Hà Nội thu tiền công đức nhiều nhất năm 2023; Thích Minh Tuệ dừng bộ hành

Hà Nội thu tiền công đức nhiều nhất năm 2023; Thích Minh Tuệ dừng bộ hành
Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa.

Bản tin tôn giáo tháng 6/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau:

[Tôn giáo 360]


Việt Nam thu 4.100 tỷ đồng tiền công đức năm 2023

Ngày 26/6, truyền thông trong nước đưa tin rằng năm 2023, cả nước thu 4.100 tỷ đồng tiền công đức và chi 3.612 tỷ đồng. [1] Trong đó, thu nhiều nhất ở Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang) với số tiền 220 tỷ đồng, kế tiếp là ở đền Bảo Hà (Lào Cai) với số thu 71 tỷ đồng. Xét về vị trí địa lý, TP. Hà Nội đứng đầu với số thu tiền công đức hơn 670 tỷ đồng, trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh - nơi có chùa Ba Vàng - thu khoảng 200 tỷ đồng.

Đây chỉ là số tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa chứ chưa bao gồm các khoản hiện vật, đặt lễ, chuyển khoản, tức số thu thực tế còn cao hơn nhiều. Chưa kể, hiện nay cả nước có 31.581 di tích, cơ sở tôn giáo nhưng chỉ có 15.324 (khoảng 49%) có số liệu thu chi tiền công đức, tài trợ.

Khách hành hương đến chùa Yên Tử. Ảnh: Báo Lao Động.

Việc công bố tiền thu chi công đức này được thực hiện theo Thông tư số 04 năm 2023 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. [2]

Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng gửi văn bản lên các bộ, ban ngành phản đối mạnh mẽ quy định này vì Giáo hội có rất nhiều cơ sở được công nhận là các di tích. [3] Theo thống kê, hiện có 28 ngôi chùa được công nhận trực tiếp hoặc nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 500 ngôi chùa được công nhận là di tích cấp quốc gia. [4] Khi cơ sở tôn giáo được công nhận là di tích, các nhà sư của giáo hội và chính quyền các địa phương sẽ dễ dàng làm du lịch tâm linh và thu về số tiền công đức rất lớn.

Sư Thích Minh Tuệ dừng bộ hành

Sáng 3/6, Thích Minh Tuệ đột ngột dừng bộ hành khi đang trên đèo Hải Vân (tỉnh Thừa Thiên - Huế). [5] Nhiều người cho rằng ông tự nguyện ngừng đi khất thực sau một buổi tiếp xúc với chính quyền. Trước đó, theo RFA, chính quyền cưỡng ép các nhà sư trong đoàn đi theo Thích Minh Tuệ bằng cách đưa họ lên nhiều chiếc xe và thả họ ở nhiều nơi khác nhau; riêng Thích Minh Tuệ được đưa về nhà của ông tại Gia Lai. Nhiều người trong đoàn nói rằng sau đó họ bị bắt ký cam kết không được tham gia đoàn bộ hành. [6]

Thích Minh Tuệ. Ảnh: Báo Người Lao Động.

Thích Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú. Từ năm 2017 đến nay, ông đã ba lần bộ hành xuyên Việt. Tuy nhiên, trong cuộc bộ hành lần thứ tư của ông vào năm nay, đám đông bắt đầu đi theo và ông bỗng trở thành một hiện tượng. Chính quyền và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đều ra văn bản khẳng định ông không phải là tu sĩ Phật giáo. [7] Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng nhiều người đã lợi dụng hình ảnh của Thích Minh Tuệ để xuyên tạc đời sống tu hành của giới tăng lữ thuộc Giáo hội và yêu cầu các tín đồ ngăn chặn làn sóng dư luận xúc phạm Giáo hội. Cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì mới về Thích Minh Tuệ. [8]

Tình hình đàn áp tôn giáo ở Việt Nam ngày càng đáng lo

Ngày 26/6, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2023 về Việt Nam và nhận định rằng Việt Nam ngày càng đàn áp tôn giáo, nhất là đối với các nhóm độc lập. [9]

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố phúc trình tự do tôn giáo năm 2022. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.

Theo báo cáo, Việt Nam đã xâm hại, đe dọa, sách nhiễu nhiều tín đồ thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số, nhất là ở Tây Nguyên và Tây Bắc, đơn cử như:

  • Tháng 3/2023, chính quyền TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, giải tán một hội thánh của Hiệp hội Truyền giáo Thế giới và cáo buộc họ tiến hành các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp.
  • Tháng 7/2023, chính quyền tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng bắt giữ ba tín đồ Phật giáo Khmer Krom là ông Tô Hoàng Chương, Thạch Cương và Danh Minh Quang với tội danh lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Những người này bị cáo buộc phổ biến các tài liệu về quyền của người dân tộc thiểu số và tự do tôn giáo cho các thành viên của cộng đồng Phật giáo Khmer.
  • Ngày 4/8/2023, chính quyền tỉnh An Giang bắt ông Nguyễn Hoàng Nam với cáo buộc lợi dụng tôn giáo để chống phá nhà nước. Cụ thể, ông Nam đăng thông tin sai sự thật về các biện pháp y tế liên quan đến dịch Covid-19 và xúc phạm chính quyền địa phương.
  • Tháng 9/2023, Bộ Nội vụ chỉ đạo ủy ban nhân dân các địa phương kiên quyết xử lý hoạt động của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ.
  • Tháng 9/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai kết án RLan Thih, một tín đồ theo Tin Lành Đề Ga 8 năm tù và 3 năm quản chế vì tội phá hoại chính sách đoàn kết. Ông RLan Thih bị cáo buộc vận động thành lập Giáo hội độc lập và nhà nước tự trị riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Cũng vào tháng này, ông Y Nuer Buôn Đáp, một thành viên của Hội thánh Tin Lành độc lập ở thôn E Mập, xã Ea Poc, huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk, cho biết ông và nhiều người khác bị chính quyền địa phương gây áp lực rời khỏi hội thánh tại gia để gia nhập Hội thánh Tin Lành Nam bộ Việt Nam được chính quyền công nhận.
  • Tháng 4/2024, chính quyền tỉnh Đắk Lắk khởi tố ông Y Krễc Byă, một tín đồ Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên về tội phá hoại chính sách đại đoàn kết. Chính quyền đã cáo buộc ông thu thập và phổ biến thông tin gây chia rẽ giữa người dân với chính quyền và giữa các nhóm tôn giáo, bao gồm cả việc tham gia đào tạo trực tuyến về nhân quyền. Trước đó, ngày 18/5/2023, chính quyền tỉnh Phú Yên đã bắt giữ và khởi tố ông Nay Y Blang, cũng là một tín đồ của Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên, về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, theo báo cáo, chính quyền thường xuyên đàn áp các tín đồ theo đạo Dương Văn Mình bằng cách phá rối ở các đám tang, phá hủy bàn thờ, tịch thu các đồ thờ cúng; dùng bạo lực ép các tín đồ ký văn bản từ bỏ đức tin. Tính đến tháng 3/2023, có hơn 8.000 tín đồ Dương Văn Mình đã bỏ đạo.

Báo cáo cũng cho biết Luật Tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam cho phép thành lập các nhóm tôn giáo mới nhưng quá trình đăng ký rất nhiêu khê. Trong hơn bốn năm qua, chính quyền chỉ mới công nhận thêm hai tổ chức tôn giáo mới.

Vào ngày 2/12/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken tuyên bố Việt Nam sẽ nằm trong Danh sách Theo dõi đặc biệt (Special Watch List - SWL) của Mỹ về tự do tôn giáo. [10] Như mọi năm, Việt Nam tiếp tục phản bác báo cáo. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định báo cáo của Mỹ đưa ra những nhận định thiếu khách quan. [11]

[Tôn giáo mới]


Quảng Nam ngăn tín đồ Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ sinh hoạt tôn giáo

Ngày 22/6, chính quyền tỉnh Quảng Nam phát hiện 11 tín đồ của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ đang sinh hoạt tôn giáo tại huyện Duy Xuyên. [12] Chính quyền đã thu giữ các tài liệu liên quan và xử lý các tín đồ theo quy định của pháp luật. Trước đó, vào các tháng 7/2022, 12/2022 và 3/2023, chính quyền tỉnh này cũng phát hiện, xử lý tổng cộng 25 tín đồ tụ tập, truyền bá Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ.

Chính quyền phát hiện 11 tín đồ Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ đang sinh hoạt tôn giáo tại huyện Duy Xuyên. Ảnh: Báo Người Lao Động.

Chính quyền cáo buộc hội thánh này xuyên tạc giáo lý, trái với thuần phong mỹ tục, tập quán, đạo đức, mê tín dị đoan và lừa đảo. Hồi tháng 9/2023, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc kiên quyết xử lý hoạt động của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ. [13]

Thái Nguyên vận động người dân không theo Đạo bà Sính

Vào ngày 30/6, chính quyền tỉnh Thái Nguyên cho biết đã xóa bỏ Đạo bà Sính trên toàn tỉnh. [14] Tuy nhiên, chính quyền chưa đưa ra được bằng chứng về Đạo bà Sính là tà đạo, chưa chứng minh đạo này kích động dân chúng ly khai, tự trị. Chính quyền vận động người dân không theo đạo này vì đây là tổ chức tôn giáo chưa được công nhận.

Chính quyền vận động người dân không theo Đạo bà Sính. Ảnh: Báo Công An Nhân Dân.

Đạo bà Sính do bà Lý Thị Sính (sinh năm 1951, sắc tộc Mông) lập vào năm 1989, cùng thời điểm với đạo Dương Văn Mình. Đạo này có 302 tín đồ tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn và 42 tín đồ tại tỉnh Thái Nguyên. Riêng tỉnh Thái Nguyên đã xóa bỏ hoàn toàn Đạo bà Sính và đạo Dương Văn Mình.

Cao Bằng bắt các tín đồ ký cam kết bỏ đạo Dương Văn Mình

Ngày 10/6, chính quyền huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng cho biết có 100% tín đồ đã ký cam kết không tham gia đạo Dương Văn Mình. [15] Đây là kết quả của hai đợt cao điểm tuyên truyền xóa bỏ đạo Dương Văn Mình trên toàn tỉnh. Vào năm 2021, Chính phủ đã ban hành “Đề án số 78” với nội dung "Đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình". Từ đó đến nay, các địa phương như Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn… liên tục thực hiện các đợt cao điểm trấn áp đạo này. 

[Bàn tay chính quyền]


An Giang ngăn tín đồ dự lễ kỷ niệm ngày Huỳnh Phú Sổ khai sáng đạo

Theo RFA, từ ngày 19 - 22/6, chính quyền tỉnh An Giang liên tục có những động thái đàn áp các tín đồ theo Phật giáo Hòa Hảo độc lập đến tham dự lễ kỷ niệm 85 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo tại chùa Quang Minh Tự. [16] 

Cụ thể, ngày 19/6, một nhóm công an mặc thường phục đã vây đánh một tín đồ sau khi ông này đi ra từ chùa Quang Minh Tự. Đến đêm ngày 20 và 21/6, chính quyền đã ngăn cản hai nhóm tín đồ đến chùa, đưa họ về trụ sở công an và bắt ký cam kết không được đến chùa này.

Chùa Quang Minh Tự. Ảnh: RFA.

Cũng theo RFA, trước lễ kỷ niệm 10 ngày, chính quyền đã ngăn cấm các tín đồ đến trụ sở Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần tuý tại xã Long Giang, huyện Chợ Mới, cũng như không cho phép họ treo băng rôn kỷ niệm. Hằng năm, ngày 17 - 18/5 âm lịch, các tín đồ của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần tuý luôn bị chính quyền ngăn cản việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo.

Đọc thêm:

Địa chính trị và tôn giáo ở Việt Nam
Phức tạp và bị trói buộc.
Khởi điểm suy đồi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Những biểu hiện suy đồi của giáo hội là thứ không còn bị che đậy nữa.
Quan cấm, quan cho, quan thương, quan giúp…
Tất cả trong tay quan.
Thích Minh Tuệ - hiện tượng nằm ngoài sách vở quản lý tôn giáo của chính quyền
Từ tháng 5/2024, Thích Minh Tuệ trở thành một hiện tượng xã hội, chính trị, tôn giáo và lịch sử đặc biệt ở Việt Nam. Đó là một sự đảo lộn về nhận thức tôn giáo của cả một xã hội đã lạc hướng về mặt tâm linh trong nhiều thập niên tôn giáo bị tấn công.

Chú thích

[1] 1 năm thực hiện quản lý tiền công đức: Cả nước thu 4.100 tỉ đồng. (2019). Bvhttdl.gov.vn. https://bvhttdl.gov.vn/1-nam-thuc-hien-quan-ly-tien-cong-duc-ca-nuoc-thu-4100-ti-dong-20240627073512971.htm

[2] Bộ Tài Chính. (2023, January 19). Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. https://bcp.cdnchinhphu.vn/334894974524682240/2023/1/27/4-19012023-144303-1674810680885153694633.pdf

[3] Trung ương GHPGVN góp ý về Dự thảo Thông tư (lần 3) của Bộ Tài chính liên quan đến quản lý tiền Công đức. (2022, April 24). Giáo hội Phật giáo Việt Nam. https://web.archive.org/web/20220425075806/https%3A%2F%2Fphatgiao.org.vn%2Ftrung-uong-ghpgvn-gop-y-ve-du-thao-thong-tu-lan-3-cua-bo-tai-chinh-lien-quan-den-quan-ly-tien-cong-duc-d52641.html

[4] “Tiền công đức”: Vì sao nhà nước giằng co với nhà chùa. (2021a, July 17). Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/07/tien-cong-duc-vi-sao-nha-nuoc-giang-co-voi-nha-chua/

[5] 'Sư Thích Minh Tuệ' đã tự nguyện dừng cuộc đi bộ. (2024, June 3). Báo Thanh Niên. https://web.archive.org/web/20240603061130/https://thanhnien.vn/su-thich-minh-tue-da-tu-nguyen-dung-cuoc-di-bo-185240603123711188.htm

[6] Thực hư việc Ban Tôn giáo Chính phủ nói sư Minh Tuệ "tự nguyện dừng bộ hành khất thực". (2024, June 3). RFA. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vnm-police-temporarily-detained-monk-minh-tue-06032024081424.html

[7] Ban Tôn giáo Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản về ‘sư Thích Minh Tuệ’. (2024, May 16). Báo Tuổi Trẻ. https://web.archive.org/web/20240516134820/https://tuoitre.vn/ban-ton-giao-chinh-phu-va-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-ra-van-ban-ve-su-thich-minh-tue-20240516185720206.htm

[8] Ông Thích Minh Tuệ nhận căn cước công dân ở Gia Lai. (2024, June 10). Báo Thanh Niên. https://web.archive.org/web/20240611030152/https://thanhnien.vn/ong-thich-minh-tue-nhan-can-cuoc-cong-dan-o-gia-lai-18524061011183167.htm

[9] Annual Report of The U.S. Commission on International Religious Freedom. (2024, April). UNITED STATES COMMISSION ON INTERNATIONAL RELIGIOUS FREEDOM. https://www.state.gov/wp-content/uploads/2024/04/547499-VIETNAM-2023-INTERNATIONAL-RELIGIOUS-FREEDOM-REPORT.pdf

[10] Religious Freedom Designations - Press Statement. (2022, December 2). U.S. Department of State. https://www.state.gov/religious-freedom-designations-2/

[11] Việt Nam lên tiếng về Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ. (2024, July 4). VOV. https://web.archive.org/web/20240704100911/https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-len-tieng-ve-bao-cao-tu-do-ton-giao-quoc-te-cua-hoa-ky-post1105791.vov

[12] Kiên quyết xóa bỏ tà đạo "Hội thánh Đức chúa trời mẹ". (2024, June 25). Báo Người Lao Động. https://web.archive.org/web/20240624235354/https://nld.com.vn/kien-quyet-xoa-bo-ta-dao-hoi-thanh-duc-chua-troi-me-196240624210239958.htm

[13] Bộ Nội vụ: Kiên quyết đấu tranh, xóa bỏ tổ chức của Hội thánh Đức Chúa trời mẹ. (2023, September 17). Báo Tuổi Trẻ. https://web.archive.org/web/20230920064252/https://tuoitre.vn/bo-noi-vu-kien-quyet-dau-tranh-xoa-bo-to-chuc-cua-hoi-thanh-duc-chua-troi-me-20230917135659238.htm

[14] Vận động nhân dân xóa bỏ "Đạo bà Sính" (Bài 1). (2024, June 30). Báo Công An Nhân Dân. https://web.archive.org/web/20240630060552/https://cand.com.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/van-dong-nhan-dan-xoa-bo-dao-ba-sinh-bai-1--i735952/

[15] Ban tuyên giáo Huyện ủy Quảng Hòa triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. (2024, June 24). Ban tuyên giáo tỉnh Cao Bằng. https://web.archive.org/web/20240724034655/https://tuyengiaocaobang.vn/index.php/tin-trong-tinh/ban-tuyen-giao-huyen-uy-quang-hoa-trien-khai-thuc-hien-hieu-qua-cac-nhiem-vu-tren-mat-tran-tu-tuong-van-hoa-1498.html

[16] 85 năm khai sáng Phật giáo Hòa Hảo: Tín đồ độc lập ở An Giang tiếp tục bị trấn áp. (2024, June 24). RFA. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/authorities-in-an-giang-forbid-followers-of-hoa-hao-buddhist-remark-founding-annyversary-of-establishment-06242024070224.html/ampRFA

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.