‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Vào năm 2022, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã chỉ ra thực trạng gia tăng các vụ kiện chiến lược trên toàn cầu nhằm quấy rối và đe dọa các nhà hoạt động nhân quyền. [1]
Tại châu Á và Đông Nam Á, nơi hệ thống pháp luật còn đang phát triển và thường bị các nhà cầm quyền độc tài lợi dụng thì những vụ kiện này còn làm tổn hại nghiêm trọng đến quyền tự do ngôn luận.
Người ta gọi nó là SLAPP - cái tát vào công lý.
***
SLAPP là từ viết tắt của "Strategic Lawsuits Against Public Participation" (tạm dịch: "Các vụ kiện chiến lược nhằm chống lại sự tham gia của công chúng"). Đây là một xu hướng mà các cá nhân hoặc tổ chức có quyền lực sử dụng pháp luật (dân sự hoặc hình sự), đặc biệt là các quy định về phỉ báng và xúc phạm danh dự, để đe dọa nhà báo, người bất đồng chính kiến và các nhà bảo vệ nhân quyền.
Thuật ngữ SLAPP được Giáo sư George W. Pring và Penelope Canan đưa ra vào thập niên 1980 trong cuốn sách của họ “SLAPPs: Getting Sued for Speaking Out” (tạm dịch: "Bị kiện vì nói lên sự thật"), nghiên cứu các vụ kiện đối với các tổ chức phi chính phủ và hội đoàn tại Mỹ. [2]
Mặc dù vậy, hiện tượng này đã có trước khi thuật ngữ ra đời và ở nhiều nơi trên thế giới, gồm Việt Nam, thuật ngữ này vẫn chưa được quy định trong bộ luật.
Tùy từng môi trường pháp lý mà SLAPP có điều kiện xảy ra hay không. SLAPP phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí pháp lý, các điều luật bảo vệ tự do ngôn luận (đặc biệt là về phỉ báng) và các biện pháp bảo vệ hiện hành (như các quy định chống SLAPP hoặc các quyết định về chi phí đối với lạm dụng quy trình).
Tại châu Âu, Quốc hội và Hội đồng Liên minh châu Âu đã đề xuất một chương trình chỉ thị chống SLAPP, nhằm bảo vệ các nhà báo khỏi các vụ kiện lạm dụng và kêu gọi các quốc gia thành viên đưa nó vào luật của quốc gia.
Tại Đông Nam Á, tổ chức Business and Human Rights Resource Center đã ghi nhận 127 trường hợp SLAPP đối với các nhà hoạt động nhân quyền từ năm 2015 đến 2019, thậm chí có trường hợp xuất phát từ một bài viết rất nhỏ được đăng trên mạng xã hội. [3]
Ở khu vực Đông Nam Á, chỉ có ba quốc gia là Indonesia, Philippines và Thái Lan đã có quy định liên quan tới SLAPP.
Cụ thể, tại Philippines, Luật Thủ tục Tòa án Tối cao đã được sửa đổi vào năm 2010 để giải quyết sớm các vụ kiện SLAPP đối với nhà hoạt động môi trường và nhà báo đưa tin về chủ đề này. Hay ở Thái Lan, Đạo luật Tố tụng Hình sự đã được sửa đổi vào năm 2019 để yêu cầu giải quyết sớm các vụ kiện hình sự tư nhân nhằm quấy rối hoặc lợi dụng bị cáo. [4]
Người khởi kiện (nguyên đơn) thường giàu có và dễ dàng chi trả chi phí kiện cáo mà không quan tâm đến kết quả. Họ không quan tâm thắng hay không. Thực tế, mục đích của các vụ kiện này thường không phải để bảo vệ quyền lợi, mà để trả đũa hoặc làm nhụt chí các nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ.
Trái lại, bị đơn phải tốn rất nhiều chi phí để tự bảo vệ bản thân. Họ bị kiệt quệ về tinh thần, tài chính và thời gian. Các vụ kiện SLAPP thường dựa trên yêu cầu không có căn cứ, vụn vặt hoặc phóng đại nhằm gây áp lực lên nhà báo hoặc nhà hoạt động nhân quyền thay vì thực sự bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn.
Để đối phó với SLAPP, ở nhiều nước trên thế giới đã cải cách pháp lý và thiết lập các quy định ngăn chặn SLAPP ngay từ đầu, vì nếu luật pháp không có khái niệm SLAPP hoặc còn mơ hồ thì nó sẽ tạo điều kiện cho SLAPP phát triển.
Bên cạnh đó, nhiều học giả cũng cho rằng luật sư và truyền thông cần đoàn kết để phơi bày bất công và đấu tranh cho công lý. Luật sư không nên tham gia trợ giúp cho nguyên đơn. Các nhà đầu tư cũng cần kiểm tra các công ty đã khởi kiện SLAPP hay chưa. Tuy nhiên, cần lưu rằng nếu báo chí hay các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp không có sự độc lập thì những biện pháp này sẽ khó thực hiện.
Mặc dù hiện nay trên thế giới đã có những tiến bộ trong việc xây dựng khung pháp lý chống lại SLAPP nhưng vẫn còn thiếu các khung pháp lý đủ mạnh cho những nhà hoạt động nhân quyền. Việc đẩy lùi và ngăn chặn SLAPP đòi hỏi cải cách pháp luật và phát triển tự do ngôn luận.
[1] UN experts concerned by systematic use of SLAPP cases against human rights defenders by businesses. (n.d.). OHCHR. https://www.ohchr.org/en/press-releases/2022/12/un-experts-concerned-systematic-use-slapp-cases-against-human-rights
[2] SLAPPs’ 5 W’s: a background of the Strategic Lawsuits Against Public Participation - Global Freedom of Expression. (2018, July 12). Global Freedom of Expression. https://globalfreedomofexpression.columbia.edu/publications/slapps-5-ws-background-strategic-lawsuits-public-participation/
[3] Defending Defenders: Challenging Malicious Lawsuits in Southeast Asia. (n.d.). Retrieved August 29, 2024, from https://media.business-humanrights.org/media/documents/files/documents/2020_CLA_Annual_Briefing_SLAPPs_SEA_FINAL.pdf
[4] Noorlander, P. (2022). Fighting SLAPPs: What Can Media, Lawyers, and Funders Do? https://globalfreedomofexpression.columbia.edu/wp-content/uploads/2023/08/CIMA-Resisting-SLAPPs_web_150ppi.pdf
[5] Xem [3]