4 tỉnh phía Bắc ra sức triệt đường hoạt động của nhiều tôn giáo

4 tỉnh phía Bắc ra sức triệt đường hoạt động của nhiều tôn giáo
Đồ họa: Đ.T/ Luật Khoa.

Bản tin tôn giáo tháng 7/2024 có nhiều thông tin đáng chú ý: Mỹ cho biết có 11 tín đồ Kitô giáo tại Việt Nam đã bị cầm tù và đến nay không rõ họ bị giam ở đâu; 4 tỉnh phía Bắc ra sức xóa bỏ nhiều tôn giáo trên địa bàn, v.v. 

Dời thời gian ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo

Theo báo Lao Động, Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ về việc cho phép điều chỉnh thời gian ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo sang năm 2025. [1] Lý do, có nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt các chức sắc, chức việc, nhà tu hành sẽ ảnh hưởng đến chính sách tôn giáo nói chung và tạo ra dư luận xấu trong xã hội, do đó cần thêm thời gian hoàn thiện dự thảo này.

Mặc dù Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua vào năm 2016 và Nghị định số 95 hướng dẫn luật này đã có hiệu lực, thế nhưng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo vẫn đang gặp nhiều ý kiến trái chiều.

Trước đó vào tháng 1/2024, Bộ Nội vụ đã ra thông báo về việc chưa thông qua quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo do e ngại tạo ra dư luận xấu trong xã hội. [2]

Đạo Nhân Quả bị coi là "đội lốt tôn giáo"

Vào ngày 31/7, tác giả của một bài viết trên báo Công Thương cho biết đạo Nhân Quả là tổ chức đội lốt tôn giáo và hoạt động bất hợp pháp. [3] Cụ thể, theo nội dung trong bài, các tín đồ của đạo này thực hành theo phái Khất Sĩ nhưng y phục giống tăng sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các tín đồ cũng không có địa điểm sinh hoạt cụ thể, chỉ hoạt động online.

Chính quyền thu giữ tài liệu về đạo Nhân Quả. Ảnh: Báo Công Thương.

Đạo Nhân Quả xuất hiện cách đây vài năm tại một số tỉnh miền Trung, với chủ trương đem lòng yêu thương dành cho mọi người, không phân biệt tôn giáo và có mục đích hòa hợp đạo Chúa và đạo Phật.

Cũng giống như các tôn giáo không được công nhận khác, cơ quan chức năng tìm cách ngăn cản hoạt động của các tín đồ theo đạo Nhân Quả. Gần đây nhất, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh ngăn chặn hoạt động của các tín đồ, thu giữ hàng trăm cuốn sách tuyên truyền về đạo này. [4]

Lai Châu: Không còn tín đồ theo đạo Bà Cô Dợ, Giê Sùa và Ân điển cứu rỗi

Theo tạp chí Xây Dựng Đảng đưa tin hồi cuối tháng 7, đến nay trên toàn tỉnh Lai Châu không còn tín đồ theo đạo Bà Cô Dợ, Giê Sùa và Ân điển cứu rỗi. [5] Trước đó, tỉnh này có 1.296 tín đồ, bao gồm 763 tín đồ theo đạo Ân điển cứu rỗi, 395 tín đồ theo đạo Bà Cô Dợ và 138 tín đồ theo đạo Giê Sùa.

Chính quyền vận động người dân không theo các tôn giáo chưa được công nhận. Ảnh: Tạp chí Tuyên Giáo.

Những đạo này bị chính quyền cáo buộc là tà đạo, mê tín dị đoan, hoang đường, lợi dụng giáo lý chính thống, tuyên truyền, lôi kéo người dân thành lập nhà nước riêng, vi phạm pháp luật cũng như gây chia rẽ chính sách đoàn kết.

Yên Bái: Xóa bỏ đạo Giê Sùa

Báo Lao Động cho biết tỉnh Yên Bái đã xóa bỏ thành công đạo Giê Sùa. Đến nay trên địa bàn tỉnh không còn tín đồ theo đạo này. [6]

Chính quyền tuyên truyền người dân không theo các tổ chức tôn giáo chưa được công nhận. Ảnh: Báo Lao Động.

