Chuyến du hành của một nhà báo tới thế giới mại dâm ở Campuchia

và nhân vật chính ở sàn nhảy khi xưa trở thành vợ của anh sau này.

Chuyến du hành của một nhà báo tới thế giới mại dâm ở Campuchia
Đồ họa: Đ.T/ Luật Khoa.

Cuốn tự truyện “Wohin Du auch gehst: Die Geschichte einer fast unmöglichen Liebe” (tạm dịch: “Dù em ở nơi đâu - Câu chuyện tình không tưởng”) xuất bản năm 2007 của nhà báo Đức Benjamin Prüfer từng được chuyển thể thành bộ phim với tên “Same, same but different” (tạm dịch: Trông vậy mà không hẳn vậy).

Quyển sách này cũng được dịch giả Lê Quang chuyển ngữ từ tiếng Đức sang tiếng Việt với nhan đề “Sống từng ngày”, kể về cuộc gặp gỡ của hai con người ở hai thế giới khác biệt. Ở cuộc chạm mặt đó, Sreykeo là cô gái người Campuchia, hành nghề mại dâm và hay lui tới các vũ trường nhiều khách Tây; còn Benjamin là một nhà báo người Đức trong hành trình khám phá Đông Nam Á, vô tình gặp và quen Sreykeo ở sàn nhảy.

Cuốn sách này có thể khiến độc giả hình dung nhiều câu chuyện. Đó có thể là hình ảnh của vùng đất “ma quỷ” với những vấn đề về mại dâm, ma túy. Đó có thể là câu chuyện cảm động về nỗ lực cứu chuộc một cô gái khỏi “ổ" mại dâm và chữa trị HIV. Hay là một câu chuyện tình yêu vượt lên mọi xung đột về văn hóa giữa Benjamin và Sreykeo… Nhưng hơn thế, sau quyển sách này, bạn đọc có thể hiểu thêm về quyền con người, về mại dâm và về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Hai thế giới

Trong quyển tự truyện, Benjamin là chàng thanh niên trưởng thành từ một quốc gia phát triển và có tiếng là “khẽ khàng, sạch sẽ, nghiêm túc". Chán việc, anh gác hết tất cả và tự do lên đường khám phá vùng đất mới. Còn Sreykeo thì không có lựa chọn như vậy. Bị xâm hại tình dục, không được đến trường, không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào, mưu sinh trong nhà thổ và bị gia đình bạo hành là những gì cô phải trải qua.

Nếu như Benjamin từ nhỏ đã được giáo dục để biết tự lo cho bản thân và có vật sở hữu riêng tư của mình thì với Sreykeo, cô chẳng có thứ gì của riêng cả, từ bàn chải đánh răng cho tới quần áo, giày dép. Những thứ này, cả gia đình cô chuyền tay cho nhau để xài chung. Và nếu như Benjamin có thể thoải mái lên kế hoạch chu du trước đó hàng tháng, thì ở thế giới của Sreykeo chỉ có mong mỏi duy nhất là sáng mai thức dậy thấy mình còn tồn tại.

Theo tác giả, trong xã hội tư bản, người ta hoàn toàn có thể chuyển trách nhiệm đối với một người sang một địa chỉ khác như nhà dưỡng lão, công ty bảo hiểm, người điều trị, nhân viên xã hội, cơ sở xã hội. Bởi, người ta xem mối quan hệ giữa người với người cũng cần phải đầu tư, từ thời gian, mối quan tâm, tình cảm và tiền bạc. Do đó, nếu không thấy lợi ích gì, người ta có quyền từ bỏ. Nhưng trái lại, Sreykeo vâng lời vô điều kiện trước cha mẹ, bị mẹ đánh đập, coi như chiếc máy in tiền.

Có lẽ nhìn thấy những gì người bạn gái Khmer Sreykeo trải qua như vượt quá sức chịu đựng của mình, Benjamin đi từ ánh nhìn khinh thường đến khâm phục, yêu thương cô. Người lữ khách châu Âu khỏe khoắn, bấu chặt lấy thói quen an lành, bỗng cảm thấy mình yếu ớt trước những gian khổ mà người bạn gái Campuchia phải trải qua.

