Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Bài viết này sẽ cung cấp cho độc giả tư liệu về việc phát triển tổ chức công đoàn của công nhân từ thời Pháp thuộc cho tới nay.
Năm 1953, một công nhân Việt Nam phải làm việc gần hai tiếng đồng hồ mới đủ tiền mua một ổ bánh mì, trong khi đó công nhân Mỹ chỉ cần làm trong 6 phút. [1]
Hơn 70 năm sau, thực tế này vẫn không thay đổi đáng kể. Công nhân Việt Nam vẫn là những người thấp cổ bé họng, chắt chiu từng đồng để xoay sở cuộc sống hằng ngày.
Trước Tết Nguyên đán năm 2024, có một cuộc đình công xảy ra tại một công ty dệt may của Hàn Quốc trú đóng ở tỉnh Bình Dương. [2] Theo báo chí đưa tin, có khoảng 350 công nhân đã đình công tập thể, yêu cầu công ty thưởng tết như đã hứa. Nhưng thay vì thực thi đúng các quy định về lương thưởng, chủ doanh nghiệp lại thông báo rằng nếu công nhân tiếp tục biểu tình thì sẽ mời chính quyền đến xử lý. [3]
Đây không phải là cuộc đình công hiếm có ở Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam xảy ra hàng trăm cuộc đình công lớn nhỏ.
Ví dụ, tháng 7/2006, công nhân ở Quận 12, TP. Hồ Chí Minh đập phá nhà máy vì bị công ty quỵt tiền lương. [4] Tháng 3/2018, hàng nghìn công nhân của Công ty TNHH Pouchen Việt Nam ở tỉnh Đồng Nai đã chặn Quốc lộ 1K, phản đối việc công ty muốn tính lương mới. [5] Tháng 2/2022, một người bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng thông tin lôi kéo các công nhân khác đình công ở Ninh Bình. [6] Hay tháng 10/2023, có 6.500 công nhân ở Nghệ An đình công tập thể đòi tăng lương, đảm bảo phúc lợi. [7]
Từ năm 1995 đến năm 2021, Việt Nam xảy ra 6,364 cuộc đình công, theo công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Nhưng không có cuộc đình công nào trong số này do tổ chức của Công đoàn Việt Nam thực hiện. [9]
***
Đình công là một trong những quyền cơ bản của người lao động nhằm đấu tranh cho quyền lợi của mình. Trái với nhiều nước trên thế giới, tất cả các cuộc đình công tại Việt Nam đều diễn ra một cách tự phát. [10] Công đoàn Việt Nam bị bó hẹp trong vai trò trung gian giữa giới chủ, chính quyền và công nhân. Hiện nay, ở Việt Nam không có tổ chức đại diện người lao động nào ngoài Công đoàn Việt Nam.
(Thực tế, tài liệu tiếng Anh sử dụng từ “union" và một số tư liệu cũ sử dụng từ nghiệp đoàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam, từ công đoàn lại trở nên quen thuộc hơn với nghĩa là một đoàn hội của công nhân. Trong khi đó, nghiệp đoàn thường chỉ tổ chức của người lao động làm việc tự do và có cùng ngành nghề, ví dụ như nghiệp đoàn xe ôm, nghiệp đoàn đánh bắt cá, v.v hơn là tổ chức của công nhân ở các nhà máy. Do đó, để dễ dàng truyền tải thông điệp đến độc giả, sau đây, chúng tôi xin mạn phép sử dụng từ công đoàn cho các tổ chức hội của công nhân nói chung và phân biệt với Công đoàn Việt Nam do Đảng Cộng sản lập ra).
Sắp tới đây, Quốc hội Việt Nam sẽ sửa đổi Luật Công đoàn. Đến cuối năm 2024, Việt Nam có thể sẽ thông qua Công ước số 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế, trong đó có quy định về việc thành lập công đoàn độc lập.
Trong lịch sử Việt Nam, có một khoảng thời gian, công nhân Việt Nam đã được trải nghiệm tham gia công đoàn độc lập. Đó là khi nào và những công đoàn ấy đã hoạt động ra sao?
Khi người Pháp cai trị Việt Nam, họ đã mang đến nền công nghiệp và điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng nhân công.