Trước đó vào năm 2021, tỉnh Yên Bái phát hiện 40 tín đồ thuộc sắc tộc H'Mông tại huyện Văn Chấn và Trạm Tấu sinh hoạt đạo Giê Sùa qua mạng. Sau một thời gian được vận động và tuyên truyền, các tín đồ theo đạo Giê Sùa đã ký cam kết từ bỏ đạo.

Đạo Giê Sùa là một trong những tôn giáo bị đàn áp nặng nề nhất ở khu vực Bắc bộ. Nhà nước cho rằng hoạt động của đạo Giê Sùa mang yếu tố chính trị, phản động. Ngoài ra, Hội thánh Đức Chúa Trời đang hoạt động tại tỉnh này cũng bị ngăn cản sinh hoạt.

Thái Nguyên: Xóa bỏ đạo Ân điển cứu rỗi

Hồi đầu tháng 7, chính quyền tỉnh Thái Nguyên cho biết đã xóa bỏ thành công đạo Ân điển cứu rỗi trên toàn tỉnh. [7] Được biết tỉnh này có 48 tín đồ theo đạo Ân điển cứu rỗi và đến nay họ đã ký cam kết từ bỏ đạo này.

Một tín đồ sau khi ký cam kết từ bỏ đạo Ân điển cứu rỗi đã được chính quyền hướng dẫn tham gia tổ chức tôn giáo được công nhận. Ảnh: CAND.

Đạo Ân điển cứu rỗi bị cơ quan chức năng liệt vào danh sách tà đạo, gây chia rẽ với các tổ chức, hệ phái Tin Lành được công nhận.

Đạo này còn có tên gọi khác là Ân điển đời đời hay Sự cứu rỗi đời đời. Đây là một tôn giáo mới theo hệ phái Cơ Đốc giáo, có trụ sở tại Hàn Quốc và được mục sư Ock Soo Park thành lập vào năm 1971. [8]

Lào Cai: Xóa bỏ hoàn toàn đạo Bà Cô Dợ và Dương Văn Mình

Vào ngày 12/7, chính quyền tỉnh Lào Cai cũng phát thông báo không còn tín đồ nào theo đạo Bà Cô Dợ và Dương Văn Mình ở địa phương. [9]

Đến nay, chính quyền luôn cáo buộc đạo Bà Cô Dợ và Dương Văn Mình đã lợi dụng niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng của các tín đồ để phát triển lực lượng, tuyên truyền các nội dung chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, kêu gọi thành lập nhà nước riêng.

ICC: 11 tù nhân Kitô giáo ở Việt Nam mất tích

Vào ngày 5/7, tổ chức International Christian Concern (ICC, Mỹ) cho biết có 11 tín đồ Kitô giáo tại Việt Nam đã bị cầm tù, bao gồm 6 người theo Tin Lành và 5 người theo Công giáo. Các tín đồ bị truy tố và kết án từ năm 2011 đến năm 2016 với mức phạt tổng cộng hơn 90 năm tù giam. [10]

Theo ICC, 11 tín đồ Kitô giáo này là những người theo sắc tộc Degar, hay được gọi là người Thượng, sinh sống ở Tây Nguyên. Đến nay chưa rõ họ đang bị giam giữ ở đâu.

Một tín đồ theo Tin Lành độc lập bị kết án 8 năm tù giam tại Gia Lai vào tháng 10/2023. Ảnh: Báo Gia Lai Online.

Trước đó vào tháng 6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2023 về Việt Nam. Theo báo cáo này, Việt Nam đã xâm hại, đe dọa, sách nhiễu các tín đồ thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. [11] Hồi cuối năm 2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken đã tuyên bố Việt Nam nằm trong Danh sách Theo dõi đặc biệt (Special Watch List - SWL) của Mỹ về tự do tôn giáo. [12]

Đọc thêm:

Địa chính trị và tôn giáo ở Việt Nam
Phức tạp và bị trói buộc.

