'Ba tầng cửa' - tiểu thuyết của một thanh niên nổi loạn

Phê phán nền giáo dục nhồi nhét và giả dối của Trung Quốc.

'Ba tầng cửa' - tiểu thuyết của một thanh niên nổi loạn
Đồ họa: Đ.T/ Luật Khoa.

Ra đời năm 2011, tiểu thuyết “三重门” (tạm dịch là "Tam môn", "Ba tầng cửa" hay "San trùng môn") bán được hơn hai triệu bản, trở thành một trong những quyển sách bán chạy nhất Trung Quốc trong hai thập kỷ qua. Tác giả của cuốn sách này - Hàn Hàn - viết nó khi mới 17 tuổi, để gián tiếp phê phán nền giáo dục ứng thí, nhồi nhét, giả tạo, tước đoạt quyền suy nghĩ độc lập, sáng tạo và sống thật với chính mình của người trẻ Trung Quốc.

"San trùng môn" tượng trưng cho ba năm học cấp ba. Trong cổ văn Trung Quốc, nó còn tượng trưng cho lễ nghĩa, chế độ và văn hóa. Có lẽ những khái niệm này đã kìm hãm sự phát triển của nền giáo dục ở đất nước tỷ dân.

Trong sách, những giờ lên lớp được ví như các buổi tập luyện của một nhóm cầu thủ để chuẩn bị cho trận đấu sinh tồn. Ở đất nước đó, nền giáo dục tập trung học sinh vào các lò luyện, đội tuyển và những cuộc tỉ thí vô nghĩa; còn trường học thì chạy theo danh hiệu thi đua, thay vì bồi dưỡng cho học sinh một tinh thần hiếu học, biết tư duy và sáng tạo.

Thế là, người trẻ bị dồn vào những cuộc đua bằng cấp và xem chúng như nghĩa vụ cao cả của cuộc đời phải đạt cho bằng được. Học sinh được dạy phải ganh đua vị trí số một. Để làm gì? Đam mê tri thức? Không. Để được tôn vinh.

Lâm Vũ Tường, nhân vật chính trong tiểu thuyết, lớn lên ở một vùng gần Thượng Hải và có đầy đủ mọi điều kiện để trở thành con ngoan, trò giỏi: thông minh, gia đình khá giả, được cho học tập ở môi trường tiên tiến. Cậu học trò này còn được chọn vào đội tuyển Văn của trường. Thế nhưng, anh ta luôn cảm thấy bất mãn.

Lâm Vũ Tường và nhóm học sinh đồng trang lứa không được viết văn từ cảm xúc thật của cá nhân, không thể tự do sáng tác mà phải viết theo cái khuôn có sẵn để đạt giải cao khi đi thi. Thay vì được dạy cảm thụ hay phê bình tác phẩm, học sinh bị nhồi nhét, bị chỉ đạo phải yêu nhà văn nào, ghét nhà văn nào và nếu như không thể hiểu một tác giả thì học sinh ấy sẽ bị coi là ngu dốt. Các em cũng bị bắt học và thượng tôn những áng văn đạo lý cổ điển mà chính những người lớn còn không chịu thực hành.

Nền giáo dục ấy có thể giả dối tới mức nào? Đó là điểm số ở trên trường của học sinh phụ thuộc vào giá trị của món quà mà phụ huynh gửi cho nhà trường và giáo viên. Đó là việc cha mẹ, thầy cô nêu cao tinh thần đọc sách nhưng chính họ chưa hề đụng đến một trang giấy. Lâm Vũ Tường mô tả giá sách của cha mình đầy những cuốn văn cổ, nhưng ông chưa bao giờ đọc chúng, mà chỉ dùng nó làm bình phong để chứng minh mình uyên bác với mọi người. Hay đó là những bậc phụ huynh hám danh, ganh đua để con mình giỏi hơn con nhà người ta.

Và vòng xoáy giả dối này có thể sẽ tiếp diễn đến nhiều thế hệ sau.

Trong sách, cậu học trò không màng tới thi cử có vẻ như mới là người đang biết tư duy nhất. Anh ta còn lắc đầu: một quốc gia thay vì coi trọng chất lượng sống thực sự ra sao thì chỉ biết chú tâm việc có sản xuất được những công nghệ cao vượt phương Tây hay không.

Anh ta ngán ngẩm trước những cản trở, hạn chế, rập khuôn của nền giáo dục chính thống, nhất là khi nó tròng trành ở ngưỡng cửa tôn sùng truyền thống, cân đo đong đêm lời giáo huấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc hay là mở cửa đón nhận những giá trị của phương Tây; giữa việc gìn giữ và rèn giũa tiếng mẹ đẻ hay tiếp nhận một ngoại ngữ mới.

Nhưng dù có bất mãn ra sao, nhân vật trong tiểu thuyết vẫn chấp nhận “sống chung với lũ”. Anh ta vẫn mò mẫm tìm cách thoát khỏi tầng tầng lớp lớp áp lực của nền giáo dục vì điểm số, thi cử; vẫn trở thành con ngoan, trò giỏi của thể chế, và nhen nhóm trong tâm khảm mình ngọn lửa mưu cầu cho một xã hội tự do tri thức hơn.

Trái với nhân vật chính Lâm Vũ Tường, ngoài đời, tác giả Hàn Hàn không như vậy. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Hàn Hàn kể lại năm 17 tuổi, anh ta nói với cha của mình rằng anh thực sự bất mãn với việc học tập ở trường và không muốn thi tốt nghiệp cấp ba.

Cha của Hàn Hàn nói với anh rằng nếu vậy thì để giữ cho gia đình chút sĩ diện, anh hãy tự xin thôi học thay vì chờ trường đuổi. Khi nộp đơn nghỉ học, Hàn Hàn bị giáo viên chủ nhiệm mỉa mai rằng nếu không có tấm bằng tốt nghiệp thì chẳng thể làm nổi được công việc gì ở đại lục.

Nhưng cậu học trò Hàn Hàn tự tin nói mình sẽ sống dựa vào tiền bản quyền sách của mình. Anh ta bỏ học và quả thực, giờ đây, Hàn Hàn là tác giả của nhiều đầu sách bán chạy, một tay đua cự phách và là một nhà phản biện xã hội có sức ảnh hưởng. Anh cũng được ví như Lỗ Tấn thời hiện đại.

Có lẽ, sự khác nhau của mỗi con người chỉ nằm ở đó: có chính kiến, ước mơ và kiên trì thực hiện nó tới cùng. Bạn có ước mơ không? Và bạn đã thực hiện khao khát đó tới mức nào?


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Đọc thêm:

Hiện thực khốc liệt qua ‘Cây tỏi nổi giận’ của Mạc Ngôn
Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Mạc Ngôn được chuyển ngữ sang tiếng Việt với tên ‘Cây tỏi nổi giận’.
Tự truyện của một người chuyển giới
Một quyển sách của một người chuyển giới. Một hành trình chấp nhận và dám đấu tranh.
Tiểu thuyết ‘Huynh đệ’ - tình người trong cơn đảo điên của xã hội Trung Quốc
Những mối quan hệ bị thách thức đến cùng cực.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.