Đến cuối thập niên 1920, Việt Nam có khoảng 60.000 công nhân làm việc trong các hầm mỏ, nhà máy và có hơn 43.000 công nhân làm việc trong các trang trại, đồn điền tại miền Nam. [11]
Vào lúc này, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang tác động lớn đến tầng lớp công nhân. Nhiều cuộc đình công đã nổ ra ở bến cảng Sài Gòn, các đồn điền, nhà máy. Thực dân Pháp đã đàn áp tàn bạo các cuộc đình công. [12]
Lợi dụng cuộc xung đột giữa công nhân và chính quyền, các nhà cách mạng cộng sản đã thành lập Công hội Đỏ vào năm 1929 nhằm xâm nhập vào giới công nhân, kích động phong trào dân tộc, chống lại chủ nghĩa tư bản và thực dân Pháp. Tổ chức này sau đó chuyển đổi thành nhiều tổ chức khác nhau như Hội Công nhân Phản đế, Hội Công nhân Cứu Quốc. [13]
Năm 1946, sau khi tạm giành được chính quyền, Hồ Chí Minh đã nhanh chóng thành lập Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (tức Công đoàn Việt Nam). Tổ chức này có nhiệm vụ tập hợp, vận động công nhân sản xuất vũ khí, lôi kéo công nhân gia nhập lực lượng kháng chiến. [14]
Lúc bấy giờ, chính quyền Pháp không cho phép thành lập các tổ chức của công nhân và việc tổ chức các cuộc hội họp phải được cảnh sát cho phép. Tuy nhiên, trước tình hình các hội do người cộng sản xâm nhập mạnh mẽ vào giới công nhân, do đó, chính quyền đã suy nghĩ lại về phong trào công nhân và việc thành lập hội. Lịch sử của các công đoàn ở Việt Nam bắt đầu từ đây.
Năm 1947, chính quyền thực dân cho phép một tổng liên đoàn công nhân được mở văn phòng tại Sài Gòn. Tổ chức này sau đó đã tổ chức các công đoàn theo ngành nghề tại các khu vực khác nhau. [15]
Một năm sau, Tổng Liên đoàn Công nhân Cơ đốc chính thức được thành lập. Tuy nhiên, các thành viên của tổ chức này, trong đó có lãnh đạo là Trần Quốc Bửu, không phải là người theo đạo Cơ đốc.
Tổng Liên đoàn Công nhân Cơ đốc nhanh chóng lập ra 10 công đoàn thành viên ở hãng sản xuất xe hơi Citroën, hãng hàng không Air Vietnam, cùng với các nghiệp đoàn của thợ đánh giày, thợ sắp chữ, thợ may, thợ cắt tóc. [16]
Không bao lâu sau, quyền tự do thành lập công đoàn được cải thiện.
Năm 1950, Hoàng đế Bảo Đại ban hành nghị định về các quy tắc trong việc thành lập các hiệp hội của công nhân. Chính phủ Quốc gia Việt Nam cũng thông báo về việc sớm cho phép tự do thành lập công đoàn. [17]
Hai năm sau, Bộ luật Lao động được ban hành với hai sắc lệnh công nhận các công đoàn, lập ra một tòa án lao động với một thẩm phán và hai đại diện từ giới lao động và giới chủ, ban hành các quy trình thương lượng tập thể và đình công hợp pháp nếu hòa giải thất bại. [18]
Đầu thập niên 1950, một số hiệp hội của công nhân tại miền Nam đã mở chi nhánh và hoạt động ở miền Bắc.
Tài liệu CIA cho biết Tổng liên đoàn Công nhân Cơ đốc với tên mới là Tổng Liên đoàn Lao Công Việt Nam đã có đến 60.000 thành viên ở miền Nam và 19 công đoàn tại miền Bắc. [19]
Tuy nhiên, khi quyền tự do thành lập công đoàn mới vừa được thừa nhận thì đất nước bị chia cắt theo Hiệp định Geneva. Công đoàn ở hai miền Nam - Bắc rơi vào hai số phận khác nhau.
Sau năm 1954, chính quyền miền Bắc đã xóa sổ các công đoàn độc lập, nhiều lãnh đạo công đoàn phải lao động khổ sai gần biên giới với Trung Quốc. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, trở thành công đoàn duy nhất tại miền Bắc. [20]
Chính quyền miền Bắc bắt đầu thực hiện nền kinh tế bao cấp. Tất cả các kế hoạch sản xuất, việc làm đều do đảng quyết định và đưa xuống từng xí nghiệp, nhà máy.