Anh viết: “Xét cho cùng, cô hiểu nhiều về cuộc sống hơn tôi. Những gì cô biết là do cô học từ quan sát, từ đau đớn, chứ không từ điểm ghi trong học bạ. Cô đã trưởng thành trước kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Cô không bao giờ tự hỏi mình là ai và vị trí của mình ở đâu, vì cô luôn được cần đến. Cô học cách đứng dậy sau mỗi lần ngã mà không đánh mất niềm kiêu hãnh của mình. Cô chưa bao giờ muốn có một thử thách, vì cô đã vượt qua nhiều thử thách, nhiều hơn sức cô đáng lẽ chịu nổi. Vì sao cô ấy vẫn là một con người bình thường, có trái tim nhân hậu, mặc cho nghịch cảnh tàn bạo?”.

Thấu hiểu người trong cuộc

Qua các trang viết, Benjamin cho người đọc hiểu rõ hơn về đời sống, tình cảm và giá trị nhân văn của những con người bị cho là ở đáy xã hội. Với những cô gái làm nghề mại dâm, và một trong số họ là Sreykeo - người đã trở thành vợ của anh sau này, thì quá khứ luôn bám riết lấy họ.

Theo Benjamin, những cô gái mại dâm đến từ nhiều nơi và hành nghề ở Campuchia không chỉ cần tiền. Họ cũng có mơ ước được giải thoát, lấy một người tử tế và sống một cuộc sống bình thường. Nhưng ngay cả khi có những khách làng chơi yêu thương và chuộc họ về thì họ vẫn không thể từ bỏ con đường mại dâm để kiếm sống, vì xã hội chưa thể sẵn sàng cho họ một cuộc đời mới, và chính họ cũng không có đủ hành trang để làm một nghề khác.

Những cô gái mại dâm còn là nạn nhân của nhiều loại tệ nạn khác. Như Sreykeo và chị em của cô còn phải chịu những trận bạo lực gia đình. Họ là nạn nhân của vấn nạn buôn người và cưỡng bức lao động, nhưng chính họ cũng không thể hiểu được những thứ bình thường như cơm bữa với họ lại là những điều phạm pháp nghiêm trọng ở xứ sở yên bình của Benjamin. Trong sách, tác giả viết: “Phnom Penh dành cho một cô gái nông thôn thất học đúng ba lựa chọn: công nhân xưởng may, bồi bàn hay mại dâm”.

Thực tế, từ đầu Benjamin cũng thừa nhận ​mình là một khách làng chơi, nhưng chính anh lại không khỏi đặt ra những vấn đề đạo đức về mại dâm. Người ta cho rằng mại dâm là bóc lột sức lao động, trong khi đó việc một ông chủ Tây vắt kiệt sức của người bồi bàn Khmer bản địa ít học thì không hẳn vậy.

Nhiều người khinh bỉ người hành nghề mại dâm đang kiếm tiền nhờ tình dục, nhưng người ta đã quên rằng những mối quan hệ trên thực tế đều gắn liền với tiền nong, bất kể đó là mối quan hệ với khách hàng, với những cô gái khác hay thậm chí với gia đình mình.

Sau những trải nghiệm cá nhân và khoảng thời gian dài tự vấn, Benjamin đã học được rằng đừng bao giờ trách Sreykeo hay ai khác làm nghề mại dâm, bởi "một lời trách cứ như thế sẽ hủy hoại toàn bộ lòng tự tin mà cô đã dựng nên". Không thể và không nên dùng con mắt của người ngoài cuộc, một khán giả, một du khách để phán xét những cuộc đời, xã hội khác. “Tôi có thể nghiên cứu tín ngưỡng của cô, có thể quan sát thế giới của cô như một nhà khoa học, có thể phân tích và ghi nhận các mối quan hệ. Nhưng chắc không bao giờ tôi thực sự hiểu thế nào là lớn lên trong chiến tranh và làm nghề mại dâm”, tác giả viết.

Góc nhìn nhân ái hơn

Sreykeo bị HIV. Và ngay thời điểm Sreykeo phát hiện mình bị căn bệnh này thì cũng là lúc Benjamin muốn kéo cô ra khỏi ổ mại dâm.

