‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Lời sám hối hay tiểu thuyết mắng vua?
Người ta biết đến Tô Hoài với nhiều truyện nổi tiếng về Tây Bắc như “Vợ chồng A Phủ”, hay tác phẩm kinh điển “Dế Mèn phiêu lưu ký”, nhưng không phải ai cũng biết đến việc nhà văn này từng có một tác phẩm bị thu hồi và cấm xuất bản, và tác phẩm ấy viết về cuộc cải cách ruộng đất của chính quyền miền Bắc Việt Nam (được thực hiện từ năm 1953 - 1956).
Tiểu thuyết “Ba người khác” còn có tên là “Chuyện ba người”. Đây là cuốn tiểu thuyết ngắn của Tô Hoài được viết năm 1992, kể về ba đồng chí sát cánh trong cuộc thanh trừng tầng lớp bóc lột nông dân. Nhưng sau cuộc cải cách, ba người này đã trở thành những con người với số phần rất khác nhau.
Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 2006 nhưng sau đó đã bị thu hồi và cấm xuất bản và lý do vì sao thì độc giả có thể phần nào hiểu được. Ngoài ra, sau khi đọc xong tác phẩm, bạn có thể trả lời cho một câu hỏi: Quyển sách này đang “mắng vua" hay là một lời thú tội của tác giả - người từng trực tiếp tham gia cuộc cải cách ruộng đất năm xưa?
***
Có ba người trực tiếp thi hành chính sách cải cách ruộng đất gồm: đội trưởng Cự, cán bộ đội tên Đình cùng nhân vật tôi - Bối, đội phó đội cải cách. Vì có thành tích trong các đợt cải cách ở Thanh Hóa mà họ được điều đến “cải thổ” ở Hải Dương.
Ba con người có ba tính cách khác nhau, nhưng họ đều thiếu kiến thức về nông thôn, đều bị bắt làm những việc trái chuyên môn, đều mang căn bệnh thành tích trầm trọng và đôi khi tàn ác, vô cảm. Không chỉ vậy, họ thích đưa ra những lời giáo huấn đạo đức giả, chẳng hạn như lên án hủ hóa nhưng lại lén lút thỏa mãn dục vọng vô độ của mình.
Ba vị cán bộ này cũng không có học thức, không có năng lực nhưng vẫn nắm trong tay quyền sinh sát và điều quan trọng là trong suốt câu chuyện, không có ai dám thách thức quyết định của họ.
Trong truyện, cán bộ Đình là người kém may mắn nhất trong số ba người khi sớm bị giết vì bị nghi là thủ lĩnh của Quốc Dân Đảng. Đội trưởng Cự luôn cảnh báo về địch, hoang tưởng địch phá hoại ta và gây ra chết chóc, trộm cắp, nhưng rồi chính Cự ở cuối truyện lại đi theo địch, vào Nam chiêu hồi. Còn đội phó Bối luôn phải bịa ra số liệu về cuộc cải cách ruộng đất vì biết người khác không biết và cũng không dám cãi ngay cả khi sai.
Nội dung trọng tâm của cuộc cải cách ruộng đất là cuộc thi đua truy tìm địa chủ. Mặc dù theo chỉ đạo thì “ở đâu có nông dân, ở đó có địa chủ" nhưng Bối cố hết sức tra cứu lý lịch mà vẫn chưa thể tố ra địa chủ nào. Anh chàng bị cấp trên nhắc nhở chưa hoàn thành chỉ tiêu và được nhắc nhở là “phải soi mói cùng kiệt, không để lọt lưới". Vì sợ mất chức, vì sợ mất mặt, thế là các cán bộ phải làm sao đó chạy chỉ tiêu “đưa phú lên địa". Quyển truyện thể hiện một điều: các cán bộ hiểu rõ chính sách cải cách ruộng đất chính là cuộc cào bằng, nhưng buộc phải rêu rao khẩu hiệu và bới lên càng nhiều mống địa chủ thì càng tốt.
Trong truyện viết: “Ba đời cùng đinh mà nó đấu lên ba đời cai tổng, ba đời mật thám". Người ta lao tâm khổ tứ “nặn ra các con số nhân chia bạt tử”. Người ta ganh đua để tìm ra địa chủ. Người ta phải biết diễn, biết ác để tồn tại.