Công đoàn và giới công nhân bị chính trị hóa toàn diện. Vai trò của công đoàn và công nhân rất được đề cao trong xã hội, được xem như là một lực lượng quan trọng trong tham gia sản xuất, phục vụ chiến tranh.
Năm 1957, miền Bắc đã thông qua Luật Công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động và các công đoàn cấp địa phương đảm nhận vai trò to tác như “làm trụ cột của chính quyền”, “tham gia quản lý nhà nước, quản lý xí nghiệp”, “thực hiện thống nhất nước nhà”, “đấu tranh cho độc lập dân tộc và hòa bình thế giới”. [21]
Trong khi đó, quyền tự do công đoàn tại miền Nam tuy được thừa nhận hợp pháp, nhưng cũng gặp không ít khó khăn mà một phần trong đó xuất phát từ nỗi lo sợ miền Bắc cài người xâm nhập vào giới công nhân.
Tại miền Nam, sau khi Ngô Đình Diệm trở thành tổng thống, Hiến pháp năm 1956 của Việt Nam Cộng hòa đã công nhận quyền tự do thành lập công đoàn và quyền đình công hợp pháp dựa trên những điều kiện được luật định. [22]
Dù công đoàn được hoạt động hợp pháp, nhưng Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng quan nghệ các tổ chức này sẽ là cánh cửa để cộng sản dùng để xâm nhập vào miền Nam.
Các công đoàn không được chính phủ Ngô Đình Diệm tin tưởng thường bị đàn áp, xóa sổ. Nhiều lãnh đạo công đoàn đã bị bắt cóc, tra tấn vì bị cho là cấu kết với Việt Minh. [23]
Tuy nhiên, vào lúc này Việt Nam Cộng hòa đã thông qua Công ước số 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế về tự do công đoàn, tức là đã hơn 60 năm trước. [24]
Năm 1963, sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát cùng em trai Ngô Đình Nhu, cũng là cố vấn đặc biệt của ông, công đoàn độc lập tại miền Nam bắt đầu phát triển mạnh mẽ trở lại.
Dưới thời tướng Nguyễn Khánh, Việt Nam Cộng hòa đã thông qua Công ước số 81 về thanh tra lao động, Công ước số 98 về công đoàn và thương lượng tập thể, và Công ước số 111 về chống phân biệt đối xử. [25]
Việc mở rộng quyền tự do thành lập công đoàn kéo theo sự trở lại của các cuộc đình công của giới công nhân miền Nam.
Cuộc tổng đình công lớn vào tháng 9/1964 khiến toàn bộ Sài Gòn mất nước, điện, ngắt đường truyền điện thoại, đình trệ xe buýt, các chuyến bay trong một ngày. [26]
Tháng 1/1968, có khoảng 1.000 công nhân điện lực đã đình công và biểu tình, đòi tăng lương để theo kịp lạm phát. [27] Cảnh sát đã bắt nhiều lãnh đạo công đoàn nhưng cuối cùng đã thả họ ra. Chính phủ sau đó đã chấp nhận mức tăng lương 12%. [28]
Dưới chế độ Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa, các công đoàn tiếp tục lớn mạnh.
Theo Hoàng Ngọc Thanh, năm 1969, Việt Nam Cộng hòa có khoảng 600 tổ chức công đoàn thuộc sáu tổng liên đoàn. [29] Trong đó, Liên đoàn Nông dân Tá điền có đến 100.000 thành viên, [30] Liên đoàn Ngư dân có đến 50.000 thành viên vào năm 1970. [31]
Tổng liên đoàn Lao Công Việt Nam là tổ chức của người lao động lớn nhất ở miền Nam với 350.000 thành viên với nhiều công đoàn khác nhau. [32]
Chính sách cởi mở với công đoàn độc lập ở miền Nam quả thật đã tạo điều kiện cho chính quyền miền Bắc xâm nhập vào. Đến năm 1968, miền Bắc đã xây dựng được một hệ thống công đoàn bí mật ở miền Nam, cử nhiều cán bộ công đoàn, đảng viên từ miền Bắc vào miền Nam, cài cắm người vào công đoàn nhằm phá hoại, kích động chống chính quyền miền Nam. [33]
Theo James L. Tyson, nhìn chung các công đoàn tại miền Nam hoạt động độc lập và có xu hướng chống cộng sản. Trong khi đó, Việt Cộng đã cố gắng ám sát nhiều lãnh đạo, thành viên, thậm chí là đặt bom tại trụ sở của các công đoàn miền Nam. [34]
Tự do thành lập và hoạt động công đoàn tại miền Nam kéo dài cho đến ngày 30/4/1975.