Chú thích

[1] Bộ Nội vụ nói về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực tôn giáo. (2024, July 29). Báo Lao Động. https://web.archive.org/web/20240809133522/https://laodong.vn/thoi-su/bo-noi-vu-noi-ve-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-linh-vuc-ton-giao-1372680.ldo

[2] Vì sao chưa có nghị định xử phạt vi phạm lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo?. (2024, January 1). Báo Dân Trí. https://web.archive.org/web/20240103134840/https://dantri.com.vn/xa-hoi/vi-sao-chua-co-nghi-dinh-xu-phat-vi-pham-linh-vuc-tin-nguong-ton-giao-20240103195807863.htm

[3] Cảnh giác với các tà đạo và tổ chức bất hợp pháp đội lốt tôn giáo. (2024, July 31). Báo Công Thương. https://web.archive.org/web/20240814222519/https://congthuong.vn/canh-giac-voi-cac-ta-dao-va-to-chuc-bat-hop-phap-doi-lot-ton-giao-336061.html

[4] Thu nhiều sách truyền đạo trái phép từ nhóm người theo Thích Minh Tuệ. (2024, June 2). Báo Công Thương. https://web.archive.org/web/20240814223142/https://congthuong.vn/thu-nhieu-sach-truyen-dao-trai-phep-tu-nhom-nguoi-theo-thich-minh-tue-323831.html

[5] Hỗ trợ đồng bào Mông theo tà đạo tái hòa nhập cộng đồng. (2024, July 27). Tạp chí Xây Dựng Đảng. https://web.archive.org/web/20240809093536/https://xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/ho-tro-dong-bao-mong-theo-ta-dao-tai-hoa-nhap-cong-dong-21314

[6] Ngăn chặn sự thâm nhập của tà đạo ở vùng cao Yên Bái. (2024, July 12). Báo Lao Động. https://web.archive.org/web/20240713013514/https://laodong.vn/phap-luat/ngan-chan-su-tham-nhap-cua-ta-dao-o-vung-cao-yen-bai-1364984.ldo

[7] Vạch trần bản chất tổ chức "Ân điển cứu rỗi" (Bài cuối). (2024, July 1). Báo Công An Nhân Dân. https://web.archive.org/web/20240701045433/https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/vach-tran-ban-chat-to-chuc-an-dien-cuu-roi-bai-cuoi--i736026/

[8] Kiên quyết đấu tranh, xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp 'Ân điển cứu rỗi'. (2023, April 14). VTC NEWS. https://web.archive.org/web/20240817223704/https://vtcnews.vn/kien-quyet-dau-tranh-xoa-bo-to-chuc-bat-hop-phap-an-dien-cuu-roi-ar765333.html

[9] Lực lượng An ninh nhân dân Công an tỉnh Lào Cai: Phát huy truyền thống anh hùng góp phần đảm bảo an ninh Lào Cai trong tình hình mới. (2024, July 12). Công An Tỉnh Lào Cai. https://web.archive.org/web/20240818154432/https://congan.laocai.gov.vn/hoat-dong-cua-cong-an-tinh/luc-luong-an-ninh-nhan-dan-cong-an-tinh-lao-cai-phat-huy-truyen-thong-anh-hung-gop-phan-dam-bao--1277008

[10] 11 Imprisoned Vietnamese Christians Missing. (2024, July 5). International Christian Concern. https://www.persecution.org/2024/07/05/11-imprisoned-vietnamese-christians-missing/

[11] Annual Report of The U.S. Commission on International Religious Freedom. (2024, April). UNITED STATES COMMISSION ON INTERNATIONAL RELIGIOUS FREEDOM. https://www.state.gov/wp-content/uploads/2024/04/547499-VIETNAM-2023-INTERNATIONAL-RELIGIOUS-FREEDOM-REPORT.pdf

[12] Religious Freedom Designations - Press Statement. (2022, December 2). U.S. Department of State. https://www.state.gov/religious-freedom-designations-2/

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.