vòng pháp luật như ở Trung Quốc và Việt Nam, các cuộc bầu cử và quốc hội rõ ràng không có chức năng đó.
Một quan điểm phổ biến khác trong văn liệu là cơ quan lập pháp độc tài tồn tại để cung cấp đặc quyền, đặc lợi cho những người ủng hộ chế độ, nhưng, như Schuler lưu ý một cách chính xác, đã có các thể chế khác ở Việt Nam, chẳng hạn như đảng và bộ máy chính quyền, đóng vai trò đó.
Schuler cũng nghi ngờ các nghiên cứu hiện có cho thấy sự hiện diện của cơ quan lập pháp trong các chế độ độc tài có thể dẫn đến kết quả tích cực như tăng trưởng kinh tế. Điều đó không đúng ở Việt Nam; thực tế đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại.
Mặc dù Quốc hội Việt Nam chỉ là bù nhìn, Schuler vẫn tin rằng nó là một đối tượng đáng được nghiên cứu. Mục tiêu của đảng nhằm phô trương sức mạnh và củng cố tính chính danh của chế độ và điều này giúp chúng ta hiểu tại sao Chính phủ Việt Nam chi hàng triệu đô la mỗi năm cho Quốc hội bù nhìn.
Rất thú vị khi đặt câu hỏi làm thế nào một cơ quan lập pháp có thể hoạt động như một phần của bộ máy tuyên truyền và về mức độ hiệu quả của nó; cũng như vấn đề này có liên quan như thế nào đến cuộc tranh luận về dân chủ hóa và việc thay đổi chế độ ở Việt Nam.
Như Schuler lập luận rất đúng (trang 35-38), Quốc hội Việt Nam không đóng góp vào việc dân chủ hóa ở Việt Nam và trên thực tế có thể cản trở nó. Khi bị mắc bẫy bởi chính cái tuyên truyền của mình, Đảng Cộng sản phải tiếp tục phô trương sức mạnh và chống lại việc dân chủ hóa.
Tuy nhiên, một khi quá trình dân chủ hóa diễn ra vì lý do nào đó, Quốc hội Việt Nam có thể giúp ổn định tình hình và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi hòa bình.
Một lý do cuối cùng mà Schuler không đề cập đến nhưng có thể biện minh cho nghiên cứu này là thông tin về Quốc hội Việt Nam nói chung rất phong phú và có thể truy cập công khai. Chính trị ở Việt Nam bị bao trùm trong bí mật và giới học giả rất thiếu thông tin về cách thức hoạt động của hệ thống chính trị. Việc “Hoàng đế cởi truồng” ở Việt Nam rất có thể thành hiện thực, và Quốc hội Việt Nam tạo cơ hội tốt để người ta được nhìn thấy ngài.
***
Tôi chỉ có một phê bình nhỏ liên quan đến tiêu đề của cuốn sách. Cụm từ “mặt trận thống nhất” ở tiêu đề có thể tạo ra sự hiểu lầm. Quốc hội Việt Nam góp phần xây dựng một hình ảnh về đoàn kết nói chung, không chỉ là một mặt trận thống nhất chống lại kẻ thù nào đó. Trong chính trị cộng sản, mặt trận thống nhất đề cập đến một chiến thuật vận động, đó là vai trò của một thể chế khác ở Việt Nam: Mặt trận Tổ quốc. Ngoài phê bình nhỏ này ra, tôi cho rằng Schuler đã viết một cuốn sách xuất sắc. Nó đáng được đọc rộng rãi bởi các nhà khoa học chính trị và các chuyên gia Việt Nam.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
[1] Điểm sách - “Quốc Hội Việt Nam làm công cụ tuyên truyền về vỏ ngoài đoàn kết trong thể chế độc đảng”, Trung tâm nghiên cứu Việt - Mỹ, Đại học Oregon. https://usvietnam.uoregon.edu/1357911-2/
[2] UNITED FRONT: Projecting Solidarity through Deliberation in Vietnam’s Single-Party Legislature. Studies of the Walter H. Shorenstein Asia-Pacific Research Center. By Paul Schuler. Stanford: Stanford University Press, 2021. xv, 247 pp. (Tables, graphs, figures.) US$28.00, paper. ISBN 978-1-5036-1474-1.