Sau ngày 30/4/1975, hệ thống công đoàn độc lập của miền Nam đã bị xóa sổ hoàn toàn. Trụ sở của Tổng Liên đoàn Lao Công Việt Nam bị tịch thu, các công đoàn viên bị yêu cầu trình diện chính quyền trong vòng 24 giờ. [35] Chính quyền cách mạng đã thành lập tổ chức liên đoàn lao động để tiếp quản công nhân của miền Nam.
Năm 1976, hoạt động công đoàn miền Nam - Bắc được thống nhất dưới tổ chức “Tổng Công đoàn Việt Nam”, do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát toàn diện. [36]
Vào lúc này, toàn bộ nền kinh tế miền Nam đã bị quốc hữu hóa. Kinh tế thị trường bị xóa sổ, có nghĩa là thị trường lao động cũng không tồn tại, và giới chủ cũng không. Do đó, xung đột trong quan hệ lao động được cho là không tồn tại. Các giám đốc xí nghiệp, nhà máy đơn thuần là cán bộ của chính quyền nhằm thực hiện kế hoạch sản xuất của đảng. Đôi khi họ nhận lương thấp hơn cả các công nhân lành nghề, và không có quyền can thiệp vào tiền lương, tuyển dụng hay sa thải công nhân. Vì tất cả đã được chính quyền quyết định. [37]
Công đoàn trở thành cánh tay của đảng để kiểm soát, tuyên truyền và vận động công nhân hoàn thành kế hoạch sản xuất. Công đoàn là một tổ chức có quyền lực trong nền kinh tế bao cấp, được tham gia vào quá trình lên kế hoạch sản xuất, bảo đảm phúc lợi cho công nhân.
Công nhân được xem là giai cấp tiên phong, lãnh đạo cách mạng, có vai trò rất quan trọng trong xã hội. Nhà nước bảo vệ và đáp ứng các nhu cầu của công nhân và gia đình của họ. Tất cả công nhân được đảm bảo việc làm trọn đời. Tuy nhiên, ý tưởng này chỉ kéo dài một thời gian ngắn.
Một thời gian ngắn sau chiến tranh, nền kinh tế bao cấp của Việt Nam đã thất bại nhanh chóng. Đến cuối thập niên 1970, Việt Nam thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, hàng hóa trầm trọng.
Đất nước đang ngày càng rơi vào khủng hoảng. Lạm phát tăng 100% mỗi năm. Thị trường chợ đen tràn ngập để lấp đầy khoảng trống thiếu hụt hàng hóa của nền kinh tế bao cấp. [38]
Con người bị suy dinh dưỡng nặng nề hơn cả thời chiến. Lương hàng tháng của cán bộ chỉ bằng giá của một con gà. Và công nhân phải làm nhiều việc khác nhau để có thêm thu nhập.
Trong thập niên 1980, để cứu nền đất nước khỏi khủng hoảng, Việt Nam bắt đầu mở lại thị trường lao động, cho phép kinh tế tư nhân. Một làn sóng cắt giảm lao động bắt đầu. Các nhà máy quốc doanh giảm nhân công. Đảng Cộng sản bắt đầu đẩy công nhân, những người từng là giai cấp tiên phong của xã hội, trở lại làm việc cho giới chủ.
Hệ thống công đoàn xã hội chủ nghĩa cũng được sửa đổi để bắt kịp nền kinh tế thị trường.
Năm 1988, sau khi Việt Nam chính thức cấp phép cho đầu tư nước ngoài trở lại Việt Nam, Tổng Công đoàn Việt Nam được đổi tên thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan lãnh đạo cấp trung ương của Công đoàn Việt Nam.
Hai năm sau, Việt Nam thông qua Luật Công đoàn năm 1990. Luật này không cho phép tổ chức công đoàn được độc lập. Công nhân trong các nhà máy tư nhân chỉ được phép gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Các quy định về công đoàn trong Hiến pháp năm 1992 và Bộ Luật Lao động năm 1994 cho thấy sự lãnh đạo toàn diện của đảng đối với công đoàn và công nhân.
Các công đoàn trong các ngành ngân hàng, công an, dầu khí, hàng không, du lịch, v.v được thành lập. Công đoàn trở thành cánh tay của đảng trong việc giám sát cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế. [39]
Năm 1996, để tăng cường kiểm soát các công đoàn, đảng yêu cầu phải thành lập chi bộ đảng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những cơ sở đảng này có quan hệ mật thiết với công đoàn, ví dụ như người đứng đầu chi bộ thường là chủ tịch công đoàn. [40]
Từ đó đến nay, Đảng vẫn chi phối toàn diện tổ chức công đoàn. Công đoàn Việt Nam giữ vị thế độc quyền trong việc đại diện cho người lao động.
Thực tế, công nhân và công đoàn cho đến nay là một trong những vấn đề nan giải của đảng. Các công đoàn cơ sở (tức công đoàn ở công ty, đơn vị; quản lý các công đoàn cơ sở là công đoàn cấp trên, ví dụ Liên đoàn Lao động cấp quận huyện hoặc Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp…) thường ở vị trí khó xử khi vừa phải làm hài lòng doanh nghiệp, vừa chịu sự kiểm soát của đảng và vừa phải bảo vệ công nhân.
Đảng vẫn tuyên truyền những lý luận to tác về vai trò công nhân như “giai cấp tiên phong của xã hội", “lực lượng lãnh đạo cách mạng", “đội ngũ xây dựng chủ nghĩa xã hội". Trong khi đó, phần lớn công nhân ngày nay không hiểu và không quan tâm đến những sứ mệnh thiếu thực tế này.
Đối với họ, vấn đề tiền lương, điều kiện lao động, phúc lợi xã hội, công bằng trong lao động là quan trọng hơn hết. Trong nền kinh tế thị trường với lực lượng lao động đa dạng ngày nay, vấn đề này sẽ thực sự được giải quyết chỉ khi chính quyền cho phép công đoàn được độc lập. Mặt khác, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi sự chỉ trích của quốc tế và các yêu cầu về tự do công đoàn trong các hiệp định thương mại.
Tuy nhiên, thay vì cho phép quyền tự do thành lập công đoàn, chính quyền lại có một ý tưởng khác. Năm 2019, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Lao động mới, trong đó cho phép thành lập các công đoàn (gọi là “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”). Nhưng đến nay, chưa có tổ chức nào được thành lập và công nhận, do chính quyền chưa ban hành quy định hướng dẫn. [41]
Sắp tới đây, Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012, trong đó quy định các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam. Bộ Chính trị cũng ra nghị quyết nêu rõ rằng cần định hướng các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam. Đảng cũng định hướng rằng đến năm 2045, hầu hết người lao động sẽ phải gia nhập Công đoàn Việt Nam. [42]
Tham vọng này cho thấy đảng sẽ tìm mọi cách để cản trở quyền tự do công đoàn, và củng cố vị thế độc quyền của Công đoàn Việt Nam.
Cho đến nay, vẫn không thể chấp nhận thực tế rằng Công đoàn Việt Nam dù có rộng lớn, tiên tiến đến đâu cũng không thể đại diện cho toàn bộ công nhân Việt Nam.
[1] The Labour Movement of Vietnam by Melanie Beresford, Chris Nyland. (1998). Jstor. https://www.jstor.org/stable/27516602?seq=6
[2] [3] Bình Dương: Hàng trăm công nhân đình công vì không nhận đủ thưởng Tết. (2024). Công Thương. https://congthuong.vn/binh-duong-hang-tram-cong-nhan-dinh-cong-vi-khong-nhan-du-thuong-tet-303621.html
[4] Trí, D. (2006, July 21). Công nhân đập phá nhà xưởng vì bị quỵt lương. Báo Điện Tử Dân Trí. https://dantri.com.vn/xa-hoi/cong-nhan-dap-pha-nha-xuong-vi-bi-quyt-luong-1153496963.htm
[5] VnExpress. (2018, March 24). Quốc lộ nối Đồng Nai - TP HCM tê liệt khi công nhân đình công. vnexpress.net. https://vnexpress.net/quoc-lo-noi-dong-nai-tp-hcm-te-liet-khi-cong-nhan-dinh-cong-3727313.html
[6] Sơn L. (2022, February 26). Bị phạt vì lôi kéo công nhân đình công, “tạt mắm tôm.” vnexpress.net. https://vnexpress.net/bi-phat-vi-loi-keo-cong-nhan-dinh-cong-tat-mam-tom-4432396.html
[7] Nẵng, B. C. a. T. Đ. (n.d.). Hàng nghìn công nhân tiếp tục đình công đòi quyền lợi. Copyright © 2021 by HPC. https://cadn.com.vn/hang-nghin-cong-nhan-tiep-tuc-dinh-cong-doi-quyen-loi-post284416.html
[8] Thời điểm đình công theo pháp luật lao động hiện hành. (2024). Luật Sư Việt Nam. https://lsvn.vn/thoi-diem-dinh-cong-theo-phap-luat-lao-dong-hien-hanh-1705417787.html
[9] Báo cáo quan hệ lao động năm 2019. (2019). Quan Hệ Lao Động. https://quanhelaodong.gov.vn/download/bao-cao-quan-he-lao-dong-2019/?wpdmdl=5329&refresh=62b831e9810501656238569
[10] Xem [8].
