‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Trước hay sau giờ lâm chung của một nhà lãnh đạo, nhất là một nhà lãnh đạo mạnh, người ta sẽ không ngừng nói về di sản của người đó. Với Nguyễn Phú Trọng, di sản đó thường được cho là chiếc lò và công cuộc “đốt lò”, tức là chống tham nhũng. [1]
Nhưng chống tham nhũng không phải là di sản duy nhất, và có khi còn chẳng phải là di sản lớn nhất của ông.
Như quá nhiều người đã nói và đã phân tích, cuộc chiến chống tham nhũng mang màu sắc thanh trừng nội bộ và tranh giành quyền lực trong Đảng Cộng sản hơn là thực tâm làm trong sạch bộ máy công quyền. Kết quả của cuộc chiến đó, chẳng đáng tiếc mà cũng chẳng đáng ngạc nhiên, chỉ là những chiếc ghế to ghế bé gãy sấp gãy ngửa, chứ không phải là một cơ chế chống tham nhũng dù là què quặt.
Cái lò của ông Nguyễn Phú Trọng không tự cháy. Nó chỉ cháy chừng nào ông còn quạt. Ông buông quạt thì nó hết cháy. Ông chết đi, các đồng chí của ông sẽ chôn luôn cái lò với tất cả lòng hoan hỉ của mình.
Nhưng đó vẫn chưa phải là điều tệ nhất. Không những ông không tạo ra được một cơ chế chống tham nhũng, mà ông còn thủ tiêu những thiết chế hay trật tự chính trị cần thiết cho một cơ chế chống tham nhũng hiệu quả.
Đầu tiên, ông tập trung quyền lực về lại các ban đảng, nhất là Bộ Chính trị, và về cá nhân ông. Kể từ năm 2016, sau Đại hội Đảng lần thứ 12, Quốc hội đã mất hẳn vị trí ít nhiều có tác dụng giám sát mà họ có được trong một thời gian ngắn từ đầu những năm 2000. Không ai còn nghe thấy những tiếng nói phản biện và chất vấn chất lượng, đôi khi gay gắt của các đại biểu Quốc hội như Nguyễn Minh Thuyết và Dương Trung Quốc nữa. Không khí nghị trường sôi sục của những năm 2015 trở về trước đã tắt ngấm. Một vài đại biểu tích cực như Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân cũng đã bị bỏ tù. [2] Quốc hội trở về với địa vị thằng hầu con ở, bảo gì nghe nấy, sai gì làm nấy, rối rít vâng dạ như thể sợ “cụ Tổng” không cảm nhận hết được lòng tận trung của mình.
Kế đến, ông Nguyễn Phú Trọng thẳng tay đàn áp các tổ chức xã hội dân sự vốn thường lên tiếng về nạn tham nhũng và hiệu quả thực thi chính sách. Không những chỉ là xã hội dân sự “phản động”, mà cả xã hội dân sự “chính thống” cũng không thoát khỏi tay ông.
Nở rộ vào đầu những năm 2010 với những Câu lạc bộ No-U, Diễn đàn Xã hội Dân sự, GreenTrees, Hội Anh em Dân chủ, Nhà xuất bản Tự Do, nhưng cho tới cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông vào năm 2020, phong trào xã hội dân sự độc lập coi như đã cáo chung. [3] Đại dịch COVID-19 chỉ thay ông kết liễu phong trào đó bằng nhát cuốc sau cùng.
Nhưng ông vẫn còn một nhát cuốc nữa để bổ vào: phong trào xã hội dân sự của các tổ chức chính thống - vốn xưa nay chưa bao giờ bị đụng đến. Kết quả là hàng loạt các nhà lãnh đạo nổi bật như Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Hoàng Thị Minh Hồng lần lượt xộ khám, đồng thời đặt dấu chấm hết cho một thời kỳ sôi động của giới xã hội dân sự có đăng ký. [4]
Điều còn lại Nguyễn Phú Trọng cần làm là thủ tiêu nốt báo chí và không gian ngôn luận dân sự. Và ông đã làm điều đó một cách không thể xuất sắc hơn, biến nó thành di sản lớn nhất và có hậu quả nặng nề nhất trong toàn bộ sự nghiệp của ông.
Tôi hiểu bạn đang nghĩ gì. Phải, ông Trọng không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm. Cơ chế lãnh đạo tập thể của Đảng Cộng sản không để cho ai độc tôn ra quyết định. Nhưng với tư cách là người đứng đầu, lại đứng đầu tới 2,5 nhiệm kỳ, cộng thêm những phát ngôn thù địch với tự do ngôn luận và xã hội dân sự của ông, không có lý do gì để nghi ngờ ông Trọng đóng vai trò lớn nhất và là một vai trò chủ động trong công cuộc đàn áp này.
Trong một cuộc họp với Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2018, ông Trọng tỏ ra không hài lòng với công tác quản lý báo chí và Internet, cho rằng công tác tuyên truyền và kiểm soát thông tin còn yếu. [5] Ông nhấn mạnh phải lưu ý tới tác động của mạng xã hội và Internet tới xã hội, đẩy mạnh quy hoạch báo chí, nhằm mục tiêu phản bác các luận điệu sai trái của các “thế lực thù địch”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, nâng cao chất lượng tuyên truyền.
Giới báo chí nhà nước và giới quan sát những năm gần đây có nhiều người hoài vọng về một thời được gọi là “thời kỳ hoàng kim”, kéo dài từ năm 2000 cho tới khoảng muộn nhất là 2015. [6] [7] Hiển nhiên, những ai khắt khe hơn có thể không gọi đó là vàng hay bạc gì cả, nhưng ở đây tạm gọi đó là một thời kỳ báo chí nhà nước đóng được vai trò phản biện và giám sát nhất định đối với quyền lực nhà nước.
Đó là thời kỳ báo chí nhà nước thương mại hóa, hiện đại hóa, và tư nhân hóa. Quá trình thương mại hóa đã diễn ra từ cuối thập niên 80 khi nền kinh tế bao cấp không còn đủ tiền chi trả cho mấy trăm cơ quan báo chí nữa. [8] Quá trình Đổi Mới sau đó tạo cơ chế cho báo chí nhà nước đi tìm kiếm doanh thu từ hai nguồn khác: bán báo cho độc giả và bán quảng cáo cho doanh nghiệp. Vậy là thay vì thuần túy đóng vai trò tuyên truyền cho đảng, giờ đây họ có một đối tượng phục vụ mới: độc giả. Điều đó có nghĩa là phải viết những gì độc giả quan tâm, dù vẫn còn đeo nặng vòng kim cô kiểm duyệt trên đầu. Các tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, hay Đài Truyền hình Việt Nam đã phất lên từ đây.