Nếu như với Benjamin, những bệnh nhân HIV chỉ là đám đông vô danh xa lạ hay những đám người xuất hiện trên tivi, thì Sreykeo đã chứng kiến điều đó thường xuyên, với cả những người ruột thịt và nay là chính bản thân mình. Dù vậy, với tình yêu, cả hai vẫn chấp nhận cho nhau cơ hội. Tác giả cũng không ngại ngần thừa nhận, anh viết câu chuyện của họ để đăng báo khi đã kiệt quệ tài chính vì tiền chữa trị HIV cho Sreykeo.

Theo như tác giả, vào thời điểm đó, Campuchia hầu như không có bác sĩ bản địa nào được đào tạo bài bản, vì Khmer Đỏ đã tàn sát hết tầng lớp trí thức. Hạn chế về tiếp cận y tế, sự kỳ thị với người HIV khiến họ hết lần này qua lần khác phải lặn lội sang Thái Lan để tìm thuốc chữa trị rẻ nhất có thể. 

“Nếu một ngày nào đó cô không kiếm được thuốc nữa thì chấm hết. Nếu cô mua sai thuốc vì không đọc được chữ trên nhãn. Nếu Thái Lan đột nhiên đóng cửa biên giới vài tuần như đã có lần xảy ra trong quá khứ. Nếu bệnh viện bị đóng cửa. Và nếu tôi khi nào đó không có tiền để trả lệ phí thị thực vào Thái Lan, tiền bác sĩ, tiền thuốc, tiền vé xe buýt, nhà trọ. Thêm nữa, chúng tôi không có bác sĩ nào đáng tin cậy”, Benjamin tự thuật.

Là một nhà báo, Benjamin cũng đánh động vấn đề đương thời. Theo anh, nhiều tổ chức châu Âu qua Campuchia giúp đỡ chống căn bệnh AIDS, với khoản tiền quyên góp khổng lồ, nhưng họ lại thiếu những hiểu biết cơ bản về cộng đồng mà họ định trợ giúp, chưa kể, họ còn đang thực hiện với tâm lý của kẻ bề trên, định kiến, và thờ ơ với văn hoá bản địa.

Trong khi đó, đối với người dân Campuchia, càng nghèo khó, bệnh tật thì họ càng trở nên mê tín. Ở đất nước mà phần đông theo đạo Phật, người dân tin rằng tất cả những gì xảy ra với mình đều do chính họ gây ra: hạnh phúc do việc thiện, bất hạnh do việc ác đã làm ở kiếp này hay kiếp trước.

Giữa bối cảnh ấy, với các biến động chính trị, nạn tham nhũng hiện diện khắp nơi ở Campuchia, người ta dạy cho trẻ con rằng đi học hay ra đời mà không có tiền bôi trơn thì chẳng làm được gì.

Benjamin cũng khéo lồng ghép những số phận có màu da và quốc tịch khác nhau dưới thời Khmer Đỏ. Trong đó, có phân cảnh người dân đổ dồn về Đại sứ quán Pháp tại Campuchia để mong được cứu sống và giữa thời khắc sinh tồn ấy, sự bất bình đẳng hiện lên rõ mồn một: người da trắng được phép xuất cảnh nhờ nguồn gốc phương Tây của mình, còn người Campuchia phải rời khỏi sứ quán và chịu một kết cục bi thảm.

Benjamin và Sreykeo đã kể lại câu chuyện cá nhân, câu chuyện tình yêu vượt lên những thách thức về lề thói và chủng tộc cũng như cái thời đại mà họ đã trải qua. Và thực tế, chúng ta không chỉ cần những người dũng cảm đi tìm kiếm những câu chuyện khó tin, khó nghe như vậy, mà còn phải cần những độc giả sẵn sàng lắng nghe để thấu cảm.

Nếu không có chuyến đi thay đổi cuộc đời ấy, thì trong đầu Benjamin sẽ chỉ toàn có định kiến về những xã hội ở Đông Nam Á. Còn bạn, trong hình dung của chính mình, mại dâm, HIV, thế giới gái gọi, xã hội Campuchia, và Đông Nam Á, đã đang và sẽ như thế nào?


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.