[11] Xem [1].
[12] The Vietnamese Confederation of Labour and International Labour. (2011). Eastern Illinois University. https://thekeep.eiu.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1060&context=history_fac
[13] Tóm tắt quá trình hình thành và phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam (phần 1). (n.d.). Công Đoàn Quảng Nam. http://congdoanquangnam.org.vn/Default.aspx?tabid=656&Group=11&NID=55&tom-tat-qua-trinh-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-giai-cap-cong-nhan-va-to-chuc-cong-doan-viet-nam-phan-1&language=en-US
[14] Đóng góp của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng. (n.d.). Báo Khánh Hòa Điện Tử. https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202105/dong-gop-cua-giai-cap-cong-nhan-to-chuc-cong-doan-viet-nam-qua-cac-thoi-ky-cach-mang-8214758/
[15] Xem [1]. Trang 61.
[16] Xem [11]. Trang 17.
[17] Xem [1]. Trang 61.
[18] Xem [1].
[19] Vietnamese Labour Organizations. (1953). CIA. https://www.cia.gov/readingroom/docs/CIA-RDP80-00810A003100110004-1.pdf
[20] Xem [11].
[21] Thuvienphapluat.Vn. (2024, April 4). Luật Công đoàn 1957. THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Luat-Cong-doan-1957-108-SL-L-10-36821.aspx
[22] Xem [1].
[23] [24] Xem [1]. Trang 64.
[25] Xem [1].
[26] General Strike in Saigon. (n.d.). A.P/ Newspaper. 1964. https://www.newspapers.com/image/458577988/
[27] Xem [11].
[28] Strikers are headed to work. (1968). New York Times/ Newspapers. https://www.newspapers.com/image/936510050/?match=1&terms=Saigon%20worker%20strike%2C%20South%20Vietnam
[29] Tổ chức và hoạt động của liên hiệp công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam (1961-1975), 1996. (1996). Thư Viện Quốc Gia Việt Nam. http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&d=TTkGGSesLtGK1996#
[30] Xem [11].
[31] Labor Unions in South Vietnam. (1974). Jstor. https://www.jstor.org/stable/30171359?searchText=&searchUri=&ab_segments=&searchKey=&refreqid=fastly-default%3A8dca56cb5398829447f682c07e38dbcd&seq=8
[32] Xem [30].
[33] Xem [28].
[34] Xem [30].
[35] SAIGON WORKERS SEIZE UNION SITE. (1975). New York Times. https://www.nytimes.com/1975/05/03/archives/saigon-workers-seize-union-site-headquarters-are-occupied-by-3000-a.html
[36] Tóm tắt Quá trình hình thành và phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công Đoàn Việt Nam (Phần 4). (n.d.). Công Đoàn Quảng Nam. http://congdoanquangnam.org.vn/Default.aspx?tabid=656&Group=11&NID=59&tom-tat-qua-trinh-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-giai-cap-cong-nhan-va-to-chuc-cong-doan-viet-nam-phan-4&language=en-US
[37] Xem [11].
[38] Vietnam remembers struggle to unify, questions its dream. (1985). UPI. https://www.newspapers.com/image/545032016/?terms=re-education%20camp%2C%20vietnam&match=1
[39] Xem [1]. Trang 75.
[40] Xem [1]. Trang 76.
[41] Thuvienphapluat.Vn. (n.d.). Bộ luật Lao động 2019.. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Bo-Luat-lao-dong-2019-333670.aspx
[42] Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. (2021). Bộ Chính Trị. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-02-nqtw-ngay-1262021-cua-bo-chinh-tri-ve-doi-moi-to-chuc-va-hoat-dong-cua-cong-doan-viet-nam-trong-tinh-7519