Vì lệnh cấp trên và vì lợi ích của chính mình, các cán bộ bắt dân chúng phải đối xử với nhau theo cách tàn bạo nhất. Khung cảnh cả hội trường ào ào đả đảo địa chủ gian ác có thể sẽ gây ấn tượng mạnh tới độc giả. Và cái chết của địa chủ Thìn trong truyện sẽ làm cho nhiều người đọc thấy bàng hoàng vì một mạng người vừa mới bị đấu tố và ra đi mà không có sự thương xót nào. Quan cấm những người chứng kiến cuộc đấu tố khóc lóc, mà thay vào đó, phải xem nó là ngày thắng lợi của nhân dân. Điều đáng thương thay chính là việc già trẻ, gái trai đều hăng hái, sừng sộ khác thường khi tố giác, đánh người và giết người. Họ hạ bệ, vùi dập nhau. Họ trưng thu của cải, chia chác, đánh nhau, cướp của nhau. Và thậm chí, quan còn lợi dụng chức quyền của mình để cướp của, giành đồ từ cái vại, cái cối đâm cho tới mảnh ruộng.
Cuộc tìm kiếm vơ vét ấy còn náo động không kém gì truy lùng địa chủ.
Sau khi vặn nát óc để tìm ra địa chủ và trình báo cáo thì trớ trêu thay, chính sách cải cách ruộng đất phải sửa sai. Nhưng Bối thực sự không biết sửa sai thế nào, vì địa chủ đã bị giết hết.
Chính Bối cũng phải thốt lên: "Cả mấy đợt, lúc nào cũng cảnh giác, cũng đánh địch rồi chia ruộng chia quả thực, chỉ thấy thành tích, trên bảo sao làm vậy chẳng thấy sai chỗ nào, bây giờ lại sửa, biết rồi đến đâu hay lại sai cả, lại phải vào ngồi tù không biết chừng”.
Sở dĩ Bối ngậm miệng vâng lời ngay cả khi cảm thấy Cự ra lệnh hết sức vô lý, vì anh ta biết mình cũng không hề vô tội. Và ở thời điểm đó, cán bộ nào cũng nơm nớp lo sợ bị sờ gáy vì ai cũng có tội, không tham nhũng thì hủ hóa. "Chúng tôi đều nhơ nhớp cả".
Nhưng rốt cuộc, sau cuộc cải cách tưởng chừng như suôn sẻ, Bối bị kiện vì hoang dâm, trắng tay, sống trong cô đơn, không thể làm đảng viên và không còn là cán bộ nhà nước. Vị quan thuở nọ tung hoành khắp làng xóm, nắm trong tay quyền sinh tử bấy giờ phải bơm xe để kiếm sống qua ngày.
Một thời gian sau, trong thời kỳ bao cấp, Bối gặp lại Nhỡ - một “cựu địa chủ” đã trốn thoát cuộc cải cách khốc liệt và man rợ năm xưa, nay đã trở thành một ông chủ hàng phở bán chui. Bối đã chấp nhận làm đối tác kinh doanh của Nhỡ.
Lúc này, Bối cũng phát hiện ra sự giả dối của cái gọi là lý tưởng đại đồng mà các “vị vua" đã gieo rắc thời kỳ cải cách ruộng đất, khi anh ta thấy ô tô của thủ trưởng tải bánh phở đi buôn ở chợ đen; thấy chủ lò bánh mặc đại cán đeo kính trắng cắp cặp da đi họp ban ngày và sau đó bị đánh oan ở cảnh cuối cùng.
Trong truyện, tác giả giữ một giọng văn rất lãnh đạm khi kể về chuyện bán trẻ con, chuyện ném xác người xuống sông trong nạn đói 1945; chuyện đốt văn tự, sổ sách của địa chủ Thìn; chuyện Vách tự sát để chứng minh mình vô tội; chuyện dùng tình dục để mua chuộc và cũng là để uy hiếp lẫn nhau. Thái độ đó có thể sẽ khiến người đọc ám ảnh.
Ba người mang danh “cải cách”, nhưng thực chất đã phá hoại sự yên bình của một vùng quê. Từ đầu đến cuối tác phẩm, các câu chữ đều xoáy vào cái đạo đức giả của các quan cách mạng thực thi một chính sách “tắm máu" dân lành vô tội.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Đọc thêm: