‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Trong một bài phát biểu tại Mỹ về con đường sáng tác văn học của mình, nhà văn Mạc Ngôn, người đoạt giải Nobel năm 2012 và được nhiều cây viết quốc tế ví như Kafka của Trung Quốc, đã thừa nhận rằng tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng từ chính những trải nghiệm của cá nhân ông tại làng quê tỉnh Sơn Đông. Ở đó có những con người kiên cường và sức chịu đựng đau khổ của họ vượt ngoài khả năng tưởng tượng. [1]
Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Mạc Ngôn - tiểu thuyết "天堂蒜薹之歌" (tạm dịch: “Khúc ca của những cây tỏi Thiên Đường”) đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt với nhan đề “Cây tỏi nổi giận”. Lấy bối cảnh năm 1987, khi cuộc cải cách mở cửa do Đặng Tiểu Bình khởi xướng đã diễn ra gần một thế kỷ, quyển sách bóc trần xã hội đen tối của Trung Quốc khi những con người lao động phải oằn mình sống cuộc đời thấp cổ bé họng dưới chế độ quan liêu. Nói thêm, lúc mới ra đời năm 1988, “Cây tỏi nổi giận" bị nhà chức trách Trung Quốc cấm lưu hành.
***
Với “Cây tỏi nổi giận", độc giả sẽ thấy nhiều vấn đề xã hội Trung Quốc sau mười năm diễn ra cuộc Cách mạng văn hóa (1966 - 1976).
Trước hết, đó là bạo lực tràn lan. Mẹ của Cao Dương là nạn nhân của thời kỳ Cách mạng văn hóa khi bị quy là địa chủ. Cái chết tức tưởi, đau đớn của mẹ luôn ám ảnh Cao Dương cả quãng đời dài. Thậm chí, Cao Dương còn bị lên án là chống phá chính sách vì phản đối cuộc cải cách.
Tác phẩm mở đầu bằng sự kiện cảnh sát địa phương đột nhập và bắt giữ Cao Dương vì tội phá hoại văn phòng cơ quan nhà nước. Cao Dương bị giải đi, để lại người con gái mù khóc lóc chạy theo bố. Nói thêm thì việc công an có thể tùy tiện bắt, đánh và giết người là chuyện xảy ra thường trong suốt tiểu thuyết; sẽ có nhiều trang viết ám ảnh độc giả khi cảnh sát hả hê tra tấn người già lẫn trẻ em.
Trước cuộc cải cách, người nông dân bán hết tỏi cho khách hàng độc quyền: nhà nước. Nhưng với chính sách kinh tế mới, những người lao động chân chất phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường. Đây chính là sự kiện diễn ra xuyên suốt tác phẩm khi dân nghe lời chính quyền trồng tỏi, để rồi tới mùa thu hoạch thì không bán được và chứng kiến sản phẩm mình làm ra bị hỏng dần. Trong khi đó, quan chức ra sức tham nhũng, lạm quyền và sẵn sàng đàn áp nông dân nào kháng cự hay không chi tiền cho họ.
Thứ hai, xã hội trọng nam khinh nữ. Kể từ khi Đảng Cộng sản nắm quyền tại Trung Quốc vào năm 1949, cưỡng ép hôn nhân là phạm pháp, tuy nhiên, phép vua vẫn thua lệ làng. Gia đình Cô Tư chỉ tập trung lo cho đứa con trai và sẵn sàng gả Kim Cúc để gán nợ, mặc dù biết Kim Cúc và Cao Mã yêu nhau tha thiết.
Ngay cả khi khẩu hiệu nam nữ bình đẳng có từ khi đảng cầm quyền, thì vấn đề bạo lực gia đình vẫn tồn tại. Trong “Cây tỏi nổi giận", thấy rằng người dân quan niệm việc phụ nữ bị gia đình bố mẹ đẻ hay gia đình nhà chồng bạo hành là chuyện bình thường và có thể chấp nhận được, còn phụ nữ đánh lại gia đình nhà chồng mới là dấu hiệu báo động của xã hội.
Cùng với đó, xã hội bấy giờ vẫn tồn tại câu chuyện ưu tiên sinh con trai. Một câu nói chua xót của người nông dân trong truyện: người ta nuôi chó, thấy chó đẻ con cái thì mừng, nhưng người đẻ con gái lại buồn. Và hậu quả của điều này là có nhiều gia đình nông thôn nạo phá thai nhi là con gái.
Thứ ba, người đọc thấy một xã hội mà ở đó con người sẵn sàng bán lương tâm cho đồng tiền khi người ta có thể lấy nước lã và cả thuốc trừ sâu cho vào rượu để đãi khách. Hay là thấy được một nhà nước lạm quyền, tham nhũng, ức hiếp dân chúng. Trong truyện, rất nhiều lần Mạc Ngôn đã miêu tả những giọt nước mắt của người nông dân, vì quá đói nghèo và bị những kẻ có tiền, quyền chà đạp. Mạc Ngôn viết: huyện Thiên Đường đầy mùi tỏi, tiếng khóc, màu máu.
Nhưng dù bị chà đạp đến đâu, và dù có bị quy là chống phá nhà nước, những người nông dân sống bằng nghề trồng tỏi vẫn luôn đấu tranh chống lại áp bức trong khả năng của mình. Trong khi đó, tai họa của quan chức gây ra cho dân vẫn rõ mười mươi nhưng chính quyền trung ương vẫn nhắm mắt làm ngơ. Những lãnh đạo cấp cao hơn kết luận rằng: sự kiện ngồng tỏi xảy ra giữa lúc công cuộc cải cách nông thôn phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải xác định vững chắc quan niệm kinh tế hàng hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cho các cán bộ quan liêu sửa sai bằng cách nghiêm chỉnh học tập đường lối, phương pháp chính sách của đảng.
Cốt truyện của tiểu thuyết "Cây tỏi nổi giận" không theo một trình tự thời gian nhất định. Qua các trang viết, đời sống của người nông dân trồng tỏi xen cài giữa quá khứ đau thương, thực tại khốc liệt và một tương lai vô cùng bất định.
Do đó, “Cây tỏi nổi giận" xem ra vẫn là một cuốn sách khó đọc. Thế nhưng, chắc chắn độc giả sẽ không thấy hoài phí thời gian khi đọc tiểu thuyết này, vì những giá trị hiện thực mà tác phẩm phản ánh vẫn còn nguyên cho tới ngày nay.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.